Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Hệ miễn dịch là gì? Vai trò của hệ miễn dịch

Ngày 26/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chúng ta thường nghe nói đến thuật ngữ hệ miễn dịch hoặc cải thiện hệ miễn dịch bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Vậy, bạn đã hiểu rõ hệ miễn dịch là gì chưa? Nếu chưa, hãy để bài viết ngày hôm nay giúp bạn giải đáp tất tần tật về vấn đề này nhé.

Cơ thể con người là một khối liên kết thống nhất, bao gồm nhiều cơ quan như hệ tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, xương khớp, miễn dịch … Mỗi cơ quan có vai trò, chức năng riêng biệt nhưng luôn liên kết, hỗ trợ nhau, tạo nên một cơ thể sống hoàn hảo, trong đó hệ miễn dịch được xem là lớp bảo vệ vững chắc, giúp chống lại các vi sinh vật gây bệnh cho cơ thể.

Hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là một hệ thống được tạo thành từ mạng lưới gồm các cơ quan, tế bào đặc biệt, mô, protein. Chúng phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể người trước những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm. Phản ứng miễn dịch chính là các bước mà hệ miễn dịch thực hiện để tấn công các tác nhân gây bệnh. Không chỉ vậy, hệ miễn dịch còn giúp chữa lành các vết thương do nhiễm trùng, hoặc chấn thương gây ra. Tế bào bạch cầu là một trong những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch, được tạo ra trong tủy xương và là một phần của hệ bạch huyết.

Hệ miễn dịch là gì? Vai trò của hệ miễn dịch 2
Hệ miễn dịch là gì? Là hệ thống giúp bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại sức khỏe

Phân loại hệ miễn dịch

Hệ thống miễn dịch bẩm sinh: Cơ thể mỗi người đã có sẵn hệ miễn dịch tự nhiên như da, giác mạc, hệ thống màng nhầy trong hệ hô hấp … Miễn dịch bẩm sinh được kích hoạt ngay khi ta chào đời.

Hệ thống miễn dịch thích ứng: Hệ thống miễn dịch thích ứng có khả năng ghi nhớ các tác nhân đã gây bệnh trước đó và sinh kháng thể ngăn chặn ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể.

Hệ miễn dịch bao gồm những thành phần nào?

Trong hệ miễn dịch chứa rất nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe của con người, cụ thể là:

  • Tế bào bạch cầu: có nhiệm vụ tấn công và tiêu diệt các vi trùng xâm nhập cơ thể.
  • Cytokine: một loại protein có vai trò như chất dẫn truyền thần kinh, dẫn dắt các hoạt động của tế bào miễn dịch.
  • Kháng thể: là loại protein có khả năng nhận biết các virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng và nhanh chóng tiêu diệt chúng.
  • Hệ thống bổ thể: gồm một nhóm protein phối hợp với các tế bào khác làm nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.
  • Các hạch bạch huyết: có chức năng lọc để giữ lại những thành phần dinh dưỡng và thải bỏ những cặn bã của các chất lỏng chảy ra từ mô và tế bào.
  • Lá lách: giữ trọng trách lưu trữ các tế bào bạch cầu, đồng thời lọc máu, tái chế các tế bào cũ, các tế bào bị hư hỏng để hình thành các tế bào mới.
  • Amidan và vòm họng: giúp ngăn chặn vi khuẩn và virus ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể.
  • Tuyến ức: giúp các tế bào T, một loại tế bào bạch cầu, trưởng thành trước khi chúng di chuyển nơi khác làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể.
  • Tủy xương: là nơi tạo thành các tế bào máu trong đó có bạch cầu.
  • Da: được xem như lớp rào chắn ngăn chặn vi trùng xâm nhập vào cơ thể.
  • Niêm mạc: là lớp màng lót các khoang và các cơ quan bên trong cơ thể. Chúng tiết ra chất nhầy chặn lại các tác nhân gây bệnh để cơ thể thải ra ngoài.
Hệ miễn dịch là gì? Vai trò của hệ miễn dịch 3
Tế bào bạch cầu trong hệ miễn dịch giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hại

Vai trò của hệ miễn dịch

Bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh

Hệ miễn dịch là gì mà quan trọng đến vậy? Hệ miễn dịch sẽ tạo hàng rào ngăn chặn virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng hoặc kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể. Nếu các tác nhân gây bệnh vượt được hàng rào, hệ miễn dịch lập tức sản sinh tế bào bạch cầu cùng các protein khác và các hóa chất tấn công, tiêu diệt những thành phần gây hại này. Đồng thời, hệ miễn dịch sẽ truy tìm và phá hủy các kháng nguyên lạ trước khi chúng bắt đầu phân chia. Nếu cả hai hoạt động trên không thành công, hệ miễn dịch sẽ tăng cường hơn nữa để không cho những tác nhân gây hại cơ thể phát triển.

Tạo kháng thể chống bệnh cũ tái phát

Hệ miễn dịch và sức đề kháng của con người sẽ được cải thiện theo từng giai đoạn sinh trưởng. Khi còn nhỏ, trẻ em thường mắc các bệnh thông thường như cảm sốt, sổ mũi, lúc đó hệ miễn dịch sẽ giúp tạo ra các kháng thể trong lần bệnh đầu tiên và hình thành khả năng chống lại các bệnh này trong tương lai. Chúng ta cũng có thể đưa những mầm bệnh đã được làm suy yếu vào cơ thể, tức chích vaccine, giúp cho hệ miễn dịch chiến thắng các mầm bệnh này, tự tạo ra kháng thể ngăn chặn bệnh tái phát. Cần lưu ý rằng, cùng với quá trình lão hóa của cơ thể, hệ miễn dịch cũng suy yếu dần, người già cũng dễ mắc bệnh hơn, thường gặp nhất là viêm khớp.

he-mien-dich-la-gi-vai-tro-cua-he-mien-dich 4.jpg
Hệ miễn dịch giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh hơn

Làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch?

Khi đã hiểu hệ miễn dịch là gì, bạn cũng nên tìm hiểu về những cách tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Bạn có thể tham khảo những phương pháp sau:

  • Cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý bằng cách đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường trái cây chứa nhiều vitamin E tự nhiên và các chất chống oxy hóa, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các chất đạm từ cá, thịt và thực vật.
  • Người trưởng thành cần ít nhất 150 phút/tuần để tập thể dục ở cường độ vừa phải. Nếu công việc buộc phải ngồi nhiều, ít vận động thì phải sắp xếp thời gian để tập luyện trong ngày, trong tuần.
  • Kiểm soát cân nặng, không để béo phì. Chính béo phì là yếu tố gây suy giảm hệ miễn dịch vì làm thay đổi số lượng lớn tế bào bạch cầu và các phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.
  • Giấc ngủ sâu có giá trị quan trọng đối với hệ miễn dịch, trong đó một số thành phần của hệ miễn dịch sẽ hoạt động tốt hơn, cụ thể là các Cytokine.
  • Vaccine có vai trò huấn luyện hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh. Do vậy, tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hữu hiệu, chủ động, ít tốn kém nhất để bảo vệ sức khỏe, tránh được nhiều bệnh tật.
  • Xây dựng đời sống tinh thần phong phú, lối làm việc khoa học nhằm giảm thiểu tình trạng căng thẳng. Bởi khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết các hormone như cortisol, adrenaline làm suy yếu hệ miễn dịch. Ngoài ra, nếu tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ dễ dẫn đến các bệnh thần kinh, tim mạch, tăng huyết áp.
  • Không sử dụng thuốc lá, hạn chế rượu bia. Lạm dụng rượu bia sẽ làm hạn chế năng lực hoạt động của bạch cầu, làm suy yếu hệ miễn dịch.
Hệ miễn dịch là gì? Vai trò của hệ miễn dịch 4
Tiêm vaccine là một trong những cách giúp bạn có hệ miễn dịch tốt nhất

Một số rối loạn thường gặp của hệ miễn dịch

Suy giảm miễn dịch nguyên phát là tình trạng hệ miễn dịch hoạt động không bình thường, gây ra những bệnh nhiễm trùng tái phát thường xuyên, dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm.

Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài, khiến nó tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh của chính nó. Bệnh tự miễn phổ biến là lupus và viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp thiếu niên, là một dạng bệnh tự miễn do hệ miễn dịch tự phá hủy các tế bào bên trong. Bệnh được xác định khi trẻ em bị mắc một hoặc một số triệu chứng viêm khớp kéo dài tối thiểu 6 tuần.

Dị ứng là tình trạng cơ thể phản ứng với một chất lạ, thường là vô hại. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của cơ thể lại phản ứng thái quá với chất này, dẫn đến các triệu chứng từ nhẹ đến nặng.

Bài viết trên đã làm rõ câu trả lời cho bạn về câu hỏi hệ miễn dịch là gì. Hy vọng những thông tin trong bài viết có thể giúp ích cho sức khỏe của bạn. Đừng quên tiếp tục đón đọc những bài viết khác về sức khỏe đến từ Nhà thuốc Long Châu để có thể cập nhật những kiến thức về sức khỏe mới nhất nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin