Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Khi chào đời, dây rốn của trẻ không còn cần thiết do đó việc thực hiện kẹp lại và cắt bỏ ngay sau sinh để tách em bé hoàn toàn khỏi mẹ là điều cần làm. Hiện nay, có 2 phương pháp cắt dây rốn đang được áp dụng phổ biến đó là kẹp cắt dây rốn ngay sau khi sinh và kẹp cắt rốn chậm. Trong bài viết hôm nay, Nhà Thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số thông tin về phương pháp kẹp cắt rốn chậm.
Kẹp cắt rốn chậm là phương pháp cắt dây rốn đang được áp dụng rộng rãi tại hầu hết các bệnh viện. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc thực hiện phương pháp kẹp cắt rốn chậm mang lại những lợi ích vô cùng tuyệt vời cho trẻ. Để hiểu rõ hơn về chủ đề này, trước hết hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu thế nào là kẹp cắt rốn chậm bạn nhé!
Dây rốn bình thường có chứa 3 mạch máu bao gồm 1 tĩnh mạch và 2 động mạch, trong đó tĩnh mạch ở dây rốn có chức năng vận chuyển oxy và máu giàu dinh dưỡng đến thai nhi còn động mạch trên dây rốn lại giúp mang máu bị oxy hóa, máu hết chất dinh dưỡng cũng như các chất thải dư thừa về lại nhau thai và dòng máu của mẹ bầu.
Dây rốn đóng vai trò vận chuyển dinh dưỡng và oxy cho thai nhi
Cùng với chức năng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến thai nhi, khi thai phụ dùng thuốc kháng sinh thì dây rốn cũng là trung gian truyền kháng sinh vào cơ thể của em bé.
Khi bé chào đời, dây rốn cũng không cần thiết nữa do đó dây rốn sẽ bị kẹp lại và cắt đi để giúp trẻ tách ra hoàn toàn với cơ thể mẹ. Và kẹp cắt dây rốn chậm đang là một xu thế trong lĩnh vực sản khoa được áp dụng rộng rãi hiện nay. Vậy kẹp cắt dây rốn chậm là gì?
Thông thường, việc kẹp và cắt dây rốn sẽ được thực hiện ngay sau khi em bé ra đời nhưng với phương pháp kẹp cắt dây rốn chậm thì chỉ kẹp và cắt dây rốn để tách em bé ra khỏi mẹ khi thấy cuống rốn đã ngừng đập hẳn.
Cắt dây rốn sau sinh là bước ngoặt đánh dấu kết thúc quá trình chuyển dạ và sinh con ở mẹ bầu. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng: Việc kẹp cắt rốn chậm mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của em bé. Do đó, phương pháp kẹp cắt rốn chậm được rất nhiều bác sĩ lựa chọn.
Khi chào đời, 1/3 lượng máu trong cơ thể của trẻ vẫn nằm trong nhau thai và việc kẹp cắt rốn chậm sẽ giúp trẻ nhận đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể thông qua dây rốn. Điều này sẽ giúp cho trẻ ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
Mặt khác, lượng máu này có thể cung cấp cho trẻ thêm một lượng sắt tương đương với 40 - 50 mg/kg cân nặng của trẻ, kết hợp với lượng sắt có sẵn trong cơ thể sẽ đáp ứng nhu cầu của trẻ sơ sinh trong vòng 1 - 2 tháng từ đó góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh hơn.
Thêm vào đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Những trẻ được áp dụng phương pháp kẹp cắt rốn chậm có nồng độ ferritin trung bình cao hơn khoảng 45% so với những trẻ cắt dây rốn sớm. Đây là một dạng protein chứa sắt và giúp phóng thích sắt khi cơ thể cần.
Việc kẹp cắt rốn cho trẻ ngay sau khi ra đời khiến trẻ mất đi cơ hội nhận đầy đủ các tế bào gốc từ nhiên truyền từ mẹ sang con. Điều này khiến trẻ chịu thiệt thòi hơn so với những em bé được áp dụng phương pháp kẹp cắt rốn chậm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự phát triển của các bé là như nhau nhưng những trẻ 4 tuổi được kẹp cắt rốn chậm sẽ có kỹ năng vận động tốt hơn rất nhiều so với những trẻ cắt dây rốn sớm.
Việc bé được cung cấp đầy đủ lượng sắt ngay từ những ngày đầu đời sẽ giúp cho hệ thần kinh của trẻ phát triển tốt và khỏe mạnh hơn. Không những vậy, lượng sắt này còn mang đến tác động tích cực đến não bộ của bé trong tương lai. Các nhà khoa học Mỹ nhận định, phương pháp kẹp cắt rốn chậm sau sinh sẽ giúp trẻ có chỉ số IQ cao hơn phương pháp cắt rốn cổ điển.
Theo nghiên cứu của Mercer và CS đăng tải trên tạp chí Pediatr năm 2016 cho biết: Nhờ phương pháp kẹp cắt rốn chậm, các bé sinh non dưới 32 tuần có thể giảm nguy cơ thiếu máu lúc 6 tuần tuổi và cải thiện khả năng vận động của trẻ hiệu quả khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Xuất huyết não thất là tình trạng máu ở khu vực não tràn vào khu vực chứa dịch não. Tình trạng nhiễm trùng máu muộn thường xảy ra khoảng 3 - 7 ngày sau khi trẻ ra đời mà nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là trẻ bị nhiễm khuẩn từ môi trường ngoài hoặc từ người chăm sóc cho trẻ và vi khuẩn sẽ đi vào máu của trẻ.
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ được áp dụng phương pháp kẹp cắt rốn chậm bị xuất huyết não thất hoặc nhiễm khuẩn máu thấp hơn trẻ cắt dây rốn sớm, nhất là trẻ thiếu tháng và sinh non.
Trong suốt thai kỳ, dây rốn là trung gian giúp vận chuyển máu và là nguồn cung cấp oxy cho thai nhi. Khi chào đời, trẻ cần có thời gian để có phản xạ thở và trong thời gian này, dây rốn sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp oxy cho trẻ duy trì sự sống.
Với phương pháp kẹp cắt dây rốn chậm, trẻ sẽ nhận được thêm một thể tích máu và thể tích hồng cầu của trẻ sẽ tăng. Trong những ngày đầu đời, các tế bào hồng cầu trong cơ thể trẻ sẽ bị phá hủy để thay thế bằng các tế bào hồng cầu trưởng thành hơn - đây là sinh lý bình thường, song lại tạo ra Bilirubin gây vàng da cho trẻ.
Về cơ chế: Thể tích hồng cầu của trẻ tăng cao, bilirubin có thể tăng cao từ đó làm tăng nguy cơ vàng da. Điều này không có lợi cho trẻ, trẻ cần được theo dõi và can thiệp bằng phương pháp chiếu đèn (nếu cần).
Như vậy, việc áp dụng phương pháp kẹp cắt cuống rốn chậm có thể tăng khả năng vàng da của trẻ và cần can thiệp sau sinh. Tuy nhiên với những lợi ích kể trên thì việc áp dụng phương pháp kẹp cắt rốn chậm vẫn được khuyến khích thực hiện.
Trên đây là những thông tin xoay quanh chủ đề kẹp cắt rốn chậm. Hy vọng với những thông tin trên đây, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn phương pháp kẹp cắt rốn chậm là gì, lợi ích của phương pháp này đối với trẻ cũng như một số nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra khi thực hiện kẹp cắt dây rốn chậm. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và đừng quên truy cập trang web của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe khác bạn nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Vinmec
Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.