Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Gãy xương bả vai: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 14/09/2023
Kích thước chữ

Xương bả vai là một trong những xương quan trọng vùng vai, có chức năng quan trọng trong những chuyển động của vai. Xương bả vai gãy không chỉ gây đau đớn ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh. Vậy gãy xương bả vai bao lâu thì lành?

Xương bả vai có nhiệm vụ kết nối cánh tay với xương đòn và thành ngực. Nó cũng chịu trách nhiệm chính đối với các cử động ở vùng vai. Các chấn thương nặng có thể khiến xương bả vai bị gãy gây nhiều đau đớn và bất tiện cho người bệnh. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về gãy xương bả vai - nhận biết và cách điều trị.

Xương bả vai là xương gì?

Xương bả vai có hình tam giác dẹt, nằm trên lưng, ngay dưới xương cổ, nối xương cánh tay với xương đòn và thành ngực. Các vấn đề xảy ra với xương bả vai đều ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày, vì chúng ta sử dụng đôi tay nhiều nhất.

So với các xương khác trên cơ thể, xương bả vai là một xương khá lớn. Ổ khớp vai là một phần của xương bả vai. Quanh xương bả vai có khoảng 17 cơ bao quanh để bảo vệ và tăng cường sức mạnh cùng sự linh hoạt cho xương bả vai. Nhờ nằm hoàn toàn trong cấu trúc cơ phức tạp nên xương bả vai có chuyển động linh hoạt và phức tạp nên có thể giúp phần vai và cánh tay của chúng ta thực hiện được những động tác khó.

gay-xuong-ba-vai-1.jpg
Xương bả vai có kích cỡ khá lớn

Gãy xương bả vai triệu chứng là gì?

Thông thường, xương bả vai vẫn có thể bị đau nhói do rối loạn hệ thần kinh cảm giác, do căng cơ vai hoặc do thoái hóa khớp. Tuy nhiên, nếu cảm giác đau xuất hiện sau va chạm mạnh hay chấn thương, bạn nên nghĩ đến trường hợp gãy xương. Ngoài cảm giác đau thông thường, triệu chứng của gãy xương bả vai thường gồm:

  • Cảm giác đau nhức dữ dội ở vùng bả vai. Nếu cố di chuyển cánh tay, cảm giác đau sẽ tăng lên.
  • Bả vai có dấu hiệu bầm tím bên ngoài và sưng đỏ.
  • Ở bên cánh tay có bả vai bị gãy sẽ có cảm giác gần sát cơ thể hơn bình thường.
  • Người bệnh không thể nâng được cánh tay lên.
  • Người bị gãy xương bả vai cũng có thể bị đau hơn khi hít thở sâu.
  • Quan sát bên vai bị gãy xương bả vai sẽ thấy vai bị dẹt hoặc biến dạng.

Một số trường hợp gãy xương bả vai nặng và người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức sẽ đi kèm các triệu chứng như:

  • Người bệnh có dấu hiệu thở nông.
  • Người bệnh thấy đau bụng.
  • Vai biến dạng kèm cảm giác đau vai dữ dội, đau gia tăng theo thời gian.
  • Cánh tay bên phía xương bả vai bị gãy có tình trạng tê ngứa ran, lực yếu, không thể di chuyển.
gay-xuong-ba-vai-2.jpg
Xương bả vai bị gãy gây cảm giác đau đớn

Nguyên nhân gây gãy xương bả vai

Trên thực tế, xương bả vai và xương đòn vai rất khó bị gãy. Các trường hợp bị gãy xương bả vai chủ yếu đều do chấn thương nghiêm trọng khiến xương bả vai bị tác động cực mạnh. Có đến 80% trường hợp gãy xương bả vai có liên quan đến các chấn thương nặng ở vai, thành ngực và phổi. Có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến nhất khiến xương bả vai bị gãy như:

  • Tai nạn khi tham gia giao thông.
  • Bị té ngã mạnh và vùng bả vai bị tác động lực quá mạnh.
  • Bị ngã khi tay đang ở tư thế duỗi thẳng.
  • Bị tác động một lực cực mạnh vào vùng bả vai.

Nếu gãy xương bả vai không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng như: Lệch xương bả vai, hoạt động của cánh tay và cử động vùng vai bị ảnh hưởng lâu dài,… Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, xương bả vai gãy vẫn có thể lành lại nhưng chúng không thể trở về đúng bị trí như ban đầu. Ngay khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ gãy xương bả vai, người bệnh cần đi khám bác sĩ sớm nhất có thể.

Gãy xương bả vai bao lâu thì lành?

Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi gãy xương bả vai bao lâu thì lành. Thời gian phục hồi xương bả vai sau khi gãy phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tình trạng sức khỏe của người bệnh, mức độ gãy và dập của xương bả vai, thời điểm điều trị và phương pháp điều trị. Thông thường, hầu hết các trường hợp gãy xương bả vai có thể phục hồi sau khoảng 6 tháng đến 1 năm.

Một số trường hợp điều trị muộn dẫn đến các biến chứng có thể cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Có những trường hợp xương bả vai của người bệnh vĩnh viễn không thể phục hồi như ban đầu. Xương sau điều trị vẫn có thể bị lệch và gây ra cảm giác đau sau xương bả vai lâu dài. Vì vậy, việc điều trị sớm vô cùng quan trọng và quyết định khả năng phục hồi của xương bả vai sau gãy.

gay-xuong-ba-vai-3.jpg
Gãy xương bả vai chữa càng sớm, lành càng nhanh

Cách điều trị gãy xương bả vai

Các bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị gãy xương bả vai tùy vào vị trí gãy và mức độ nghiêm trọng. Thông thường, các phương pháp được áp dụng sẽ gồm:

Điều trị không phẫu thuật

Hầu hết trường hợp gãy xương bả vai có thể áp dụng cách điều trị không phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ chụp X-quang để xác định vị trí gãy xương. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng nẹp cố định bả vai của người bệnh trong một thời gian để giúp xương tự lành lại. 

Sau một thời gian nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng khoa học, xương bả vai ở vị trí gãy liền lại. Lúc này, người bệnh cần tập vật lý trị liệu để cải thiện độ linh hoạt của bả vai. Một số người bệnh sau khi xương lành gặp tình trạng cứng cơ khớp, đau đớn, khó chịu.

Cách điều trị bằng phẫu thuật

Một số trường hợp bác sĩ buộc phải chỉ định điều trị gãy xương bả vai bằng phẫu thuật như:

  • Xương bả vai gãy ở vị trí ổ chảo chuyển động.
  • Xương bả vai bị gãy, nứt, mẻ nghiêm trọng mà khó có thể phục hồi nếu không được phẫu thuật.
  • Bị gãy ở vị trí xương mỏm cùng vai khiến xương này bị cọ xát với xương cánh tay.

Phẫu thuật khi xương bả vai bị gãy là cuộc đại phẫu nên người bệnh sẽ được gây mê trong suốt quá trình thực hiện phẫu thuật. Khi đó, các bác sĩ sẽ chỉnh thẳng hàng các xương mà không khiến người bệnh đau đớn. 

Trong cuộc đại phẫu này, các bác sĩ có thể cần dùng đến ốc vít hay các tấm kim loại chuyên dụng. Sau đại phẫu, người bệnh cần nghỉ ngơi và tập luyện để xương bả vai có thể vận động linh hoạt trở lại. Người bệnh cũng có thể uống thêm các loại thực phẩm chức năng xương khớp phù hợp để xương bả vai nhanh phục hồi.

gay-xuong-ba-vai-4.jpg
Phẫu thuật chữa gãy xương bả vai trong trường hợp nghiêm trọng

Gãy xương bả vai nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt của vùng bả vai trong suốt nhiều năm sau. Vì vậy, ngay khi nhận thấy các triệu chứng gãy xương bả vai, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Người nhà bệnh nhân sau khi sơ cứu cho người bị gãy xương cũng không nên tự điều trị bằng thuốc lá hay mẹo dân gian mà hãy đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất.

Xem thêm: Viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin