Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng đơn giản tại nhà

Ngày 16/09/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, tình trạng đau khớp háng ngày một gia tăng. Vì thế, các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng là chủ đề được nhiều người quan tâm. Các bài tập này hỗ trợ ngăn ngừa cơn đau do thoái hóa khớp háng, đồng thời tránh được nguy cơ bệnh diễn biến nặng hơn. Long Châu mời bạn cùng tham khảo bài viết sau đây để hiểu hơn về cách tập luyện nhé!

Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây, các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng được đánh giá cao trong việc hỗ trợ ngăn ngừa các cơn đau do thoái hóa khớp háng. Vậy luyện tập các bài vật lý trị liệu này thế nào là hiệu quả? Cùng Long Châu tìm hiểu chi tiết ngay sau đây nhé!

Nguyên nhân gây đau khớp háng

Khớp háng là nơi tiếp giáp giữa xương chậu và chỏm xương đùi, là khớp quan trọng giúp việc di chuyển và vận động linh hoạt hơn. Vì thế, khi khớp háng bị đau, các cử động sẽ trở nên khó khăn. Tuy tình trạng này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhưng lại gây khá nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đau khớp háng gồm:

  • Viêm dây chằng khớp háng;
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Thoái hóa khớp háng;
  • Lao khớp háng;
  • Viêm bao hoạt dịch tại khớp háng;
  • Phụ nữ mang thai chịu áp lực nâng đỡ của thai nhi;
  • Hoại tử chỏm xương đùi;
  • Loãng xương;
  • Vận động nặng, sai tư thế hoặc chấn thương.
Mách bạn các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng đơn giản tại nhà 1
Vận động nặng, sai tư thế hoặc chấn thương cũng có thể là nguyên nhân gây đau khớp háng

Để chẩn đoán được nguyên nhân gây ra đau khớp háng, ngoài các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ sẽ dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, MRI, chỉ số viêm, phân tích dịch khớp,...

Tập vật lý trị liệu cho khớp háng có hiệu quả không?

Cơ xung quanh khớp háng giữ vai trò nâng đỡ, bảo vệ khớp háng tránh khỏi các chuyển động gây đau. Vì thế, những người bị tình trạng đau khớp háng dùng biện pháp trị liệu bằng các bài tập sẽ giúp phần cơ xung quanh khớp háng tăng cường sức mạnh. Đồng thời giúp giảm tải trọng lên các khớp và làm chậm quá trình mài mòn và thoái hóa khớp.

Các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng giúp bệnh nhân giảm triệu chứng đau khớp háng và ngăn ngừa tình trạng này về sau. Bên cạnh đó, bài tập trị liệu này còn giúp khớp háng linh hoạt hơn, đồng thời kiểm soát cân nặng và mang đến giấc ngủ ngon hơn cho bệnh nhân.

Các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng tại nhà

Để cải thiện tình trạng đau khớp háng tại nhà bạn có thể áp dụng các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng đơn giản như sau:

Bài tập duỗi thẳng chân

Để thực hiện bài tập này, bạn cần nằm sấp và úp mặt xuống một tấm thảm tập. Bạn cũng có thể quay mặt sang trái hoặc sang phải để thấy dễ chịu hơn. Tiếp theo, bạn siết cơ mông và cơ bụng, đồng thời nâng một chân lên khỏi sàn, vẫn đặt hông ở trạng thái chạm sàn. Giữ nguyên tư thế này trong vòng 5-10 giây và lặp lại 3 lần.

Bài tập squat

Với bài tập squat này, bạn có thể dùng vật dụng tạo điểm tựa như ghế. Thực hiện bài tập này bằng cách vịn hai tay lên ghế và thực hiện động tác ngồi xuống rồi đứng lên. Tuy nhiên, cần lưu ý khi hạ mông xuống, lưng phải giữ thẳng và đầu gối không được đưa ra phía trước vượt quá phần ngón chân.

Mách bạn các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng đơn giản tại nhà 2
Squat là một trong các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng được nhiều người lựa chọn

Bài tập nằm xoay hông

Với bài tập trị liệu này, bạn nằm ngửa, gập đầu gối và mở rộng đầu gối bằng với hông. Tiếp theo, từ từ dạng và khép đầu gối ở chân bên phải. Thực hiện động tác này tương tự với bên chân trái. Lưu ý khi tập, bạn cần phải giữ lưng nằm trên thảm tập, không được nâng lên theo chân.

Bài tập với tư thế bắt cầu

Chuẩn bị bài tập này, bạn cần nằm ngửa trên một tấm thảm tập. Tiếp theo, co hai đầu gối lại và đặt lòng bàn chân trên thảm tập, hai cánh tay thả lỏng. Kế đến, bạn nâng phần lưng và xương chậu ra khỏi mặt sàn tạo thành một đường thẳng từ vai tới đầu gối. Giữ tư thế này trong vòng 5 giây trước khi trở về tư thế ban đầu.

Bài tập gót chạm mông

Đây là bài tập tương đối đơn giản, bạn chỉ cần đứng thẳng, sau đó đưa phần gót chân phải về phía mông phải, giữ vài giây và trở lại việc trí đứng thẳng ban đầu. Thực hiện tương tự với chân bên trái.

Bên cạnh các bài tập kể trên, bạn cũng có thể cải thiện sức khỏe của khớp háng bằng các bài tập yoga, aerobic, bơi lội, đi bộ,...

Cần lưu ý gì khi tập vật lý trị liệu cho khớp háng?

Các bài tập vật lý cho khớp háng mang lại hiệu quả khá tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi thực hiện các bài tập này, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Trước khi thực hiện các bài tập này, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám xác định về tình trạng sức khỏe hiện tại của khớp háng, xin ý kiến bác sĩ về việc luyện tập vật lý trị liệu cho khớp háng tại nhà.
  • Đối với trường hợp sau phẫu thuật khớp háng, các bài tập vật lý trị liệu cũng cần được thực hiện để duy trì và cải thiện sự linh hoạt của khớp háng. Bệnh nhân này sẽ được chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn một cách chi tiết về liệu trình tập luyện.
  • Khi bắt đầu thực hiện bài tập vật lý trị liệu, nên bắt đầu một cách từ từ, chậm rãi, nhằm giúp xương khớp và các cơ có thời gian để thích nghi.
  • Trước khi tập luyện, luôn khởi động 5 phút nhằm làm nóng cơ thể và giãn cơ.
  • Ngừng các bài tập ngay nếu khớp háng bị đau dữ dội hoặc bị đau thêm ở những vùng khác.
  • Kiên trì việc luyện tập hàng ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Mách bạn các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng đơn giản tại nhà 3
Kiên trì tập luyện các bài vật lý trị liệu cho khớp háng hàng ngày để đạt hiệu quả tốt nhất

Các bài tập vật lý trị liệu cho khớp háng giúp giảm tình trạng đau nhức, khó chịu ở người bệnh. Đồng thời, các bài tập này cũng làm cho khớp háng hồi phục và hoạt động linh hoạt hơn. Điều quan trọng là bệnh nhân nên kiên trì luyện tập một trong số bài tập trên trong thời gian dài để đạt được hiệu quả tốt nhất nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm