Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mách bạn cách trị nước ăn chân tại nhà cực hiệu quả

Ngày 02/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nước ăn chân là tình trạng nhiều người mắc phải khi thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao hay khi chân không được giữ khô thoáng, vệ sinh sạch sẽ. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn “bỏ túi” cách trị nước ăn chân rất đơn giản, có thể thực hiện ngay tại nhà mà lại vô cùng hiệu quả.

Nước ăn chân (hay bệnh nấm kẽ chân) tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng sẽ khiến người bệnh khó chịu, gây mất thẩm mỹ, thậm chí còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu không sớm điều trị, vùng da bệnh sẽ xuất hiện mụn nước, vết loét hở, đóng mủ và sưng tấy, rất dễ cho vi khuẩn xâm nhập và tấn công, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguyên nhân tình trạng nước ăn chân

Nước ăn chân là tình trạng bị nhiễm nấm, phần lớn xảy ra ở vùng kẽ giữa những ngón chân. Người bệnh sẽ thấy xuất hiện triệu chứng da đỏ mẩn, ngứa, khô, đóng vảy, đôi khi cảm giác da bỏng rát, châm chích. Nếu để lâu ngày không chữa trị, tình trạng bệnh sẽ tiến triển nặng lên, gây bong tróc, nứt, thậm chí là chảy máu tại vùng da kẽ chân, sau đó sẽ lan rộng sang các vùng da lân cận.

Mách bạn cách trị nước ăn chân tại nhà cực hiệu quả 1 Nước ăn chân là tình trạng nhiều người mắc phải khi thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao...

Theo nghiên cứu, một số loại nấm như Trichophyton Rubrum, Epidermophyton Floccosum, Trichophyton Mentagrophytes,... chính là tác nhân gây ra hiện tượng nước ăn chân. Chúng vốn tồn tại sẵn trên bề mặt da nhưng nếu chúng ta giữ vệ sinh da sạch sẽ, khô thoáng thì sẽ không gặp bất kỳ tổn thương da nào. Ngược lại, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng nhanh chóng sinh sôi và gây ra các triệu chứng nêu trên.

Ngoài nấm, còn có một số yếu tố xúc tác khác khiến tình trạng nước ăn chân xuất hiện và làm nặng hơn:

  • Mang giày hoặc tất quá chật, gây ẩm ướt vùng chân.
  • Lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp với mầm bệnh vì dùng chung vật dụng cá nhân, hay tiếp xúc da trực tiếp với người bệnh.
  • Nhiễm trùng da, có vùng da bị tổn thương hở tạo điều kiện cho nấm/vi khuẩn xâm nhập.
  • Ngâm chân trong nước bẩn một thời gian dài sẽ có nguy cơ cao bị nấm kẽ chân.
Mách bạn cách trị nước ăn chân tại nhà cực hiệu quả 2 Tình trạng nước ăn chân chủ yếu xảy ra ở vùng kẽ giữa những ngón chân.

Một số cách trị nước ăn chân tại nhà

Nấm kẽ chân là bệnh ngoài da, do đó điều quan trọng nhất để phòng tránh cũng như cải thiện triệu chứng bệnh đó chính là phải đảm bảo vệ sinh cho hai chân bằng cách dùng nước sạch rửa chân thật kỹ, đặc biệt là vùng giữa các ngón chân cần rửa sạch và giữ chúng được khô thoáng.

Không nên sờ, gãi nhiều ở vùng da đã thấy xuất hiện các triệu chứng ngứa đỏ, bong tróc, khô da, rát da để tránh làm nhiễm khuẩn khiến bệnh càng thêm khó chữa.

Ngoài ra, bạn hãy áp dụng áp dụng ngay một số cách trị nấm ăn chân sau đây để phòng và trị bệnh hiệu quả:

Phương pháp dân gian

Bôi nước búp ổi

Búp ổi (hay lá ổi non) có tác dụng chống viêm, cầm tiêu chảy, đau bụng. Giã nát một nắm búp ổi và muối hạt, sau đó xát vào kẽ chân từ 2 - 3 lần/ngày để cải thiện tình trạng nước ăn chân.

Lá trầu không

Một trong những cách trị nước ăn chân hiệu quả tại nhà là có thể trực tiếp vò nát lá trầu không rồi chà xát vào các kẽ ngón chân. Ngoài ra, bạn có thể đun sôi lá trầu không với nước để rửa chân (nhớ cho thêm vào nước này cục phèn chua nhỏ vào và đánh tan ra). Biện pháp này có thể cải thiện đáng kể tình trạng sưng đỏ, ngứa, viêm loét…

Rau sam tươi

Rửa sạch khoảng 50 - 100g rau sam, cắt nhỏ rồi đem giã nát cùng chút muối ăn. Trộn đều hỗn hợp, sau đó cho vào mảnh gạc sạch để chấm nhẹ vào chỗ nấm kẽ chân. Bạn có thể thực hiện nhiều lần trong ngày để giúp vùng loét nhanh khô, hết ngứa.

Lá chè xanh và lá phèn đen

Cả chè xanh và phèn đen đều có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm nên đây cũng là cách trị nước ăn chân có thể áp dụng tại nhà. Nấu 30g mỗi loại lá thành nước đặc để rửa chân hàng ngày sẽ rất hiệu quả...

Mách bạn cách trị nước ăn chân tại nhà cực hiệu quả 3 Dùng lá trầu không là một trong những cách trị nước ăn chân tại nhà hiệu quả.

Dùng thuốc trị nước ăn chân

Tùy theo tình trạng, mức độ bệnh mà bạn áp dụng những cách trị nước ăn chân khác nhau để mang lại hiệu quả nhanh chóng. Trong trường hợp bạn không có nhiều thời gian để thực hiện các biện pháp dân gian, hoặc khi đã áp dụng mà không mang lại hiệu quả như mong đợi thì có thể dùng thuốc trị nước ăn chân khi thấy triệu chứng ngày một tiến triển nặng hơn.

Các loại thuốc trị nấm tuy không thể loại bỏ hoàn toàn nấm gây bệnh tồn tại trên da nhưng chúng có tác dụng giúp kiểm soát số lượng, đồng thời hạn chế hoạt động và tiêu diệt một phần nấm để cải thiện triệu chứng bệnh.

Trên thực tế, phần lớn các trường hợp nước ăn chân đều có thể được chữa khỏi bằng thuốc bôi trị nấm. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp thêm thuốc điều trị triệu chứng để tăng cường hiệu quả hồi phục như: Thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin,... Thuốc trị nấm đường uống sẽ được các y bác sĩ có chuyên môn kê đơn và chỉ sử dụng khi bệnh nặng, lan rộng và có những biến chứng nặng mà thôi.

Mách bạn cách trị nước ăn chân tại nhà cực hiệu quả 4 Phần lớn các trường hợp nước ăn chân đều có thể được chữa khỏi bằng thuốc bôi trị nấm.

Lưu ý người bệnh khi dùng thuốc bôi trị nấm là phải giữ cho chân luôn được khô ráo, sạch sẽ, tránh tối đa việc tiếp xúc nước quá nhiều khi không cần thiết. Ngoài ra, không phải bôi nhiều thuốc là càng hiệu quả mà chỉ cần bôi lượng thuốc vừa đủ.

Nhìn chung, tình trạng nước ăn chân là bệnh ngoài da rất phổ biến, ai ai cũng có thể gặp phải trong điều kiện thời tiết vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt, và đặc biệt là khi bạn không chú ý giữ vệ sinh cho chân. Khi bị nước ăn chân mức độ nhẹ nhẹ, bạn hãy nhanh chóng áp dụng cách trị nước ăn chân đơn giản tại nhà nêu trên để làm giảm triệu chứng, hạn chế nguy cơ biến chứng. Trường hợp bệnh không cải thiện hoặc tiến triển nặng hơn, người bệnh cần ngưng biện pháp điều trị tại nhà và sớm đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Vinmec

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm