Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lăn kim có đau không? Những điều nên biết về quy trình và sau khi lăn kim

Ngày 23/11/2022
Kích thước chữ

Kỹ thuật lăn kim tuy được biết đến là kỹ thuật làm đẹp đa năng nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về kỹ thuật này. Một số câu hỏi thường gặp có thể kể đến như lăn kim trị mụn có đau không? Lăn kim bao lâu hết đỏ? Trong bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này.

Có lẽ phương pháp lăn kim đã không còn xa lạ với mọi người đặc biệt là những tín đồ mê làm đẹp tại các spa, thẩm mỹ viện. Lăn kim không chỉ điều trị các vấn đề da mà còn tái tạo và tăng sinh tế bào mới. Mặc dù lăn kim đã phổ biến nhưng nhiều người khi mới tìm hiểu đều có những thắc mắc như lăn kim có đau không, bao lâu thì lành,… Bài viết này sẽ giải đáp cho bạn những thắc mắc điển hình trên.

Những điều nên biết về phương pháp lăn kim

Lăn kim là gì?

Phương pháp này được thực hiện bằng cách di chuyển kim lăn lên vùng da cần điều trị. Với cấu tạo đặc biệt gồm nhiều đầu kim siêu nhỏ sẽ tạo ra những vết thương giả trên bề mặt da. Quá trình này kích thích cơ chế làm lành vết thương tự nhiên của cơ thể. Nhờ đó giúp thúc đẩy khả năng tái tạo da, trẻ hóa làn da. Phục hồi da bằng phương pháp lăn kim mang đến cơ hội điều trị các bệnh lý về da như mụn, nếp nhăn do lão hóa hay sẹo, lớp sừng dày, da sần sùi,... đều được loại bỏ nhanh chóng và hiệu quả.

Lăn kim có đau không? Những điều nên biết về quy trình và sau khi lăn kim 1 Lăn kim được thực hiện bằng cách di chuyển kim lăn lên vùng da cần điều trị

Quy trình lăn kim như thế nào?

Bạn có thể mất từ ​​vài phút đến một giờ để thực hiện quy trình lăn kim thông thường. Các bước thực hiện lăn kim như sau:

  • Không thoa kem dưỡng da, trang điểm hoặc các sản phẩm bôi ngoài da khác lên vùng điều trị cần làm thủ thuật.
  • Chuyên viên y tế làm sạch da và thoa kem gây tê lên vùng da điều trị hoặc tiêm thuốc gây tê cục bộ.
  • Bác sĩ sẽ sử dụng con lăn có đầu kim siêu nhỏ lăn trên da để tạo tổn thương giả. Để có kết quả tốt nhất, thiết bị lăn qua da nhiều lần để kích thích quá trình tái tạo tế bào da và hình thành tế bào mới. 
  • Hai lần điều trị gần nhau phải cách ít nhất 6 tuần vì da cần thời gian phục hồi để kích thích hình thành collagen tự nhiên.

Những tác dụng phụ thường gặp sau lăn kim

Sau lăn kim làn da của bạn có thể xuất hiện các phản ứng phụ hay một số biến chứng của lăn kim, nhiều người e ngại với những dấu hiệu này nhưng điều này là hoàn toàn bình thường:

  • Chảy máu, tổn thương da.
  • Đỏ da có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, khi đó bạn có thể sử dụng axit hyaluronic để giảm tình trạng này.
  • Da có thể sưng lên.
  • Vùng da điều trị nhạy cảm hơn với ánh nắng.

Lăn kim có đau không?

Theo các chuyên gia thẩm mỹ, phương pháp lăn kim là một liệu pháp ít nhiều có xâm lấn nên dễ có cảm giác đau rát. Tuy nhiên đau nhiều hay ít phụ thuộc vào ngưỡng đau của từng người. Khi tác động lên vùng da dưới ngưỡng đau này sẽ không thấy đau, ngược lại nếu tác động vượt quá ngưỡng đau người điều trị sẽ cảm thấy đau rát. Ngoài ngưỡng chịu đau, lăn kim có đau không còn dựa vào 3 yếu tố như sau:

  • Mục đích của việc điều trị: Nếu bạn muốn điều trị sẹo rỗ thì kim sử dụng sẽ dài hơn, lực tác động lên da cũng sẽ mạnh hơn nên mức độ đau cũng nhiều hơn so với lăn kim để se khít lỗ chân lông, tương tự với phương pháp lăn kim trị mụnlăn kim trị nám.
  • Mức độ đau tùy thuộc vào vùng da điều trị: Cụ thể nếu lăn kim vùng da trán hoặc cằm sẽ ít đau hơn vùng da dưới mắt.
  • Do phương pháp điều trị: Phương pháp lăn kim có mức độ đau thấp hơn so với phương pháp bóc tách sẹo nhưng đau hơn so với phương pháp thay da sinh học

Tuy nhiên, hầu hết những người đã sử dụng lăn kim đều đồng ý rằng mức độ đau vẫn nằm trong mức chịu đựng được, thậm chí với người đã từng sử dụng phương pháp này thì không còn thấy đau, chỉ có cảm giác châm chích nhẹ.

Lăn kim có đau không? Những điều nên biết về quy trình và sau khi lăn kim 2 Lăn kim có đau không còn phụ thuộc vào ngưỡng chịu đau của từng người

Những câu hỏi liên quan đến lăn kim

Lăn kim mấy ngày thì hết đỏ?

Một số chị em thắc mắc bao lâu sau lăn kim thì hết mẩn đỏ? Bác sĩ da liễu giải thích cho vấn đề này do lăn kim tạo tổn thương giả cho da, vì vậy hiện tượng mẩn đỏ và sưng tấy là điều bình thường và sẽ biến mất sau 1 - 3 ngày. Còn khi sử dụng lăn kim để trẻ hóa và se khít lỗ chân lông thì chỉ sau 1 - 2 ngày là da hết ửng đỏ.

Lăn kim sau bao lâu thì lành?

Sau lăn kim bao lâu da trở lại bình thường là vấn đề được nhiều người quan tâm. Sau giai đoạn phục hồi sưng đỏ sẽ chuyển sang giai đoạn làm lành da. Theo nghiên cứu của các chuyên gia thẩm mỹ sau khoảng 5 - 6 ngày, làn da sẽ bắt đầu hồi phục. Theo đó da sẽ đóng vảy và bong ra nên bạn đừng quá lo lắng về vấn đề này nhé. Thời gian lành da còn tùy theo cơ địa mỗi người. Ngoài ra, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình lành da như kỹ thuật của bác sĩ, dưỡng chất đặc trị, lăn kim an toàn vệ sinh,...

Sau lăn kim nên bôi gì?

Các chuyên gia da liễu khuyên bệnh nhân nên thoa serum, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng. Lưu ý kem dưỡng ẩm và serum sử dụng cần hỏi ý kiến của bác sĩ. Serum và kem dưỡng ẩm là hai sản phẩm chăm sóc da sau lăn kim rất quan trọng bạn nên đầu tư. Sau khi rửa mặt, thoa đều serum và chờ khoảng 10 - 15 phút rồi thoa kem dưỡng để cung cấp độ ẩm cần thiết làm lành tổn thương sau lăn kim.

Kem chống nắng cũng là bước vô cùng cần thiết sau lăn kim. Vì lúc này da còn yếu nếu không được bảo vệ da rất dễ bị bắt nắng. Vì vậy cần bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài.

Lăn kim có đau không? Những điều nên biết về quy trình và sau khi lăn kim 3 Sau khi lăn kim da cần được bảo vệ bởi lớp kem chống nắng trước khi ra ngoài

Da bị mụn có nên lăn kim không?

Nếu da bạn có nhiều mụn viêm, mụn mủ bạn không nên lăn kim vì mũi kim sẽ làm vỡ mụn giúp vi khuẩn lan rộng hơn. Nếu da của bạn chỉ có một ít mụn cám hoặc mụn đầu đen, mụn ẩn thì có thể sử dụng phương pháp lăn kim.

Phụ nữ mang thai có nên lăn kim không?

Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên thực hiện lăn kim vì đây là  quá trình kích thích sản sinh collagen nên cơ thể cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cần thiết để da phục hồi. Trong khi đó phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng cần được cung cấp nhiều vitamin để bổ sung cho mẹ và con vì vậy không nên tiến hành lăn kim trong thời gian này.

Qua những thông tin trên hy vọng bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi lăn kim có đau không, cũng như được giải đáp những thắc mắc liên quan đến lăn kim trước khi quyết định thực hiện. Cho dù bạn áp dụng lăn kim điều trị vấn đề da gì thì cũng lựa chọn địa chỉ uy tín và chú ý chăm sóc sau điều trị.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin