Long Châu

Khi nào nên đưa trẻ sơ sinh ho khan đến bệnh viện?

Ngày 07/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ sơ sinh rất dễ bị ho vì lúc này hệ miễn dịch và hô hấp của trẻ chưa phát triển toàn diện. Viêc trẻ sơ sinh ho khan, quấy khóc khiến các bậc cha mẹ lo lắng vì không biết nguyên nhân từ đâu và cũng không thể hỏi trẻ đang cảm thấy thế nào, có nên đưa con đến bác sĩ hay không?

Thực tế có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho. Mẹ chỉ có thể dựa vào tiếng ho hoặc dấu hiệu bên ngoài để xác định yếu tố gây ho. Vậy trẻ ho như thế nào là bình thường hoặc khi nào cần gặp bác sĩ thì mẹ hãy theo dõi bài viết dưới này nhé.

Lý do nào dẫn đến tình trạng ho ở trẻ sơ sinh?

Ho là một phản xạ của cơ thể chống lại các dị vật tấn công vào cổ họng gây ngứa và ho. Có 2 kiểu ho thường gặp ở trẻ sơ sinh là:

  • Ho khan: Ho khan chỉ xảy ra khi bé bị cảm lạnh hoặc bị dị ứng. Trẻ sơ sinh bị ho khan là do viêm thanh quản, với sự thay đổi nhiệt độ về chiều và đêm đôi khi thanh quản bị kích ứng nên gây ho nhiều đôi khi còn thở khò khè.
  • Ho có đờm: Đây là dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp, trẻ sơ sinh bị ho có đờm màu trắng hoặc xanh.

Trẻ dưới 4 tháng tuổi ít bị ho, do đó nếu trẻ có bị ho thì nguyên nhân có thể là: Xung quanh trẻ có người hút thuốc, không khí trong nhà nhiều bụi bẩn, thời tiết thay đổi, bị dị ứng, viêm phế quản,...

Trường hợp trẻ sơ sinh thở khò khè có thể đường hô hấp tiết nhiều dịch nhầy để chống lại virus, vi khuẩn hoặc dị vật trong đường thở.

Khi nào nên đưa trẻ sơ sinh ho khan đến bệnh viện? 1 Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ sơ sinh ho khan

Nhận biết vì sao trẻ sơ sinh ho khan và cách khắc phục

Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường

Cảm lạnh thông thường hoặc cảm cúm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị ho do cảm thường có các dấu hiệu sau: Ngạt mũi, ho khan, đau họng. Ngoài ra, tùy theo mức độ cảm lạnh mà bé có thể bị sốt về chiều tối.

Vậy để khắc phục ho do cảm lạnh mẹ cần thực hiện những điều sau:

Cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ: Nếu trẻ bị ho khi còn bú sữa mẹ thì hãy cho trẻ bú đủ và uống thêm nước mỗi ngày. Vì trẻ sơ sinh bị ho được mẹ cho bú đủ sẽ làm dịch nhầy loãng hơn và dễ đẩy ra ngoài.

Không tự ý cho trẻ uống thuốc ho và cảm lạnh: Các bác sĩ khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 6 tuổi uống thuốc trị ho hay cảm lạnh. Các loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với cơ thể yếu ớt của trẻ sơ sinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Giảm ho: Khi bé bị ho do nghẹt mũi, để giảm ho cho bé mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho bé. Sử dụng máy làm ẩm trong phòng để bé thở dễ dàng hơn. Nếu bé từ 1 tháng tuổi trở lên, mẹ có thể cho bé uống nước mật ong ấm để làm loãng đờm.

Đến gặp bác sĩ khi sốt: Nếu trẻ bị sốt nhẹ mẹ có thể giảm thân nhiệt bằng cách lau người cho trẻ, chườm khăn. Nhưng nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C và có các dấu hiệu lừ đừ, bỏ bú thì mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay. Trẻ dưới 4 tháng tuổi bị sốt cao cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khoẻ nguy hiểm.

Khi nào nên đưa trẻ sơ sinh ho khan đến bệnh viện? 2 Nếu trẻ sơ sinh bị sốt cao trên 38 độ C cần đưa ngay đến bệnh viện 

Trẻ sơ sinh bị ho do hóc dị vật

Trẻ bị sặc khi bú sữa mẹ hoặc khi chơi với thú nhồi bông, lông của đồ chơi bay vào họng cũng khiến trẻ bị ho. Để ngăn ngừa tình trạng ho do sặc sữa khi bú thì mẹ nên bế trẻ trên tay thay vì nằm ngửa để bú. Không để gấu nhồi bông xung quanh giường vì trẻ dễ hít phải lông kém chất lượng gây khó thở hoặc ho khan. 

Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh lỡ nuốt phải đồ chơi nhỏ, cúc áo, đậu phộng,... cũng khiến trẻ ho dữ dội. Hóc dị vật là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ khó thở, nếu không lấy ra kịp thời có thể làm tắc đường hô hấp gây nguy hiểm cho tính mạng. Do đó mẹ không nên để các đồ chơi nhỏ xung quanh trẻ. Trường hợp khi trẻ bị hóc dị vật ba mẹ cần bình tĩnh, đỡ trẻ nằm úp trên tay và vỗ nhẹ vào giữa xương bả vai để bé ho mạnh đẩy dị vật ra ngoài. Nếu bạn không thể lấy dị vật ra cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện, tuyệt đối không đưa tay vào miệng trẻ để lấy dị vật tránh trường hợp dị vật rơi sâu vào trong họng.

Trẻ sơ sinh bị ho gà

Ho gà là bệnh do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, rất dễ lây lan và có thể gây tử vong. Trẻ bị ho gà từng cơn liên tiếp, thở khò khè sau mỗi cơn ho, da mặt bé thay đổi, tím tái, sưng mí mắt và sưng tĩnh mạch cổ.

Vậy khi trẻ bị ho gà nên đưa đến bệnh viện để được điều trị thích hợp. Cách phòng tránh tốt nhất là tiêm đầy đủ vắc-xin ho gà cho trẻ. Ngoài ra người chăm sóc bé cũng nên tiêm phòng đầy đủ ho gà, bạch cầu để không lây cho bé.

Trẻ sơ sinh bị ho do viêm phế quản hoặc hen suyễn

Trẻ sơ sinh thở khò khè hay ho khan do viêm phế quản và hen suyễn thường xuất hiện sau khi bị cảm lạnh. Đa phần các trường hợp trẻ bị hen suyễn là do di truyền còn các trường hợp viêm phế quản là do virus cảm lạnh gây ra. Trẻ ho do hen suyễn còn có các dấu hiệu như bị cảm lạnh, ngứa hoặc chảy nước mắt.

Bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ thường gặp vào mùa lạnh khiến trẻ bị sốt nhẹ, bỏ bú sữa. Để phòng tránh mẹ nên cho bé bú đủ no, uống thêm nước và tạo độ ẩm trong phòng của bé. Khi bé thở hổn hển hơn 50 nhịp/ phút, đây có thể là trường hợp suy hô hấp, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Khi nào thì cần đưa trẻ sơ sinh ho khan đến bệnh viện

Nếu trẻ gặp phải một trong những dấu hiệu dưới đây thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám:

  • Trẻ nhỏ dưới 4 tháng tuổi bị ho khan.
  • Trẻ sơ sinh ho khan không sốt kéo dài hơn 5 ngày không khỏi.
  • Ho có đờm kèm theo sốt cao trên 38 độ C.
  • Thở khò khè, ho kéo dài từng cơn, thở gấp, người tím tái.
Khi nào nên đưa trẻ sơ sinh ho khan đến bệnh viện? 3 Khi cho trẻ bú sữa nên nâng đầu cao hơn tránh sặc sữa bị ho

Trẻ sơ sinh có sức đề kháng kém, dễ ốm vặt. Vì vậy các mẹ hãy trang bị cho mình những kiến ​​thức để đối phó với tình trạng trẻ sơ sinh ho khan và không quá lo lắng mỗi khi con ốm. Không cho bé uống bất kỳ thuốc gì mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ, tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. Nếu bạn không chắc tại sao trẻ bị ho thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được bác sĩ thăm khám, hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị kịp thời.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm