Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mổ ghép xương bao lâu thì lành?

Ngày 25/01/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ghép xương là phương pháp ứng dụng trong điều trị các vấn đề về xương và khớp. Vậy mổ ghép xương bao lâu thì lành?

Trước khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi mổ ghép xương bao lâu thì lành, đầu tiên, mời bạn cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu tổng quan về phương pháp này.

Kỹ thuật mổ ghép xương là gì?

Ghép xương thường được áp dụng trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Chấn thương hoặc những bất thường của hệ cơ xương khớp có thể gây tổn thương xương. Bác sĩ lúc này sẽ mổ lấy mô xương để điều trị làm liền xương ổ gãy xương có khớp giả (do ổ gãy xương không liền xương) hoặc khuyết xương.

Trong một số trường hợp, kỹ thuật này được sử dụng để hỗ trợ các thiết bị cấy ghép trong cơ thể hoặc nơi bị khuyết xương. Bác sĩ có thể sử dụng mô xương từ các phần khác trên cơ thể hoặc từ người hiến xương. Mảnh xương ghép có thể được dùng dưới dạng tự do hoặc có cuống mạch nuôi. Mảnh xương này được khâu nối với mạch máu nơi nhận bằng kỹ thuật vi phẫu.

Mổ ghép xương bao lâu thì lành?
Mổ ghép xương cũng là một kỹ thuật được sử dụng trong nha khoa

Có bao nhiêu loại xương được cấy ghép?

Trước khi tìm rõ câu trả lời cho việc mổ ghép xương bao lâu thì lành, chúng ta cần nắm vững có bao nhiêu cách cấy ghép xương. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương cũng như tình trạng của người bệnh. Bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra hướng phẫu thuật ghép xương phù hợp nhất. Hiện nay, có hai kiểu ghép xương thường gặp, bao gồm:

Mảnh ghép tự thân

Phương pháp này dùng mô xương khỏe mạnh trên cơ thể của người bệnh (xương chậu, xương sườn, xương mác, đầu dưới xương quay,...). Ưu điểm của cách ghép này như sau:

  • Hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
  • Không có khả năng lây truyền bệnh tật.
  • Các tế bào phát triển xương nằm trong mảnh ghép nên tăng khả năng hồi phục xương.

Mảnh ghép đồng loại

Kỹ thuật này dùng mô xương lấy từ người hiến tặng với những ưu điểm sau:

  • Không lấy mô từ xương khác trên cơ thể người bệnh.
  • Nguy cơ lây lan bệnh thấp vì mô xương đã được tiệt trùng.
  • Tỷ lệ đào thải thấp do xương đồng loại không có tế bào sống nên hạn chế sự đào thải.
  • Không cần sự tương thích nhóm máu giữa người cho và nhận vì không chứa tủy sống.

Khi nào bệnh nhân được chỉ định cấy ghép xương?

Hệ thống xương và khớp giúp định hình cấu trúc cơ thể, mang đến sự ổn định và hỗ trợ vận động. Vì vậy, khi gặp tổn thương xương, người bệnh cần tiến hành điều trị ngay. Mổ ghép xương thường được chỉ định trong các trường hợp:

  • Tình trạng gãy xương phức tạp, nhiều và những vết gãy không có khả năng lành hoàn toàn sau đợt đầu tiên điều trị. Bệnh nhân cần đến phẫu thuật xương mới có thể phục hồi.
  • Bác sĩ tiến hành tái tạo xương hoặc thay thế xương bị mất do nhiễm trùng, bệnh tật, chấn thương.
  • Bác sĩ tiến hành nối hai xương giúp chữa lành khớp giả (được tạo ra do ổ gãy không liền xương).
  • Cần chữa lành xương quanh vùng phẫu thuật để cấy thiết bị thay đĩa, thay khớp hoặc ốc vít.
Mổ ghép xương bao lâu thì lành?
Mổ ghép xương đòi hỏi tay nghề bác sĩ cao

Mổ ghép xương bao lâu thì lành?

Sau khi phẫu thuật, theo thời gian, mảnh ghép sẽ phát triển và kết hợp với các mô xương gần đó. Quá trình bình phục của bệnh nhân tùy thuộc vào kích thước, vị trí của mảnh ghép cũng như kiểu ghép xương. Ngoài ra, có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của mỗi người gồm: Tình trạng sức khỏe tổng thể, tuổi tác. Trung bình, người bệnh sẽ cần từ vài tuần đến một năm để hồi phục hoàn toàn.

Để thúc đẩy quá trình hồi phục, người bệnh nên sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh các hoạt động mạnh. Bên cạnh đó, nếu bạn có thói quen hút thuốc lá cần bỏ ngay lập tức vì thuốc lá làm tăng nguy cơ tổn thương phần xương ghép và làm chậm quá trình tái tạo xương. Ngoài ra, bạn nên nhờ người thân chăm sóc cho mình sau mổ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và điều dưỡng.

Chế độ dinh dưỡng cho người sau mổ ghép xương

Việc mổ ghép xương bao lâu thì lành không những phụ thuộc vào việc chăm sóc vết mổ, chú ý sinh hoạt mà còn liên quan đến chế độ ăn uống hậu phẫu thuật. Điều này đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi. Bệnh nhân nên bổ sung những thực phẩm như:

Thực phẩm giàu canxi

Canxi là khoáng chất rất tốt cho xương khớp. Để giúp xương nhanh lành, bạn nên bổ sung lượng lớn canxi thông qua các thực phẩm như: Cá hồi, cá mòi, sữa tươi, phô mai, sữa chua, bắp cải, hạt vừng,...

Thực phẩm giàu magie

Magie là một chất có vai trò quan trọng và tham gia vào quá trình hình thành và cấu tạo xương. Bổ sung các thực phẩm giàu magie cũng giúp thúc đẩy sự phục hồi vùng xương gãy. Một số loại thực phẩm chứa nhiều magie gồm: Cá thu, cá trích, cá chép, tôm, ngũ cốc, sữa, hạnh nhân, rau xanh,...

Mổ ghép xương bao lâu thì lành?
Một số thực phẩm giàu Magie

Thực phẩm giàu photpho

Photpho cũng là khoáng chất giúp xương nhanh lành nhưng người bệnh cần chia đều ăn mỗi ngày và đồng thời tránh ăn một loại thực phẩm với lượng quá nhiều. Những thức ăn chứa nhiều photpho như lòng đỏ trứng gà, pho mát, gan bò, yến mạch, hạt óc chó,... cần được bổ sung khoa học.

Thực phẩm giàu kẽm

Kẽm là một trong những chất có công dụng thúc đẩy sự hoạt động mạnh mẽ của vitamin D, từ đó tăng cường hấp thụ canxi. Kẽm giúp thúc đẩy quá trình tái tạo và phục hồi xương khớp, hạn chế loãng xương. Kẽm được tìm thấy nhiều nhất trong thịt bò, thịt gà, tôm, tỏi, nấm, cải xoăn, rau chân vịt, súp lơ xanh,...

Thực phẩm giàu vitamin

Bổ sung vitamin giúp tăng đề kháng, duy trì sức khỏe tốt. Từ đó, những tổn thương ở xương sẽ nhanh chóng được phục hồi hơn. Trong các loại vitamin dành cho người mổ xương thì vitamin B12 và B6 là cần thiết nhất. Các vitamin này có nhiều trong: Thịt gia cầm, chuối, ngũ cốc, thịt bò nạc, trứng...

Mổ ghép xương bao lâu thì lành? Hy vọng bạn đã có lời giải đáp cho câu hỏi này. Mổ ghép xương tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra biến chứng dù với tỷ lệ thấp. Vì vậy, bạn nên lựa chọn những cơ sở uy tín và trao đổi kỹ càng với bác sĩ trước khi thực hiện phẫu thuật.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm