Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Miễn dịch chủ động: Khái niệm và cơ chế hình thành

Ngày 03/07/2024
Kích thước chữ

Hệ thống miễn dịch của cơ thể chính là bức tường thành vững chắc giúp chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm,... Trong đó, miễn dịch chủ động là một trong 3 dạng miễn dịch của cơ thể. Vậy miễn dịch chủ động là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm và cơ chế hình thành miễn dịch chủ động.

Các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng,... tồn tại ở khắp nơi trong môi trường sống của chúng ta. Chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể và tấn công các cơ quan dẫn đến nhiều bệnh lý nếu hàng rào miễn dịch của cơ thể bị suy yếu.

Trong cơ thể, hệ miễn dịch đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hệ miễn dịch là một hệ thống được tạo ra từ mạng lưới các protein, bạch cầu và cơ quan. Chúng phối hợp với nhau và đảm nhiệm vai trò như “lá chắn” giúp cơ thể chống lại sự tấn công của tác nhân gây bệnh bằng cách nhận diện hàng triệu loại kháng nguyên khác nhau, từ đó tạo ra kháng thể tương ứng để loại bỏ chúng.

Tìm hiểu về miễn dịch chủ động và các loại miễn dịch khác trong cơ thể

Hệ thống miễn dịch của cơ thể gồm 3 dạng luôn phối hợp chặt chẽ với nhau gồm miễn dịch bẩm sinh (miễn dịch không đặc hiệu), miễn dịch chủ động (miễn dịch thích ứng) và miễn dịch thụ động.

Miễn dịch chủ động: Khái niệm và cơ chế hình thành 1
Hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh

Miễn dịch chủ động là miễn dịch được hình thành sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm mốc,... Khi phát hiện ra sự xâm nhập, cơ thể sẽ kích hoạt hệ miễn dịch tạo ra kháng thể bảo vệ. Miễn dịch chủ động có thể phát triển liên tục trong suốt cuộc đời của mỗi người qua tiếp xúc với mầm bệnh hoặc tiêm vắc xin vào cơ thể. Trong đó, tiêm vắc xin chính là giải pháp cung cấp miễn dịch chủ động cho cơ thể ngay từ khi mới chào đời. Dù bằng bất cứ cách nào, miễn dịch chủ động cũng sẽ ghi nhớ và dễ dàng phát hiện “kẻ xâm nhập” khi chúng quay trở lại trong tương lai.

Ngoài ra, cơ thể còn tồn tại miễn dịch bẩm và miễn dịch thụ động. Trong đó, miễn dịch bẩm sinh hay miễn dịch tự nhiên là loại miễn dịch có sẵn ngay từ khi chúng ta sinh ra với khả năng giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh bằng các phản ứng không đặc hiệu. Loại miễn dịch này có tác dụng bảo vệ hiệu quả ngay cả với những tác nhân chưa từng tiếp xúc. Miễn dịch bẩm sinh được hình thành trên da, đường ruột và lỗ mũi. Do đó, khi có sự xâm nhập của yếu tố gây hại, tế bào đặc hiệu sẽ được kích hoạt và cơ thể sẽ lập tức phản ứng để tiêu diệt mầm bệnh. Trường hợp các tác nhân gây hại có thể vượt qua được hàng rào bảo vệ tự nhiên này, hàng rào miễn dịch thứ 2 sẽ được cơ thể kích hoạt.

Miễn dịch thụ động là loại miễn dịch đi mượn từ nguồn bên ngoài thay vì cơ thể sản xuất ra kháng thể tương ứng với một bệnh lý nào đó thông qua hệ thống miễn dịch. Kháng thể này thường có thời gian tồn tại ngắn trong vài tuần hoặc vài tháng nhưng lại có tác dụng bảo vệ ngay lập tức. Loại miễn dịch thụ động điển hình chính là kháng thể trong sữa mẹ, miễn dịch từ mẹ truyền qua nhau thai hoặc qua các chế phẩm máu có chứa kháng thể, điển hình như globulin miễn dịch.

Miễn dịch chủ động: Khái niệm và cơ chế hình thành 2
Miễn dịch thụ động có thể truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai

Điểm khác biệt của miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động

Điểm khác biệt lớn nhất của 2 loại miễn dịch này chính là nguồn gốc tạo ra kháng thể. Nếu như miễn dịch chủ động do cơ thể sản sinh ra sau khi tiếp xúc mầm bệnh hay tiêm vắc xin thì miễn dịch thụ động lại nhận kháng thể từ mẹ hoặc từ người đã hồi phục bệnh.

Ngoài ra, miễn dịch chủ động cần 1 đến 2 tuần để phát huy hiệu quả nhưng có thể tồn tại suốt đời và bảo vệ cơ thể trong một thời gian dài. Trong khi đó miễn dịch thụ động chỉ tồn tại rất ngắn và phát huy hiệu quả ngay trong 12 giờ đầu. Đặc biệt, miễn dịch chủ động có thể tạo tế bào bộ nhớ còn miễn dịch thụ động thì không có khả năng này.

Cơ chế hình thành và lợi ích của miễn dịch chủ động

Miễn dịch chủ động hình thành từ việc mắc bệnh hoặc tiêm chủng thông qua cơ chế nhận diện tác nhân xâm nhập hay kháng nguyên, kích hoạt hệ miễn dịch để nhận biết kháng nguyên và loại bỏ chúng.

Các tế bào lympho B sẽ được cơ thể kích hoạt để tạo ra kháng thể hay globulin miễn dịch gắn với các kháng nguyên cụ thể. Những kháng thể này thường tồn tại trong cơ thể và ghi nhớ các đặc điểm của mầm bệnh. Trong lần xâm nhập tiếp theo, các tế bào đã ghi nhớ đặc điểm của mầm bệnh nên dễ dàng nhận diện và nhanh chóng sản xuất kháng thể giúp cơ thể tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh hoặc nếu bị sẽ nhẹ hơn. Đây cũng là lý do khi chúng ta mắc một số bệnh lý thì tỷ lệ bị lại sẽ rất thấp.

Miễn dịch chủ động: Khái niệm và cơ chế hình thành 3
Tiêm vắc xin là cách bổ sung miễn dịch chủ động cho cơ thể

Miễn dịch chủ động trong cơ thể đóng vai trò quan trọng mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe như:

  • Bảo vệ cơ thể khỏi các sự tấn công của mầm bệnh: Đây là lợi ích hàng đầu của miễn dịch chủ động. Hệ miễn dịch sẽ giúp cơ thể phòng ngừa bệnh tật và tạo ra kháng thể chống lại bệnh đó.
  • Tạo ra kháng thể lâu dài phòng ngừa tái nhiễm: Mầm bệnh có thể tấn công cơ thể bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nhờ có miễn dịch chủ động sau khi tiêm vắc xin hoặc đã từng tiếp xúc với mầm bệnh, cơ thể sẽ dễ dàng loại bỏ chúng.
  • Giảm biến chứng và tử vong do mắc bệnh: Nhờ có miễn dịch chủ động, cơ thể sẽ có lá chắn vững chắc không cho mầm bệnh xâm nhập. Trường hợp mắc bệnh, các triệu chứng cũng giảm nhẹ và nhanh hồi phục hơn.
  • Hình thành miễn dịch cộng đồng: Tăng cường miễn dịch chủ động không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần bảo vệ người xung quanh và cả cộng động. Càng nhiều người có miễn dịch chủ động thì tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng được nâng cao, giảm nguy cơ bùng dịch.

Trên đây là những thông tin chi tiết về hệ miễn dịch và miễn dịch chủ động. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về loại miễn dịch này. Từ đó, hiểu rõ vai trò và chủ động hơn trong việc tăng cường miễn dịch chủ động cho bản thân và gia đình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin