Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn sơ cứu trật khớp vai đúng cách

Ngày 30/05/2022
Kích thước chữ

Sơ cứu trật khớp vai không đúng cách, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động về sau.

Trật khớp vai chủ yếu do chấn thương thể thao, té ngã hoặc tai nạn giao thông tác động mạnh đến khớp vai. Vậy làm cách nào để có thể giảm đau và hạn chế những chấn thương nặng hơn khi bị trật khớp vai? Chú ý các bước sơ cứu trật khớp vai dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng và hỗ trợ điều trị bệnh trật khớp vai hiệu quả.

Các triệu chứng của trật khớp vai là gì?

Khi một khớp bị trật ra khỏi vị trí ban đầu, nó có thể gây ra những cơn đau nhẹ hoặc dữ dội. Ngay lập tức, người bị thương cần được sơ cứu nhanh chóng trước khi đến cơ sở y tế.

Khoảng 3 ngày sau khi bị chấn thương, vùng vai bị trật khớp sẽ bị sưng tấy. Lúc này, nước và máu hoạt dịch sẽ tự ngấm vào các dây chằng trong bao khớp, thậm chí có khi tràn ra khoang bao khớp. Kèm theo các triệu chứng phổ biến sau:

  • Đau vai, vùng vai - tay sưng tấy, bầm tím hoặc có cảm giác tê, yếu, dễ thấy khớp rỗng khi chạm vào vai.
  • Giảm phạm vi cử động của khớp vai hoặc không thể cử động khớp vai bị trật khớp.
  • Cố định ở một vị trí, nếu cố di chuyển theo hướng khác sẽ bị đau và sẽ đàn hồi như lò xo.
  • Có những dấu hiệu rõ ràng của vai vuông hoặc đòn rìu, dẫn đến biến dạng vai và cánh tay quay ra ngoài khoảng 40 độ.
  • Nếu trật khớp kèm theo gãy xương bả vai hoặc cổ xương cánh tay có thể dẫn đến liệt hoàn toàn các dây thần kinh cảm giác và vận động ở cánh tay.

Đau vai là một trong những triệu chứng của trật khớp vai

Đau vai là một trong những triệu chứng của trật khớp vai

Cách sơ cứu trật khớp vai

Trước khi đến bệnh viện, cần sơ cứu ngay nếu bị trật khớp vai để tránh những biến chứng về sau:

Dưới đây là các bước sơ cứu cụ thể và chi tiết:

Bước 1: Hạn chế cử động hoặc di chuyển

  • Giữ nguyên tư thế hiện tại: Ngay khi nhận ra mình bị trật khớp vai, điều quan trọng là phải giữ nguyên tư thế hiện tại. Không cố gắng tự điều chỉnh hoặc di chuyển khớp vai về vị trí cũ vì điều này có thể gây tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Tránh vận động mạnh: Mọi cử động lắc, xoay hoặc vận động mạnh đều có thể làm tổn thương thêm khớp, các cơ, dây chằng, dây thần kinh và mạch máu xung quanh khớp vai. Sự tổn thương này không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài như mất chức năng khớp vai hoặc cần phải phẫu thuật.

Bước 2: Cố định khớp vai

  • Sử dụng băng vải hoặc khăn sạch: Dùng băng vải, khăn sạch hoặc bất kỳ vật dụng nào có thể cố định khớp vai ở tư thế hiện tại. Quấn băng qua vai và vòng qua ngực để tạo sự nâng đỡ cho khớp vai.
  • Tạo đai treo cánh tay: Nếu có thể, tạo một đai treo cánh tay để giảm bớt trọng lượng của cánh tay lên khớp vai bị trật. Điều này sẽ giúp giảm đau và ngăn chặn tình trạng tổn thương lan rộng.
  • Kiểm tra sự thoải mái: Đảm bảo băng vải hoặc đai treo không quá chặt gây cản trở tuần hoàn máu, nhưng cũng không quá lỏng khiến khớp không được cố định chắc chắn.

Bước 3: Chườm lạnh

  • Chuẩn bị đá viên hoặc túi nước lạnh: Đặt đá viên vào túi nhựa hoặc sử dụng túi nước lạnh, sau đó bọc ngoài bằng một lớp vải mỏng để tránh tiếp xúc trực tiếp với da, có thể gây bỏng lạnh.
  • Chườm lạnh lên khớp vai: Đặt túi chườm lạnh lên khớp vai bị trật trong khoảng 15-20 phút. Có thể lặp lại sau 1 giờ nếu cần thiết. Việc chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng và làm tê liệt tạm thời các dây thần kinh, giúp giảm đau hiệu quả.
  • Lưu ý quan trọng: Không nên chườm nóng, chườm muối, xoa rượu, xoa bóp bằng mật gấu hoặc sử dụng bất kỳ phương pháp nào khác mà chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Các phương pháp này không chỉ không giảm đau hiệu quả mà còn có thể làm tổn thương thêm các mô mềm và dây thần kinh xung quanh khớp vai.

Bước 4: Đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất

  • Liên hệ với người thân hoặc bạn bè: Nếu có thể, hãy nhờ người thân hoặc bạn bè giúp đỡ trong việc di chuyển đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện. Tránh việc tự mình lái xe hoặc đi lại quá nhiều, vì điều này có thể gây nguy hiểm và làm tình trạng trật khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thông báo tình trạng của bạn: Khi đến bệnh viện, hãy thông báo rõ ràng về tình trạng của bạn, bao gồm cả cách mà khớp vai bị trật và các biện pháp sơ cứu đã thực hiện. Điều này sẽ giúp các bác sĩ có cái nhìn tổng quan và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhanh chóng.
  • Đánh giá và điều trị chuyên môn: Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng khớp vai và có thể yêu cầu chụp X-quang hoặc MRI để xác định mức độ tổn thương. Sau đó, họ sẽ thực hiện các biện pháp điều trị cần thiết như nắn khớp, cố định khớp bằng băng hoặc thậm chí là phẫu thuật nếu cần.

Những lưu ý thêm sau khi sơ cứu và điều trị

  • Chăm sóc tại nhà: Sau khi được điều trị tại bệnh viện, bạn sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà, bao gồm việc tiếp tục chườm lạnh, sử dụng thuốc giảm đau và các bài tập phục hồi chức năng.
  • Tránh tái phát: Để tránh bị trật khớp vai lần nữa, hãy cẩn thận trong các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là những hoạt động đòi hỏi sự vận động mạnh của khớp vai. Tập luyện các bài tập tăng cường cơ bắp và dây chằng xung quanh khớp vai cũng là một cách tốt để phòng ngừa.

Trong trường hợp khớp vai bị trật, việc sơ cứu kịp thời và đúng cách là vô cùng quan trọng để ngăn chặn tình trạng trở nên xấu hơn và giúp quá trình điều trị sau đó được hiệu quả hơn. 

Chăm sóc sau khi điều trị trật khớp vai

Khi bị trật khớp vai, bạn cần hết sức lưu ý những điều sau:

  • Uống thuốc đều đặn và xoa bóp khớp vai theo chỉ định của bác sĩ.
  • Không được tự ý sử dụng thuốc không kê đơn mà không có sự đồng ý của bác sĩ chăm sóc.
  • Sau khi khớp phục hồi không nên vận động gắng sức như tập thể dục ngay mà nên nghỉ ngơi phù hợp. Tránh trường hợp các khớp còn yếu, có thể bị tái thương khi vận động.
  • Vận động nhẹ nhàng khớp vai, chú ý tránh va chạm vào khớp trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Nếu điều trị tại nhà mà thấy các biểu hiện sưng, đau khớp vai lặp đi lặp lại thì bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Cách sơ cứu trật khớp vai

Cách sơ cứu trật khớp vai

Hy vọng bài viết trên đem đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về sơ cứu trật khớp vai. Tình trạng trật khớp vai nếu không được điều trị đúng cách dễ dẫn đến tình trạng trật khớp nhiều lần, biến dạng khớp, yếu cơ và dây chằng. Đặc biệt, người bệnh còn có nguy cơ bị viêm khớp vai, thoái hóa khớp vai gây cản trở sinh hoạt hàng ngày.

Xem thêm:

 

Nguyễn Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin