Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn sơ cứu rối loạn tiền đình đúng cách

13/06/2022
Kích thước chữ

Rối loạn tiền đình là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Biết cách sơ cứu rối loạn tiền đình tại nhà sẽ giúp nạn nhân vượt qua cơn nguy kịch, tránh dẫn đến những biến chứng không mong muốn. Tham khảo ngay bài viết này để được hướng dẫn chi tiết cách sơ cứu bệnh nhân rối loạn tiền đình ngay tại nhà nhé!

Chóng mặt xoay tròn, mất thăng bằng đột ngột đây chính là những biểu hiện của căn bệnh rối loạn tiền đình. Tình trạng này không những gây khó khăn trong sinh hoạt mà còn tăng nguy cơ té ngã, chấn thương. Khi nhận thấy người xung quanh bị buồn nôn hoặc nôn dữ dội, mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, bạn cần thực hiện sơ cứu rối loạn tiền đình cấp để tránh một số tai nạn không đáng có.

Rối loạn tiền đình là gì?

Rối loạn tiền đình được đánh giá là hội chứng tương đối phổ biến. Căn bệnh này không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải rối loạn tiền đình. Nguyên nhân của rối loạn tiền đình có thể là do rối loạn cơ quan tiền đình ngoại biên, nhiễm trùng não, chấn thương, xuất huyết não, u não… Ngoài ra, tuổi tác, mất máu quá nhiều, căng thẳng, lạm dụng chất kích thích cũng là những yếu tố dẫn đến rối loạn tiền đình.

Hướng dẫn sơ cứu rối loạn tiền đình đúng cách 1 Người trên 40 tuổi có nguy cơ cao bị mắc hội chứng rối loạn tiền đình

Những dấu hiệu phổ biến của triệu chứng này bao gồm:

  • Chóng mặt.
  • Hoa mắt.
  • Không cân bằng trong quá trình vận động.
  • Luôn cảm giác cơ thể chòng chành, muốn ngã.

Nếu mắc bệnh mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi hoặc nhắm mắt thì sẽ hết ngay. Tuy nhiên, nếu bệnh ở thể nặng đi kèm triệu chứng toát mồ hôi, chóng mặt thì người bệnh có thể ngất tại chỗ.

Sơ cứu rối loạn tiền đình đúng cách

Rối loạn tiền đình diễn biến phức tạp sẽ khiến người bệnh bị choáng váng, chóng mặt, đổ mồ hôi, buồn nôn, ngất xỉu. Ngay khi phát hiện người xung quanh xuất hiện các biểu hiện này, bạn cần nhanh chóng thực hiện các bước sơ cứu rối loạn tiền đình với các bước chi tiết sau:

  • Nếu bệnh nhân đang làm việc nguy hiểm hoặc đang điều khiển phương tiện giao thông di chuyển thì cần dừng lại ngay lập tức.
  • Đưa người bệnh đến nơi yên tĩnh, thoáng mát, nhiều cây xanh, không có tiếng ồn.
  • Đặt họ nằm ngửa, nằm nghiêng sao cho thoải mái nhất.
  • Để bệnh nhân nằm yên và nghỉ ngơi hoàn toàn, hạn chế thay đổi tư thế thường xuyên.
  • Tránh ánh sáng mạnh như ánh đèn, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào mặt vì chúng sẽ gây tăng triệu chứng choáng váng, chóng mặt.
  • Cho người bệnh uống nước hoặc chất điện giải oresol. Trường hợp họ buồn nôn thì hãy để họ nôn xong rồi bù nước và chất điện giải.
  • Xen kẽ bổ sung nước ấm và sữa đặc ấm để tăng lượng đường huyết, ngăn ngừa tình trạng kiệt sức.
  • Kết hợp xoa bóp vùng thái dương và trán với dầu khuynh diệp nhằm làm dịu cảm giác chóng mặt, đau đầu.
  • Sau một thời gian nằm nghỉ, nếu người bệnh vẫn mệt mỏi, khó chịu thì hãy đưa họ đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt để được thăm khám, chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời.
Hướng dẫn sơ cứu rối loạn tiền đình đúng cách 2 Xoa bóp vùng thái dương là một cách sơ cứu rối loạn tiền đình

Nhìn chung, những bước sơ cứu rối loạn tiền đình nói trên chỉ mang tính chất tạm thời. Để triệu chứng được cải thiện triệt để, bạn hãy khuyến khích bệnh nhân thực hiện các phương pháp chữa bệnh lâu dài.

Cách điều trị lâu dài cho người rối loạn tiền đình

Hội chứng rối loạn tiền đình dễ xảy ra với người làm việc văn phòng và những người ngồi nhiều trong máy lạnh, thường xuyên tiếp xúc máy tính. Tuy không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng tình trạng này khiến chất lượng cuộc sống và thể chất, tinh thần của người bệnh bị tác động khá nhiều.

Về lâu dài, bệnh nhân hãy chủ động phòng ngừa các triệu chứng bằng cách thường xuyên tập luyện những bài tập toàn thân như:

  • Tập đầu: Thực hiện ngửa đầu ra sau, cúi đầu, nghiêng đầu sang phải và trái hết cỡ. Kế tiếp, bạn hãy xoay tròn đầu theo hình chữ O từ 10 - 15 lần. Bài tập này sẽ giúp hạn chế đau mắt, cải thiện nhức mỏi, kích thích máu tuần hoàn, xoa dịu căng thẳng.
  • Tập cổ: Nằm ngửa trên giường, một tay giữ ở đỉnh đầu, một tay giữ ở dưới cằm. Thả lỏng cổ, vặn cằm nhẹ nhàng về bên trái rồi chuyển sang bên phải. Tiếp theo, bạn lồng các ngón tay vào nhau, đặt sau gáy, nâng đầu sao cho cằm gập về phía trước ngực. Lặp lại động tác 10 lần.
  • Xoa mặt, mắt, tay: Chà xát mạnh hai bàn tay vào nhau cho nóng, sau đó xoa đều tay vào mặt, hốc mắt và tai để các nút thần kinh ở những vị trí này được tác động. Thực hiện liên tục khoảng 10 lần.
Hướng dẫn sơ cứu rối loạn tiền đình đúng cách Xoa mắt giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiền đình

Cách chăm sóc bệnh nhân bị rối loạn tiền đình

Để đẩy lùi bệnh lý rối loạn tiền đình, bạn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, có lối sống khoa học.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Người bệnh hãy thiết lập khẩu phần ăn uống đầy đủ với:

  • Nhóm thực phẩm giàu axit folic, chất xơ, vitamin nhóm B, vitamin C có nhiều trong rau củ quả, ngũ cốc, các loại đậu, các loại hạt, cá.
  • Hạn chế ăn mỡ động vật.
  • Uống từ 1.5 đến 2l nước mỗi ngày để quá trình trao đổi chất diễn ra hiệu quả.
  • Kiêng cữ trà đặc, cà phê, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá để tránh gây tắc nghẽn mạch máu khiến triệu chứng đau đầu, chóng mặt thêm trầm trọng.

Lối sống khoa học

Bệnh nhân rối loạn tiền đình hãy chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như:

  • Tránh thức khuya sau 10 giờ.
  • Ngủ đúng giờ, đủ 8 tiếng mỗi ngày.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
  • Thiết lập lịch trình làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức.
  • Hạn chế căng thẳng, stress để bệnh không chuyển biến nặng. Duy trì tâm lý vui vẻ, thoải mái, tránh căng thẳng, không nên ngồi một chỗ quá lâu.
  • Ngâm chân với thảo dược và nước ấm để thải độc cơ thể, nâng cao chất lượng giấc ngủ, điều hòa khí huyết, phòng ngừa bệnh tật.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời, phòng ngừa những biến chứng nặng như tai biến mạch máu não, u não.
Hướng dẫn sơ cứu rối loạn tiền đình đúng cách 4 Bệnh nhân rối loạn tiền đình cần hạn chế căng thẳng

Mong rằng hướng dẫn chi tiết cách sơ cứu rối loạn tiền đình tại nhà trên đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích. Ngoài ra, bạn hãy xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh để có một cơ thể khỏe mạnh, tránh bệnh rối loạn tiền đình trở nên trầm trọng.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin