Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Màng trinh không thủng: Nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa

Ngày 26/09/2024
Kích thước chữ

Màng trinh không thủng là một cụm từ rất ít người biết đến, tuy nhiên chị em phụ nữ nào gặp phải tình trạng này sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khoẻ khác như đau bụng kinh, bí tiểu… Vậy màng trinh không thủng là gì? Phương pháp điều trị màng trinh không thủng như thế nào?

Màng trinh không thủng là một tình trạng rất hiếm gặp ở chị em phụ nữ và rất ít người biết về nó. Vậy màng trinh không thủng là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của màng trinh không thủng là gì? Phương pháp điều trị và biện pháp phòng ngừa như thế nào? Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp cho bạn đọc các vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Màng trinh không thủng là gì?

Màng trinh là một màng mỏng nằm ở cửa âm đạo. Đó chính là các mảng mô còn sót lại khi âm đạo của thai nhi được hình thành trong quá trình phát triển bào thai. Ngăn ngừa vi khuẩn, dị vật xâm nhập vào âm đạo được cho là vai trò của màng trinh. Ở phụ nữ bình thường, trên màng trinh sẽ có 1 hoặc vài lỗ nhỏ để giúp cho máu kinh nguyệt thoát ra bên ngoài trong thời gian hành kinh.

Màng trinh không thủng là một tình trạng rất hiếm gặp xảy ra khi màng trinh bao phủ toàn bộ âm đạo. Theo ước tính, chỉ có 1/1000 ca sinh bé gái gặp phải tình trạng màng trinh không thủng.

Màng trinh không thủng có thể gây ra hiện tượng tắc nghẽn đường tiết niệu và đường sinh dục của bé gái trong thời kỳ sơ sinh, nhi đồng hoặc thanh thiếu niên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hiếm gặp của tình trạng vô kinh nguyên phát, bí tiểu, thận ứ nước hoặc tổn thương thận cấp tính.

Màng trinh không thủng: Nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa 1
Màng trinh không thủng là một hiện tượng rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/1000

Nguyên nhân và triệu chứng của hiện tượng màng trinh không thủng

Màng trinh không thủng là hiện tượng màng trinh bị bịt kín rất hiếm gặp ở chị em phụ nữ. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của hiện tượng này là gì?

Nguyên nhân

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng màng trinh không thủng ở phụ nữ. Thông thường, màng trinh không thủng xảy ra ở thai nhi khi còn trong bụng mẹ và sinh ra trẻ sơ sinh đã có rồi. Màng trinh thường sẽ mở ra trong quá trình phát triển bào thai, tuy nhiên, màng trinh có thể không mở ra trong quá trình này và được gọi là màng trinh không thủng.

Triệu chứng

Triệu chứng của tình trạng màng trinh không thủng ở mỗi người bệnh là rất khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của họ, mức độ tắc nghẽn và diễn biến lâm sàng của bệnh. Triệu chứng của tình trạng màng trinh không thủng xảy ra do máu chảy ngược lại vào âm đạo, tử cung hoặc ống dẫn trứng, gồm có:

  • Đau vùng chậu;
  • Đau lưng;
  • Cảm giác đầy bụng;
  • Không có kinh nguyệt (vô kinh);
  • Tiểu đau, khó tiểu;
  • Đại tiện khó khăn, táo bón.
Màng trinh không thủng: Nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa 2
Không có kinh nguyệt là một triệu chứng của tình trạng màng trinh không thủng

Hiện tượng màng trinh không thủng có thể được phát hiện ở các bé sơ sinh khi kiểm tra âm đạo hoặc ở thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, việc đánh giá ở bé gái trước tuổi dậy thì khác với những bạn nữ ở tuổi vị thành niên. Bởi những bất thường ở cơ quan sinh dục nữ có thể gây khó khăn cho việc phát hiện màng trinh không thủng trong quá trình khám sức khỏe cho trẻ. Vậy điều trị màng trinh không thủng như thế nào?

Điều trị màng trinh không thủng như thế nào?

Điều trị màng trinh không lỗ thủng thông qua một cuộc phẫu thuật nhỏ được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn cao. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một vết cắt nhỏ để tạo ra một hoặc vài lỗ thủng nhỏ trên màng trinh. Các lựa chọn trong điều trị màng trinh không thủng bao gồm:

  • Cắt màng trinh theo đường rạch hình khuyên hoặc hình chữ thập: Bác sĩ sẽ thực hiện rạch một đường hình chữ thập trên màng trinh bằng cách cắt bỏ các góc phần tư và nối nối các mép màng trinh lại bằng chỉ khâu tự tiêu.
  • Cắt màng trinh bằng biện pháp đốt điện: Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt màng trinh theo hình khuyên (hình tròn) có kích thước nhỏ.
  • Đặt ống thông Foley 16Fr và bơm bóng kích thước 10ml để bảo tồn các mô màng trinh: Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường dài khoảng 0,5cm trên màng trên để đặt ống thông Foley 16Fr trong vòng 2 tuần và kết hợp với bôi kem âm đạo estrogen hàng ngày nhằm thúc đẩy quá trình mô hoá.
  • Điều trị bằng tia laser carbon dioxide: Người bệnh sẽ được gây tê cục bộ tại âm đạo, sau đó bác sĩ sẽ tạo một lỗ thông mới. Sau đó, người bệnh sẽ được theo dõi 2 tuần sau phẫu thuật để đảm bảo không có vết sẹo hoặc hẹp màng trinh.
Màng trinh không thủng: Nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa 3
Phẫu thuật tạo lỗ thủng trên màng trinh là phương pháp điều trị màng trinh không thủng

Thông thường, những bé gái được phát hiện ra màng trinh không thủng khi còn nhỏ thì sẽ đợi đến khi dậy thì mới tiến hành thực hiện phẫu thuật. Cuộc phẫu thuật này sẽ được thực hiện ở giai đoạn dậy thì khi bé gái bắt đầu phát triển vú và mọc lông mu.

Những cô gái được chẩn đoán màng trinh không thủng khi lớn hơn thì cũng cần phải trải qua cuộc phẫu thuật tương tự. Mục đích của cuộc phẫu thuật này là giúp máu kinh nguyệt ứ đọng trong tử cung thoát ra bên ngoài cơ thể. Người bệnh thường phục hồi sau vài ngày làm phẫu thuật. Bên cạnh đó, sau phẫu thuật thì người bệnh có thể phải sử dụng dụng cụ nong âm đạo (băng vệ sinh tampon dạng ống) khoảng 15 phút/ngày để ngăn chặn vết cắt khép lại và giúp cho âm đạo được mở ra.

Sau phẫu thuật, hầu hết các bệnh nhân sẽ cảm thấy đau tức nhẹ ở vùng âm đạo. Do đó, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau cho người bệnh, tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của mỗi người.

Khi đã hồi phục sau cuộc phẫu thuật, các cô gái sẽ có chu kỳ kinh nguyệt như những cô gái khỏe mạnh khác. Họ có thể quan hệ tình dục và có con bình thường.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Sau phẫu thuật, người bệnh cần chú ý theo dõi tình trạng sức khoẻ và chăm sóc vùng kín cẩn thận. Nếu gặp phải một trong các biểu hiện dưới đây, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay:

  • Xuất hiện dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm sau phẫu thuật như đau nhức, chảy dịch mủ hoặc sốt.
  • Chảy nhiều máu âm đạo.
  • Phát triển mô sẹo ở vết rạch.
  • Lỗ âm đạo có dấu hiệu đóng lại, dụng cụ nong âm đạo không thể đưa vào trong được hoặc gây ra đau đớn khi đưa dụng cụ nong âm đạo vào trong âm đạo.
  • Gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng các loại thuốc được kê.
Màng trinh không thủng: Nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa 4
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bị sốt sau phẫu thuật điều trị màng trinh không thủng

Biện pháp phòng ngừa màng trinh không thủng

Như đã nói ở trên, hiện tượng màng trinh không thủng thường xảy ra trong quá trình phát triển bào thai trong bụng mẹ và có thể xem đây là một bệnh lý bẩm sinh. Do đó, không có biện pháp cụ thể nào có thể giúp phòng ngừa được tình trạng màng trinh không thủng. Vì vậy, cha mẹ nên cho các bé sơ sinh gái thực hiện kiểm tra màng trinh để sớm phát hiện ra tình trạng màng trinh không thủng và những vấn đề khác để có hướng xử trí kịp thời.

Mặt khác, có một số bằng chứng cho thấy hiện tượng màng trinh không thủng có thể mang tính di truyền, nghĩa là bạn có nguy cơ cao bị màng trinh không thủng nếu mẹ hoặc chị gái mắc phải tình trạng này.

Trên đây là những thông tin có liên quan đến hiện tượng “màng trinh không thủng” mà bạn nên biết. Màng trinh không thủng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của chị em phụ nữ. Do đó, bạn cần đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị khi thấy có những biểu hiện của tình trạng màng trinh không thủng. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin