Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lupus ban đỏ và thai nghén: Bệnh Lupus ảnh hưởng thế nào đến quá trình mang thai? 

Ngày 22/07/2022
Kích thước chữ

Lupus ban đỏ hay còn gọi là lupus ban đỏ hệ thống, là căn bệnh tự miễn và gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể người bệnh. Lupus ban đỏ và thai nghén là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Bệnh lupus hay còn có tên gọi khác là lupus ban đỏ hệ thống (SLE), là một loại rối loạn tự miễn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của phụ nữ mang thai. Có đến 90% trường hợp lupus ban đỏ xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Vậy nên lupus ban đỏ có ảnh hưởng gì tới thai kỳ hay không chính là câu hỏi của rất nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này với tất cả độc giả. 

Mắc lupus ban đỏ có nên mang thai và sinh con hay không? 

Lupus ban đỏ và thai nghén: Bệnh Lupus ảnh hưởng thế nào đến quá trình mang thai? 1 Phụ nữ mắc lupus ban đỏ có thể mang thai không?

Bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con, tuy nhiên quá trình thai sản và bệnh lupus có tác động qua lại với nhau. Theo nghiên cứu, quá trình thai sản là một trong những nguyên nhân gây khởi phát đợt cấp bệnh lupus. Những cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quá trình đợt cấp là da, máu, thận và khớp. Trong số đó, thận là cơ quan bị tổn thương nhiều nhất với các biểu hiện như viêm cầu thận, suy thận, hội chứng thận hư là một trong những yếu tố tiên lượng xấu, có thể dẫn đến tử vong người mẹ trong thai kỳ.

Ngược lại, bệnh lupus cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình thai sản của người bệnh, dẫn tới những nguy cơ xấu cho cả mẹ và thai nhi. Một trong số đó có thể kể đến như tỷ lệ sảy thai và thai lưu, sinh non, thai chậm phát triển,...

Những biến chứng mà thai phụ mắc lupus ban đỏ có thể gặp phải

Bệnh lupus ban đỏ có thể khiến gia tăng một số nguy cơ sau ở phụ nữ mang thai:

  • Bệnh tiến triển nặng hơn: Những triệu chứng của bệnh lupus sẽ diễn biến nặng hơn trong thai kỳ hoặc trong vài tháng đầu sau khi sinh. Nếu bệnh của bạn đang thuyên giảm hoặc được kiểm soát tốt, bệnh sẽ ít có khả năng gây bùng phát.
  • Hội chứng tiền sản giật: Đây là triệu chứng xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc ngay sau khi mang thai. Tình trạng này thường xảy ra ở những phụ nữ bị cao huyết áp và một số cơ quan như gan, thận hoạt động không hiệu quả. Một số triệu chứng của tiền sản giật đó là đau đầu dữ dội, protein niệu và thay đổi thị giác.
  • Sinh non: Bệnh nhân mắc lupus ban đỏ trong thai kỳ có thể sinh con trước tuần 37. 
  • Sảy thai: Hiện tượng thai nhi tụt ra ngoài tử cung trước tuần 20 của thai kỳ cũng là một trong số những nguy cơ có thể gặp ở bệnh nhân lupus.
  • Thai chết lưu: Bệnh lupus có thể khiến cho thai nhi chết trong tử cung. Tuy nhiên, tình trạng này không quá phổ biến.
Lupus ban đỏ và thai nghén: Bệnh Lupus ảnh hưởng thế nào đến quá trình mang thai? 2 Thai phụ mắc lupus rất dễ gặp phải những triệu chứng không mong muốn

Hãy cân nhắc kỹ trước khi mang thai khi đang trong tình trạng mắc lupus ban đỏ vì bạn rất có thể sẽ gặp phải những biến chứng không mong muốn nêu trên. Tuy nhiên, nếu bạn mang thai trong thời kỳ bệnh thuyên giảm hoặc các triệu chứng được kiểm soát tốt trong vòng ít nhất một tháng trước khi mang thai, bạn sẽ hạn chế được những nguy cơ trên. Lời khuyên tốt nhất là hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để biết được thời điểm nào là an toàn nhất cho quá trình mang thai

Những ảnh hưởng của lupus ban đỏ đối với trẻ nhỏ

Bệnh nhân mắc lupus ban đỏ vẫn có thể mang thai và sinh con, trẻ sinh ra bởi mẹ mắc lupus ban đỏ vẫn có thể khỏe mạnh như bình thường. Tuy vậy, một số trẻ có thể gặp phải những nguy cơ về sức khỏe bao gồm: 

  • Sinh non: Theo khảo sát, có đến 30% trẻ bị sinh non bởi mẹ mắc lupus ban đỏ. Trẻ sinh non sẽ cần phải lưu lại bệnh viện để chăm sóc và theo dõi lâu hơn cũng như rất dễ mắc phải một số bệnh hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
  • Lupus sơ sinh: Cứ 100 trẻ thì sẽ có 3 trẻ sinh ra bị mắc lupus tạm thời. Đây là căn bệnh gây nên ban đỏ trên da và một số vấn đề về máu cho trẻ sơ sinh nhưng thường sẽ chấm dứt khi trẻ được 6 tháng tuổi. Khoảng một nửa số trẻ mắc lupus sơ sinh mắc phải căn bệnh block nhĩ - thất, đây chính là nguyên nhân gây chậm nhịp tim ở trẻ. Block nhĩ - thất là căn bệnh mãn tính suốt đời và một số trẻ sẽ phải sử dụng máy trợ tim để giúp tim đập đúng nhịp.

Bệnh nhân mắc lupus cần lưu ý gì khi mang thai?

Hãy lưu ý những điều dưới đây để giữ gìn sức khỏe và tránh những tác động xấu của lupus đối với thai kỳ của bạn:

  • Thăm khám thường xuyên: Điều quan trọng đối phụ nữ bị bệnh lupus khi mang thai là phải thăm khám thai định kỳ, thường xuyên và theo dõi liên tục sự tăng trưởng của em bé. 
  • Thư giãn: Thư giãn là một việc làm cần thiết đối với thai phụ, càng quan trọng hơn đối với những thai phụ mắc lupus ban đỏ. Bạn cần áp dụng một chế độ ăn uống dinh dưỡng, cân bằng và lành mạnh, đồng thời cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm soát cân nặng của mình bằng cách tập luyện các bài tập phù hợp, nhẹ nhàng.
  • Nhận biết sớm các triệu chứng lupus: Lupus thường ít bùng phát trong quá trình mang thai, một số phụ nữ bị lupus cho biết các triệu chứng lupus của họ được cải thiện khi mang thai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lupus vẫn có thể bùng phát trong thai kỳ. Các triệu chứng của bệnh lupus như phát ban, sưng khớp, phù nề,... có thể tương tự các triệu chứng thường xảy ra trong thai kỳ. Vậy nên bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem mình đang trải qua đợt bùng phát lupus hay chỉ là dấu hiệu bình thường của thai kỳ.
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp: Theo ước tính của giới chuyên gia, cứ 5 phụ nữ mắc lupus khi mang thai sẽ có một người bị tiền sản giật do tăng huyết áp. Tiền sản giật thường phổ biến hơn ở những người hút thuốc, vì vậy thai phụ cần tránh sử dụng thuốc lá hoặc tránh khói thuốc, đồng thời thực hiện các biện pháp giúp kiểm soát huyết áp. 
Lupus ban đỏ và thai nghén: Bệnh Lupus ảnh hưởng thế nào đến quá trình mang thai? 3 Thai phụ mắc lupus cần thăm khám thường xuyên và áp dụng một số biện pháp phòng tránh

Trên đây là những thông tin về vấn đề: "Lupus ban đỏ và thai nghén" mà chúng tôi tổng hợp được. Hy vọng đã giúp các bạn có thêm những kiến thức mới lạ, bổ ích. 

Phương Linh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.