Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

MRI đứt dây chằng chéo trước là gì? Phương pháp cải thiện tình trạng đứt dây chằng chéo trước

Thục Hiền

15/03/2025
Kích thước chữ

Dây chằng chéo trước (ACL) là một trong những cấu trúc quan trọng của khớp gối, giúp ổn định và kiểm soát chuyển động. Khi bị chấn thương đứt dây chằng chéo trước có thể gây đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. MRI đứt dây chằng chéo trước là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, giúp đánh giá chính xác mức độ tổn thương của dây chằng chéo trước mà không cần can thiệp xâm lấn phục vụ chẩn đoán và theo dõi điều trị các vấn đề liên quan.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về vai trò của MRI trong chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước, giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này và hướng điều trị phù hợp. Hãy cùng khám phá ngay trong bài viết “MRI đứt dây chằng chéo trước” bạn nhé.

MRI đứt dây chằng chéo trước

MRI đứt dây chằng chéo trước là gì?

Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiệu quả, giúp phát hiện chính xác các tổn thương liên quan đến khớp gối như đứt dây chằng chéo trước (ACL).

Dây chằng chéo trước được cấu tạo bởi hai bó chính: Bó trước trong (anteromedial – AM) hoạt động chủ yếu khi gấp gối, và bó sau ngoài (posterolateral – PL) hoạt động khi duỗi gối. Khi chụp MRI, bác sĩ có thể xác định vị trí rách, mức độ tổn thương của dây chằng và các cấu trúc xung quanh.

So với các phương pháp khác, X-quang chỉ đánh giá được tổn thương xương, trong khi siêu âm có thể gặp hạn chế khi quan sát dây chằng do khó phát hiện tụ dịch hoặc tổn thương nhỏ. Một dây chằng chéo trước khỏe mạnh sẽ có các bó sợi liên tục từ mâm chày đến xương đùi, đây cũng là tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng bình thường của dây chằng trên hình ảnh MRI.

MRI đứt dây chằng chéo trước 2
Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp phát hiện chính xác các tổn thương liên quan đến khớp gối

Các dấu hiệu nhận diện đứt dây chằng chéo trước trên hình ảnh cộng hưởng từ

Trên hình ảnh cộng hưởng từ (MRI), đứt dây chằng chéo trước (ACL) có thể được nhận diện qua một số dấu hiệu đặc trưng. Một trong những biểu hiện quan trọng nhất là hình ảnh gián đoạn của dây chằng hoặc sự thay đổi bất thường về hướng chạy của nó. Trong một số trường hợp, dây chằng chéo trước không quan sát được rõ ràng dù phim chụp đã tuân theo đúng tiêu chuẩn.

Tùy vào giai đoạn chấn thương, hình ảnh tổn thương dây chằng chéo trước có sự khác biệt.

  • Ở giai đoạn cấp tính, dây chằng thường có dấu hiệu phù nề, tăng tín hiệu trên T2W và bờ không rõ nét. Nếu đứt hoàn toàn, dây chằng sẽ mất liên tục, kèm theo tình trạng đụng dập xương ở trung tâm lồi cầu ngoài xương đùi và phần sau ngoài của mâm chày.
  • Trong giai đoạn bán cấp (2-4 tuần), dây chằng mất sức căng, không còn song song với trần của khuyết gian lồi cầu.
  • Khi chuyển sang giai đoạn mãn tính (6-8 tuần), dây chằng có thể mất sức căng hoàn toàn, bị xơ hóa hoặc dính vào dây chằng chéo sau. Lúc này, thường xuất hiện tình trạng trượt mâm chày ra trước và dây chằng chéo sau có thể cong thành hình móc ở phần sau.

Việc hiểu rõ các dấu hiệu này giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và có biện pháp can thiệp kịp thời, góp phần ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ chức năng khớp gối về lâu dài.

MRI đứt dây chằng chéo trước 3
Hình ảnh MRI đứt dây chằng chéo trước giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương

Tìm hiểu về tình trạng đứt dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước là gì?

Dây chằng chéo trước (ACL) nằm ở trung tâm khớp gối và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định đồng thời kiểm soát chuyển động của khớp. Cấu trúc này kết nối xương đùi với xương chày, giúp hạn chế sự trượt ra trước và xoay trong của xương chày, đảm bảo chức năng vận động linh hoạt.

Khi dây chằng chéo trước bị đứt, xương chày có thể trượt ra trước quá mức so với xương đùi, gây mất vững khớp gối. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn có thể làm tổn thương sụn chêm, sụn khớp và làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp về sau.

MRI đứt dây chằng chéo trước 1
Dây chằng chéo trước có vai trò quan trọng trong chuyển động khớp gối

Nguyên nhân và triệu chứng đứt dây chằng chéo trước

Đứt dây chằng chéo trước (ACL) thường xảy ra do sự thay đổi hướng di chuyển đột ngột khi đang chạy tốc độ cao có thể tạo áp lực lớn lên dây chằng, dẫn đến tổn thương. Nguyên nhân khác có thể do chấn thương trực tiếp từ va chạm khi chơi thể thao, tai nạn giao thông hoặc té ngã.

Khi bị chấn thương, người bệnh thường nghe thấy tiếng "rắc" lớn ở đầu gối, kèm theo cảm giác đau nhói và sưng nề do chảy máu bên trong khớp. Cơn đau có thể trở nên dữ dội hơn khi vận động nhưng dần thuyên giảm sau vài tuần. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp tình trạng kẹt khớp, mất vững khớp gối và dễ bị té ngã khi di chuyển. Ngoài ra, teo cơ đùi cũng có thể xảy ra do giảm vận động, đặc biệt ở những người ít hoạt động. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu này rất quan trọng để có biện pháp can thiệp phù hợp, giúp phục hồi chức năng khớp gối và ngăn ngừa biến chứng lâu dài.

Phương pháp cải thiện tình trạng đứt dây chằng chéo trước

Có nhiều phương pháp giúp phục hồi chức năng sau chấn thương đứt dây chằng chéo trước. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương dựa trên hình ảnh MRI đứt dây chằng chéo trước kết hợp các chẩn đoán liên quan và xem xét nhu cầu vận động của người bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Trước tiên, ngay khi gặp chấn thương, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sơ cứu tại nhà để giảm đau và hạn chế tổn thương lan rộng. Việc chườm lạnh, kê cao chân và nghỉ ngơi giúp giảm sưng và áp lực lên khớp gối. Tuy nhiên, sau khi triệu chứng đau thuyên giảm, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Trong quá trình điều trị, thuốc giảm đau có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau và giảm viêm. Nếu đau quá dữ dội, bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid trực tiếp vào khớp gối. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc có thể gây tác dụng phụ, vì vậy người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và không tự ý sử dụng thuốc.

Phẫu thuật là một phương pháp điều trị phổ biến, đặc biệt đối với những bệnh nhân trẻ tuổi hoặc vận động viên có nhu cầu vận động cao. Phương pháp này giúp tái tạo dây chằng và cải thiện chức năng khớp gối. Những trường hợp đứt dây chằng hoàn toàn hoặc không hoàn toàn nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của khớp gối sẽ được khuyến nghị phẫu thuật.

MRI đứt dây chằng chéo trước 4
Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tổn thương trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật

Bên cạnh phẫu thuật, vật lý trị liệu kết hợp với các trang thiết bị hiện đại cũng là một hướng điều trị hiệu quả, đặc biệt đối với những bệnh nhân không muốn can thiệp phẫu thuật. Một số liệu pháp hỗ trợ như laser cường độ cao và sóng xung kích được áp dụng trong thực hành lâm sàng, tuy nhiên cần thêm nghiên cứu lâm sàng để đánh giá hiệu quả rõ ràng.

Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn tổng quan về MRI đứt dây chằng chéo trước. Việc phát hiện sớm và chính xác tổn thương không chỉ giúp xác định phương pháp điều trị phù hợp mà còn góp phần nâng cao hiệu quả phục hồi chức năng khớp gối. Dù lựa chọn điều trị bảo tồn hay phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào liên quan đến chấn thương dây chằng, hãy chủ động thăm khám và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe xương khớp lâu dài.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:MriDây chằng