Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Những yếu tố giáo dục toàn diện cho trẻ cần chú trọng

Ngày 15/07/2024
Kích thước chữ

Phát triển toàn diện cho trẻ mầm non là mục tiêu giáo dục cần được hướng đến. Sự phát triển toàn diện được thể hiện trên nhiều khía cạnh bao gồm tri thức, đạo đức, tinh thần, thể chất và xã hội. Vậy thế nào là giáo dục toàn diện cho trẻ và vai trò của phương pháp này như thế nào?

Phương pháp giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện có tầm quan trọng rất lớn vào sự thành công của trẻ sau này, vì thế đang là vấn đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Đây là phương pháp xây dựng nền tảng vững chắc giúp trẻ phát triển về cả tri thức, thể chất, nhận thức, tinh thần, cảm xúc, từ đó trở thành người biết cách cư xử đúng mực, tự tin và có tính tự lập cao.

Giáo dục toàn diện cho trẻ là gì?

Phát triển toàn diện hay giáo dục toàn diện là gì? Theo nội dung của điều 4 của bộ Luật trẻ em (năm 2016), phát triển toàn diện cho trẻ em là phát triển đồng thời cả về trí tuệ, thể chất, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ. Dựa theo điều luật này, nhà trường và phụ huynh sẽ có những phương pháp hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ trên mọi phương diện. Thêm vào đó, sự phát triển này cũng giúp hình thành nên thói quen tư duy, lối sống, kỹ năng của trẻ.

Vai trò của giáo dục toàn diện cho trẻ em

Giáo dục toàn diện là phương pháp mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho trẻ gồm:

  • Giúp trẻ khỏe mạnh, tự tin trong giao tiếp và luôn sẵn sàng học hỏi điều mới.
  • Phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ.
  • Giảm tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ.
  • Giúp trẻ có nền tảng kiến thức bền vững, cải thiện đáng kể thành tích học tập của trẻ.
Những yếu tố giáo dục toàn diện cho trẻ cần chú trọng 1
Giáo dục toàn diện giúp trẻ khỏe mạnh, tự tin trong giao tiếp và luôn sẵn sàng học hỏi điều mới

6 yếu tố giáo dục toàn diện cho trẻ cần chú trọng

Để giáo dục toàn diện cho trẻ, nhà trường và phụ huynh cần chú trọng 6 yếu tố sau đây:

Cảm xúc

Ba mẹ, thầy cô nên hướng dẫn trẻ thể hiện được những cảm xúc cơ bản nhất của trẻ như vui mừng, lo lắng, thích thú, tức giận, sợ hãi, chán ghét,… Qua đó, trẻ sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc của bản thân tốt hơn, đồng thời, hiểu rõ bản thân hơn như một cá thể độc lập với suy nghĩ và mong muốn riêng.

Trí tuệ

Có thể cho trẻ chơi các trò chơi liên quan đến toán học để kích thích tư duy sáng tạo và trí tuệ của trẻ như đếm số thứ tự, đo lường, đếm số lượng, so sánh, phân loại các đồ vật theo hình dạng,… giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh và phát triển tư duy logic.

Tinh thần

Tinh thần được xem là yếu tố quan trọng trong quá trình giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ. Sự chia sẻ giữa người lớn và con trẻ chính là cầu nối mang lại sự hạnh phúc và nhiều ý nghĩ tích cực trong quá trình hình thành nhân cách cho trẻ. Nếu tinh thần của trẻ thoải mái thì sẽ mang đến nhiều niềm hứng khởi trong quá trình tiếp thu tri thức và khả năng sáng tạo trong tương lai.

Những yếu tố giáo dục toàn diện cho trẻ cần chú trọng 2
Tinh thần được xem là yếu tố quan trọng trong quá trình giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ

Kỹ năng xã hội

Trẻ có thể xây dựng các kỹ năng xã hội bằng cách kết nối với mọi người xung quanh. Khi tương tác với xã hội, trẻ có phản hồi cảm xúc với người đối diện, tương tác với bạn bè, phân biệt được những điều đúng - sai, những điều nên và không nên làm. Đặc biệt, ba mẹ nên cho trẻ luyện tập tương tác với mọi người xung quanh thường xuyên như chia sẻ bữa ăn với bạn, rủ người thân hay bạn bè cùng chơi trò chơi.

Khả năng nhận thức

Trẻ có thể tăng khả năng nhận thức qua một số hoạt động dưới đây:

  • Thông qua khám phá môi trường xung quanh, trẻ có thể tìm tòi và phản xạ với các kích thích từ bên ngoài.
  • Phát triển ngôn ngữ, từ vựng, nói đúng ngữ pháp và ngữ nghĩa.
  • Nhận biết khái niệm về kích thước và hình dạng của đồ vật, đếm số.
  • Đọc sách thường xuyên cho trẻ nghe.

Thể chất

Một đứa trẻ có thể chất tốt mới có đủ sức khỏe và năng lượng để vui chơi và học tập. Để phát triển thể chất cho trẻ, ba mẹ có thể kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý và cho con hoạt động ngoài trời, trải nghiệm cùng con các kỹ năng vận động khác như vẽ tranh, đào cát, nặn tượng, chơi trò chơi,…

Phương pháp giáo dục toàn diện cho trẻ nhỏ

Sau đây là các phương pháp giáo dục toàn diện cho trẻ đang được áp dụng tại một số trường mầm non bao gồm:

Tham dự hoạt động của trường và xã hội

Một số trường mầm non đang tổ chức nhiều chương trình hoạt động để phát triển thể chất cho trẻ như cuộc thi bé ngoan, thi nấu ăn, chương trình tình nguyện xã hội,… Các hoạt động này giúp trẻ trở nên trưởng thành và tự tin hơn trong giao tiếp.

Học tập kết hợp trải nghiệm

Học tập qua trải nghiệm là phương pháp giáo dục toàn diện cho trẻ em kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành khám phá thế giới xung quanh. Trẻ có thể thực hành trải nghiệm thông qua nhiều hoạt động khác nhau như tìm hiểu thiên nhiên, cây cỏ, con vật quanh nhà, phụ mẹ làm bếp,…

Rèn luyện thể chất bằng trò chơi vận động

Có thể rèn luyện thể chất cho trẻ bằng các trò chơi vận động dành cho thiếu nhi tại công viên, các khu vui chơi, nhà văn hóa thiếu nhi. Tại đó, trẻ có thể thỏa sức chơi đùa, leo trèo, chạy nhảy,… giúp trẻ tăng cường khả năng thăng bằng và phối hợp cùng bạn bè xung quanh.

Những yếu tố giáo dục toàn diện cho trẻ cần chú trọng 3
Trẻ có thể rèn luyện thể chất bằng cách tham gia các trò chơi vận động dành cho thiếu nhi 

Phát triển về ngôn ngữ

Giai đoạn phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ tốt nhất là từ 2 - 3 tuổi. Đây là lúc thích hợp để dạy con về thế giới xung quanh càng nhiều càng tốt như giới thiệu các bộ phận trên cơ thể người, học tên của các loại động thực vật, các loại màu sắc và hình khối khác nhau.

Hướng dẫn trẻ chủ động học tập

Khi thực hiện phương pháp giáo dục toàn diện cho trẻ, ba mẹ hay thầy cô chỉ là người hướng dẫn. Trẻ có quyền quyết định học hay chơi như thế nào, học bao nhiêu theo năng lực của bản thân. Ví dụ, ba mẹ hướng dẫn trẻ cách lắp ráp mô hình, sau đó trẻ có thể tự do lắp thành hình dạng mà trẻ mong muốn theo sự sáng tạo của riêng mình, chỉ cần sự trợ giúp từ ba mẹ nếu gặp khó khăn.

Phát triển tư duy từ những câu chuyện

Thông qua các câu chuyện kể là một trong những phương pháp phát triển vốn từ vựng của trẻ mầm non. Ba mẹ nên chọn những mẩu chuyện ngắn có nội dung hấp dẫn vì trẻ ở lứa tuổi này chưa có khả năng tập trung lâu. Ngoài ra, để giúp trẻ tăng cường khả năng ghi nhớ và tư duy, phụ huynh có thể cho trẻ xem truyện tranh và đọc lại truyện nhiều lần.

Những yếu tố giáo dục toàn diện cho trẻ cần chú trọng 4
Có thể tăng cường khả năng ghi nhớ và tư duy cho trẻ qua truyện tranh

Luôn đề cao nỗ lực của bé

Những lời khen ngợi cho sự nỗ lực của trẻ sẽ thúc đẩy trẻ phát triển tự nhiên, giúp trẻ sáng tạo và tự tin hơn. Ba mẹ nên khen trẻ một cách cụ thể, không nên nói chung chung như khen trẻ thông minh hay tài năng.

Nhìn chung, giáo dục toàn diện là phương pháp giúp trẻ phát triển từ tri thức đến thể chất, tinh thần. Trong môi trường giáo dục này, trẻ trở nên khỏe mạnh, tự tin và đạt thành tích học tập tốt hơn.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin