Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Một số dụng cụ sơ cứu cầm máu cần có tại nhà

Ngày 30/04/2022
Kích thước chữ

Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và do đó mỗi hộ cá nhân cần trang bị một số dụng cụ sơ cứu cầm máu tại nhà để thực hiện sơ cứu kịp thời, nhanh chóng, tránh tình trạng mất máu quá nhiều gây khó khăn cho việc điều trị về sau.

Dụng cụ sơ cứu cầm máu là những trang thiết bị bắt buộc phải có không những ở hộ gia đình mà còn phải có ở trường học, cơ quan, văn phòng làm việc,... Trang bị cho mình những dụng cụ cần thiết và kiến thức sơ cứu cầm máu sẽ giúp bạn xử lý kịp thời và đúng cách các tình huống tai nạn bất ngờ.

Các dụng cụ thực hành sơ cứu cầm máu

Một số dụng cụ sơ cứu cầm máu cần có như:

  • 4 Cuộn gạc cuộn dùng để buộc cố định xương khớp, băng vết thương. Chúng ta có thể đặt gạc lên đường đi của mạch máu để thực hiện băng ép cầm máu.
  • Chuẩn bị sẵn 3 đến 5 gói gạc miếng vô trùng để cầm máu, rửa và che phủ vết thương khi cần.
  • 2 chiếc băng chun, băng cầm máu, băng ép bất động, băng trong bong gân, trật khớp.
  • Băng dán cá nhân dùng để vào các vết đứt, rách da nhỏ.
  • 1 Cuộn băng dính y tế loại có thể xé và cố định trong quá trình băng bó vết thương.
  • Panh, kéo loại nhỏ, nhiệt kế mỗi thứ một chiếc là đủ.
  • Một ít găng tay y tế, túi nilon.
  • Cồn và dung dịch sát trùng nhẹ như cồn rửa tay, nước rửa tay khô (sát trùng tay), dung dịch povidone iondine 10% hoặc cồn 70° để sát trùng các vết thương hở. Cồn 70 độ có thể dùng để sát trùng tay.
  • Một số loại thuốc chuyên dụng:
    • Nước muối sinh lý dùng để rửa vết thương, rửa mặt, rửa mắt.
    • Thuốc bôi như kem bôi kháng histamin, kem hydrocortisol 1% để thoa khi bị côn trùng đốt, dị ứng ngoài da.
    • Thuốc uống: Tùy theo thể trạng của từng gia đình, có người mắc các bệnh mạn tính hoặc dễ gặp các bệnh lý thường gặp mà bạn có thể chuẩn bị thêm. Thông thường nhất là các loại thuốc cảm cúm, hạ sốt, giảm đau không cần kê đơn.
Một số dụng cụ sơ cứu cầm máu cần có tại nhà 1 Mỗi gia đình nên trang bị đầy đủ các dụng cụ cầm máu

Các nguyên tắc chung cần nhớ khi sơ cứu cầm máu vết thương

Ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu

Nên nhanh chóng ép trực tiếp lên vết thương để hạn chế chảy máu. Nếu có điều kiện và đầy đủ dụng cụ sơ cứu cầm máu thì đặt lên vết thương một miếng gạc hoặc vải sạch trước khi dùng ngón cái ép trực tiếp.

Nếu vết thương chảy máu nhiều, không nên lãng phí thời gian tìm kiếm băng gạc, vải sạch mà hãy rửa sạch tay và dùng chính bàn tay của bệnh nhân hay bàn tay của bạn để ép lên miệng vết thương (nếu nạn nhân không thể tự làm việc này).

Nâng cao vùng bị tổn thương cao hơn tim

Hãy đặt nạn nhân nằm ở tư thế thoải mái, thuận tiện, sau đó nâng cao vùng bị tổn thương sao cho cao hơn tim để giảm áp lực máu tới vùng này.

Dùng băng cuộn hoặc dây vải để ép băng gạc hoặc miếng vải sạch vào vết thương. Không băng quá chặt như hình thức buộc ga rô.

Một số dụng cụ sơ cứu cầm máu cần có tại nhà 2 Sau khi băng bó cần nâng cao vết thương cao hơn tim để tránh gây áp lực cho vết thương

Không đụng vào dị vật nếu vết thương bị đâm xuyên

Nếu các vết thương chảy máu do có dị vật như mảnh gỗ, kim loại, dao hoặc bất kỳ vật gì đâm vào và vẫn cắm ở vết thương thì tuyệt đối không được rút dị vật ra.

Bịt kín vết thương bằng cách ép mép vết thương vào sát với dị vật.

Dùng miếng vải sạch hình vuông hoặc một miếng khăn hình tam giác để quấn lại thành vòng đệm xung quanh dị vật. Sau đó dùng băng ép lại như cách làm với vết thương không có dị vật. Lưu ý, khi ép nên chú ý không gây thêm áp lực trực tiếp lên dị vật.

Để bệnh nhân nghỉ ngơi

Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi trong tư thế thuận tiện ít nhất 10 phút kể cả khi bị thương ở tay hay nửa trên thân người để giúp cầm máu, hạn chế tình trạng choáng, ngất.

Giữ yên tĩnh cho nạn nhân nghỉ ngơi, động viên an ủi nếu nạn nhân tỉnh táo.

Chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất

Nếu vết thương nhỏ và nạn nhân vẫn còn ý thức, vẫn có thể di chuyển bằng ô tô hay xe máy thông thường thì nên chuyển ngay nạn nhân tới cơ sở y tế gần đó.

Nếu vết thương quá nặng hay tình trạng nạn nhân chuyển biến xấu thì phải gọi cấp cứu 115 càng sớm càng tốt.

Trong khi chờ đợi hoặc trên đường di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện phải liên tục theo dõi, quan sát tình trạng hô hấp, tuần hoàn của nạn nhân. Giữ ấm cho nạn nhân.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các loại dịch khác từ cơ thể nạn nhân. Sử dụng găng tay dùng một lần nếu có thể khi di chuyển nạn nhân. Nếu không có găng thì có thể dùng túi nilon thông thường để thay thế.

Nếu máu chảy nhiều và thấm qua gạc và băng

Nếu máu chảy quá nhiều, thấm qua gạc và băng thì không nên gỡ lớp đó ra mà dùng thêm lớp băng thứ hai để quấn chặt lên lớp băng cũ.

Một số dụng cụ sơ cứu cầm máu cần có tại nhà 3 Nếu băng gạc bị đẫm máu có thể băng thêm một lớp chèn lên trên để tiếp tục cầm máu

Đối với các vết thương chảy máu quá mạnh, không thể kiểm soát, cần nhanh chóng thay lớp băng gạc thứ nhất đã sũng máu bằng lớp mới. Máu không thể cầm được có thể là do tấm gạc thứ nhất dùng để chèn vết thương đã bị đặt sai vị trí và trượt khỏi vị trí ban đầu.

Hi vọng với những thông tin trên đây, quý đọc giả có thể ra hiệu thuốc và tự trang bị những dụng cụ sơ cứu cầm máu phù hợp với nhu cầu của bản thân. Tai nạn là điều khó tránh khỏi, mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể ứng phó kịp thời với bất kì tình huống xấu nào có thể xảy ra.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin