Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khi nào cần phẫu thuật cắt trĩ?

Ngày 29/08/2022
Kích thước chữ

Hiện nay, trĩ là một bệnh khá phổ biến, xuất hiện nhiều ở những người hay ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, kỹ thuật viên máy tính… Do tâm lý chủ quan, xấu hổ nên người bệnh thường chỉ đi khám khi bệnh đã nặng. Phẫu thuật cắt trĩ nên được thực hiện càng sớm càng tốt.

Vậy khi nào cần phải phẫu thuật cắt trĩ, các phương pháp cắt trĩ là gì, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu nhé.

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ được hình thành do sự giãn quá mức của một hoặc nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ trên, tĩnh mạch trĩ dưới hoặc có khi cả hai. Hiện tượng này xảy ra gây nên bệnh trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.

Khi nào cần phẫu thuật cắt trĩ? 1 Bệnh trĩ nên được điều trị sớm

Triệu chứng của bệnh trĩ

Bệnh trĩ thường có một số dấu hiệu đặc trưng, dễ nhận biết là:

  • Đại tiện ra máu đỏ tươi. Đây thường là triệu chứng sớm nhất và cũng là triệu chứng đặc hiệu nhất. Lúc đầu người bệnh có thể chảy máu kín đáo, về sau máu chảy thành giọt hoặc thành tia như cắt tiết gà. 
  • Đau, sưng nề vùng hậu môn. Có một số trường hợp không đau hoặc đau nhẹ. Nguyên nhân gây đau là do tắc mạch hoặc nứt kẽ hậu môn.
  • Ngứa rát và cảm thấy ướt vùng hậu môn do viêm ống hậu môn.
  • Với trĩ nội độ 2 trở lên, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp, búi trĩ có thể bị sa ra ngoài và sờ thấy được.
Khi nào cần phẫu thuật cắt trĩ? 2 Người bị bệnh trĩ cảm thấy rất đau khi ngồi

Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ

Bệnh trĩ gây ra do rất nhiều yếu tố:

  • Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
  • Ngồi hoặc đứng quá lâu một động tác, thường gặp ở nhân viên văn phòng, kỹ thuật viên máy tính, lái xe, thợ may, vận động viên thể hình.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc sinh đẻ tự nhiên.
  • Thói quen ăn uống không tốt như ăn nhiều đồ cay nóng, thường xuyên uống rượu bia, ít ăn rau quả…
Khi nào cần phẫu thuật cắt trĩ? 3 Ngồi quá lâu là nguyên nhân phổ biến của bệnh trĩ

Phân biệt các loại trĩ

Các loại bệnh trĩ thường được phân biệt dựa vào vị trí xuất hiện búi trĩ. Việc phân biệt các loại trĩ và mức độ bệnh sẽ giúp bác sĩ định hướng cách điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Có 3 loại trĩ là: Trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.

Trĩ nội

Bệnh trĩ nội được hình thành do sự giãn quá mức của đám rối tĩnh mạch trĩ trong ống hậu môn. Vì vậy, các búi trĩ xuất hiện ở phía trên đường lược, bên trong ống hậu môn. Khi búi trĩ ở mức độ 1, mới phát triển thì các búi trĩ được bao bọc bởi niêm mạc nên chưa nhận biết được tình trạng sa búi trĩ. Búi trĩ sẽ phát triển to hơn và sa ra ngoài từ độ 3 và dễ bị nhầm lẫn với trĩ ngoại. Người bệnh khi đi đại tiện sẽ thấy búi trĩ lồi ra và có máu theo phân.

Trĩ nội thường được phân thành 4 độ theo quá trình tiến triển:

  • Trĩ nội độ 1: Bệnh trĩ mới hình thành, các búi trĩ nhỏ và chưa lòi ra bên ngoài hậu môn. Đại tiện thường ra máu, bám trên bề mặt phân hoặc chảy giọt ra ngoài. 
  • Trĩ nội độ 2: Máu chảy với số lượng nhiều hơn. Người bệnh có thể bắt đầu có dấu hiệu sưng đau, ngứa rát ở hậu môn. Các búi trĩ to hơn và lòi ra khỏi hậu môn khi đi đại tiện nhưng sau đó có thể tự co vào được.
  • Trĩ nội độ 3: Bệnh diễn tiến nặng hơn, người bị trĩ cảm thấy rất khó chịu, đau nhiều hơn, búi trĩ ngày càng to hơn, niêm mạc dày lên, có màu hồng đậm và thô ráp. Búi trĩ bị sa ra khỏi hậu môn khi đại tiện nhưng không thể tự co vào, phải dùng tay nhét vào bên trong hậu môn. Thậm chí chỉ cần rặn, ho, đi bộ hoặc khom người cũng khiến búi trĩ lòi ra ngoài.
  • Trĩ nội độ 4: Búi trĩ lòi hẳn ra ngoài hậu môn và không thể nhét vào bên trong hậu môn được. Các búi trĩ có thể dẫn đến hoại tử, gây đau nhức và tắc nghẽn hậu môn.

Trĩ ngoại

Bệnh trĩ ngoại hình thành do sự giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch trĩ ngoài ống hậu môn. Vì vậy, búi trĩ xuất hiện ở phía dưới đường lược, bên ngoài ống hậu môn. Búi trĩ khi mới xuất hiện đã nằm ở dưới lớp da hậu môn, khi chúng phát triển lớn hơn thì có thể nhận biết rõ bằng mắt thường. Khi người bệnh đi đại tiện, máu sẽ ra trước phân. 

Trĩ hỗn hợp

Trĩ hỗn hợp là sự kết hợp của cả 2 loại trĩ trên. Phần trĩ nội và trĩ ngoại sẽ liên kết với nhau tạo thành trĩ hỗn hợp. Chính vì thế khi bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp vừa có các triệu chứng của trĩ nội vừa có hiện tượng sa búi trĩ của trĩ ngoại khiến cho bệnh nhân chịu nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. 

Khi nào cần phẫu thuật cắt trĩ? 4 Việc phân biệt các loại trĩ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất

Khi nào cần phải phẫu thuật trĩ?

Các bệnh nhân bị trĩ nội mức độ 2 trở xuống, trĩ ngoại hoặc trĩ hỗn hợp thường không cần thiết phải phẫu thuật mà có thể uống thuốc hoặc thảo dược thiên nhiên để hỗ trợ điều trị.

Phẫu thuật cắt búi trĩ thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị trĩ độ 3 trở lên, có các búi trĩ to, trĩ bị huyết khối gây tắc nghẽn cấp tính và trĩ hỗn hợp với trĩ ngoại lớn khiến chảy máu và đau đớn.

Phẫu thuật cắt bỏ các búi trĩ trong điều trị trĩ không phải là phương pháp duy nhất. Chúng chỉ là mắt xích cuối cùng trong phác đồ điều trị tổng thể. Sau khi cắt bỏ búi trĩ, việc quan trọng là phục hồi chức năng hậu môn và điều trị ngăn chặn trĩ tái phát.

Một số sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng hoặc các thảo dược thiên nhiên có tác dụng cải thiện các triệu chứng của trĩ rất tốt. Sử dụng các sản phẩm này lâu dài sẽ làm các búi trĩ co dần đồng thời giúp hệ tĩnh mạch trĩ bền vững, chống viêm, chống táo bón. Các thảo dược an toàn như: Diếp cá, hoa hòe, đương quy, nghệ... có thể dùng được với cả phụ nữ đang mang thai và cho con bú.

Phương pháp phẫu thuật cắt trĩ 

Muốn điều trị triệt để bệnh trĩ thì cần phải loại bỏ hết các búi trĩ. Để thực hiện điều này, các bác sĩ sẽ dùng các thủ thuật cắt hết búi trĩ và thắt các tĩnh mạch trĩ tận gốc.

Trong đó, phẫu thuật Longo cắt búi trĩ mang đến hiệu quả rất tốt, an toàn, thời gian nằm viện ngắn và giảm đau sau mổ. Tuy nhiên, việc loại bỏ búi trĩ bằng phương pháp này vẫn rất đau đớn và có thể xảy ra một số biến chứng như: Nhiễm trùng hậu môn, hẹp hậu môn...

Khi nào cần phẫu thuật cắt trĩ? 5 Phương pháp phẫu thuật cắt trĩ Longo thường được áp dụng khi cần cắt trĩ

Để giảm các biến chứng của phẫu thuật cắt trĩ, mang tới hiệu quả lâu dài và phòng ngừa bệnh tái phát, bệnh nhân nên thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có trình độ và tay nghề cao. 

Như vậy, phẫu thuật cắt trĩ là phương pháp an toàn, hiệu quả và điều trị được tận gốc vấn đề. Tuy nhiên sau phẫu thuật, bệnh trĩ có thể tái phát trở lại. Vì vậy mọi người nên thay đổi các thói quen như không ngồi quá lâu, ăn nhiều rau xanh, hạn chế các đồ uống có cồn… Hy vọng bài viết đã mang lại cho các bạn các kiến thức về phẫu thuật cắt trĩ. Chúc mọi người luôn khỏe mạnh và đừng quên đừng quên theo dõi các bài viết khác của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhập thêm kiến thức nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Trĩphẫu thuật