Huyệt Uyển Cốt là gì? Công dụng và cách phối huyệt đạo Uyển Cốt
Ngày 29/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Trong Y học Cổ truyền, huyệt Uyển Cốt được biết đến với tác dụng thanh thấp nhiệt và có nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe. Khi tác động đúng cách, huyệt này không chỉ giúp giảm các triệu chứng đau nhức mà còn hỗ trợ điều trị một số bệnh lý hiệu quả.
Huyệt Uyển Cốt là một trong những huyệt đạo quan trọng trong Y học cổ truyền, đóng vai trò đặc biệt trong việc điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Nằm ở khu vực cổ tay, huyệt này không chỉ hỗ trợ giảm đau và cải thiện chức năng cơ khớp mà còn giúp điều hòa các khí huyết trong cơ thể.
Huyệt Uyển Cốt là gì?
Uyển Cốt là một huyệt đạo quan trọng trong Đông y, được nhắc đến khá thường xuyên nhờ vị trí dễ tìm và chức năng đặc biệt. Cũng như các huyệt khác trên cơ thể, Uyển Cốt có vai trò quan trọng trong hệ thống kinh lạc, với những đặc điểm sau đây:
Tên gọi: Uyển Cốt.
Ý nghĩa: Tên "Uyển Cốt" xuất phát từ vị trí huyệt nằm trên xương cổ tay, với "Uyển" nghĩa là cổ tay và "Cốt" là xương.
Đặc tính: Là huyệt Nguyên, đứng thứ 4 trên kinh Tiểu Trường, liên quan mật thiết đến các huyệt khác.
Chủ trị: Giảm đau đầu, cổ vai gáy căng cứng, ù tai và đau dạ dày.
Vị trí và cách xác định huyệt vị
Theo tài liệu “Kinh Huyệt Thích Nghi Hội Giải”, huyệt vị Uyển Cốt có thể dễ dàng nhận biết nhờ nằm ở chỗ hõm phía trước xương Đậu. Trong lâm sàng, huyệt được xác định nằm ở mép trong của bàn tay, tại vị trí lõm giữa xương bàn tay thứ 5 và xương móc. Nó cũng nằm ở giao điểm giữa mu bàn tay và da gan tay. Về mặt giải phẫu, vùng dưới huyệt có cơ da gan tay, cơ dạng ngón út, xương tháp và xương móc. Tất cả đều chịu sự chi phối của dây thần kinh từ tiết đoạn D1.
Cách xác định huyệt đạo Uyển Cốt là người bệnh có thể để ngửa hoặc úp bàn tay, sau đó nắm nhẹ các ngón lại. Di chuyển ngón tay theo huyệt Hậu Khe dọc theo xương tháp và xương bàn tay số 5, vị trí huyệt sẽ được xác định chính xác.
Công dụng và cách phối huyệt đạo Uyển Cốt
Theo quan điểm của Đông y, huyệt Uyển Cốt có tác dụng quan trọng trong việc thanh nhiệt và loại bỏ thấp nhiệt trên kinh Tiểu Trường. Đây là lý do huyệt này thường được ứng dụng trong các liệu pháp điều trị nhiều vấn đề sức khỏe như đau đầu, cứng cổ, đau khớp ngón tay và cổ tay, hay những cơn đau lưng do sai tư thế. Đặc biệt, nhiều tài liệu Y học cổ truyền cũng nhấn mạnh tác dụng của huyệt Uyển Cốt trong việc hỗ trợ điều trị các triệu chứng như ù tai và đau dạ dày cấp tính.
Huyệt Uyển Cốt khi kết hợp với các huyệt đạo khác sẽ mang lại nhiều lợi ích điều trị hiệu quả. Tùy theo từng tình trạng bệnh lý cụ thể, thầy thuốc sẽ lựa chọn phối hợp bộ huyệt sao cho phù hợp, mang lại kết quả điều trị toàn diện.
Kết hợp với Thiên Tông giúp điều trị đau nhức vùng tay và vai.
Phối cùng huyệt Dương Cốc giúp giảm chứng nóng lạnh thất thường, đau sưng vùng cổ và gáy.
Khi tác động với huyệt Trung Chủ, có thể điều trị tình trạng các ngón tay khó co duỗi.
Kết hợp với Trung Quản sẽ hỗ trợ điều trị bệnh vàng da và tỳ hư.
Phối với Túc Tam Lý, Tỳ Du, Phi Du để giúp giảm nhẹ triệu chứng tiểu đường (mức độ nhẹ).
Khi kết hợp với Thân Mạch, Ngoại Quan và Dũng Tuyền, huyệt đạo Uyển Cốt có tác dụng trị bệnh vàng da do nhiễm thương hàn.
Bộ bốn huyệt Đại Lăng, Tam Gian, Gian Sử và Uyển Cốt sẽ giúp giảm triệu chứng viêm khớp cổ tay.
Cách kích thích huyệt vị Uyển Cốt
Có thể áp dụng phương pháp châm cứu lên huyệt đạo Uyển Cốt để kích thích lưu thông khí huyết và tán nhiệt thấp. Sau khi xác định chính xác vị trí của huyệt, sử dụng kim chuyên dụng châm thẳng với độ sâu từ 0,3-0,5 thốn. Quá trình ôn cứu thường kéo dài từ 5-10 phút và thực hiện khoảng 3-5 tráng.
Kỹ thuật châm cứu yêu cầu sự chính xác cao, do đó không nên tự thực hiện tại nhà. Bạn nên đến các trung tâm Đông y uy tín để được các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Đồng thời, trong suốt quá trình châm cứu và bấm huyệt, cần tuân thủ các lưu ý đặc biệt để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu.
Cần xây dựng một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, luôn giữ tinh thần thoải mái và tỉnh táo. Nên dành ra 25-30 phút mỗi ngày để thực hiện các bài tập nhẹ nhàng giúp bổ trợ cho vùng lưng, tay và vai gáy.
Trước khi thực hiện châm cứu, không để bụng quá no hoặc quá đói.
Châm cứu chỉ mang tính hỗ trợ điều trị và cần duy trì trong thời gian dài mới đạt được kết quả. Vì vậy, người bệnh cần kiên nhẫn tuân thủ theo đúng liệu trình và tái khám đúng lịch hẹn.
Đặc biệt, những đối tượng như phụ nữ mang thai (nhất là trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ), người có bệnh lý nền và trẻ nhỏ cần có sự chấp thuận của bác sĩ trước khi tiến hành châm cứu.
Trên đây là những thông tin cơ bản về huyệt Uyển Cốt và ứng dụng của nó trong việc điều trị bệnh lý. Mặc dù huyệt đạo này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng việc lạm dụng hoặc tác động không đúng cách có thể dẫn đến những rủi ro không mong muốn như rối loạn kinh lạc hoặc tổn thương huyệt vị. Vì vậy, cần thực hiện đúng phương pháp và tìm đến các chuyên gia Y học cổ truyền để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.