Mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Ngày 05/05/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tâm trạng, cảm xúc của người mẹ khi mang thai sẽ luôn thay đổi bất thường, đặc biệt là trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Trong bài viết dưới đây Nhà Thuốc Long Châu sẽ giải đáp thắc mắc tình trạng mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối có ảnh hưởng tới thai nhi không? Để từ đó giúp các mẹ bầu có giải pháp khắc phục tình trạng này, xây dựng kế hoạch tự chăm sóc bản thân hợp lý.
Nếu mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối thai kỳ không chỉ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, gây trầm cảm trong và sau khi sinh mà còn ảnh hưởng không tốt đến em bé. Các bà mẹ tương lai nên cố gắng duy trì tâm trạng tốt nhất khi mang thai. Để khắc phục tình trạng này thì điều quan trọng là phải biết được nguyên nhân gây ra nó. Sau đây là những nguyên nhân khiến mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối
Những lý do có thể khiến mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối như sau:
Nội tiết tố trong cơ thể thay đổi: Một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Khi thai kỳ phát triển, sẽ tiết ra các hormone như estrogen tăng lên. Đây là nguyên nhân chính khiến mẹ bầu trở nên nhạy cảm và dễ khóc.
Cơ thể có sự thay đổi nhanh chóng: Khi mang thai, cơ thể người mẹ trải qua những thay đổi lớn như tăng cân, rụng tóc, xuất hiện tàn nhang, sưng tấy ở tay chân, nhiều phụ nữ có thể cảm thấy tự ti về những thay đổi trên hình dáng cơ thể của mình. Điều này khiến mẹ bầu dễ khóc hơn.
Mẹ bầu bị căng thẳng: Căng thẳng và lo lắng khi mang thai cũng có thể khiến mẹ bỉm tương lai dễ khóc hơn bình thường. Bởi các mẹ bầu là người lo lắng nhất về những thay đổi của cơ thể sau sinh, sự phát triển của bé và các vấn đề về chăm sóc, nuôi dạy con cái,... Nếu lo lắng quá nhiều, mẹ bầu sẽ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng và cuối cùng sẽ khóc. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia thì điều này là không nên. Thay vào đó, mẹ bầu nên đón nhận những cảm giác tốt nhất, thoải mái nhất để không gây hại cho thai nhi.
Mẹ bầu bị chứng mất ngủ: Theo thống kê, rất nhiều mẹ bầu bị chứng mất ngủ khi mang thai. Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến mệt mỏi về thể chất và bất ổn về cảm xúc, điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến tinh thần của thai phụ. Sự mất cân bằng này khiến mẹ bầu khó kiểm soát cảm xúc và khiến con dễ khóc hơn bình thường.
Ngoài ra, việc thiếu sự quan tâm của người thân, đặc biệt là chồng, người mẹ tương lai trở nên nhạy cảm, dễ có cảm giác tủi thân và khóc nhiều hơn.
Mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Khi thai nhi lớn lên, tâm trạng của mẹ bầu sẽ thay đổi đáng kể từng ngày. Ở những tháng cuối cùng của thai kỳ đến gần, cảm giác hồi hộp, phấn khích khi chào đón em bé chào đời xen lẫn cảm giác mệt mỏi, nặng nề sẽ khiến mẹ bầu có thể cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh và rơi nhiều nước mắt. Vậy mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối có ảnh hưởng tới thai nhi không? Câu trả lời là: Mẹ bầu không nên khóc nhiều trong 3 tháng cuối của thai kỳ vì nó có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của em bé. Bởi vì những lý do như sau:
Khi mẹ bầu khóc nhiều, mẹ bầu sẽ mệt mỏi, ít vận động, chán ăn, sụt cân, thậm chí tăng cân không kiểm soát. Những điều này làm suy giảm quá trình trao đổi chất giữa mẹ và con, khiến em bé không nhận đủ dinh dưỡng và làm chậm sự phát triển của trẻ, đặc biệt là sự phát triển trí não.
Khi mang thai, mẹ bầu khóc nhiều sẽ khiến hai hormone dopamine và cortisol được tiết ra. Cả hai loại hormone này đều tác động đến hệ thần kinh của thai nhi, gây kích động, bồn chồn ở trẻ sơ sinh sau khi chào đời, làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra hiếu động hơn bình thường.
Mẹ thường xuyên khóc trong 3 tháng đầu làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Phụ nữ mang thai khóc nhiều trong 3 tháng cuối có nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân và suy dinh dưỡng cao hơn.
Hơn hết, các chuyên gia cho rằng, em bé của những mẹ bầu khóc nhiều có nguy cơ mắc dị tật tim bẩm sinh cao hơn những mẹ bầu vui vẻ, lạc quan, tích cực.
Những cách giúp mẹ bầu giảm tình trạng khóc nhiều trong 3 tháng cuối thai kỳ
Sau khi biết được nguyên nhân và những tác động của việc mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối thai kỳ thì mẹ bầu cũng nên biết các giải pháp để giảm bớt tình trạng khóc khi mang thai. Nhằm hạn chế những cảm xúc tiêu cực, nỗi âu lo, mẹ bầu có thể sử dụng các phương pháp sau:
Hãy thư giãn cơ thể
Các mẹ bầu cần tìm cách chăm sóc và yêu thương bản thân tốt hơn như dần dần làm quen với những thay đổi của cơ thể, cố gắng không suy nghĩ tiêu cực quá nhiều và thư giãn bằng cách nghe nhạc, đọc sách, tham gia các lớp học tiền sản để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn khi chuẩn bị chào đón em bé chào đời hoặc làm bất cứ điều gì lành mạnh mà bản thân mẹ bầu thích. Đặc biệt, nên tránh tạo áp lực quá lớn cho bản thân khi chuẩn bị sinh em bé.
Cải thiện thói quen ăn uống
Xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh khoa học hàng ngày để đảm bảo mẹ bầu có môi trường tốt nhất có thể trong suốt thai kỳ. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh cũng giúp cân bằng tâm trí và cảm xúc của cơ thể. Các mẹ bầu nên ưu tiên rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất để cơ thể và em bé cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn.
Hãy tập thể dục nhẹ
Hoạt động thể chất nhẹ nhàng giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Đồng thời, nó có lợi ích trực tiếp cho sức khỏe của mẹ bầu và em bé. Các hoạt động thể chất mà mẹ bầu có thể thực hành như đi bộ, yoga, bơi lội.
Sử dụng tinh dầu hoặc tắm bằng nước ấm nóng
Sử dụng tinh dầu và trị liệu bằng cách tắm nước ấm nóng để cơ thể dễ chịu hơn, tuy nhiên mẹ bầu không nên ngâm mình trong nước nóng lâu vì nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ.
Nếu bà mẹ tương lai không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ dễ bị căng thẳng và gia tăng cảm xúc tiêu cực hơn. Vì vậy, các mẹ bầu nên cố gắng đi ngủ đúng giờ và ngủ ít nhất 7 - 9 tiếng để có sức khỏe và tâm trạng tốt nhất.
Nhờ người khác giúp đỡ
Nếu mẹ bầu cảm thấy quá căng thẳng, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Bằng việc chia sẻ những cảm xúc, tâm trạng, câu chuyện của mình, các mẹ bầu có thể yên tâm hơn và cũng nhận được nhiều lời khuyên bổ ích từ các mẹ bầu khác. Hơn hết, chồng và các thành viên trong gia đình cũng nên khuyến khích các bà mẹ tương lai chia sẻ, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của mình để các mẹ bầu yên tâm hơn khi mang thai. Trong một số trường hợp, nếu mẹ bầu có thể trở nên căng thẳng quá mức thì nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
Bài viết trên đã tóm tắt những lý do khiến mẹ bầu khóc nhiều trong 3 tháng cuối cũng như những cách giúp mẹ bầu khắc phục, hạn chế tình trạng này. Hy vọng điều này sẽ giúp các mẹ bầu và em bé có thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.