Quá trình hình thành thai nhi và những kiến thức mẹ bầu cần biết
Ngày 21/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi mang thai sẽ giúp cho các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, em bé chào đời bình an. Và việc theo dõi quá trình hình thành thai nhi theo từng tuần cũng là việc rất quan trọng mà các mẹ không nên bỏ qua.
Theo đó, theo dõi quá trình hình thành thai nhi theo từng tuần sẽ giúp mẹ bầu nắm được tình trạng sức khỏe cũng như tốc độ phát triển của thai nhi trong bụng. Từ đó có thể phát hiện sớm các bất thường có thể xảy ra ở thai nhi, giúp thai nhi phát triển toàn diện. Hãy cùng bài viết dưới đây dõi theo hành trình phát triển của con theo từng tuần bố mẹ nhé!
Vì sao cần nắm được các kiến thức cơ bản khi mang thai?
Mang thai là một hành trình không hề đơn giản và dễ dàng. Đối với các chị em, đây là một hành trình hết sức thiêng liêng, thể hiện tình thương vô bờ bến của người mẹ. Cũng là một trải nghiệm thú vị khi cưu mang một thiên thần bé nhỏ trong bụng.
Và dĩ nhiên, mang thai chiếm đến 40 tuần của một người phụ nữ, là quá trình không hề ngắn. Do đó, các chị em cần trang bị cho mình những kiến thức quan trọng như ăn uống, sinh hoạt như thế nào, con trong bụng phát triển ra sao,...
Mục tiêu chính khi trang bị những kiến thức này là giúp đảm bảo sự khỏe mạnh của người mẹ và sự phát triển toàn diện của con. Hạn chế tối đa những rủi ro có thể gặp như:
Các bất thường có thể xảy ra với thai nhi trong quá trình mang thai;
Dị tật bẩm sinh;
Bệnh truyền nhiễm, bệnh di truyền,...
Quá trình hình thành thai nhi theo từng tuần chi tiết
Quá trình hình thành thai nhi là một quá trình có trật tự và diễn ra rất phức tạp. Quá trình này thường bắt đầu trước khi các mẹ bầu biết mình mang thai và kết thúc khi em bé chào đời. Thai nhi sẽ phát triển với tốc độ nhanh chóng và thay đổi trong suốt thai kỳ. Và thai kỳ sẽ được chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ tương ứng với 3 tháng hay còn được gọi là tam cá nguyệt thai kỳ.
Tam cá nguyệt thứ nhất
Giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất sẽ bắt đầu từ khi thụ thai cho đến tuần thứ 12. Đây chính là 3 tháng đầu tiên quan trọng của thai kỳ. Sau khi trứng được thụ tinh thành công trong tam cá nguyệt này sẽ bắt đầu phát triển từ một tế bào vô cùng nhỏ trở thành một bào thai với những đặc điểm cơ bản của con người. Đây cũng là thời điểm đánh dấu những thay đổi đầu tiên của cơ thể mẹ bầu với những triệu chứng đặc trưng như mệt mỏi, ốm nghén,...
Tuần 1: Cơ thể mẹ bắt đầu giải phóng hormone với số lượng nhiều hơn trước rất nhiều và tử cung có những biến chuyển để chuẩn bị cho quá trình nuôi dưỡng bào thai nhỏ bé bên trong.
Tuần 2: Cuối tuần thứ 2 này, trứng đã bắt đầu rụng và giải phóng một quả trứng. Nếu sau khi trứng rụng có thể gặp tinh trùng thì quá trình thụ thai sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Tuần 3: Tinh trùng và trứng gặp nhau và diễn ra quá trình thụ tinh, tạo thành một hợp tử.
Tuần 4: Hợp tử này tiếp tục phát triển và trở thành phôi nang ở tuần thứ 4. Phôi nang sẽ di chuyển về phía tử cung, sau đó cấy ghép vào lớp niêm mạc trong lòng tử cung. Cứ như vậy phôi bắt đầu phân chia và phát triển một cách mạnh mẽ. Túi ối sẽ bao bọc xung quanh phôi thai để cung cấp chất dinh dưỡng và bảo vệ bào thai trong suốt thai kỳ. Phôi thai lúc này đã có kích thước tương đương với một hạt mè, tức là khoảng 2mm.
Tuần 5: Ở tuần thứ 5, mẹ bầu sẽ dễ dàng nhận biết bản thân mình có thai do các triệu chứng đã xuất hiện một cách rõ ràng. Mẹ bầu có thể sử dụng que thử thai tại nhà và que sẽ cho ra kết quả dương tính. Về phần bào thai, ở tuần thứ 5, hệ thần kinh trung ương và trái tim, hệ thống tuần hoàn tim của con đã được hình thành và bắt đầu hoạt động. Nhịp tim sẽ đập vào cuối tuần thứ 5.
Tuần 6: Các chồi chi hình thành nên tay và chân của con đang được phát triển ở tuần thứ 6. Các tế bào máu cùng hệ thống tuần hoàn máu và các cấu trúc khác sẽ tạo nên các bộ phận như mắt, tai, mũi, miệng.
Tuần 7: Khung xương và bộ phận sinh dục của bào thai đang được hình thành nhưng chỉ ở mức sơ bộ. Phần đầu bào thai thời điểm này sẽ to hơn so với các phần khác của cơ thể và chưa thành hình dáng con người. Trông con lúc này sẽ khá giống với nòng nọc con có đuôi.
Tuần 8: Tốc độ phát triển của bào thai đang diễn ra rất nhanh chóng. Tay và chân của bào thai trông giống như mạng nhện. Đôi mắt đã có hình dạng rõ ràng hơn và tai thì vẫn đang trong giai đoạn hình thành. Đồng thời, dây rốn cũng tiếp tục phát triển và thực hiện nhiệm vụ quan trọng là nuôi dưỡng bào thai. Phôi thai ở tuần thứ 8 đã được gọi là thai nhi, phôi thai có kích thước khoảng từ 1.27 đến 2.54 cm, bằng với một hạt đậu đen.
Tuần 9: Các đặc điểm trên khuôn mặt đã rõ ràng hơn. Răng, vị giác, cơ bắp của bào thai đã được hình thành. Nhìn thai nhi lúc này đã có nét giống con người hơn nhưng kích thước đầu vẫn còn khá to. Thông qua siêu âm Doppler, các mẹ bầu có thể nghe được nhịp tim của con.
Tuần 10: Các chi của thai nhi như cánh tay, bàn tay, ngón tay, ngón chân và bàn chân đã được hình thành đầy đủ và được bảo vệ bởi lớp màng.
Tuần 11: Thai nhi tuần 11 đã có thể chuyển động nhưng ở tuần này mẹ vẫn chưa thể cảm nhận được các chuyển động ấy.
Tuần 12: Cơ thể đã được hình thành đầy đủ và đang được tiếp tục phát triển một cách ổn định để hoàn thiện các chức năng ở tuần thứ 12. Thai nhi lúc này có kích thước khoản 6.35 đến 7.62cm.
Tam cá nguyệt thứ hai
Tam cá nguyệt thứ hai bắt đầu từ tuần thứ 13 và kết thúc vào tuần thứ 27. Vào 3 tháng giữa thai kỳ, thai nhi trong bụng chuyển động nhiều và có những tác động cụ thể lên phần bụng của mẹ bầu.
Tuần 13: Thai nhi có thể thực hiện một số động tác và phần đầu của con lúc này đã dần hoàn thiện hơn, cân đối hơn so với toàn bộ kích thước của cơ thể. Dây thanh quản cũng được hình thành.
Tuần 14: Da thai nhi bắt đầu mọc lông tơ và dày lên. Bộ phận sinh dục bên ngoài cũng phát triển đầy đủ và hình thành dấu vân tay.
Tuần 15: Các cơ quan trong cơ thể như ruột, phổi đang hình thành và di chuyển đúng đến vị trí cố định. Thai nhi cũng thực hiện các chuyển động có ích hơn như mỉm cười, mút ngón tay.
Tuần 16: Vào cuối tuần 16, thai nhi dài khoảng 12.7cm và nặng khoảng 113.40 gam. Bé lúc này đã có thể nghe thấy những gì mẹ nói.
Tuần 17: Dây rốn ngày một khỏe và dày hơn. Em bé trong bụng giờ đã có thể vận động các khớp, hệ thống xương của thai nhi trước đây là sụn mềm giờ đã hóa xương.
Tuần 18: Vào tuần thứ 18 bé có trọng lượng khoảng 190 gram và lớp bảo vệ myelin đang được hình thành xung quanh dây thần kinh của bé.
Tuần 19: Tuần thứ 19 là thời điểm con ổn định và khỏe mạnh hơn. Mẹ có thể cảm thấy những cú đá, đạp của con và con cũng có thể nấc cụt.
Tuần 20: Kích thước của con lúc này đã bằng một quả chuối khoảng 300 gram. Con đã có thể nuốt và hệ thống tiêu hóa đang tạo ra phân su.
Tuần 21: Ở tuần 21, mẹ hãy chú ý đến các tư thế để có thể quen với các hoạt động của con. Lúc này em bé đã nặng thêm 60 gram, tương đương với kích thước của củ cà rốt.
Tuần 22: Con lúc này đã có hình dáng giống một em bé sơ sinh thu nhỏ và nặng khoảng 430 gram.
Tuần 23: Đôi tai của thai nhi đã nghe được âm thanh một cách tốt hơn và nặng khoảng 500 gram.
Tuần 24: Con nặng khoảng 600 gram ở tuần thứ 24 và dáng hình con vẫn khá dài và gầy. Tuy nhiên các mẹ đừng nóng lòng nhé vì thời điểm mũm mĩm sẽ sớm đến thôi.
Tuần 25: Mỡ xuất hiện giúp làm đầy làn da nhăn nheo của con, giúp con trở nên mũm mĩm. Tóc của con cũng đã bắt đầu mọc. Con nặng khoảng 660 gram.
Tuần 26: Thai nhi đang hít vào thở ra nước ối để phát triển phổi. Đây giống như một bài tập thực hành hơi thở đầu tiên ngay sau khi chào đời.
Tuần 27: Bộ não của con vào tuần 27 rất năng động, con ngủ và thức theo một lịch trình đều đặn. Con đã có kích thước khoảng 875 gram.
Tam cá nguyệt thứ ba
Như vậy là giai đoạn cuối cùng của quá trình hình thành thai nhi đã đến, thai nhi có thể quay đầu để chuẩn bị chào đời. Vì con đã lớn hẳn so với những tháng trước nên mẹ bầu có thể đi tiểu thường xuyên hơn và bị chuột rút chân do con đè vào dây thần kinh ở vùng hông, lưng mẹ.
Tuần 28: Con có thể cảm nhận được ánh sáng do thị lực đang phát triển. Con cũng có thể chớp mắt và lông mi đã mọc lên. Con yêu của mẹ giờ đã nặng khoảng 1000 gram.
Tuần 29: Từ tuần 29 đến tuần 34, con sẽ tăng trung bình 200gr mỗi tuần. Phần đầu vẫn đang phát triển để tạo chỗ cho bộ não.
Tuần 30: Lượng nước ối đã ít đi do em bé lớn dần và chiếm nhiều không gian bên trong tử cung mẹ.
Tuần 31: Lớp mỡ bảo vệ đang tích tụ thêm bên dưới lớp da con và làm dày cánh tay, đôi chân nhỏ bé.
Tuần 32: Mẹ bầu sẽ tăng cân nhanh chóng và tăng khoảng nửa kilogram mỗi tuần. Tuy nhiên, một nửa số cân nặng sẽ được chuyển cho bạn nhỏ.
Tuần 33: Xương sọ của con chưa hợp nhất để con có thể chui qua đường sinh một cách dễ dàng. Chúng sẽ không hợp nhất hoàn toàn cho tới khi em bé đã trưởng thành hơn.
Tuần 34: Con đã nặng khoảng 2100 gram và tiếp tục tăng 200 - 250 gram mỗi tuần. Em bé đã có thể sinh ra trong khoảng từ tuần 34 đến tuần 37 mà không gặp phải bất cứ vấn đề về sức khỏe nào.
Tuần 35: Bụng mẹ càng lúc càng chật chội đối với bạn nhỏ ở tuần thứ 35. Bé đã phát triển hoàn toàn, gan cũng đã hoạt động và xử lý được một số sản phẩm thải.
Tuần 36: Lớp màng mịn bao bọc cơ thể cùng với các chất sáp, chất gây bảo vệ cơ thể con đang mất dần.
Tuần 37: Ngày dự sinh của mẹ đã đến gần nhưng con vẫn chưa sẵn sàng để bước vào một thế giới mới đâu mẹ ạ! Vì trong hơn 2 tuần tới, não và phổi của con mới trưởng thành, hoàn thiện.
Tuần 38: Tròng đen của con lúc này vẫn chưa có sắc tố. Khi bé được khoảng 1 tuổi, chúng sẽ đổi màu tối hơn.
Tuần 39: Con đã đủ tháng, đồng nghĩa với việc nút nhầy niêm phong tử cung và nội tạng của mẹ đang bị chèn ép do kích thước của con.
Tuần 40: Nếu chưa có dấu hiệu lâm bồn hoặc đã qua ngày dự sinh mà bé chưa chào đời, mẹ cũng đừng quá lo lắng. Các bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm để đảm bảo mẹ vẫn có thể tiếp tục mang thai một cách an toàn.
Tuần 41: Thai kỳ già tháng. Nếu quá nhiều hơn 2 tuần kể từ ngày dự sinh thì mẹ sẽ cần thăm khám bác sĩ để bác sĩ có thể tư vấn mẹ thực hiện giục sinh, tránh nguy cơ tạo biến chứng cho cả mẹ và em bé.
Với người Đông Nam Á, trọng lượng trung bình của trẻ sơ sinh từ 38 - 40 tuần là khoảng 3200 - 3300 gram.
Mẹ bầu cần lưu ý gì trong thời gian mang thai
Bên cạnh việc theo dõi sức khỏe, tốc độ hình thành và phát triển của con, mẹ sẽ cần lưu ý một số việc khác giúp con khỏe mạnh, bình an chào đời như:
Thực hiện tiêm phòng trước khi mang thai.
Tuân thủ theo lịch khám thai định kỳ.
Chú trọng đến chế độ dinh dưỡng khi mang thai.
Tăng cân hợp lý khi mang thai.
Đề phòng những căn bệnh có thể mắc phải khi mang thai như tăng huyết áp, sản giật, tiền sản giật, suy giãn tĩnh mạch, tiểu đường thai kỳ,...
Nghỉ ngơi và làm việc điều độ.
Quan hệ một cách thận trọng khi mang thai.
Không sử dụng thuốc bừa bãi, thận trọng khi sử dụng thuốc.
Hy vọng những thông tin được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp các mẹ có thể đồng hành cùng con một cách sát sao và cẩn trọng hơn trong những năm tháng khi còn ở trong bụng mẹ. Từ đó có những phương pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp, đảm bảo thai nhi phát triển toàn diện, khỏe mạnh và mẹ bầu có một thai kỳ an toàn, sức khỏe không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.