Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Làm thế nào để ứng phó với bệnh đau khớp vai gáy?

Ngày 14/02/2022
Kích thước chữ

Đau khớp vai gáy là bệnh phổ biến và xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đau mỏi cổ, vai và lưng mang đến nhiều khó khăn và bất tiện cho cuộc sống hàng ngày. Vậy làm thế nào để ứng phó và điều trị căn bệnh này?

Đau mỏi khớp vai gáy là tình trạng thường gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh thường gặp hơn ở độ tuổi trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Đây cũng là bệnh liên quan đến cột sống cổ phổ biến nhất.

Đau khớp vai gáy là bệnh phổ biến và xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau Đau khớp vai gáy là bệnh phổ biến và xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau

Đau khớp vai gáy là gì?

Đau khớp vai gáy là tình trạng cơ vai gáy bị căng cứng, gây đau nhức, hạn chế vận động đầu và cổ. Đau khớp vai gáy thường xuất hiện khi bạn thức dậy vào buổi sáng. Thực chất đây là bệnh liên quan đến hệ cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng bệnh này nhưng đều dẫn đến hội chứng cuối cùng là người bệnh bị đau cơ vùng vai gáy và hạn chế vận động vùng đầu cổ. Các cơn đau mỏi vai gáy thường xuất hiện đột ngột, nhiều người bệnh sau một đêm ngủ dậy đột ngột thấy đau mỏi vùng cổ, vai, gáy. Do đó, triệu chứng đầu tiên mà người bệnh nhận thấy là đau cơ vùng cổ, vai và lưng trên.

Ban đầu, bệnh nhân chỉ đau nhẹ, đau mỏi vai gáy, hạn chế cử động vùng cổ, dường như không thể quay đầu thoải mái mà chỉ có thể nghiêng sang trái hoặc phải mà không quay được lưng. Điều này có thể xảy ra một cách tự nhiên hoặc sau khi bạn làm việc căng thẳng, mệt mỏi, lao động nặng hoặc bị cảm lạnh.

Các triệu chứng của đau khớp vai gáy

Đau khớp vai gáy tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, vận động cột sống cổ, ho, hắt hơi. Các triệu chứng đau cũng tăng lên theo thời tiết.

Đôi khi cơn đau lan xuống bả vai khiến cánh tay, cẳng tay, ngón tay rất khó chịu và tê buốt ngay cả khi chạm vào, đây là dấu hiệu của việc tăng cảm giác. Tình trạng tăng cảm giác khiến cho việc chỉ chạm nhẹ vào da gáy hoặc áp lực nhẹ lên da ở cánh tay, cẳng tay và mu bàn tay cũng gây ra cảm giác đau đáng kể. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn phản xạ gân xương.

Thậm chí, nếu cơn đau quá lớn, người bệnh chỉ cần đi lại nhẹ nhàng cũng có thể tác động và gây đau nhức vùng cổ, vai, gáy. Nếu không chữa trị đến khi bệnh phát triển nặng hơn thì mọi sinh hoạt, vận động dù nhẹ liên quan đến vùng cổ, vai, gáy đều có thể gây đau nhức và hạn chế mọi hoạt động của người bệnh.

Tình trạng bệnh đau khớp vai gáy có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống và ngủ nghỉ của bệnh nhân. Trong khi ngủ, nếu bệnh nhân nằm nghiêng về phía bị ảnh hưởng, áp lực lên cơ thể có thể làm cơn đau trầm trọng hơn. Nếu người bệnh nằm nghiêng về bên lành, bên bị tổn thương có thể bị kéo về phía sau gây đau.

Đau khớp vai gáy ảnh hưởng đến chế độ ăn uống và ngủ nghỉ của bệnh nhân Đau khớp vai gáy ảnh hưởng đến chế độ ăn uống và ngủ nghỉ của bệnh nhân

Làm thế nào để đối phó với bệnh đau khớp vai gáy?

Khi bị đau khớp vai gáy, bạn nên đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa xác định rõ nguyên nhân và xác định có sự chèn ép gây tổn thương dây thần kinh hay không. Đồng thời, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh nặng hay nhẹ để đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ

Khi bạn đang ở mức độ bệnh nhẹ thì bạn đừng cố gắng quay đầu hoặc cổ. Lúc này, bạn chỉ nên cử động nhẹ cổ tùy theo khả năng hiện tại của mình, không nên cố tăng biên độ như bình thường. Bạn nên hạn chế quay, nghiêng đầu để bệnh tự khỏi.

Bạn không nên ngồi trước quạt hoặc điều hòa nhiệt độ vì sẽ chỉ khiến các cơ căng cứng và đau nhức hơn.

Bạn có thể chườm nóng hoặc chiếu đèn hồng ngoại vào cổ và vai.

Bên cạnh đó, bạn có thể nhờ người thân xoa bóp nhẹ nhàng vùng cổ và vai trong khoảng 10 - 15 phút. Điều này sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, thư giãn cơ bắp và giảm đau.

Đặc biệt, khi tắm bạn nên dùng nước ấm, không dùng nước lạnh.

Với những trường hợp nhẹ, kèm theo tình trạng thiếu máu hoặc co mạch, các biện pháp trên có thể giải quyết nhanh chóng tình trạng đau mỏi vai gáy trong vòng 2 - 3 ngày.

Trường hợp bệnh ở mức độ vừa

Nếu tình trạng bệnh ở mức độ trung bình và tình trạng không cải thiện vào ngày hôm sau sau khi thực hiện các biện pháp trên, người bệnh có thể phải sử dụng một số loại thuốc điều trị đau mỏi khớp vai gáy theo lời khuyên của bác sĩ.

Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm như Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac..., dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp giảm đau đồng thời chống lại các phản ứng viêm sau này.

Sử dụng các loại miếng dán giảm đau.

Bệnh nhân bị đau khớp vai gáy ở mức độ vừa có thể sử dụng miếng dán Salonpas để giảm đau Bệnh nhân bị đau khớp vai gáy ở mức độ vừa có thể sử dụng miếng dán Salonpas để giảm đau 

Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc giãn cơ, chẳng hạn như Decontractyl, để chống co thắt cơ quá mức, giảm đau hiệu quả.

Cũng có thể sử dụng các loại vitamin B như vitamin B1, B6, B12 giúp tăng dẫn truyền thần kinh.

Nếu nguyên nhân không phải do thoái hóa hoặc co thắt mạch máu thì không nên xoa bóp trong trường hợp này, vì nó chỉ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Trường hợp bệnh nặng

Đối với những trường hợp nghiêm trọng, cần có những biện pháp mạnh hơn, cụ thể là:

  • Châm cứu: Giúp điều hòa hoạt động của dây thần kinh. Việc châm cứu cần được đặt vào vị trí chính xác của huyệt đạo trước khi nó có thể có tác động lan tỏa làm giảm co thắt và do đó giảm đau. Châm cứu là cách chữa đau vai gáy hiệu quả
  • Sử dụng các loại thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh: Việc sử dụng các loại thuốc  như Lidocain, Novocain..., sẽ tạm thời cắt đứt sự kích thích thần kinh mạnh và làm mềm cơ. Lưu ý rằng việc tiêm thuốc phải được thực hiện bởi bác sĩ với đầy đủ thiết bị cấp cứu trong trường hợp có sự cố, bạn không bao giờ được tự ý mua thuốc tiêm.

Trên đây là cách ứng phó hữu hiệu với chứng đau vai gáy, giúp xoa dịu cơn đau hiệu quả. Nếu bạn bị đau dữ dội ở cổ và vai, kèm theo yếu cơ, mất cảm giác ở cánh tay, nhức đầu, mờ mắt, buồn nôn và không thể giữ thăng bằng khi di chuyển, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức nhé.

Thuý Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin