Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Mề đay tự phát: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Ngày 19/05/2022
Kích thước chữ

Mề đay tự phát là tình trạng phát ban phổ biến ở mọi lứa tuổi. Biểu hiện là các mẩn đỏ, nổi gồ trên mặt da, giới hạn rõ và rất ngứa. Nguyên nhân gây mề đay tự phát thường không rõ ràng nên gây khó khăn trong việc phòng ngừa và điều trị cho bệnh nhân.

Mề đay là một bệnh dị ứng, xảy ra sau khi da hay cơ thể bạn tiếp xúc với dị nguyên. Dị nguyên có thể là nóng hay lạnh, thức ăn, mạt nhà, phấn hoa,... Sau khi tiếp xúc với dị nguyên, da bạn sẽ nổi mề đay sau vài phút, hoặc có thể vài giờ. Việc tìm được nguyên nhân gây mề đay là vấn đề cốt lõi để phòng ngừa mề đay tái phát. Tuy nhiên việc này không hề dễ dàng chút nào, đặc biệt là với mề đay tự phát. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về những nguyên nhân có thể gây mề đay tự phát và cách điều trị mề đay tự phát nhé!

Mề đay tự phát là gì?

Mề đay hay còn gọi là mày đay là kết quả của chuỗi phản ứng phức tạp giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây viêm. Thường thông qua cơ chế miễn dịch của cơ thể. Biểu hiện là trên da bệnh nhân nổi các mảng hồng ban, giới hạn rõ, nổi gồ lên bề mặt da gây cảm giác ngứa, khó chịu. 

Mề đay tự phát: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 1 Mề đay tự phát gây da mẩn đỏ

Mề đay tự phát là tình trạng bệnh nhân xuất hiện các nốt mề đay trên da mà không xác định được nguyên nhân gây nên mề đay, do đó bệnh nhân thường xuất hiện nhiều đợt bùng phát trong năm. Vấn đề này khiến cho việc phòng ngừa tái phát và điều trị gặp không ít khó khăn. Do đó khi trên da bạn xuất hiện các nốt mẩn, ngứa của mề đay hãy đến Trung tâm về miễn dịch - dị ứng để tìm nguyên nhân dẫn đến mề đay tự phát nhé.

Nguyên nhân gây mề đay tự phát

Mề đay tự phát thường không có nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên có những tác nhân tiềm ẩn gây nên nó. Có thể kể đến các tác nhân sau:

  • Tâm lý căng thẳng và lo lắng: Vấn đề tâm lý, trạng thái tính thần có thể là một trong những tác nhân gây mề đay tự phát. Nó gây khởi phát mề đay và khiến các triệu chứng mề đay trở nên nặng hơn. Do đó cần giảm căng thẳng để giúp kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa mề đay tái phát.
  • Lông chó mèo: Lông động vật là một dị nguyên rất thường gặp gây nổi mề đay. Do đó nếu bạn bị mề đay tự phát khi tiếp xúc với chó mèo, hãy cẩn thận khi đến gần nó. Thậm chí cần hạn chế nuôi chó mèo nếu nguyên nhân gây nổi mề đay của bạn là do lông của nó.
Mề đay tự phát: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 2 Lông chó mèo có thể là nguyên nhân khởi phát dị ứng
  • Phấn hoa là một tác nhân rất thường gặp gây mề đay. Khi bạn tiếp xúc với một loài hoa bất kỳ bạn đột nhiên bị chảy nước mũi, hắt hơi, nổi mề đay thì rất có thể bạn đã bị dị ứng với phấn hoa. Việc hạn chế tiếp xúc với phấn hoa là cách phòng ngừa mề đay tự phát tốt nhất.
  • Các dị nguyên khác cũng rất thường gặp như thức ăn, mạt nhà, thuốc,... Ngay khi bạn tìm được dị nguyên mà bạn dị ứng, hãy ghi nhớ và cố gắng tránh tiếp xúc với nó. Đặc biệt nếu bạn dị ứng với một loại thuốc bất kỳ, hãy nói với bác sĩ, nhân viên y tế khi bạn vào viện vì bất kỳ lý do nào nhé.
  • Tiếp xúc với vật quá nóng hoặc quá lạnh: Khi đi ngoài trời vào mùa hè hay khi tiếp xúc với vật nóng khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi gây kích thích mề đay tự phát. Thậm chí có cả trường hợp dị ứng nước mưa. Điều này cũng tương tự khi cơ thể tiếp xúc với môi trường lạnh. Khi đến cơ sở y tế chuyên khoa, bạn sẽ được test bằng cách áp một vật nóng hay một vật lạnh để xem nóng hoặc lạnh có phải nguyên nhân gây mề đay của bạn không.
  • Đối với một vài người việc tập thể dục khiến đổ mồ hôi cũng gây mề đay tự phát.
Mề đay tự phát: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 3 Thậm chí mồ hôi của chính bạn cũng có thể khởi phát dị ứng mề đay
  • Mặc quần áo quá chật có thể gây kích thích dị ứng nổi mẩn, mề đay.
  • Các hormone liên quan chu kỳ kinh nguyệt có thể đóng vai trò trong việc gây khích hoạt mề đay tự phát.
  • Gãi có thể dẫn đến mề đay tự phát: Việc gãi ngứa có thể là một tác nhân kích thích tình trạng mề đay tự phát. Đồng thời động tác gãi ngứa khi bệnh nhân đã nổi mề đay cũng khiến các nốt mề đay nổi nhiều hơn.

Cách điều trị mề đay tự phát hiệu quả, khoa học

Gồm điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc. Cụ thể:

Điều trị không dùng thuốc

  • Điều quan trọng nhất là phải tìm được nguyên nhân gây mề đay của bệnh nhân để bệnh nhân tránh tiếp xúc với các nguyên nhân đấy. Khi bị mày đay bạn nên đến các cơ sở miễn dịch - dị ứng để điều trị và tìm nguyên nhân gây mề đay. Test xác định nguyên nhân sẽ không được thực hiện khi bạn đang trong tình trạng nổi mề đay cấp mà sẽ được hẹn lại khoa sau 2 tuần để test dị nguyên. Các dị nguyên gồm phấn hoa, mạt nhà, lông chó mèo... Khi đã tìm được nguyên nhân gây mề đay, hãy cố gắng tránh tiếp xúc với dị nguyên đấy.
  • Tránh căng thẳng, tình trạng quá lạnh hoặc quá nóng: Đây đều có thể là những căn nguyên gây khởi phát mề đay. 
  • Khi phát hiện bản thân bị dị ứng lại thuốc nào, hãy luôn nhớ rõ tên thuốc và báo với bác sĩ khi phải vào viện lần tới do bất kỳ nguyên nhân gì.
  • Tránh ăn những món ăn gây dị ứng.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất vải mềm mại. Tránh mặc đồ quá chật.
  • Hạn chế việc gãi, chà xát mạnh trên bề mặt da.
  • Tránh hoạt động, vận động mạnh gây đổ nhiều mồ hôi. Thay vì tập những bài thể dục cường độ mạnh, bạn có thể bắt đầu với những bài tập yoga, ngồi thiền, đạp xe đạp. Đây đều là những môn thể dục ít đổ mồ hôi mà vẫn giúp rèn luyện sức khỏe.

Thuốc điều trị mề đay tự phát

  • Kháng Histamin: Gồm kháng H1 thế hệ I và kháng H1 thế hệ II. Hiện nay kháng H1 thế hệ II (cetirizine, loratadine, fexofenadine,...) được ưu tiên dùng hơn do ít tác dụng phụ hơn như ít gây buồn ngủ, ít tác dụng cholinergic (nhịp tim nhanh, khô miệng, rối loạn tiêu hóa,...) và ít khả năng gây tương tác thuốc.
Mề đay tự phát: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả 5 Xử trí nổi mề đay cần phụ thuộc từng mức độ
  • Corticosteroid toàn thân: Được dùng trong trường hợp mề đay cấp, mức độ nặng, hoặc trường hợp mề đay mạn không đáp ứng với Kháng H2 và H1. Liều dùng 30-60 mg, uống 1 lần sau ăn sáng no hoặc nếu liều cao có thể chia 2/3 liều uống buổi sáng, 1/3 liều uống buổi chiều. Nên giảm liều dần để tránh tác dụng phụ của thuốc.
  • Adrenalin: Dùng trong trường hợp ngoài nổi mề đay ra bệnh nhân còn có các triệu chứng của cơ quan khác như phù mạch, khó thở do phù thanh quản, rối loạn tiêu hóa. Nếu bạn biết bản thân có tiền sử dị ứng, nên luôn luôn mang theo bên mình ống tiêm Adrenalin để có thể xử trí kịp thời khi có sốc phản vệ.
  • Các thuốc khác như Kháng Leukotriene, Dapsone, Doxepin,... Các thuốc này được chỉ định dùng tùy thuộc vào nguyên nhân gây mề đay tự phát.

Bài viết trên đã thảo luận về các nguyên nhân và cách điều trị mề đay tự phát. Trong đó nguyên tắc tìm ra nguyên nhân và tránh tiếp xúc với nó là điều quan trọng nhất trong điều trị. Do đó khi phát hiện bản thân bị mề đay, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được test dị nguyên và hướng dẫn cách xử trí, kiểm soát mề đay tự phát. Và đừng quên theo dõi trang web Nhà thuốc Long Châu để cập nhật các bài viết hay và bổ ích nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin