Khi mang thai mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là hợp lý?
Ngày 06/05/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định cân nặng trong quá trình mang thai của mẹ để đảm bảo cả mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh. Vậy mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là hợp lý, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Trong quá trình mang thai không ít mẹ bầu nghe được lời khuyên rằng “ăn cho hai người”, ăn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên tiêu chuẩn cân nặng phụ thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ và tình trạng cơ thể của mẹ trước khi mang thai. Vậy mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là hợp lý?
Vì sao khi mang thai cơ thể mẹ lại tăng cân?
Tăng cân trong quá trình mang thai được đánh giá qua hai yếu tố là sự tăng cân của người mẹ và sự tăng cân của thai nhi. Cơ thể mẹ tăng cân trong quá trình mang thai là do: Sự tăng tuần hoàn máu, tăng trọng lượng bầu ngực, kích thước tử cung tăng, cơ thể tăng cường trữ nước cùng các chất lỏng nói chung, có sự xuất hiện của túi ối và nhau thai.
Trong thời gian đầu khi mang thai, mẹ tăng cân chủ yếu là do những thay đổi bên trong cơ thể. Cơ thể của mẹ phải tạo ra nhiều máu để nuôi dưỡng và cung cấp oxi cho bào thai để bào thai có thể phát triển bình thường. Cơ thể mẹ tăng cân tập trung vào phần đùi, hông, mông và cánh tay, đây giống như một hình thức dự trữ năng lượng để cho con bú sau này.
Mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là hợp lý trong quá trình mang thai?
Tăng cân hợp lý trong suốt quá trình mang thai giúp đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi cũng như đảm bảo sức khỏe của mẹ bầu. Tuy nhiên mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là hợp lý là thắc mắc của nhiều người.
Trong tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ bầu thường có dấu hiệu thai nghén, nhiều mẹ bầu ít tăng cân hoặc thậm chí là không tăng cân nhưng hầu hết vẫn tăng được khoảng 2 kg. Đối với 3 tháng giữa thai kỳ và 3 tháng cuối thai kỳ, với mẹ bầu có mức cân nặng bình thường trước khi mang thai thì nên duy trì tăng 0,4 kg/tuần là hợp lý. Đối với mẹ bầu có cân nặng thấp hơn bình thường trước khi mang thai thì cân nặng hợp lý nên duy trì ở mức 0,5 kg/tuần. Riêng các mẹ bầu thừa cân trước khi mang thai thì mức cân nặng hợp lý cần duy trì là 0,3 kg/tuần.
Mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là hợp lý còn phụ thuộc vào thể trạng của từng mẹ bầu khác nhau, không có mẹ bầu nào có mức tăng cân giống nhau hoàn toàn. Tuy nhiên hầu hết, mức cân nặng được cho là hợp lý đối với các mẹ bầu là:
Mẹ bầu có mức cân nặng trung bình trước khi mang thai: Khoảng 11,3 - 16 kg.
Mẹ bầu có cân nặng nhẹ cân hơn bình thường trước khi mang thai: Khoảng 12,7 - 18,3 kg.
Mẹ bầu bị thừa cân trước khi mang thai: Khoảng 7 - 11,3 kg.
Mẹ bầu mang song thai: Khoảng 16 - 20,5 kg.
Tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai có nguy hiểm đến sức khỏe không?
Đọc đến đây ắt hẳn các mẹ đã có đáp án cho mình về vấn đề mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là hợp lý. Tuy nhiên việc tăng cân quá nhiều có nguy hiểm đến sức khỏe không? Việc tăng cân nhiều trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất không ảnh hưởng ngay đến sức khỏe của thai nhi lẫn mẹ bầu, nhưng khi tình trạng tăng cân quá nhiều diễn ra trong suốt quá trình thai kỳ thì cả mẹ và thai nhi có thể gặp một số vấn đề như:
Thai quá nặng: Việc tăng cân quá mức trong quá trình mang thai khiến thai nhi quá nặng. Vào thời điểm sinh ra nếu trẻ nặng 4 kg thì gọi là bệnh macrosomia, trẻ được coi là lớn hơn so với tuổi.
Khó sinh: Vào thời điểm sinh, nếu trẻ lớn hơn so với tuổi thai thì mẹ có thể gặp khó khăn trong việc sinh nở chẳng hạn như chuyển dạ kéo dài hay chứng đẻ mắc vai.
Bị tiểu đường thai kỳ: Việc tăng cân quá nhiều trong giai đoạn đầu mang thai có thể dẫn đến tình trạng cơ thể bị nhạy cảm với insulin, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Tiểu đường thai kỳ khiến lượng đường trong máu tăng cao và có thể khiến thai nhi tăng cân quá mức.
Cách tăng cân an toàn và hợp lý cho mẹ bầu
Bên cạnh việc tìm hiểu vấn đề về cân nặng khi mang thai thì việc duy trì mức tăng cân an toàn và hợp lý cũng rất quan trọng. Ngoài việc thiết lập riêng cho bản thân biểu đồ tăng cân cùng với nguyên tắc đo lường cân nặng thì dưới đây là một số cách giúp mẹ bầu tăng cân an toàn và hợp lý trong suốt thai kỳ như:
Chế độ dinh dưỡng của thai kỳ
Trong suốt quá trình thai kỳ, mẹ bầu cần bổ sung đa dạng các loại thực phẩm nhưng phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất gồm tinh bột (gạo, khoai, mì, ngô,...), nhóm đạm (thịt, cá, tôm,...), nhóm chất béo (dầu, mỡ, lạc,...) và nhóm vitamin cùng khoáng chất (các loại rau, trái cây,...). Bên cạnh việc đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất, mẹ bầu cũng cần lưu ý an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi và giảm thiểu tối đa các loại gia vị. Ngoài ra, mẹ còn lưu ý tránh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chiên, rán hoặc xào.
Chế độ vận động
Để đảm bảo việc tăng cân cân đối, phù hợp thì ngoài việc đáp ứng chế độ dinh dưỡng trong suốt thai kỳ mẹ bầu cũng cần chú ý đến chế độ vận động. Mẹ bầu nên hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, bơi,... Các hoạt động thể thao nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ khỏe mạnh, hạn chế được một số vấn đề như chuột rút, đau lưng, giãn tĩnh mạch, phù nề,... trong quá trình mang thai. Tuy nhiên mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi nhé.
Xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý
Mẹ bầu nên xây dựng cho bản thân một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Đảm bảo giấc ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, nên ngủ trưa để cơ thể phục hồi. Ngoài ra, mẹ bầu nên làm việc trong khả năng sức khỏe của mình, không nên làm việc nặng hoặc quá sức. Bên cạnh đó, các mẹ nên chú ý tránh làm các công việc ở trên cao hoặc ngâm mình dưới nước. Ở giai đoạn cuối thai kỳ, các mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để lấy lại sức. Hãy giữ môi trường sống trong lành, sạch sẽ, thoáng đãng tránh bụi bẩn cùng mùi thuốc lá.
Cân nặng là một trong những yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của mẹ bầu lẫn thai nhi. Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn giải đáp được câu hỏi mẹ bầu tăng bao nhiêu cân là hợp lý. Tùy thuộc vào thể trạng của bản thân trước khi mang thai mà các mẹ nên xây dựng cho mình chế độ dinh dưỡng phù hợp, không nên nghĩ rằng ăn càng nhiều càng tốt. Bên cạnh đó, mẹ nên đi thăm khám thai định kỳ để bác sĩ tiện theo dõi mức cân nặng cũng như sức khỏe của cả hai mẹ con nhé.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.