Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà ba mẹ không nên bỏ qua

Ngày 15/07/2024
Kích thước chữ

Các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ giữ vai trò rất quan trọng vì nếu ba mẹ bỏ qua giai đoạn vàng này, trẻ rất khó phát triển ngôn ngữ tối ưu và phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, tinh thần. Đây cũng là giai đoạn duy nhất để trẻ phát triển khả năng giao tiếp, có thể học nhiều ngôn ngữ cùng lúc.

Ngôn ngữ giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức, tư duy và các quá trình tâm lý khác của trẻ. Giai đoạn đầu đời có tính chất quyết định trong quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Hãy tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây để giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ là gì?

Thời kỳ "mẫn cảm” để trẻ phát triển các yếu tố nhạy cảm về trí tuệ ngôn ngữ là 6 năm đầu đời. Sự thẩm thấu ngôn ngữ của trẻ nhỏ được đặc trưng bởi các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn khoảng từ 0 đến 6 tuổi.

Giai đoạn ở trong bụng mẹ

Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ bắt đầu nhận thức ngôn ngữ khi bộ não của trẻ được kích hoạt ngay từ những ngày cuối thai kỳ. Trong giai đoạn này, nhất là vào tuần tuổi 24 - 27, thai nhi tiếp xúc và trở nên quen với nhiều loại âm thanh khác nhau. Âm thanh ban đầu là nhịp tim đập, tiếng bản thân chuyển động, tiếng nhạc, giọng nói của ba mẹ,… đến các âm thanh phức tạp như tiếng động từ hoạt động của mọi người xung quanh. Khi được sinh ra, trẻ có thể nhận biết một vài âm thanh mà chúng đã nghe khi còn nằm trong bụng mẹ.

Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà ba mẹ không nên bỏ qua 1
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ bắt đầu nhận thức ngôn ngữ

Mốc 0 đến 3 tháng tuổi

Khi mới sinh ra, trẻ đã có thể phát ra những âm thanh nhỏ dù năng lực thính giác chưa rõ ràng.

Đến tháng thứ hai, trẻ có thể phát ra những tiếng ọ ẹ hay kêu khe khẽ thích thú. Trẻ chú ý đến những âm thanh quen thuộc, biết lắng nghe tiếng trò chuyện quanh mình và biết giật mình phản ứng lại các âm thanh to và lạ. Trẻ có thể cười ra tiếng khi tiếp xúc với ba mẹ và người thân.

Sang tháng thứ tư, trẻ đã có thể phát ra nhiều âm ê a khác nhau. Trẻ bắt đầu biết chú ý, quan sát hình dáng miệng của người lớn.

Ở tháng thứ năm, trẻ tự nói ra được một số âm, chủ yếu là nguyên âm.

Sang tháng thứ sáu, khi người lớn gọi, trẻ biết hướng về phía người gọi tên mình, có thể phát ra những âm tiết đầu tiên và và lặp đi lặp lại.

Mốc 6 đến 12 tháng tuổi

Ở mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, năng lực nghe và phát âm của trẻ có sự tiến bộ rõ rệt. Từ những tiếng bập bẹ như ba ba, ma ma, da da,… trẻ bắt đầu phát triển rõ rệt về mặt ngôn ngữ.

Trẻ có thể hiểu nhiều từ, trong đó trẻ dễ phản ứng với những từ như ba, mẹ, bà, ông, hôn, tạm biệt, bế, đi chơi, về, bú, ti, há miệng,… Đồng thời, trẻ cũng đã hiểu và có phản ứng rõ ràng với những lời nói âu yếm, cưng nựng, đùa giỡn, những tiếng quát mắng, cáu giận hay lời nói “không” của ba mẹ.

Cuối giai đoạn 6 - 12 tháng tuổi, trẻ có thể bập bẹ những âm thanh đầu tiên như từ ba, mạ (mẹ), bà, nhăm, măm,… Trẻ cũng biết kết hợp giữa ngôn ngữ và cử chỉ của mình để thực hiện các yêu cầu đơn giản.

Mốc 12 đến 18 tháng tuổi

Khi tròn một tuổi, đa số trẻ có thể nói ra những từ đầu tiên của ngôn ngữ mẹ đẻ. Bắt đầu từ giai đoạn này, trẻ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp.

Đến 18 tháng tuổi, trẻ đã nhận ra tên gọi riêng của mỗi sự vật, hiện tượng, hành động. Trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển ngôn ngữ ở thời kỳ tiếp theo. 

Ở cuối giai đoạn này, trẻ đáp trả những câu trả lời thường xuyên và ổn định hơn khi được hỏi "ở đâu", "cái gì", do trẻ đã biết gọi tên một số vật quen thuộc và biết sử dụng ngón trỏ kèm theo lời nói.

Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà ba mẹ không nên bỏ qua 2
Từ 12 - 18 tháng tuổi là một trong những mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà ba mẹ cần lưu ý

Mốc 18 đến 24 tháng tuổi

Trẻ đã nhận biết và sử dụng tên gọi của các bộ phận cơ thể, đồ vật quen thuộc trong nhà, người quen. Trẻ biết lắng nghe những câu ngắn, tập trung quan sát người lớn nói, có thể lặp lại những từ nghe lỏm được. Trẻ có thể nghe và làm theo các chỉ dẫn, hiệu lệnh đơn giản. Cuối giai đoạn, trẻ có thể tự hỏi những câu như "cái gì?", "đi đâu?",…

Mốc 24 đến 36 tháng tuổi

Sang tuổi thứ hai, trẻ học từ mới rất nhanh và cải thiện đáng kể năng lực sử dụng từ ngữ.

Trẻ học cách gọi tên sự vật, hiện tượng và cả những từ chỉ quan hệ ngữ pháp như cái, của, rồi, chưa, à,… Trẻ thường xuyên nói chuyện với đồ vật,nói chuyện một mình, quan sát và bắt chước lời nói, hành vi của người lớn.

Đến ba tuổi, trẻ có thể nói dài từ 5 - 6 âm tiết đến 9 - 10 âm tiết. Trẻ thể hiện mong muốn của mình trực tiếp bằng các hành động ngôn ngữ như "Con muốn uống nước", "đi tè",… Trẻ có thể hiểu và làm theo một số mệnh lệnh đơn giản như "đóng cửa", "đi ra ngoài", "bê ghế", "ngồi vào bàn",…

Mốc 3 - 6 tuổi

Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 3 - 6 tuổi là giai đoạn phát triển vượt bậc về chất và lượng trong ngôn ngữ trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ tự khắc phục, loại bỏ dần các lỗi cơ bản về cách phát âm, cách sử dụng từ ngữ, ngữ pháp,... Trẻ dễ dàng nói được một câu gồm 5 - 6 từ. 

Đến năm tuổi, trẻ có thể học rất nhiều từ và nói một cách rõ ràng. Nếu trẻ nói ngọng, người lớn cũng có thể hiểu đến 75% nội dung.

Trẻ gần như hiểu hết những gì nghe được. Ở thời điểm này, trẻ đã khá thành thục ngôn ngữ mẹ đẻ, có thể bắt chước chính xác lời nói của người lớn, phát âm chính xác các chữ cái hay các âm riêng rẽ.

Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà ba mẹ không nên bỏ qua 3
Từ 3 - 6 tuổi là giai đoạn phát triển vượt bậc về chất và lượng trong ngôn ngữ trẻ

5 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ

Ba mẹ nên lưu ý 5 yếu tố quan trọng sau đây ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ để kịp thời hỗ trợ con.

Sức khỏe và thể chất

Thính giác của trẻ gặp vấn đề sẽ làm giảm khả năng phát hiện tín hiệu âm thanh, ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ, cản trở trẻ phát triển giao tiếp và ngôn ngữ. Ngoài ra, các cơ trên mặt và dây thanh âm cần được phát triển đầy đủ thì trẻ mới phát âm tốt. Trẻ không khỏe sẽ không nhiệt tình giao tiếp bằng ngôn ngữ, thay vào đó là giao tiếp phi ngôn ngữ.

Khả năng nhận thức

Khả năng nhận thức giúp trẻ hiểu ngôn ngữ sớm, làm giàu nhanh vốn từ vựng và biết sử dụng những câu có cấu trúc ngữ pháp phức tạp. Tuy nhiên, kỹ năng phát triển ngôn ngữ chậm có thể do nhiều yếu tố tác động, không nhất thiết là do nhận thức.

Khả năng đọc và viết

Khi ba mẹ dạy trẻ tập đọc, bộ nhớ sẽ tiếp nhận thông tin về các từ, chữ và lưu giữ lại. Trẻ siêng đọc sẽ tránh quên chữ, khiến trẻ ưa thích rèn luyện viết chữ hơn. 

Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà ba mẹ không nên bỏ qua 4
Trẻ siêng đọc sẽ tránh quên chữ, khiến trẻ ưa thích rèn luyện viết chữ hơn

Môi trường sống

Môi trường gia đình tác động trực tiếp đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Ba mẹ biểu đạt tốt thì khả năng nói của con cũng được thừa hưởng. Ba mẹ và con cái thường giao tiếp với nhau sẽ kích thích trẻ phát triển ngôn ngữ tốt.

Môi trường giáo dục

Một môi trường giáo dục tiến bộ với phương pháp giảng dạy phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ sẽ có ích cho trẻ, từ đó mang đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ ngày càng cao.

Các hoạt động giúp con phát triển ngôn ngữ tốt

Dựa vào các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ vừa kể trên, ba mẹ hãy thực hiện các phương pháp hỗ trợ hiệu quả cho trẻ. Có thể tham khảo các phương pháp sau:

Đọc sách cho trẻ nghe

Ba mẹ nên đọc sách và kể chuyện cho trẻ để giúp trẻ nhận biết được ngôn ngữ, học về từ vựng và ngữ pháp, hình thành cách tư duy theo mạch truyện. Tuy nhiên ba mẹ cần chọn loại sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 0 - 6 tuổi. 

Mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà ba mẹ không nên bỏ qua 5
Ba mẹ cần chọn loại sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 0 - 6 tuổi

Trò chuyện và dạy trẻ tập nói

Trò chuyện với con thường xuyên về trường lớp, thầy cô, bạn bè, phong cảnh,… Hãy đọc cho con nghe nhiều câu chuyện thiếu nhi để rèn kỹ năng nói, diễn đạt và kỹ năng nghe của trẻ. Hãy đặt những câu hỏi và khuyến khích trẻ tự đặt câu hỏi và trả lời.

Tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp

Thường xuyên đưa trẻ đến những nơi có nhiều trẻ em để trẻ có thể tiếp xúc với những trẻ khác, khiến trẻ hứng thú giao tiếp. Tham gia các trò chơi vận động cũng giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả.

Nhìn chung, ba mẹ cần lưu ý các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ và có kế hoạch hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ phù hợp cho từng giai đoạn. Bỏ qua thời gian vàng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng giao tiếp của con sau này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin