Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các dạng trật khớp tay thường gặp

Ngày 26/05/2024
Kích thước chữ

Trật khớp tay là một chấn thương phổ biến, xảy ra khi một hoặc nhiều xương của bàn tay bị dịch chuyển khỏi vị trí bình thường. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về một số dạng trật khớp tay phổ biến qua bài viết dưới đây nhé!

Nếu không nhận biết trật khớp tay sớm để điều trị kịp thời và đúng cách, chúng sẽ dẫn đến các biến chứng như tổn thương thần kinh, viêm khớp, mất chức năng vận động lâu dài.

Trật khớp cổ tay là một dạng của trật khớp tay

Trật khớp cổ tay là gì?

Khi khớp cổ tay (nơi liên kết giữa xương cẳng tay và xương bàn tay) gặp chấn thương, một hoặc nhiều xương cổ tay có thể bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bình thường. Tình trạng này được gọi là trật khớp cổ tay.

Trật khớp cổ tay có thể xảy ra ở các vị trí như khớp quay - cổ tay, các khớp giữa cổ tay hoặc khớp quay - trụ dưới. Đôi khi nó là sự kết hợp của những chấn thương này trong trường hợp chấn thương nặng. Các trường hợp hiếm gặp như trật xương nguyệt hoặc trật khớp quanh xương nguyệt cũng có thể xảy ra nhưng thường bị bỏ sót.

Trật khớp cổ tay nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng như:

  • Rách cơ, dây chằng và gân.
  • Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu quanh khớp.
  • Nguy cơ tái phát chấn thương cao.
  • Viêm khớp khi tuổi tác tăng lên.

Vì vậy, việc điều trị trật khớp cổ tay đúng cách rất quan trọng để tránh các biến chứng này.

Trật khớp tay bao gồm những loại nào? 1
Trật khớp cổ tay là dạng trật khớp tay thường gặp

Triệu chứng trật khớp cổ tay

Dấu hiệu chính của tình trạng sai lệch khớp cổ tay bao gồm cơn đau dữ dội, liên tục ở khu vực cổ tay, thường trở nên nặng nề hơn khi bạn cử động cổ tay. Bạn cũng có thể cảm thấy đau ở cánh tay và các triệu chứng như:

  • Sưng tấy và bầm tím ở vùng cổ tay bị chấn thương.
  • Khó cử động cổ tay, không có sức lực để cầm nắm đồ vật nặng.
  • Trong một số trường hợp, trật khớp cổ tay có thể gây chèn ép lên dây thần kinh, dẫn đến tê hoặc ngứa ran ở các ngón tay.
  • Sự dịch chuyển của các xương cũng có thể làm biến dạng cổ tay.

Nhìn chung, các triệu chứng của trật khớp cổ tay và gãy xương rất giống nhau, đôi khi khó phân biệt. Ngoài ra, trật khớp thường xảy ra đồng thời với gãy xương.

Phương pháp điều trị trật khớp cổ tay

Sau khi chẩn đoán mức độ chấn thương, vị trí và tình trạng hiện tại của khớp cổ tay, bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp điều trị phù hợp:

  • Trong trường hợp không quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể nắn chỉnh khớp cổ tay, thường bằng cách nắn kín mà không cần rạch da, nhằm điều chỉnh lại phần đầu xương lệch ra khỏi ổ khớp.
  • Đối với các trường hợp nặng hơn, phẫu thuật sẽ cần thiết để sắp xếp lại xương hoặc sửa chữa dây chằng bị rách.
  • Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp châm cứu và xoa bóp để giảm các triệu chứng như sưng và đau. Sau khi nắn chỉnh hoặc phẫu thuật, bác sĩ sẽ cố định khớp bằng cách bó bột hoặc đeo nẹp để hạn chế vận động, giúp tổn thương nhanh lành lại.
Trật khớp tay bao gồm những loại nào? 2
Nếu trật khớp cổ tay dạng nhẹ sẽ được bác sĩ nắn chỉnh trở lại

Sau khi tháo nẹp, bệnh nhân cần tiến hành chương trình phục hồi chức năng đặc biệt để trả lại sức mạnh và phạm vi chuyển động cho khớp cổ tay.

Trật khớp ngón tay

Trật khớp ngón tay là gì?

Một trong các dạng trật khớp tay thường gặp đó là trật khớp ngón tay. Trật khớp ngón tay là dạng chấn thương xảy ra khi xương ở một hoặc nhiều khớp ngón tay bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bình thường. Loại chấn thương này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ngón tay nào, nhưng thường gặp nhất ở các khớp của ngón út, ngón áp út, ngón giữa và ngón trỏ.

Nguyên nhân gây trật khớp ngón tay

Trật khớp ngón tay thường xảy ra khi một lực mạnh tác động vào đầu ngón tay hoặc khi ngón tay bị duỗi quá mức.

  • Hoạt động thể thao: Trong các môn thể thao như bóng chày hoặc bóng rổ, bóng đập mạnh vào đầu ngón tay có thể dẫn đến trật khớp.
  • Sử dụng thiết bị thể thao: Ngón tay có thể bị vướng vào các bộ phận cứng hoặc sợi dây trên trang phục thi đấu, gây nên lực kéo và khiến khớp bị trật.
  • Tình huống ngẫu nhiên: Trong cuộc sống hàng ngày, có thể xảy ra các tình huống như vấp ngã, khiến tay bị đè nặng lên một bề mặt cứng như bàn, từ đó gây ra trật khớp ngón tay.

Đây là những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến trật khớp ngón tay. Việc nhận biết và tránh các tình huống rủi ro như vậy là rất quan trọng để phòng ngừa chấn thương.

Trật khớp tay bao gồm những loại nào? 3
Trật khớp ngón tay thường xảy ra khi đầu ngón tay bị một lực tác động khá mạnh

Phương pháp điều trị trật khớp ngón tay

Hạn chế vận động là điều quan trọng khi bị trật khớp ngón tay. Nếu cố gắng vận động, các cấu trúc như gân, dây chằng có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Để điều trị, bạn nên dùng khăn bọc nước đá chườm lên ngón tay và giữ nó cố định.

Khi được chẩn đoán trật khớp cổ tay, bác sĩ sẽ sử dụng nẹp hoặc băng y tế để cố định khớp ngón tay. Việc này giúp phòng ngừa cứng khớp và mất cử động ngón tay và thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần tùy mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

Trong những trường hợp nẹp hoặc băng y tế không hiệu quả, phẫu thuật có thể được thực hiện. Phẫu thuật giúp định vị lại xương và sửa chữa các khớp hay dây chằng bị rách.

Cách chăm sóc khi bị trật khớp ngón tay

Khi bị trật khớp ngón tay, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Giữ nẹp cố định và khô ráo để hạn chế di chuyển và chấn thương thêm. Kê cao tay có thể giúp giảm sưng. Cần tránh vận động quá mức ở ngón tay bị thương.
  • Chườm lạnh cũng là một biện pháp hiệu quả để làm giảm viêm và đau.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện các bài tập trị liệu theo chỉ định của bác sĩ, nhằm sớm phục hồi chức năng cho ngón tay.

Trật khuỷ tay là một trong các dạng trật khớp tay thường gặp

Trật khuỷu tay là gì?

Trật khớp khuỷu tay là tình trạng mặt khớp khuỷu tay di lệch một phần hoặc hoàn toàn khỏi vị trí ban đầu. Thông thường, các dây chằng có chức năng cố định các xương và khớp ở khuỷu tay đúng vị trí. Tuy nhiên, khi chịu tác động mạnh từ bên ngoài, các khớp và xương có thể bị lệch khỏi vị trí gốc, dẫn đến tình trạng trật khớp.

Các chấn thương như ngã hoặc tai nạn là nguyên nhân phổ biến gây ra trật khớp khuỷu tay, gây đau đớn và khó khăn trong vận động khớp. Nếu không được điều trị và nắn chỉnh kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến biến dạng chi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Trật khớp khuỷu tay có thể xảy ra ở mọi đối tượng, từ người lớn đến trẻ em, nam và nữ. Tuy nhiên, trẻ em là nhóm có nguy cơ cao hơn do dây chằng ở lứa tuổi này thường còn lỏng lẻo, dễ bị xô lệch.

Phân loại trật khớp khuỷu tay

Trật khớp khuỷu tay chủ yếu chia thành hai loại:

  • Trật ra sau: Chiếm khoảng 90% tổng số ca trật khớp khuỷu tay. Trong trường hợp này, đầu của hai xương cẳng tay bị lệch ra khỏi khớp, kéo lên phía sau đầu xương cánh tay. Các dây chằng, trừ dây chằng vòng, đều bị rách. Nếu dây chằng vòng cũng bị tổn thương, chỏm xương quay sẽ bật ra ngoài, làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Trật ra trước: Tình trạng này thường chỉ xảy ra khi có dấu hiệu đứt dây chằng (trừ dây chằng vòng), gãy mỏm khuỷu, đụng giập cơ nhị đầu, tổn thương dây thần kinh trụ, hoặc tổn thương cơ bám mỏm trên lồi cầu.

Nguyên nhân gây trật khớp khuỷu tay phổ biến:

  • Ngã chống bàn tay xuống đất trong tư thế duỗi khuỷu.
  • Tai nạn giao thông.
  • Nâng/kéo tay không đúng cách, thường xảy ra ở trẻ nhỏ.
Trật khớp tay bao gồm những loại nào? 4
Trật khủy tay ra sau thường xảy ra hơn trật khủy tay trước

Điều trị trật khuỷu tay

Khi gặp phải tình trạng trật khớp khuỷu tay, việc điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để tránh các biến chứng không mong muốn. Trước khi bắt đầu quá trình điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang để đánh giá tình trạng xương cũng như các mạch máu, dây thần kinh và mức độ tổn thương của dây chằng. Dựa trên kết quả đánh giá này, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Trong trường hợp nắn khớp khuỷu tay, việc này cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn để tránh các nguy hiểm có thể xảy ra. Trước khi tiến hành nắn khớp, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc giảm đau và các loại thuốc làm thư giãn cơ bắp. Bác sĩ sẽ nắm cổ tay bệnh nhân và kéo theo hướng cẳng tay với lực chậm, từ từ tăng dần cho đến khi khớp khuỷu về đúng vị trí.

Tuy nhiên, nếu nắn khớp không thể giúp người bệnh hồi phục, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để đưa khớp khuỷu về lại vị trí ban đầu. Phẫu thuật thường được áp dụng với các trường hợp kẹt khớp hoặc trật khớp khuỷu gây chèn ép mạch máu và dây thần kinh.

Tóm lại, trật khớp tay là một chấn thương khá phổ biến, thường xảy ra do va chạm hoặc chấn thương mạnh ở bàn tay. Sau khi điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và tập phục hồi chức năng để đảm bảo sự hồi phục hoàn toàn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin