Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh nhân bị lupus ban đỏ có nên lấy chồng?

Ngày 11/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lupus ban đỏ là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, đặc điểm của bệnh này mang tính di truyền và gây ảnh hưởng trong thai kỳ. Vì vậy mà nhiều người lo lắng và thắc mắc rằng bệnh nhân bị lupus ban đỏ có nên lấy chồng?

Theo thống kê, 90% số người mắc lupus ban đỏ là phụ nữ. Bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 15 đến 50, với tỷ lệ 50 trên mỗi 100.000 người.

Bệnh lupus ban đỏ là gì?

Lupus ban đỏ được phân thành hai dạng chính: Lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống. Lupus ban đỏ hệ thống là một loại bệnh thường gặp trong các bệnh lý tự miễn. Nguyên nhân của lupus và các bệnh lý tự miễn khác chủ yếu là do cơ thể phản ứng miễn dịch bất thường, khiến hệ thống miễn dịch tấn công chính các cơ quan trong cơ thể.

benh-nhan-bi-lupus-ban-do-co-nen-lay-chong 1.jpg
Lupus ban đỏ hệ thống là một loại bệnh trong các bệnh lý tự miễn

Hiện tại, chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn lupus ban đỏ, nhưng bệnh có thể được kiểm soát nếu điều trị đúng cách từ đầu.

Cơ chế gây ra lupus ban đỏ:

Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus. Tuy nhiên, ở bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh lý tự miễn khác, hệ miễn dịch mất khả năng phân biệt giữa các tế bào của cơ thể và tế bào lạ, dẫn đến việc tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của cơ thể.

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được nghiên cứu rõ. Tuy nhiên, có một số giả thuyết được chấp nhận tạm thời là lupus ban đỏ hệ thống là kết quả của tương tác giữa nhiều yếu tố.

Trong số đó, có một số yếu tố nổi bật như sau:

  • Di truyền: Người có tiền sử gia đình về lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người không có tiền sử.
  • Môi trường: Tiếp xúc với các tác nhân nhiễm khuẩn, hóa chất và ánh nắng mặt trời có thể góp phần vào phát triển bệnh.
  • Yếu tố nội tiết: Bệnh thường phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
  • Ngoài ra, một số loại thuốc như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự lupus. Các thuốc tránh thai cũng đã được liên kết với việc gây ra hoặc làm trầm trọng hơn bệnh lupus.

Sự nguy hiểm và biến chứng của bệnh lupus ban đỏ

Bệnh lupus ban đỏ có sự tiến triển phức tạp, diễn ra theo từng đợt, với mỗi đợt nặng hơn so với đợt trước, và có thể gây tổn thương gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể như thận, hệ tạo máu, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp,... Trong những trường hợp nặng, bệnh có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Nếu không được điều trị kiểm soát, lupus ban đỏ có thể gây ra những tổn thương nặng nề ở hầu hết các cơ quan nội tạng, tương xứng với các triệu chứng biểu hiện.

benh-nhan-bi-lupus-ban-do-co-nen-lay-chong 2.jpg
Lupus ban đỏ có thể gây ra những tổn thương ở các cơ quan nội tạng

Tại tim: Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây viêm cơ tim, tràn dịch màng tim. Tình trạng kéo dài có thể gây suy tim mạn. Ngược lại, một số trường hợp diễn tiến tối cấp, viêm cơ tim cấp, gây suy tim cấp, có thể dẫn đến tử vong đột ngột do trụy mạch.

Tại phổi: Bệnh nhân có thể gặp khó thở, suy hô hấp cấp do tràn dịch màng phổi, viêm phổi.

Tại thận: Tổn thương lupus gây phá hủy cầu thận bằng các phản ứng viêm cầu thận, tiến triển đến suy thận.

Tại hệ thần kinh: Bệnh nhân có thể gặp co giật, rối loạn tâm thần.

Tại hệ tạo máu: Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây thiếu máu, xuất huyết. Thiếu máu kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hệ cơ quan. Đồng thời, tình trạng xuất huyết lại làm nặng thêm vấn đề thiếu máu và nguy hiểm đến tính mạng nếu gây ra xuất huyết não, chèn ép não.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải các biến chứng do điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. Hệ thống miễn dịch không còn thực hiện được chức năng bình thường, khiến cơ thể dễ mắc các tác nhân lây nhiễm mà không thể chống cự lại được. Tình trạng nhiễm trùng có thể diễn tiến nhanh chóng, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc và có nguy cơ tử vong.

Bệnh nhân bị lupus ban đỏ có nên lấy chồng?

Lupus ban đỏ thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể mang thai và sinh con, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi và ngược lại.

benh-nhan-bi-lupus-ban-do-co-nen-lay-chong 3.jpg
Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể mang thai và sinh con

Theo nhiều nghiên cứu, quá trình mang thai được xem là một trong những yếu tố gây ra cơn cấp của lupus. Các cơ quan chủ yếu bị ảnh hưởng trong cơn cấp là da, thận, máu và khớp, với tổn thương thận là nghiêm trọng nhất, bao gồm viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận, có thể dẫn đến tử vong mẹ trong thai kỳ.

Ngược lại, lupus có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai kỳ, đưa ra nhiều nguy cơ cho cả mẹ và em bé. Các rủi ro như tỷ lệ sảy thai, thai lưu, đẻ non và thai chậm phát triển ở bệnh nhân lupus mang thai cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trong cộng đồng.

Nhiều năm trước đây, phụ nữ mắc lupus ban đỏ ít có cơ hội làm mẹ do thiếu các phương pháp điều trị. Một phụ nữ mắc bệnh lupus chỉ nên suy nghĩ về việc mang thai khi không có dấu hiệu tiến triển bệnh lâm sàng và cận lâm sàng trong 6 tháng liền trước đó. Trong quá trình mang thai, phụ nữ cần được theo dõi chặt chẽ vì thai nghén mang theo nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội và y học hiện đại, lupus ban đỏ hiện nay được kiểm soát hiệu quả hơn, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ mắc bệnh muốn sinh con.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị lupus ban đỏ cần tuân thủ và điều trị đúng cách với các loại thuốc cần thiết. Hầu hết các loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát lupus có thể an toàn trong thai kỳ.

Bệnh nhân bị lupus ban đỏ có nên lấy chồng là quyết định cá nhân của bạn và bạn đời. Với sự phát triển của y học hiện đại có thể sẽ giúp bạn trong việc kiểm soát nguy cơ và hỗ trợ bạn có một đời sống gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, mang thai trên phụ nữ mắc lupus ban đỏ vẫn được coi là "thai nghén nguy cơ cao". Vì vậy, trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ, bệnh nhân cần được thăm khám và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa để tránh những tình huống tiềm ẩn nguy hiểm cho cả mẹ và em bé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm