Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Mách bạn các cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy hô hấp tại nhà

Ngày 09/03/2022
Kích thước chữ

Hội chứng suy hô hấp hay còn có tên gọi khác là bệnh màng trong, là căn bệnh ở phổi của trẻ sơ sinh, do thiếu chất surfactant, bệnh này hay gặp ở trẻ sinh thiếu tháng. Khi trẻ mắc phải bệnh này thường rất khó khăn trong việc thở, hay thở khò khè, phát ra tiếng. Theo thống kê thì số ca tử vong ở trẻ sơ sinh mắc bệnh suy hô hấp đang đứng đầu.

Chăm sóc trẻ sơ sinh rất vất vả nhưng chăm sóc một em bé bị suy hô hấp lại vất vả bội phần, việc chăm bé như thế cho đúng cách cũng là thắc mắc của các phụ huynh có con mắc bệnh quan tâm. Hãy cùng tham khảo các cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy hô hấp để hạn chế được rủi ro cũng như tăng cường được sức khỏe của em bé tốt nhất.

Nguyên nhân và triệu chứng bệnh suy hô hấp cấp ở trẻ em

Nguyên nhân dẫn đến bệnh suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là do trẻ sinh thiếu tháng, đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh này ở trẻ. Ngoài ra còn do mẹ phải sinh mổ, gia đình có tiền sử bệnh suy hô hấp, mẹ bị bệnh tiểu đường, người mẹ mang thai 3 trở lên, hay lượng máu cung cấp cho thai nhi thấp trong thời gian thai kỳ.

Triệu chứng bệnh:

  • Trẻ khó thở, nhịp thở nhanh.
  • Phát ra tiếng kêu khi trẻ thở, phập phồng cánh mũi.
  • Toàn thân tím tái, tim đập nhanh.
  • Ra nhiều mồ hôi, bú kém.
  • Khi ho trẻ có dấu hiệu rút lõm lồng ngực.

Các cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy hô hấp

Khi mắc phải căn bệnh này, trẻ rất mệt vì thiếu oxy, bú kém, hay khóc. Riêng đối với trẻ suy hô hấp mà bị sốt cao, ho nhiều, ho có đờm, hay bị mắc dị vật thì cha mẹ đặc biệt lưu ý, quan tâm nhiều hơn so với những em bé bình thường bị ho, sốt vì dễ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Hạ sốt cho trẻ

Trẻ sơ sinh suy hô hấp mà bị sốt thì cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ và có hướng xử lý đúng cách.

  • Sốt dưới 38,5 độ: Cho trẻ nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng, thoải mái, tránh mặc các bộ đồ bó sát, lau người bằng khăn ấm thường xuyên cùng với đó là chườm khăn ấm lên trán, nách, bẹn của trẻ. Tăng cường cho trẻ bú mẹ nhiều cữ để cung cấp đủ nước cho trẻ giúp hạ sốt.
  • Sốt trên 38,5 độ: Khi sốt cao tới nhiệt độ này sẽ khiến trẻ vô cùng khó chịu nên cha mẹ nên thường xuyên lau mát cơ thể cho trẻ. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt.

Mách bạn các cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy hô hấp tại nhà 1

Lau mát thường xuyên nếu trẻ sơ sinh bị sốt

Vệ sinh mũi miệng

Trẻ suy hô hấp mà bị nghẹt mũi hay chảy mũi đều khiến trẻ khó khăn trong việc bú, thở và ngủ nghỉ. Cha mẹ hãy giúp trẻ làm thông thoáng mũi bằng khăn mềm, lau nhẹ nhàng, tránh mạnh tay sẽ gây đỏ, rát mũi trẻ. Sử dụng thêm nước muối sinh lý 0,9% để rửa mũi cho trẻ cùng với dụng cụ hút mũi chuyên dùng cho trẻ sơ sinh.

Mách bạn các cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy hô hấp tại nhà 2

Sử dụng nước muối sinh lý để rửa sạch vùng mũi cho bé

Giúp trẻ tống đờm

Khi trẻ suy hô hấp có đờm bị mắc trong cổ sẽ khiến trẻ vô cùng khó chịu, các bậc cha mẹ hãy vỗ nhẹ lưng trẻ tầm 2-3 phút trước hoặc sau ăn một giờ để tránh làm trẻ nôn. Khi vỗ lưng sẽ giúp trẻ xuất đờm ra ngoài một cách hiệu quả mà không làm đau trẻ.

Giúp trẻ bớt ho

Trẻ suy hô hấp mà bị ho nhiều, ho dai dẳng thì cha mẹ có thể giúp trẻ giảm cơn ho bằng cách cho uống nhiều nước ấm để tan đờm hoặc học theo các phương pháp dân gian như chưng tắc, húng chanh, hoa hồng bạch, lưu ý trẻ dưới 1 tuổi không dùng mật ong. Cũng có thể cho uống thêm các loại siro trị ho ở nhà thuốc, nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống. Nếu trẻ ho nhiều gây tím tái, khó thở thì phải đến bệnh viện để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Mách bạn các cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy hô hấp tại nhà 3

Giúp trẻ tan đờm bằng các phương pháp dân gian như chưng tắc, húng chanh.

Giúp trẻ lấy dị vật

Khi trẻ bị hóc dị vật ở đường hô hấp gây khó thở, toàn thân tím tái thì nên gắp dị vật ra càng sớm càng tốt. Bố mẹ nên trang bị kiến thức sơ cứu trẻ trong trường hợp này vì dị vật để lâu trong cơ thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ

Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh, hãy cho trẻ bú mẹ lâu nhất có thể. Các bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú không nên kiêng cữ mà hãy ăn uống đa dạng các loại thực phẩm để tăng cường dinh dưỡng trong sữa. Hãy cho bú theo nhu cầu của trẻ, có thể chia nhỏ ra nhiều bữa nếu trẻ khó chịu trong người.

Mách bạn các cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy hô hấp tại nhà 4

 Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh

Vệ sinh phòng ở, thân thể trẻ

Cơ thể trẻ em đang phát triển, hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh, sức chống đỡ với bệnh tập nói chung cũng như khả năng thích ứng của da còn yếu nên trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn cũng như dễ bị ảnh hưởng của yếu tố thời tiết và môi trường, do đó, phải thường xuyên thay quần áo, khăn, mền của trẻ, cũng như các dụng cụ hút mũi, bình bú để tránh nhiễm khuẩn.

Những lưu ý thường gặp trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy hô hấp

Sữa mẹ có hệ miễn dịch cao nên phải tăng cường cho trẻ trẻ sơ sinh bú càng sớm càng tốt.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.

Muốn trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng thì phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với từng tháng tuổi.

Phòng ở của trẻ cũng như quần áo và các dụng cụ dành cho trẻ phải sạch sẽ, tốt nhất nên tiệt trùng.

Môi trường xung quanh phải sạch sẽ, không ồn, không khói bụi, ô nhiễm.

Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có bệnh, không hôn miệng, mặt trẻ để tránh lây nhiễm.

Cha mẹ hay người lớn khi tiếp xúc với trẻ phải vệ sinh tay chân sạch sẽ.

Suy hô hấp là bệnh gây nhiều biến chứng khó lường cho sức khỏe và sinh mạng trẻ, nên các bậc làm cha làm mẹ hãy luôn quan tâm, chăm sóc trẻ đúng theo phác đồ điều trị cũng như chăm sóc, vệ sinh cho trẻ đúng cách khi ở nhà.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin