Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Thanh Hương
Mặc định
Lớn hơn
Trĩ cấp độ 3 là giai đoạn bệnh đã tiến triển nặng, gây nhiều khó chịu và bất tiện. Vậy bị trĩ cấp độ 3 uống thuốc có khỏi không hay cần can thiệp thêm? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ thông tin rõ về bị trí cấp độ 3 uống thuốc có khỏi không và cách điều trị hiệu quả.
Bệnh trĩ là nỗi ám ảnh của nhiều người, đặc biệt khi bệnh tiến triển đến cấp độ 3 với các triệu chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Không ít người thắc mắc liệu trĩ cấp độ 3 uống thuốc có khỏi không. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về hiệu quả của thuốc đối với bệnh trĩ độ 3 và gợi ý các hướng điều trị phù hợp.
Trong điều trị bệnh trĩ cấp độ 3, chỉ dùng thuốc sẽ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Lý do là bởi trĩ độ 3 đã ở giai đoạn nặng, khi các tĩnh mạch trĩ bị giãn phình đáng kể, mô liên kết yếu. Các búi trĩ độ 3 đã lớn, thường xuyên sa ra ngoài, không thể tự co lại mà phải dùng tay đẩy vào. Các loại thuốc điều trị dù hiệu quả đến đâu cũng không thể giúp phục hồi hoàn toàn cấu trúc tĩnh mạch bị tổn thương.
Khi trĩ đã ở cấp độ 3, búi trĩ sa hẳn ra ngoài thì thuốc thường chỉ đóng vai trò hỗ trợ, làm giảm tạm thời các triệu chứng khó chịu. Các loại thuốc này tập trung vào việc làm dịu cơn đau, giảm sưng tấy, cầm máu và giúp việc đi vệ sinh dễ dàng hơn.
Người bệnh có thể cảm thấy dễ chịu hơn đáng kể sau vài ngày sử dụng thuốc, nhưng điều này không có nghĩa là búi trĩ đã biến mất hay bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn. Thuốc là giải pháp tức thời để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, nhưng không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Để kiểm soát các triệu chứng của trĩ cấp độ 3, bác sĩ thường kê một số nhóm thuốc chuyên biệt. Thuốc giảm đau và chống viêm dạng uống hoặc đặt hậu môn giúp xoa dịu cảm giác đau rát và giảm sưng tấy búi trĩ. Thuốc co mạch và giảm sưng dạng bôi hoặc đặt, giúp các mạch máu tại búi trĩ co lại, giảm phù nề.
Ngoài ra, thuốc nhuận tràng hoặc làm mềm phân sẽ hỗ trợ việc đi ngoài dễ dàng hơn, tránh tình trạng táo bón gây áp lực lên búi trĩ. Thuốc tăng cường sức bền thành mạch có thể được sử dụng để củng cố tĩnh mạch, giảm nguy cơ chảy máu và sa búi trĩ.
Mặc dù thuốc có thể mang lại hiệu quả giảm triệu chứng nhanh chóng, nhưng điều trị bằng thuốc cho trĩ cấp độ 3 có nhiều hạn chế rõ rệt. Vấn đề lớn nhất là thuốc không thể loại bỏ được búi trĩ đã sa ra ngoài, tức là không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của bệnh.
Điều này dẫn đến nguy cơ tái phát rất cao ngay khi người bệnh ngừng thuốc hoặc không thay đổi các thói quen sinh hoạt gây bệnh. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc không đúng cách có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Với thắc mắc trĩ cấp độ 3 uống thuốc có khỏi không, câu trả lời của các chuyên gia là không thể. Việc chỉ điều trị trĩ độ 3 bằng thuốc mà không can thiệp đúng phương pháp có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Người bệnh phải đối mặt với cảm giác đau rát, vướng víu khó chịu kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và tâm lý. Sa búi trĩ ra ngoài không được xử lý triệt để sẽ ngày càng to lên, dễ bị phù nề, viêm loét.
Chảy máu kéo dài có thể khiến người bệnh bị thiếu máu mạn tính, dễ bị hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Nếu để lâu, búi trĩ có thể bị nghẹt, hoại tử, thậm chí gây nhiễm trùng vùng hậu môn.
Việc chậm trễ điều trị đúng cách khiến bệnh tiến triển nặng hơn, khi đó việc phẫu thuật sẽ phức tạp, tốn kém hơn và thời gian hồi phục kéo dài. Vì vậy, khi bị trĩ độ 3, người bệnh không nên chỉ phụ thuộc vào thuốc mà cần được thăm khám và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp.
Khi bệnh trĩ đã tiến triển đến độ 3, người bệnh cần được áp dụng các giải pháp can thiệp phù hợp để điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng.
Thắt trĩ bằng vòng cao su là phương pháp phổ biến và mang lại hiệu quả cao cho trĩ nội độ 2 đến độ 3. Một số trường hợp trĩ nội độ 1 có thể được áp dụng nếu không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Bác sĩ sẽ dùng vòng cao su nhỏ thắt chặt chân búi trĩ, cắt đứt nguồn máu nuôi. Sau vài ngày, búi trĩ sẽ hoại tử và tự rụng. Thủ thuật này đơn giản, ít đau, không cần phẫu thuật nhưng có thể gây chảy máu nhẹ hoặc cảm giác căng tức hậu môn sau thủ thuật.
Phẫu thuật cắt trĩ là phương pháp cắt bỏ hoàn toàn các búi trĩ kết hợp khâu hoặc để hở vết mổ. Phương pháp này thường áp dụng cho trĩ độ 3 đến độ 4, trĩ hỗn hợp hoặc các trường hợp trĩ to, chảy máu nhiều. Phẫu thuật cắt trĩ có hiệu quả lâu dài nhưng thời gian hồi phục lâu, đau sau mổ nhiều, người bệnh có thể gặp biến chứng như hẹp hậu môn, nhiễm trùng.
Phẫu thuật Longo dùng máy khâu vòng cắt niêm mạc trực tràng trên búi trĩ, làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và kéo búi trĩ lên vị trí bình thường. Phương pháp này thích hợp cho trĩ nội độ 3 đến độ 4. Ưu điểm của phẫu thuật Longo là ít đau, hồi phục nhanh, tuy nhiên chi phí cao.
Phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ là phương pháp sử dụng siêu âm Doppler để xác định và khâu thắt động mạch nuôi búi trĩ, kết hợp treo búi trĩ sa. Giải pháp này thường áp dụng cho trĩ nội độ 2 đến độ 3, một số trường hợp độ 4 có thể cân nhắc thực hiện khi búi trĩ chưa quá lớn hoặc kết hợp với các phương pháp khác.
Ưu điểm của phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ là ít đau, ít biến chứng, hồi phục nhanh. Hạn chế là chi phí cao, đòi hỏi kỹ thuật và thiết bị hiện đại, hiệu quả hạn chế với trĩ ngoại to.
Trĩ cấp độ 3 uống thuốc có khỏi không? Trĩ cấp độ 3 là giai đoạn bệnh đã tiến triển nặng, việc chỉ sử dụng thuốc thường không mang lại hiệu quả triệt để. Thuốc có thể giúp giảm triệu chứng tạm thời như đau rát, chảy máu, nhưng không thể làm co hoặc loại bỏ hoàn toàn búi trĩ sa ra ngoài.
Để điều trị dứt điểm, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa để được tư vấn các phương pháp can thiệp phù hợp như thắt búi trĩ, phẫu thuật Longo hoặc cắt trĩ truyền thống. Đồng thời, việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống hợp lý là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa tái phát và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.