Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Huyết áp thấp có uống được hoa hòe không?

Ngày 28/08/2023
Kích thước chữ

Ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại trong lĩnh vực y học để chữa trị tình trạng huyết áp thấp, thì hiện nay các loại thảo dược và cây thuốc nam cũng được nhiều người bệnh quan tâm hơn. Những loại thảo dược này thường mang lại hiệu quả cao và an toàn, đặc biệt là không gây ra tác dụng phụ sau khi sử dụng một thời gian dài. Hoa hòe cũng là một loại thảo dược được nhiều người sử dụng cho tình trạng cao huyết áp, vậy “huyết áp thấp có uống được hoa hòe không?”.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về tác dụng của hoa hòe trong việc ổn định huyết áp và trả lời cho câu hỏi “huyết áp thấp có uống được hoa hòe không?”, đồng thời sẽ đưa ra một số lưu ý quan trọng khi sử dụng.

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp thấp là một bệnh lý liên quan đến tim mạch. Huyết áp thấp thường được xác định bởi các chỉ số huyết áp, bao gồm huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic). Ở người khỏe mạnh bình thường, huyết áp tâm thu thường dao động từ 90 đến 120 mmHg và huyết áp tâm trương dao động từ 60 đến 80 mmHg. Chú ý rằng chỉ số huyết áp có thể biến đổi tại các thời điểm khác nhau trong ngày.

Tác dụng của hoa hòe với sức khỏe

Trong nụ hoa hòe ẩn chứa nhiều thành phần như Flavonoid, sophora, betulin, martin và đặc biệt phải kể đến là hoạt chất Rutin chiếm tỷ lệ từ 30% - 40% của thành phần hoa hòe. Nhờ những hoạt chất này, nụ hoa hòe đã trở nên rất phổ biến trong lĩnh vực Đông Y, thường được ứng dụng trong các bài thuốc cổ truyền. Ngoài ra, chúng thường được sử dụng để pha trà uống sau khi được sao và phơi khô. Vị trà nhẹ nhàng và dễ uống thường sử dụng để thanh nhiệt và điều trị nhiều bệnh lý. Một số công dụng của hoa hòe như sau:

  • Cầm máu: Bột hoa hòe sau khi sao khô hoặc sao thành than thường được đắp lên vết thương để kiểm soát chảy máu hiệu quả.
  • Hỗ trợ mạch máu: Uống trà từ hoa hòe hàng ngày có thể tăng độ bền của mạch máu, giảm nguy cơ xơ vữa khi áp lực máu tăng cao.
  • Bảo vệ hệ tim mạch: Hoa hòe có khả năng bảo vệ và cải thiện sức khỏe tim mạch
  • Hạ mỡ máu, chống viêm nhiễm: Các thành phần trong hoa hòe cũng có tác dụng giảm mỡ máu, ngăn ngừa xuất huyết trong, chống co thắt và có tính kháng viêm.
Huyết áp thấp có uống được hoa hòe không? 1
Hoa hòe có rất nhiều công dụng cho sức khỏe

Huyết áp thấp có uống được hoa hòe không?

Hoa hòe được nhiều người sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp. Trong hoa hòe có chứa thành phần Rutin – một loại vitamin P rất tốt cho hệ thống mạch máu. Rutin giúp cải thiện sự linh hoạt, độ bền của mao mạch, từ đó sẽ giúp hạ huyết áp và ngăn ngừa biến chứng của bệnh cao huyết áp.

Từ những phân tích về thành phần Vitamin P trong nụ hoa hòe giúp tăng sức dẻo dai và bền cho mao mạch. Chính vì thế, trà hoa hòe chỉ sử dụng cho người bị cao huyết áp khi áp lực máu trong các mao mạch tăng cao và không dùng cho người huyết áp thấp.

Những điều cần tránh khi sử dụng hoa hòe

Những lợi ích mà hoa hòe mang lại cho sức khỏe con người là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khi sử dụng hoa hòe hoặc bột hoa hòe cần phải lưu ý một số điều nhất định để tránh bị phản tác dụng. Một số đối tượng cần cẩn trọng khi sử dụng hoa hòe đó là:

  • Người tỳ vị hư hàn (thường sẽ gặp các triệu chứng như đau bụng, kém ăn, khó tiêu): Theo quan điểm của Đông Y, khi cơ địa của người có tính hàn, việc sử dụng thuốc có tính hàn có thể gây ra tác dụng phụ và không an toàn cho sức khỏe. Vì vậy, người có cơ địa hàn nên tránh sử dụng hoa hòe.
  • Trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và cho con bú: Đối với những người này, cần phải thận trọng và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng hoa hòe, vì có thể các thành phần trong hoa hòe có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
  • Người có huyết áp thấp: Đối với người bị huyết áp thấp thì không nên sử dụng hoa hòe vì nó có thể huyết áp nhanh chóng.
Huyết áp thấp có uống được hoa hòe không? 2
Hoa hòe không sử dụng cho bệnh nhân huyết áp thấp

Cách phòng ngừa bệnh huyết áp thấp

Huyết áp thấp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng nếu không được chăm sóc đúng cách. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng này, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả:

Chế độ dinh dưỡng

  • Hạn chế ăn thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, cháo, nui, và bánh mì. Thay vào đó nên ăn mặn hơn người bình thường bằng cách ăn 10 - 15g muối mỗi ngày. Đảm bảo ăn đủ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Để tránh huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn, hãy chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày.
  • Bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa protein, vitamin C và các loại vitamin thuộc nhóm B. Hãy ăn các thực phẩm có khả năng tăng huyết áp như cà phê, nước chè đặc, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu, nho khô, hạnh nhân, và trà cam thảo để kiểm soát huyết áp thấp.
  • Tránh thực phẩm có tính lợi tiểu: Hạn chế tiêu thụ rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô, vì chúng có thể làm giảm huyết áp.
  • Uống đủ nước: Uống nhiều nước có thể giúp tăng thể tích máu và giảm nguy cơ huyết áp thấp. Điều này cũng giúp duy trì cân bằng nước trong cơ thể và tránh tình trạng mất nước. Hãy tránh sử dụng đồ uống có cồn.

Chế độ sinh hoạt

  • Bạn cần có chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc từ 7 - 8 tiếng/ngày.
  • Người bị huyết áp thấp sẽ dễ bị hoa mắt, chóng mặt mỗi khi thay đổi tư thế, do đó, cần phải ngồi dậy từ từ. Khi ngủ nên gối đầu thấp, chân cao.
  • Nên tắm nước nóng để lưu thông máu tốt hơn, không được tắm quá lâu.
  • Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế lo lắng, buồn nản.
  • Duy trì tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày. Một số môn tập được khuyến khích như đi bộ, bóng bàn, cầu lông,... nên tránh các môn thể thao gây chóng mặt như nhảy, nhào lộn, điền kinh.
Huyết áp thấp có uống được hoa hòe không? 3
Bệnh nhân huyết áp thấp cần chú ý đến tình trạng sức khỏe

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn trả lời thắc mắc "huyết áp thấp có uống được hoa hòe không?". Đồng thời, có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh huyết áp thấp một cách hiệu quả. Trước khi sử dụng bất kì loại thảo dược nào, bạn cũng nên tham vấn ý kiến chuyên gia để nắm được tình trạng sức khỏe, từ đó có liều lượng dùng hợp lý.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin