Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Loạn sản khớp háng tiến triển là gì? Dấu hiệu nhận biết loạn sản khớp háng tiến triển

Ngày 20/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khớp háng - một phần quan trọng trong hệ thống cơ xương của con người, đóng vai trò quan trọng trong việc hoạt động và di chuyển hàng ngày của mỗi chúng ta. Vậy loạn sản khớp háng tiến triển là gì? Dấu hiệu nhận biết như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Loạn sản khớp háng tiến triển là một vấn đề ngày càng được nhiều người quan tâm và lo lắng bởi tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng đi đứng, vận động của chúng ta.

Loạn sản khớp háng tiến triển là gì?

Loạn sản khớp háng tiến triển (Developmental Dysplasia of the Hip - DDH) là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi xương đùi và bàn chân không phát triển đúng cách trong giai đoạn bào thai. Trước đây, nó được ghi nhận như trật khớp háng bẩm sinh. Đối với các em bé gặp phải tình trạng này cần thăm khám định kỳ trong suốt 1 năm đầu đời và tiếp tục theo dõi cho đến 3,5 tuổi. 

Loạn sản khớp háng có nguy hiểm không? -1
Loạn sản khớp háng tiến triển là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Loạn sản khớp háng tiến triển có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của khớp háng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của loạn sản khớp háng

Loạn sản khớp háng tiến triển xảy ra với tỷ lệ khá thấp 1:1000 ca sanh. Trong đó có đến 95% trẻ bị loạn sản khớp háng tiến triển có thể điều trị thành công. Một số nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng này là:

  • Yếu tố di truyền: Khoảng 1/3 các trường hợp bệnh có tiền căn gia đình.
  • Giới tính: Theo các thống kê tỉ lệ mắc loạn sản khớp háng tiến triển của nữ là 1:600 và nam là 1:3000, như vậy, khoảng 80% ca bệnh loạn sản khớp háng tiến triển xảy ra ở bé gái.
  • Các bất thường bẩm sinh: Bại não, hội chứng Down, co cứng khớp (các khớp không thể duỗi thẳng) và chẻ đôi cột sống (khiếm khuyết cột sống), vẹo cột sống (cột sống cong) có thể gây ra loạn sản khớp háng.
  • Sanh ngôi mông: Nguy cơ dẫn đến loạn sản khớp háng cao nhất là ngôi mông thiếu kiểu mông (Frank Breech).
  • Khác: Con so, đa thai, thiểu ối,... có thể dẫn đến loạn sản khớp háng tiến triển.
Loạn sản khớp háng có nguy hiểm không? -3
Trẻ sanh ngôi mông là một trong những yếu tố nguy cơ gây loạn sản khớp háng

Triệu chứng của loạn sản khớp háng

Triệu chứng của loạn sản khớp háng có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của từng trẻ. Có 6 biểu hiện thường gặp nhất giúp nhận biết em bé có bị loạn sản khớp háng tiến triển hay không:

  • Ngắn chi;
  • Dấu Barlows;
  • Giới hạn cử động dạng háng;
  • Vị trí đầu gối không đều;
  • Các nếp gấp không cân xứng;
  • Dấu Ortolani – xoay chân và nghe được âm thanh trầm.

Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, bạn có thể nhận biết loạn sản khớp háng tiến triển bằng các dấu hiệu sau:

  • Một bên chân hoặc cả hai bên chân không thể mở rộng ra hoàn toàn khi bé nằm ngửa.
  • Chiều dài của hai chân không bằng nhau.
  • Một bên bàn chân nghiêng ra ngoài so với bên kia.

Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, có thể xuất hiện các biểu hiện như:

  • Đau khi đi lại và khi vận động chân tại chỗ.
  • Đau hoặc sưng ở khớp háng.
  • Đùi so với hông ở hai bên của trẻ bị lệch nhau nhiều.
Loạn sản khớp háng có nguy hiểm không?
Vị trí đầu gối không đều là một trong những dấu hiệu trẻ bị loạn sản khớp háng tiến triển

Chẩn đoán và điều trị loạn sản khớp háng tiến triển

Loạn sản khớp háng tiến triển ở trẻ thường sẽ được phát hiện khi các bác sĩ thăm khám cho em bé sau sinh. Thông qua việc kiểm tra cấu trúc và hoạt động của cả hai khớp háng, tiền sử thai sản và tiền sử gia đình. Nếu có các biểu hiện nghi ngờ, bác sĩ có thể cho thêm các chỉ định cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán xác định như:

  • Chụp X-quang khớp háng.
  • Siêu âm khớp háng, dùng sóng siêu âm cao tần để tạo ra hình ảnh của các mạch máu, mô và cơ quan. Với những nghiên cứu gần đây, siêu âm ngày càng có vai trò trong việc kiểm tra loạn sản khớp háng tiến triển, có thể thay thế cho chụp X-quang và giảm nguy cơ phơi nhiễm bức xạ cho trẻ.

Đối với từng trường hợp trẻ mắc loạn sản khớp háng tiến triển, bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị khác nhau, cụ thể:

  • Giai đoạn sớm ở trẻ dưới 6 tháng tuổi: Không cần phẫu thuật, cho trẻ đeo đai khớp háng Pavlik. Thời gian điều trị trong 6 - 12 tuần, hiệu quả đến 85% các trường hợp. Cần chú ý cho trẻ giữ tư thế chân ếch, chân dạng xoay ngoài trong suốt quá trình trẻ phát triển. Cần thăm khám và theo dõi sức khỏe của trẻ định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi: Thực hiện khớp đồ, gây mê toàn thân khi nắn trật, bó bột giữ khớp háng đúng vị trí sau khi nắn.
  • Giai đoạn muộn ở trẻ trên 18 tháng: Điều trị chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật để điều chỉnh vị trí của khớp háng. Nếu trẻ không được điều trị sớm, khi trẻ đã lớn và đặc biệt ở giai đoạn dậy thì sẽ liên tục rơi vào tình trạng mệt mỏi, suy nhược do đau liên tục, đi khập khiễng. Càng về sau thì mức độ nguy hiểm càng tăng, có thể tiến triển lên viêm xương khớp và có nguy cơ rất cao phải thay khớp.
Thời gian tốt nhất để phẫu thuật bảo tồn tinh hoàn là trước 6 giờ sau khi có triệu chứng 5
Phẫu thuật thường được chỉ định cho trẻ loạn sản khớp háng tiến triển phát hiện muộn

Loạn sản khớp háng tiến triển là một tình trạng cần được quan tâm và chú trọng hơn, đặc biệt là cho đối tượng trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Chỉ khi được theo dõi và điều trị kịp thời mới có thể hạn chế tối đa các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ sau này. Khi có bất kỳ nghi ngờ hoặc dấu hiệu của loạn sản khớp háng tiến triển, ba mẹ nên đưa em bé đến thăm khám trực tiếp tại bệnh viện để được điều trị tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm