Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Loạn khuẩn đường ruột nên ăn gì để nhanh cải thiện tình trạng bệnh?

Ngày 29/05/2023
Kích thước chữ

Loạn khuẩn đường ruột là một bệnh phổ biến liên quan đến hệ tiêu hóa và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Khi mắc phải tình trạng này, nhiều người thường đặt câu hỏi về thực phẩm phù hợp để ăn. Sau đây hãy cùng Long Châu tìm hiểu loạn khuẩn đường ruột nên ăn gì nhé!

Người bị loạn khuẩn đường ruột cần tuân thủ một chế độ ăn uống phù hợp, tập trung vào việc tiêu thụ các loại thực phẩm có lợi để khôi phục lại sự cân bằng của vi khuẩn trong đường ruột và tái thiết chức năng tiêu hóa. Nếu bạn đang tìm hiểu về loạn khuẩn đường ruột nên ăn gì, hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Để cải thiện tình trạng loạn khuẩn đường ruột, việc bổ sung các thực phẩm có khả năng tăng cường vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây hại là rất quan trọng. Dưới đây là danh sách các thực phẩm được khuyến nghị để thường xuyên bao gồm trong thực đơn của những người bị loạn khuẩn đường ruột:

Sữa chua

Loạn khuẩn đường ruột nên ăn gì? Trong danh sách các thực phẩm có lợi cho người bị loạn khuẩn đường ruột, sữa chua được xem là một lựa chọn hàng đầu. Với hàm lượng men vi sinh cao, đặc biệt là Probiotic, sữa chua giúp cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây hại. Đồng thời, sữa chua còn kích thích tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch, và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng đường ruột như viêm đại tràng và đau dạ dày.

Để khắc phục triệu chứng loạn khuẩn đường ruột nhanh chóng, hãy duy trì thói quen ăn 1 - 2 hũ sữa chua mỗi ngày. Tuy nhiên, hãy chọn các sản phẩm sữa chua lên men tự nhiên và tránh sử dụng những sản phẩm chứa chất tạo màu hoặc hương thơm nhân tạo, vì chúng có thể gây kích ứng cho đường ruột.

Hạt chia

Hạt chia cũng là một gợi ý hữu ích cho những ai đang thắc mắc về chế độ ăn khi bị loạn khuẩn đường ruột. Thực phẩm này là nguồn cung cấp chất xơ phong phú cho cơ thể. Hạt chia giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hỗ trợ sự phát triển của vi sinh vật có lợi trong đường ruột.

Thắc mắc: Loạn khuẩn đường ruột nên ăn gì? 1
Hạt chia hỗ trợ tốt cho quá trình tiêu hóa cơ thể

Khi tiếp xúc với nước trong đường ruột, hạt chia tạo thành một chất gel tương tự như gelatin, giúp bảo vệ và bao phủ niêm mạc dạ dày ruột khỏi sự tấn công của vi khuẩn có hại. Điều này không chỉ ngăn ngừa táo bón mà còn tăng cường chức năng tiêu hóa.

Để tận dụng những lợi ích tuyệt vời từ hạt chia, bạn có thể thêm 1 - 2 thìa cà phê hạt vào một ly nước ấm hoặc nước ép trái cây để uống mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm hạt chia vào các món salad hoặc trộn chung với thức ăn khác để tăng cường lượng dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.

Kefir 

Kefir là một loại nấm sữa được chế biến thành thức uống bổ sung. Các nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng kefir có khả năng kích thích sự tăng trưởng của vi sinh vật có lợi trong đường ruột và đồng thời ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại, từ đó cải thiện chức năng tiêu hóa và tăng cường sức khỏe cho đường ruột.

Việc sử dụng kefir hằng ngày cũng giúp ức chế quá trình viêm nhiễm trong đường ruột và giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu do loạn khuẩn đường ruột gây ra.

Táo

Loạn khuẩn đường ruột nên ăn gì? Táo, với nguồn pectin phong phú, là một lựa chọn tốt cho thực đơn khi gặp loạn khuẩn đường ruột. Pectin là một loại chất xơ hòa tan có khả năng tạo khối cho phân, kích thích tiêu hóa và tăng tốc độ di chuyển thức ăn qua đường ruột, giúp giảm táo bón và tiêu chảy.

Bên cạnh đó, táo cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể và thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương trong đường ruột. Ngoài ra, táo tạo môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Hằng ngày, bạn nên ăn 1 - 2 quả táo để nhanh chóng khắc phục tình trạng loạn khuẩn đường ruột. Bạn có thể ăn táo trực tiếp, làm sinh tố hoặc uống nước ép táo. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh viêm ruột kết mà còn giảm nguy cơ viêm nhiễm đường ruột.

Thắc mắc: Loạn khuẩn đường ruột nên ăn gì? 2
Táo hỗ trợ giảm nguy cơ viêm nhiễm đường ruột

Tempê

Tempê là một món ăn truyền thống của Indonesia, được làm từ đậu nành lên men. Quá trình lên men giúp phá vỡ axit phytic, một chất chống độc có trong đậu nành. Điều này giúp giải phóng các chất kích thích tiêu hóa và tăng cường sự sinh sản của vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Việc sử dụng Tempê đều đặn trong bữa ăn hằng ngày giúp cung cấp một nguồn lợi khuẩn sinh học tốt cho đường tiêu hóa. Các lợi khuẩn này tạo ra một lớp màng bảo vệ để ngăn chặn sự tổn thương của đường ruột do vi sinh vật gây hại gây ra. Đồng thời, nó cũng giúp ngăn ngừa và hỗ trợ trong việc điều trị các triệu chứng tiêu chảy và đầy hơi cho những người bị loạn khuẩn đường ruột.

Đu đủ

Đu đủ không chỉ có vị ngọt ngào mà còn có lợi cho hệ tiêu hóa. Loại trái cây này chứa nhiều papain - một loại enzyme có khả năng phân giải các sợi protein, giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và chuyển hóa chất đạm trong đường ruột.

Papain cũng có khả năng hỗ trợ giảm nhẹ các vấn đề tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột gây ra, như táo bón và đầy hơi. Đồng thời, đu đủ còn chứa chất xơ, vitamin A, vitamin C và nhiều loại khoáng chất khác, giúp chữa lành tổn thương trong hệ tiêu hóa và tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ăn quá nhiều đu đủ có thể gây vàng da. Vì vậy, bạn nên hạn chế mỗi tuần chỉ ăn đu đủ 2 - 3 lần dưới dạng sinh tố hoặc ăn trực tiếp. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng đu đủ xanh trong các món canh để tận dụng các lợi ích của trái cây này cho hệ tiêu hóa.

Thắc mắc: Loạn khuẩn đường ruột nên ăn gì? 3
Đu đủ là trái cây bổ dưỡng có lợi cho hệ tiêu hóa

Bài viết trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về nội dung loạn khuẩn đường ruột nên ăn gì. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ học hỏi thêm nhiều kiến thức sức khỏe bổ ích, có kế hoạch bổ sung hợp lý các thực phẩm mang lại lợi ích cho hệ tiêu hóa của mình.

Tuyết Trâm 

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin