Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ

Ngày 14/04/2024
Kích thước chữ

Giao tiếp phi ngôn ngữ có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau như nét mặt, hình thể, cử chỉ, tư thế. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu bổ sung thêm nhiều điều thú vị về giao tiếp phi ngôn ngữ qua bài viết dưới đây.

Nét mặt, cử chỉ, tư thế và giọng nói là những công cụ giao tiếp phi ngôn ngữ mạnh mẽ. Mặc dù ngôn ngữ rất quan trọng trong việc truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc nhưng đó không phải là cách duy nhất để giao tiếp. Đó là lúc giao tiếp phi ngôn ngữ xuất hiện, mang đến nhiều tín hiệu từ nét mặt đến cử chỉ tay để gửi đi những thông điệp quan trọng, giúp người khác hiểu được ý người nói.

Giao tiếp phi ngôn ngữ là gì?

Giao tiếp phi ngôn ngữ được định nghĩa là hình thức giao tiếp mà không cần nói hay viết. Theo nghiên cứu trong Bách khoa toàn thư quốc tế về khoa học xã hội và hành vi, chúng ta giao tiếp không lời để truyền đạt thông tin về cảm xúc, ý định, thái độ, nhu cầu,...

Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ 2
Giao tiếp phi ngôn ngữ là cách truyền đạt ý bằng các hành động từ ánh mắt, cử chỉ, nét mặt,...

Giao tiếp phi ngôn ngữ cũng được hiểu là sự truyền tải thông tin từ người này sang người khác mà không dùng ngôn ngữ nói. Cho dù bạn có nhận thức được điều đó hay không thì khi tương tác với người khác, bạn vẫn liên tục đưa ra và nhận những tín hiệu không lời. Tất cả hành vi phi ngôn ngữ của bạn bao gồm: Cử chỉ, tư thế, giọng nói, ánh mắt,... đều gửi đi những thông điệp mạnh mẽ.

Giao tiếp phi ngôn ngữ có thể khiến mọi người cảm thấy thoải mái, xây dựng lòng tin và thu hút người khác. Đôi khi các tín hiệu từ giao tiếp phi ngôn ngữ có thể xúc phạm, gây nhầm lẫn và hạn chế những nội dung cần truyền tải. Tuy nhiên tín hiệu từ giao tiếp phi ngôn ngữ có thể không dừng lại khi ngừng nói.

Nếu bạn nói một điều nhưng ngôn ngữ cơ thể lại thể hiện điều khác thì người nghe có thể sẽ cảm thấy rằng bạn không trung thực. Ví dụ như khi nói “có” trong khi hành động lại  “lắc đầu”. Như vậy đối mặt với những tín hiệu lẫn lộn, người nghe phải lựa chọn nên tin vào thông điệp bằng lời nói hay phi ngôn ngữ. Bởi vì ngôn ngữ cơ thể là ngôn ngữ tự nhiên, vô thức giúp truyền tải cảm xúc và ý định thực sự nên họ có thể sẽ chọn thông điệp phi ngôn ngữ.

Trong thực tế, giao tiếp phi ngôn ngữ vượt xa cái gật đầu, bắt tay,... Một số nhà tâm lý học phân loại các tín hiệu phi ngôn ngữ theo phương thức cảm giác thì nhận thấy rằng các tín hiệu chủ yếu là thính giác, thị giác, xúc giác và khứu giác. Nếu bạn muốn trở thành một người giao tiếp tốt hơn, quan trọng là bạn phải trở nên nhạy cảm hơn không chỉ với ngôn ngữ cơ thể và tín hiệu phi ngôn ngữ của người khác mà còn với chính bản thân bạn.

Vai trò của giao tiếp phi ngôn ngữ

Giao tiếp phi ngôn ngữ là cách giao tiếp, truyền đạt thông tin không cần dùng đến lời nói. Vai trò của giao tiếp phi ngôn ngữ trong đời sống bao gồm:

  • Sự lặp lại: Sự lặp đi lặp lại các hành động trong giao tiếp là cách để củng cố thông điệp đang truyền đạt bằng lời nói.
  • Mâu thuẫn: Hành động có thể ngược lại với lời nói. Do đó sự giao tiếp phi ngôn ngữ này đang thực sự thể hiện ý nghĩa thông điệp qua hành động.
  • Thay thế: Thay thế cho một thông điệp lời nói. Ví dụ như nét mặt thường truyền tải một thông điệp sống động hơn nhiều so với lời nói.
  • Bổ sung: Có thể bổ sung cho thông điệp bằng lời nói của bạn. Ví dụ như bạn có thể nắm nhẹ tay người nói khi đang chia sẻ câu chuyện buồn với hàm ý là đồng cảm, an ủi.
  • Nhấn mạnh: Hành động có vai trò nhân mạnh thông điệp lời nói. Một người tức giận trong cuộc họp có thể đập bàn làm tăng tính nhấn mạnh cho thông điệp lời nói của họ.
Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ 3
Các hành vi phi ngôn ngữ đều có hiệu quả truyền tải thông tin mạnh mẽ

Các kiểu giao tiếp phi ngôn ngữ

Nhiều loại giao tiếp phi ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ cơ thể khác nhau bao gồm:

Biểu cảm trên khuôn mặt

Khuôn mặt con người cực kỳ biểu cảm, có thể truyền tải rất nhiều cảm xúc mà không cần nói một lời. Không giống như một số hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ, biểu cảm trên nét mặt rất phổ biến. Những biểu hiện trên khuôn mặt khi vui, buồn, giận dữ, ngạc nhiên, sợ hãi và ghê tởm đều giống nhau cho dù quốc gia nào hay sắc tộc nào. Thực tế chúng ta có xu hướng tin vào nét mặt của ai đó hơn là lời nói của họ.

Chuyển động và tư thế của cơ thể

Thông thường chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng nụ cười của một người khi họ cười hoặc tạo dáng chụp ảnh. Tuy nhiên có rất nhiều biểu cảm mà không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhận ra một cách có ý thức. Nghiêng đầu, hất tóc, bắt chéo chân, dậm chân và nháy mắt đều được coi là tín hiệu chuyển động của cơ thể.

Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ 4
Nhìn vào cách bạn đang thể hiện có thể đoán được tâm ý của bạn cũng như cảm xúc của bạn

Cử chỉ

Cử chỉ bao gồm tất cả các hành động thể hiện khi đang giao tiếp. Các hành động đó có thể là vẫy tay, chỉ tay, ra hiệu, dùng tay khi tranh luận hoặc nói chuyện sôi nổi. Thông thường các cử chỉ này là cách thể hiện bản thân mà không cần suy nghĩ.

Tuy nhiên, các nền văn hóa khác nhau sẽ có ý nghĩa các cử chỉ khác nhau. Ví dụ như bạn dùng ký hiệu “OK” bằng tay ở các quốc gia nói tiếng Anh thì sẽ có ý nghĩa tích cực. Nhưng ở các quốc gia như Đức, Brazil, Nga thì ký hiệu đó bị coi là sự xúc phạm. Do đó nên thận trọng tìm hiểu các đặc trưng văn hóa khi sử dụng cử chỉ trong giao tiếp.

Giao tiếp bằng mắt

Qua ánh mắt người ta thường truyền đạt được rất nhiều điều. Trong đó có thể là sự quan tâm, sự thù hận, sự thu hút. Ánh mắt cũng dễ dàng thể hiện được cảm xúc vui, buồn, giận dữ,... Do đó giao tiếp bằng mắt là một loại giao tiếp phi ngôn ngữ đặc biệt. Giao tiếp bằng mắt cũng rất quan trọng trong việc đánh giá sự quan tâm cũng như phản hồi của người khác trong cuộc trò chuyện.

Chạm

Những cái chạm trong giao tiếp phi ngôn ngữ bao gồm: Bắt tay, ôm, vỗ vai, nắm tay,... Tất cả những cái chạm này là có ý thức để tiến triển mạch câu chuyện. Đồng thời thể hiện cảm xúc của người nói, người nghe trong giao tiếp. Những điều này có thể là sự thể hiện của quan tâm, của niềm vui, của hạnh phúc,...

Tiếng nói

Tiếng nói không chỉ là những gì bạn nói, mà còn là cách bạn nói. Những điều này bao gồm âm lượng, âm sắc, giọng điệu, tốc độ. Cảm xúc của bạn thể hiện qua cách nói và cả cách chuyển giọng của bạn. Giọng điệu của một người sẽ khác nhau ở những cung bậc cảm xúc khác nhau: Khi tức giận, khi tình cảm, khi mỉa mai, khi tự tin,...

Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ 5
Cái nắm tay trong giao tiếp có thể thể hiện sự động viên, an ủi, đồng cảm

Như vậy bài viết trên đã thông tin cho bạn những điều thú vị về kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ. Thể hiện hành động, cử chỉ, nét mặt,... cùng với lời nói sẽ làm tăng sức mạnh trong giao tiếp. Quan trọng là chúng ta cần thực hành và biết kiểm soát các hành động phi ngôn ngữ. Hi vọng bạn có thể tin vào khả năng của bản thân và luôn chủ động các cuộc giao tiếp.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin