Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Mẹ bầu mấy tháng uống được nước dừa? 

Ngày 30/11/2022
Kích thước chữ

Mang thai có thể nói là giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ. Vào lúc này, chị em cần hết sức chú ý đến sức khỏe hơn cả để bảo đảm sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Nhiều người đưa ra lời khuyên rằng nước dừa rất tốt cho phụ nữ mang thai, nhưng mẹ bầu mấy tháng uống được nước dừa?

Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai là việc luôn được quan tâm hàng đầu trong suốt thai kỳ, đặc biệt là với những chị em chưa có kinh nghiệm. Một trong những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe được nhắc đến nhiều chính là nước dừa. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về bầu mấy tháng uống được nước dừa, những công dụng của nước dừa cũng như cách uống nước dừa đem lại hiệu quả cho phụ nữ mang thai trong bài viết dưới đây nhé!

Những lợi ích của nước dừa đối với phụ nữ mang thai

Nước dừa là loại đồ uống giải khát rất quen thuộc với hầu hết người Việt Nam. Không chỉ có hương vị thơm ngon, thanh mát dễ uống mà nước dừa còn đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe. Trước khi tìm hiểu bà bầu mấy tháng uống được nước dừa, hãy điểm qua những lợi ích mà loại nước này mang lại cho phụ nữ mang thai cũng như thai nhi.

Hàm lượng chất béo và calo thấp

Một trong các lợi ích của nước dừa mà phụ nữ mang thai nhận được là loại thức uống này chứa rất ít calo và chất béo. Khi bắt đầu mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi, chị em thường xuyên cảm thấy thèm ăn, ăn nhiều hơn và từ đó dẫn tới việc tăng cân nhanh chóng. Vì thế, một chế độ ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng và đa dạng các loại thực phẩm, nhất là trái cây sẽ rất phù hợp cho mẹ bầu. 

Thực phẩm chứa nhiều chất béo và calo làm tăng nguy cơ béo phì cho phụ nữ mang thai, việc này có thể gây ra các biến chứng cho thai nhi. Do vậy, nước dừa là sự lựa chọn tuyệt vời vì có hàm lượng chất béo, calo thấp lại cung cấp nhiều dưỡng chất khác như chất xơ, chất đạm, kali… rất tốt cho chị em.

Bà bầu mấy tháng uống được nước dừa? 1

Nước dừa có hàm lượng chất béo và calo thấp

Hỗ trợ tiêu hóa 

Ngoài đem lại giá trị dinh dưỡng cao cho người uống, nước dừa còn có khả năng cải thiện và hỗ trợ chức năng tiêu hóa, cân bằng độ ổn định pH. Khi bà bầu uống nước dừa, cơ thể sẽ tăng cường sự trao đổi chất và đào thải độc tố. Lượng chất xơ có trong nước dừa giúp hạn chế tình trạng táo bón, đồng thời với khả năng duy trì độ pH, nước dừa cũng giúp chị em giảm hiện tượng khó tiêu, ợ nóng trong giai đoạn mang thai.

Bổ sung điện giải

Trong nước dừa có chứa đủ 5 loại điện giải quan trọng đối với cơ thể là chất khoáng, kali, canxi, photpho và natri. Khi mang thai, bà bầu thường gặp phải tình trạng buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, tiêu chảy… nên rất dễ bị thiếu chất điện giải. Vì vậy, nước dừa là một giải pháp tự nhiên, an toàn để bổ sung điện giải cần thiết cho chị em. Không những thế, những chất điện giải này còn giúp cải thiện hiện tượng nôn nghén và điều hòa huyết áp cho bà bầu.

Chống nhiễm trùng

Nước dừa là sản phẩm đến từ tự nhiên nên hoàn toàn không chứa các loại hóa chất hay hương liệu nhân tạo vì thế rất lành tính với bà bầu. Bên cạnh đó, trong nước dừa còn chứa axit béo chuỗi trung hòa có khả năng chuyển hóa thành Monolaurin khi đi vào cơ thể. Chất này có chức năng chống lại virus, vi khuẩn mạnh, giúp bảo vệ sức khỏe bà bầu, tăng cường đề kháng cho cả mẹ và bé.

Ngoài những công dụng trên, nước dừa còn hỗ trợ cải thiện chức năng thận, lợi tiểu, kiểm soát đường huyết và quá trình lưu thông máu hiệu quả ở phụ nữ có thai.

Bà bầu mấy tháng uống được nước dừa? 2

Nước dừa giúp chống lại các virus, vi khuẩn mạnh

Bà bầu mấy tháng uống được nước dừa? 

Nước dừa đem lại rất nhiều công dụng cho sức khỏe, vì thế việc bầu mấy tháng uống được nước dừa là điều mà rất nhiều chị em quan tâm. Đối với việc uống nước dừa khi mang thai, có 2 giai đoạn mà chị em cần chú ý. 

Giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, bà bầu xảy ra nhiều sự thay đổi về nội tiết tố, thai nhi cũng chưa đạt bước vào trạng thái phát triển ổn định. Nước dừa có tính hàn, có thể làm mát toàn thân nhưng cũng dễ gây ra nguy cơ tụt huyết áp. Nếu phụ nữ đang mang thai sử dụng quá nhiều nước dừa trong giai đoạn này, gân và cơ có thể bị yếu đi.

Vì thế, những chuyên gia khuyên rằng bà bầu nên hạn chế uống nước dừa trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Bắt đầu từ tháng thứ 4, chị em có thể uống nước dừa để bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ và bé. 

Bà bầu mấy tháng uống được nước dừa? 3

Bà bầu không nên uống nước dừa ở tam cá nguyệt đầu tiên

Phụ nữ mang thai nên uống dừa non hay dừa già?

Nước dừa rất tốt cho sức khỏe của người phụ nữ khi đang mang thai, chị em nên uống nước dừa kể từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Vậy nên uống dừa non hay dừa già thì tốt?

Theo quan niệm dân gian, người ta thường xuyên bà bầu nên uống nước dừa non vì sẽ giúp nước ối trong hơn, em bé có làn da trắng hồng lúc sinh ra. Đồng thời không nên uống nước dừa già vì chứa ít dinh dưỡng và có thể gây đục nước ối. Tuy nhiên, đây chỉ là những kinh nghiệm truyền miệng mà chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào chứng minh được.

Trong y khoa, các chuyên gia cũng khuyên mẹ bầu nên sử dụng nước dừa non thay vì dừa già vì dừa non chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, hương vị ngọt thanh cũng dễ uống hơn dừa già. Theo đó, một ly nước dừa non có thể đem lại 46 calo, 3g chất xơ cùng nhiều loại khoáng chất, vitamin và chất điện giải khác. Còn với dừa già, nó thường ít nước và vị cũng nhạt hơn.

Tuy nước dừa già ít dưỡng chất hơn nước dừa non nhưng cùi dừa già lại có hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Vì thế, nếu chị em ngán nước dừa có thể chuyển sang thử các món ăn từ cùi dừa cũng rất tốt cho sức khỏe.

Bà bầu mấy tháng uống được nước dừa? 4

Cùi dừa đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho bà bầu

Những lưu ý cho bà bầu khi uống nước dừa

Sau tháng thứ 4, chị em nên uống nước dừa để tăng cường sức khỏe và cần lưu ý một số điểm sau:

  • Không nên lạm dùng nước dừa, uống quá nhiều sẽ làm tăng nồng độ kali máu, gây hại cho sức khỏe. Chị em chỉ nên uống 100-150ml nước dừa và uống 3-4 lần mỗi tuần. 
  • Tuyệt đối không uống nước dừa vào buổi tối hay trước khi đi ngủ. Vì nước dừa có tính lợi tiểu, nên dễ dẫn đến tiểu đêm, làm mất giấc ngủ. Ngoài ra, nước dừa cũng làm lạnh bụng nên mẹ bầu có thể bị đau bụng, tiêu chảy lúc nửa đêm.
  • Dừa khi chặt ra nên uống liền, không nên để qua đêm vì nước dừa dễ bị lên men và giảm giá trị dinh dưỡng nếu để bên ngoài không khí quá lâu.
  • Chọn các quả dừa sạch, xanh tươi mới khi mua, không chọn các quả bị bầm, nứt, thủng hay mốc. Nếu lớp vỏ dừa bên ngoài bị hỏng, nước dừa bên trong cũng sẽ bị ảnh hưởng, chất lượng không tốt. Mẹ bầu nên ưu tiên sử dụng dừa tươi hơn là nước dừa ly bán sẵn.
  • Khi đang khó chịu, mệt mỏi trong người, chị em không nên dùng nước dừa vì có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc. Sau khi đi ra ngoài dưới trời nắng không nên uống nước dừa ngay mà nghỉ một vài phút, ngồi ở chỗ mát rồi mới uống để hạn chế bị ớn lạnh, tỳ vị, đầy bụng khó tiêu.
  • Mặc dù không chứa nhiều đường nhưng nếu mẹ bầu nào đang gặp các vấn đề liên quan đến đường huyết như tiểu đường thai kỳ thì chỉ nên uống nước dừa ở lượng vừa phải, không nên lạm dụng.
  • Không nên thay thế nước dừa tươi hoàn toàn bằng nước lọc hay các loại nước hoa quả khác. Mỗi lần uống phải uống từ từ, không nên dồn vào một lần.
  • Mẹ bầu bị thiếu nước ối có thể uống thêm nước dừa vào những tháng cuối thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Như vậy, bài viết trên đây đã giúp chị em giải đáp các thắc mắc như: “Bầu mấy tháng uống được nước dừa?”, “Nên uống dừa non hay dừa già?” cũng như bổ sung các lưu ý khi sử dụng nước dừa trong giai đoạn mang thai. Nước dừa là loại thức uống có hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nên các mẹ bầu đừng nên bỏ qua nhé!

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin