Khí hư âm đạo là gì? Một số bệnh nhiễm trùng khiến khí hư âm đạo thay đổi
Thùy Linh
12/02/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Khí hư là một hiện tượng sinh lý bình thường của phụ nữ, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì môi trường âm đạo khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về khí hư, cách nhận biết dấu hiệu bình thường và bất thường của nó. Một số phụ nữ lo lắng khi thấy khí hư thay đổi về màu sắc, mùi hoặc kết cấu mà không biết rằng đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Khí hư không chỉ là một chất tiết tự nhiên mà còn phản ánh rõ rệt tình trạng sức khỏe sinh sản. Việc nhận biết khí hư bình thường và bất thường giúp phụ nữ kịp thời phát hiện các bệnh phụ khoa, nhiễm trùng hoặc rối loạn nội tiết tố. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khí hư âm đạo, cách nhận biết dấu hiệu bất thường và những biện pháp chăm sóc sức khỏe vùng kín hiệu quả.
Khí hư âm đạo là gì?
Khí hư (hay dịch tiết âm đạo) là chất dịch do âm đạo và cổ tử cung tiết ra, có nhiệm vụ giữ ẩm, làm sạch vùng kín và bảo vệ âm đạo khỏi vi khuẩn gây bệnh. Ở trạng thái bình thường, khí hư có màu trắng trong, hơi dính hoặc nhầy và không có mùi khó chịu. Khí hư có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể phụ nữ:
Duy trì độ ẩm âm đạo: Ngăn chặn tình trạng khô rát, giúp quá trình quan hệ tình dục diễn ra thuận lợi hơn.
Bảo vệ âm đạo: Giúp cân bằng hệ vi sinh, ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn và nấm gây bệnh.
Báo hiệu tình trạng sức khỏe sinh sản: Thay đổi của khí hư có thể là dấu hiệu cảnh báo về rối loạn nội tiết hoặc các bệnh phụ khoa.
Khí hư (hay dịch tiết âm đạo) là chất dịch do âm đạo và cổ tử cung tiết ra
Đặc điểm của khí hư âm đạo bình thường
Phụ nữ có lượng khí hư âm đạo khác nhau. Một số người tiết ra nhiều khí hư hơn những người khác, trong khi những người khác lại thấy rất ít. Những thay đổi về màu sắc, kết cấu, mùi hoặc lượng khí hư âm đạo thông thường của bạn có thể có nghĩa là có vấn đề. Một số đặc điểm nhận biết khí hư bình thường gồm:
Màu sắc: Khí hư âm đạo bình thường thường có màu trắng trong, có thể hơi đục nhưng không quá rõ ràng. Khi khô lại, khí hư có thể hơi ngả vàng nhẹ. Khí hư màu vàng sẫm, nâu, xanh lá cây hoặc xám có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc vấn đề khác.
Kết cấu: Khí hư có độ nhớt nhất định, có thể kéo thành sợi hoặc hơi dính như lòng trắng trứng gà, hormone của cơ thể bạn gây ra sự thay đổi này, đặc biệt trong giai đoạn rụng trứng.
Mùi: Không có mùi hoặc chỉ có mùi hơi tanh nhẹ, không gây khó chịu.
Lượng khí hư: Lượng khí hư âm đạo của mỗi người không giống nhau và có thể tăng giảm theo chu kỳ kinh nguyệt. Trước và sau kỳ kinh nguyệt, khí hư ít, có thể hơi đặc hơn bình thường. Giai đoạn rụng trứng khí hư tiết ra nhiều hơn, loãng và dai hơn, giúp tinh trùng dễ di chuyển vào tử cung để thụ thai. Khi mang thai hoặc trước khi có kinh, lượng khí hư có thể nhiều hơn do thay đổi nội tiết tố. Ngoài ra, tác dụng của thuốc tránh thai cũng có thể ảnh hưởng đến lượng khí hư âm đạo bạn tiết ra.
Không gây cảm giác khó chịu: Phụ nữ không cảm thấy ngứa ngáy, đau rát hoặc kích ứng vùng kín khi khí hư ở trạng thái bình thường.
Lượng khí hư âm đạo của mỗi người không giống nhau và có thể tăng giảm theo chu kỳ kinh nguyệt
Màu sắc khí hư âm đạo thay đổi có ý nghĩa gì?
Màu sắc của dịch tiết âm đạo thay đổi có thể báo hiệu các vấn đề về sức khỏe phụ khoa:
Vàng, xám hoặc xanh lá cây: Khí hư màu vàng, xám hoặc xanh lá cây có thể báo hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs).
Nâu hoặc đỏ: Khí hư màu nâu hoặc đỏ thường liên quan đến kinh nguyệt không đều hoặc mang thai (chảy máu do làm tổ). Nếu bạn có khí hư màu nâu hoặc đỏ và không phải là kỳ kinh nguyệt, thì có thể bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe.
Trong hoặc trắng: Khí hư bình thường trong, trắng hoặc trắng đục. Nếu khí hư của bạn có màu trắng nhưng có vẻ đặc hơn bình thường hoặc gây ngứa, thì có thể là nhiễm trùng nấm men.
Hãy đi khám tại các cơ sở uy tín nếu khí hư âm đạo của bạn thay đổi màu sắc hoặc kết cấu hoặc kèm theo các triệu chứng khác như mùi hôi, ngứa hoặc nóng rát.
Một số bệnh nhiễm trùng khiến khí hư âm đạo thay đổi
Có một số bệnh nhiễm trùng khiến khí hư thay đổi hoặc có mùi khó chịu. Nhiều bệnh nhiễm trùng này có thể do quan hệ tình dục với người bị nhiễm trùng.
Nhiễm trùng nấm men
Nhiễm nấm âm đạo xảy ra khi một loại nấm có tên Candida phát triển quá mức trong âm đạo, gây mất cân bằng hệ vi sinh. Tình trạng này thường khiến khí hư trở nên đặc, trắng đục, lợn cợn như bã đậu. Ngoài ra, vùng kín có thể bị ngứa rát, sưng tấy, thậm chí gây đau khi quan hệ tình dục. Khi bị nhiễm nấm Candida, bác sĩ thường kê các loại thuốc kháng nấm dưới dạng uống hoặc đặt âm đạo để tiêu diệt nấm và khôi phục sự cân bằng tự nhiên của âm đạo.
Dạng kem hoặc gel bôi ngoài: Clotrimazole, Miconazole, Butoconazole.
Nhiễm nấm âm đạo xảy ra khi một loại nấm có tên Candida phát triển quá mức trong âm đạo
Bệnh Trichomonas
Nhiễm trùng roi Trichomonas là một bệnh lây qua đường tình dục, xảy ra khi bạn quan hệ với người đã mắc bệnh. Nguyên nhân gây bệnh là một loại ký sinh trùng có tên Trichomonas vaginalis. Khi bị nhiễm, khí hư có thể có màu vàng, xanh lá hoặc xám, thường loãng, có bọt và có mùi hôi. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy ngứa rát, khó chịu ở vùng kín. Để điều trị, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh giúp loại bỏ ký sinh trùng và ngăn ngừa lây lan. Một số loại kháng sinh được sử dụng như Metronidazole (Flagyl), Tinidazole (Tindamax).
Viêm âm đạo do vi khuẩn
Viêm âm đạo do vi khuẩn xảy ra khi một loại vi khuẩn có hại phát triển quá mức trong âm đạo, làm mất cân bằng hệ vi sinh. Bệnh có thể lây qua quan hệ tình dục, nhưng không phải lúc nào cũng do nguyên nhân này. Khi mắc bệnh, khí hư thường có màu trắng hoặc xám, loãng và có mùi hôi tanh khó chịu. Để điều trị, bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn và khôi phục sự cân bằng trong âm đạo.
Metronidazole (Flagyl) - Dạng uống hoặc gel đặt âm đạo;
Clindamycin (Cleocin) - Dạng uống, kem đặt âm đạo hoặc viên đặt;
Tinidazole (Tindamax) - Dạng uống;
Secnidazole (Solosec) - Dạng uống.
Bệnh lậu và bệnh Chlamydia
Lậu và Chlamydia là hai bệnh lây qua đường tình dục phổ biến, có thể mắc phải khi quan hệ với người nhiễm bệnh. Khi bị nhiễm, nhiều người có thể thấy khí hư đục, có màu vàng hoặc xanh lá cây. Nếu không được chữa trị kịp thời, vi khuẩn có thể lây lan, gây viêm vùng chậu, dẫn đến đau vùng bụng dưới và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Việc điều trị bệnh lậu và Chlamydia thường sử dụng kháng sinh theo phác đồ của bác sĩ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bệnh lậu thường được điều trị bằng:
Ceftriaxone (Rocephin) 500 mg tiêm bắp một liều duy nhất (nếu bệnh không biến chứng).
Nếu có dị ứng với Ceftriaxone, có thể dùng Gentamicin 240 mg tiêm bắp + Azithromycin 2g uống một liều duy nhất.
Bệnh lậu ngày càng kháng thuốc, vì vậy CDC khuyến cáo không dùng Fluoroquinolone (ciprofloxacin, levofloxacin) để điều trị.
Ceftriaxone thường được sử dụng để điều trị bệnh lậu
Chlamydia thường được điều trị bằng:
Azithromycin 1g uống một liều duy nhất (thường được lựa chọn vì tiện lợi);
Hoặc Doxycycline 100mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày.
Ngoài ra, trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê:
Erythromycin 500 mg (uống 4 lần/ngày trong 7 ngày);
Levofloxacin 500 mg (uống 1 lần/ngày trong 7 ngày).
Vì bệnh lậu và Chlamydia thường xuất hiện cùng nhau, nên bệnh nhân thường được điều trị cả hai bệnh cùng lúc bằng:
Ceftriaxone 500 mg tiêm bắp liều duy nhất (để điều trị lậu);
Doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày (để điều trị Chlamydia) (hoặc có thể thay thế bằng Azithromycin 1g uống một liều duy nhất nếu cần thiết).
Các nguyên nhân không phải do nhiễm trùng
Khí hư không phải lúc nào cũng do nhiễm trùng. Sự thay đổi trong cân bằng tự nhiên của vi khuẩn có lợi trong âm đạo hoặc các yếu tố khác như kích thích tình dục cũng có thể làm tăng tiết dịch. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khác:
Sót dị vật trong âm đạo: Đôi khi, một vật thể không nên có trong âm đạo có thể bị mắc kẹt và gây ra khí hư bất thường. Ví dụ: Quên tháo băng vệ sinh trong âm đạo có thể gây mùi hôi, khí hư ra nhiều và nguy cơ nhiễm trùng.
Kích ứng hoặc phản ứng dị ứng: Một số hóa chất hoặc vật dụng có thể gây kích ứng âm đạo, dẫn đến khí hư ra nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân có thể đến từ các chất tẩy rửa mạnh, xà phòng có hương liệu, chất bôi trơn tình dục hoặc thành phần trong bao cao su, dụng cụ hoặc đồ chơi tình dục làm từ vật liệu không phù hợp.
Viêm teo âm đạo (khô teo âm đạo): Đây là tình trạng xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh, khi nồng độ estrogen suy giảm. Niêm mạc âm đạo trở nên mỏng, khô và dễ kích ứng, dẫn đến tăng tiết khí hư hoặc cảm giác khó chịu.
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai: Trong thời kỳ mang thai, cơ thể sản xuất nhiều khí hư hơn bình thường để giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập và bảo vệ mẹ bầu khỏi nhiễm trùng.
Khí hư thay đổi trong quá trình rụng trứng: Vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, khi trứng rụng, khí hư có thể trở nên trong, loãng và trơn hơn. Điều này giúp tinh trùng di chuyển dễ dàng để gặp trứng, hỗ trợ quá trình thụ thai.
Tóm lại, khí hư có thể thay đổi do nhiều yếu tố, không chỉ do nhiễm trùng. Nếu khí hư có màu lạ, mùi hôi hoặc kèm theo ngứa rát, đau khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục, bạn nên đi khám bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Khi khí hư có các dấu hiệu bất thường, cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời
Cách chăm sóc âm đạo để luôn khỏe mạnh
Chăm sóc âm đạo đúng cách không chỉ giúp giữ gìn vệ sinh vùng kín, mà còn phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa và bảo vệ sức khỏe sinh sản. Dưới đây là những nguyên tắc quan trọng để giữ âm đạo luôn khỏe mạnh:
Vệ sinh vùng kín đúng cách: Rửa nhẹ nhàng bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp (3.8 - 4.5), tránh dùng xà phòng có mùi thơm hoặc chất tẩy mạnh.
Không thụt rửa âm đạo: Thụt rửa có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn có lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.
Mặc đồ lót thoáng mát: Chọn quần lót cotton, tránh quần quá chật hoặc chất liệu không thoáng khí để ngăn ngừa ẩm ướt và vi khuẩn sinh sôi.
Giữ vùng kín khô ráo: Sau khi đi vệ sinh, lau khô từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn lây sang âm đạo.
Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sau khi quan hệ, cần vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng.
Chế độ ăn uống khoa học: Ăn sữa chua, rau xanh, uống đủ nước để cân bằng hệ vi khuẩn và giữ vùng kín khỏe mạnh.
Khám phụ khoa định kỳ: Kiểm tra sức khỏe sinh sản ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề phụ khoa.
Sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có thêm kiến thức hữu ích về khí hư âm đạo. Khí hư là một phần quan trọng của hệ sinh sản nữ giới, đóng vai trò bảo vệ và duy trì sự khỏe mạnh của âm đạo. Việc nhận biết các dấu hiệu khí hư bình thường và bất thường giúp phụ nữ chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.