Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khàn tiếng: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 26/08/2022
Kích thước chữ

Chắc chắn bất kỳ ai cũng đã từng một lần bị khàn giọng hay khàn tiếng. Tuy đây không phải là bệnh nặng nhưng lại gây nhiều khó chịu, bất tiện và tự ti trong giao tiếp. Bạn có thể phòng tránh hiện tượng này nếu biết nguyên nhân và cách khắc phục trong bài viết này.

Khi giọng nói của bạn đột nhiên bị thay đổi, khô ngứa hoặc rát họng thì nghĩa là bạn đã bị khàn tiếng. Tình trạng này có thể được gây ra do vấn đề của dây thanh âm hoặc bệnh viêm phế quản. Trong trường hợp bị khàn giọng quá 10 ngày, bạn hãy nhanh chóng đến bác sĩ càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Khàn tiếng do nguyên nhân gì?

Viêm nhiễm đường hô hấp trên chủ yếu do virus thường khiến bạn bị khàn tiếng. Trong đó, viêm thanh quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây khàn giọng. Viêm thanh quản là hiện tượng dây thanh âm hoặc thanh quản bị viêm do bị kích thích, nhiễm trùng hoặc làm việc quá nhiều.

Thời gian bị viêm thanh quản diễn ra dưới 3 tuần được gọi là viêm thanh quản cấp tính. Nếu bạn bị viêm thanh quản trên 3 tuần thì được gọi là viêm thanh quản mạn tính. Có khá nhiều nguyên nhân gây viêm thanh quản, chẳng hạn như nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus, yếu tố môi trường như chất gây dị ứng, độ ẩm, khói thuốc…

Khàn tiếng: Nguyên nhân và cách khắc phục 1 Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây khàn tiếng

Bên cạnh đó, khàn tiếng còn có thể xảy ra do các nguyên nhân như:

  • Hút thuốc lá.
  • Trào ngược dạ dày thực quản.
  • Dị ứng.
  • La hét, nói, hát trong thời gian dài khiến dây thanh âm bị quá tải.
  • Hít phải chất độc.
  • Uống rượu hoặc đồ uống có chứa caffeine.
  • Ho nặng và kéo dài.
  • Polyp dây thanh âm do ung thư đầu mặt cổ như ung thư hầu họng, ung thư tuyến giáp, ung thư phổi.
  • Nguyên nhân cơ học khiến vùng họng bị tổn thương như đặt nội khí quản.
  • Nam giới trong tuổi dậy thì.
  • Phình động mạch chủ ngực.
  • Suy giáp nặng.
  • Rối loạn thần kinh cơ khiến chức năng thanh quản bị suy giảm.

Khàn tiếng kéo dài có thể là bệnh gì?

Trong trường hợp nhẹ, hiện tượng khàn giọng có thể là do bạn nói quá nhiều, cảm lạnh hoặc ăn nhiều độ ngọt. Thông thường, tình trạng này sẽ kéo dài từ 5 đến 7 ngày và sẽ tự khỏi.

Tuy nhiên, nếu bạn bị khàn giọng trên một tuần kèm theo một số dấu hiệu khác đi kèm như ho nhiều, đau họng, khó nuốt… thì bệnh nhân cần cảnh giác. Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng này thường khởi nguồn cho những vấn đề liên quan đến dây thanh âm, viêm thanh quản, các bệnh lý về tai mũi họng nguy hiểm.

Khàn tiếng: Nguyên nhân và cách khắc phục 2 Viêm thanh quản là nguyên nhân khiến bạn bị khàn tiếng kéo dài

Khàn giọng kéo dài có thể là dấu hiệu cho thấy bạn mắc các bệnh lý như:

  • Viêm thanh quản: Dây thanh quản phải hoạt động quá mức dẫn đến sưng viêm, đóng mở không đều làm âm thanh thay đổi trở nên khó nghe. Bệnh nhân bị khàn giọng, đau rát họng, hạch bạch huyết sưng, ho nhiều… Bệnh không được chữa trị lâu ngày sẽ bị mất tiếng vĩnh viễn.
  • Viêm họng: Căn bệnh này có thể xảy ra với bất cứ ai và bất kỳ độ tuổi nào. Niêm mạc họng bị tổn thương thời gian dài khiến cho người bệnh bị ho khan mất tiếng, họng đau rát, niêm mạc họng sưng đỏ. Việc không điều trị bệnh chẳng những làm người bệnh đau đớn khi ăn uống mà về sau cũng khó chữa trị hơn. Bệnh dễ tái phát, thậm chí có thể dẫn đến ung thư vòm họng.
  • Viêm amidan cấp tính: Giọng khàn lâu ngày là triệu chứng điển hình của căn bệnh viêm amidan. Khi amidan bị sưng viêm thì sẽ chèn ép cổ họng. Người bệnh có biểu hiện ho nhiều, dây thanh quản hoạt động quá mức dẫn đến khàn giọng. Bên cạnh đó, bệnh còn gây hắt hơi liên tục, xung huyết niêm mạc họng… Nếu người bệnh không tiến hành điều trị hay cắt bỏ amidan sớm thì dễ gặp phải biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực, não bộ hoặc áp xe amidan đe dọa tính mạng.
  • Ung thư vòm họng: Bệnh lý nguy hiểm này gây nên dấu hiệu khàn tiếng mà bạn tuyệt đối không được chủ quan. Bên cạnh khàn giọng, người bệnh còn xuất hiện nhiều dấu hiệu đi kèm như nhức đầu, ù tai, nghẹt mũi… Các triệu chứng này thường xảy ra với một bên. Bạn cần đến bệnh viện thăm khám để sớm được phát hiện và điều trị kịp thời.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu tiếng bị khàn ngắn hạn, bạn không cần quan tâm quá nhiều vì nó sẽ tự hết. Tuy nhiên, đây có thể là vấn đề liên quan đến một số tình trạng nghiêm trọng. Bạn cần đi khám bác sĩ ngay nếu:

  • Khàn giọng kéo dài trên 1 tuần ở trẻ em và trên 10 ngày ở người trưởng thành.
  • Khàn giọng đi kèm với chảy nước dãi ở trẻ nhỏ.
  • Khó thở, khó nuốt.
Khàn tiếng: Nguyên nhân và cách khắc phục 3 Bạn cần đi khám bác sĩ nếu khàn giọng trên 10 ngày

Biện pháp cải thiện tình trạng khàn giọng

Để giúp bạn lấy lại giọng nói ban đầu một cách nhanh chóng, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây:

  • Dành thời gian để thanh quản nghỉ ngơi mỗi ngày: Không la hét, nói lớn tiếng, nói thì thầm, nói chuyện nhiều… để các tổn thương không trầm trọng hơn.
  • Ăn nhiều trái cây có chứa hàm lượng nước dồi dào, uống nước nhiều để làm dịu cổ họng, giảm thiểu các triệu chứng gây khàn giọng.
  • Tắm nước nóng.
  • Không uống thức uống chứa nhiều caffeine hay cồn vì họng bạn có thể bị khô, tình trạng khản tiếng càng thêm nặng.
  • Vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng.
  • Kết hợp máy làm ẩm không khí.
  • Không hút thuốc lá để tránh bị kích thích cổ họng và làm khô mũi.

Trong trường hợp đã thực hiện các cách trên mà vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu tiến triển nào, bạn hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh.

Khàn tiếng: Nguyên nhân và cách khắc phục 4 Ăn nhiều trái cây mọng nước để cải thiện khàn giọng

Phòng ngừa nguy cơ bị khàn tiếng như thế nào?

Cách tốt nhất để không bị khàn tiếng là bạn hãy thực hiện các phương pháp phòng tránh. Chúng bao gồm:

  • Không ở trong không khí ô nhiễm, có khói thuốc lá hay hút thuốc để họng không bị khô rát, dây thanh quản không bị kích thích.
  • Hạn chế dùng âm lượng lớn để nói hay la hét.
  • Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày để không làm họng bị khô rát.
  • Rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp, từ đó tránh khi khàn tiếng.
  • Hạn chế tiêu thụ đồ uống chứa cồn và caffeine.

Khàn tiếng hay khàn giọng không phải là vấn đề về sức khỏe hiếm gặp. Tuy vậy, bạn không được chủ quan khi gặp phải tình trạng này. Mong rằng những chia sẻ trên từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích. Bạn hãy chú ý lắng nghe cơ thể để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin