Trong cơ thể chúng ta, hệ miễn dịch đóng vai trò chống lại các virus, vi khuẩn xâm hại. Nhưng khi mắc lupus ban đỏ, hệ miễn dịch lại bị rối loạn, mất hoàn toàn khả năng nhận diện quen - lạ. Từ đó chúng coi các tế bào trong cơ thể là tác nhân gây hại và quay qua tấn công lên chính các tế bào này. Bệnh gây ảnh hưởng lên tất cả các cơ quan trong cơ thể và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mắc nếu không được phát hiện cũng như điều trị sớm.
Triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là một bệnh lý chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Đây là một căn bệnh nguy hiểm với hàng loạt các triệu chứng gần giống với các bệnh khác. Đặc biệt là nhầm lẫn giữa lupus ban đỏ và hồng ban nút, bởi hai bệnh lý đều xuất hiện các vết ban đỏ, có sốt nhẹ. Cụ thể triệu chứng của lupus ban đỏ đó là:
Phát ban vùng mặt
Lupus ban đỏ có triệu chứng dễ nhận biết nhất chính là nổi ban ở hai má bắt qua sống mũi. Vệt ban này có hình như cánh bướm. Theo nhiều khảo sát thì khoảng 30% người bị lupus ban đỏ xuất hiện tình trạng này.
Lupus ban đỏ có triệu chứng nổi ban ở hai má bắt qua sống mũi tạo thành hình cánh bướm đặc trưng
Sốt kéo dài
Triệu chứng tiếp theo của bệnh lý này chính là gây ra sốt nhẹ kéo dài. Bởi gần giống với cảm sốt thông thường nên có rất nhiều người chủ quan không đi khám. Đến khi bệnh diễn biến nặng thì khó kiểm soát để kéo dài sự sống.
Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
Những bệnh nhân mắc lupus ban đỏ thường có làn da rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Khi ra ngoài có thể lên những hạt đỏ trên da hoặc loét da ở vùng mặt, cổ, cánh tay.
Rụng tóc
Tóc của người bị lupus ban đỏ sẽ có xu hướng rụng dần tạo thành những mảng hói trên đầu. Ở một số trường hợp còn phát ban trên đầu.
Đau nhức khớp
Đây là một triệu chứng thường thấy của lupus ban đỏ. Diễn biến của triệu chứng này rất rõ rệt, đau nhiều ở bàn tay, cổ tay và mắt cá chân nên khá giống với các bệnh viêm khớp thông thường. Do đó rất nhiều người nhầm lẫn với bệnh khớp.
Tê ngón tay, ngón chân
Nhiều ghi nhận cho thấy, có đến khoảng ⅓ người bị lupus ban đỏ có hội chứng Raynaud dẫn đến việc mạch máu làm nhiệm vụ truyền máu đến da bị teo nhỏ lại. Hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng khiến ngón tay, ngón chân bị tê và đổi màu thành trắng hoặc tím tái.
Tức ngực
Diễn biến của lupus ban đỏ có thể gây ra cảm giác tức và đau ở lồng ngực khi thở sâu hoặc ho. Điều này chính là bảo hiệu về biến chứng viêm màng phổi của bệnh. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể dẫn tới viêm mang tim làm cho người bị đau vùng ngực khi nằm. Trong trường hợp này ngả về sau sẽ thấy đỡ hơn.
Diễn biến của lupus ban đỏ có thể gây ra cảm giác tức và đau ở lồng ngực khi thở sâu hoặc ho
Chấm đỏ ngoài da
Khi hệ miễn dịch tấn công vào tiểu cầu, làm lượng tiểu cầu xuống thấp thì trên da sẽ xuất hiện những chấm đỏ bởi rò rỉ mạch máu. Có thể còn bị chảy máu mũi và chảy máu ở nướu răng
Cách phân biệt lupus ban đỏ và hồng ban nút
Hồng ban nút là bệnh lý tế bào mỡ dưới da bị viêm, biểu hiện thành các nốt sẩn hoặc u cục màu đỏ trên da. Thường thấy nhất là ở mặt trước hai cẳng chân. Các triệu chứng phát ban của lupus ban đỏ khá giống với bệnh này nên nhiều người vẫn lầm tưởng là đang bị hồng ban nút. Tuy nhiên lupus ban đỏ và hồng ban nút là 2 bệnh khác nhau. Có thể phân biệt như sau:
Vị trí xuất hiện
-
Lupus ban đỏ: Có thể xuất hiện tất cả các vị trí trên cơ thể. Đặc biệt là mặt, cổ, tay, chân,…
-
Hồng ban nút: Xuất hiện chủ yếu tại mặt trước cẳng chân, hai bên hoặc đối xứng. Hiếm gặp ở vùng cổ, mặt phía trên.
Hình dáng
-
Lupus ban đỏ: Ban hình cánh bướm có thể phẳng hoặc gồ lên mặt da, lan tỏa ra hai bên gò má. Ban hình đĩa của loại lupus ban dạng đĩa đa số hình tròn, nổi gờ lên mặt da và có lõm ở giữa.
-
Hồng ban nút: Ban màu đỏ, hình dạng u cục, sần cứng, hình tròn hoặc có thể hơi oval. Các nốt ban u cục có thể sờ thấy ở dưới da, ít di động, xung quanh sưng nề. Khi mới xuất hiện có màu đỏ và chuyển dần thành màu tím.
Hồng ban nút có ban màu đỏ, hình dạng u cục, khi mới xuất hiện có màu đỏ và chuyển dần thành màu tím.
Hình thành sẹo
-
Lupus ban đỏ: Sau khi vết ban biến mất có thể gây ra sẹo, teo da.
-
Hồng ban nút: Biến mất mà không để lại sẹo cũng như làm teo da.
Phản ứng với ánh sáng
-
Lupus ban đỏ: Rất nhạy cảm với ánh sáng, ban đỏ có thể xuất hiện mạnh mẽ khi tiếp xúc với ánh sáng.
-
Hồng ban nút: Thường không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng.
Trên đây là những thông tin về cách nhận biết, phân biệt lupus ban đỏ và hồng ban nút. Tuy nhiên, để biết chi tiết hơn về tình trạng diễn biến của bệnh và đảm bảo sức khỏe thì bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế khi nhận thấy các dấu hiệu xuất hiện trên cơ thể. Đừng quên theo dõi nhà thuốc Long châu để biết thêm nhiều thông tin sức khỏe khác nhé.
Minh Hạnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp