Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là gì? 

Ngày 02/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là một phương pháp được áp dụng để điều trị các vấn đề về tổn thương của hệ thống xương khớp và các mô liên kết. Với dân số có tỷ lệ người lớn tuổi khá cao, các vụ tai nạn lao động xảy ra thường xuyên như Việt Nam thì việc tìm ra phương pháp phẫu thuật tiên tiến có ý nghĩa rất lớn giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe, giảm tải áp lực, gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Vậy phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là gì? Quá trình chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật và những rủi ro trong phẫu thuật là nội dung mà bài viết này muốn truyền tải tới bạn đọc. Mời các bạn đón đọc chi tiết bên dưới.

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là gì?

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là phẫu thuật áp dụng cho các bệnh lý, tổn thương về xương khớp. Quá trình vận động làm việc hằng ngày dễ xảy ra các chấn thương do tai nạn bất cẩn hoặc các chấn thương trong lúc hoạt động thể thao. Khi đó, phẫu thuật sẽ là lựa chọn tối ưu nếu không có phương pháp điều trị nào khác. Những trường hợp phải can thiệp bằng phẫu thuật như:

  • Chấn thương mô mềm: Đứt dây chằng, đứt gân, dập cơ…
  • Chấn thương xương: Gãy xương, nứt xương…
  • Các bệnh lý về xương khớp: Viêm khớp nhiễm khuẩn, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, rối loạn xương khớp bẩm sinh, các khối u xương khớp…

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đã được áp dụng từ rất lâu và đến ngày nay thì càng phát triển vượt bậc hơn so với trước. Các quy trình được diễn ra rất nghiêm ngặt và kỹ lưỡng về tất cả mọi mặt, thực hiện đúng những yêu cầu mà y khoa đã đề ra nhằm đảm bảo diễn ra suôn sẻ, tổn thương được phục hồi nhanh chóng, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không xảy ra biến chứng.

Các cuộc phẫu thuật luôn có sự giám sát, điều hành của những bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm và kiến thức cao, đội ngũ y tá nhanh nhẹn, có tâm với nghề.

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là gì?  1

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là phương pháp được áp dụng cho tổn thương về cơ xương khớp

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cần chuẩn bị những gì?

Phòng phẫu thuật

  • Phòng phẫu thuật chấn thương chỉnh hình phải đảm bảo vô trùng để ngăn ngừa nhiễm trùng từ vật dụng và môi trường bên ngoài.
  • Đảm bảo trang bị hệ thống chiếu sáng đúng chuẩn, nhiệt độ và cấp thoát nước cũng là vấn đề cần lưu ý nhằm hỗ trợ tốt nhất cho quá trình phẫu thuật.
  • Trang bị đầy đủ máy móc cho cuộc phẫu thuật như: Máy gây mê, máy theo dõi sự sống, đo điện tim…
  • Bàn mổ phải đảm bảo sạch sẽ, vô trùng.
  • Có bàn đựng hóa chất, dụng cụ y tế…

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là gì?  2

Phòng phẫu thuật cần đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định trong y khoa

Bác sĩ phẫu thuật

  • Bác sĩ mổ chính: Đây là người đảm nhiệm và chịu trách nhiệm chính cho cuộc phẫu thuật.
  • Phụ mổ: Nhân viên y tế hỗ trợ bác sĩ mổ chính các khâu liên quan như: Đưa các dụng cụ mổ, cắt, bông, thuốc, cầm máu…
  • Nhân viên gây tê…

Dụng cụ y tế, hóa chất

  • Dụng cụ mổ: Tất cả các dụng cụ y tế dùng trong cuộc phẫu thuật phải được sát trùng và sắp xếp gọn gàng, đúng vị trí đã định sẵn trên khay để thuận tiện và nhanh chóng. Các dụng cụ mổ như: Dao, kéo, đục xương, cưa, kim, chỉ, bông gòn, gạc y tế…
  • Thuốc và hóa chất: Cũng như dụng cụ y tế thì hóa chất, thuốc cũng cần chuẩn bị sẵn sàng trên bàn mổ như thuốc gây tê, gây mê, thuốc kháng sinh, thuốc cấp cứu, cầm máu, các dung dịch sát trùng…

Các rủi ro trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình

Bất kỳ phương pháp điều trị hay phẫu thuật nào cũng có một vài rủi ro cho dù đã được các bác sĩ và nhân viên y tế kiểm soát, phòng ngừa dự đoán trước để đảm bảo quá trình phẫu thuật được suôn sẻ, tuy nhiên biến chứng thì khó lường trước được. Những biến chứng hay gặp trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình như:

  • Ảnh hưởng do thuốc gây mê: Tùy từng loại phẫu thuật mà các bác sĩ sẽ lựa chọn cách thức gây mê khác nhau. Điển hình là gây mê toàn thân thường có biến chứng cao hơn so với gây tê một phần hoặc cục bộ. Khi đó, bệnh nhân sẽ bị các triệu chứng như buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, nghiêm trọng hơn có thể gặp các vấn đề hô hấp, rối loạn khả năng nhận thức…
  • Nhiễm trùng: Đây là vấn đề luôn được các bác sĩ quan tâm nhất trong phẫu thuật, tất cả các cuộc phẫu thuật lớn nhỏ đều được bác sĩ lường trước để kiểm soát và hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm trùng.
  • Xuất hiện cục máu đông: Sau cuộc phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, tại tĩnh mạch sẽ xuất hiện các cục máu đông có tên gọi là huyết khối tĩnh mạch. Cục máu đông này sẽ di chuyển đến phổi gây ra tình trạng thuyên tắc phổi. Do đó, các bác sĩ luôn khuyên bạn phải vận động nhẹ nhàng sau phẫu thuật để tránh đông máu, hoặc cũng trường hợp bác sĩ sẽ sử dụng thuốc chống đông máu với những bệnh nhân khó khăn trong vận động.

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là gì? 3

Thuyên tắc phổi do cục máu đông gây ra là một trong những rủi ro hay gặp trong phẫu thuật

Quá trình phục hồi của bệnh nhân sau phẫu thuật

Tùy thể trạng, sức khỏe mà mỗi bệnh nhân sẽ có quá trình hồi phục khác nhau, sự hồi phục này bị tác động lớn bởi các yếu tố như: Sức khỏe, tuổi tác, hình thức phẫu thuật, khả năng chấp hành các khuyến cáo của bác sĩ… Đa phần các bệnh nhân sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cần phải tiếp tục thực hiện một số phương pháp điều trị nữa mới phục hồi hoàn toàn được khả năng vận động.

Cảm giác đau đớn là một trong những triệu chứng mà bệnh nhân sau phẫu thuật nào cũng gặp phải và đáng mừng là hiện nay các bác sĩ đã có nhiều phương pháp hỗ trợ giúp người bệnh hạn chế đau đớn này. Thuốc giảm đau thường được các bác sĩ lựa chọn để ngăn ngừa các cơn đau sau phẫu thuật gây ra, trừ nhóm thuốc narcotic vì thường gây nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình ngày càng phát triển và được áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến giúp cho người bệnh nhanh chóng hồi phục tổn thương, cải thiện sức khỏe. Hy vọng qua bài viết các bạn đã có cái nhìn tổng quát về vấn đề này. Chúc các bạn vui, khỏe.

Hoàng Trang 

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm