Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Phân loại các nhóm thuốc giảm đau và những điều cần chú ý khi sử dụng

Ngày 24/06/2023
Kích thước chữ

Nhóm thuốc giảm đau là tập hợp những loại thuốc có tác dụng làm giảm cơn đau trên cơ thể trong các trường hợp đặc biệt. Từ rất lâu thuốc giảm đau đã được điều chế và đưa vào sử dụng. Nhờ đó mà con người không phải chịu đựng những cơn đau do bệnh tật gây ra trên cơ thể.

Vậy nhóm thuốc giảm đau bao gồm những gì? Sử dụng trong trường hợp nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc giảm đau? Để biết thêm thông tin về vấn đề này, bạn đọc hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu bài viết về các nhóm thuốc giảm đau ngay dưới đây nhé!

Thuốc giảm đau là gì?

Thuốc giảm đau là sản phẩm được nghiên cứu sản xuất với mục đích làm giảm thiểu và làm dịu tác động của những cơn đau gây ra cho người bệnh. Trong sinh hoạt hàng ngày hay trong vận động, con người sẽ khó tránh khỏi các loại chấn thương từ nhẹ (chấn thương ngoài da) đến nặng (chấn thương xương khớp, lục phủ ngũ tạng). Lúc này, các loại thuốc giảm đau sẽ được sử dụng cho bệnh nhân để làm dịu bớt triệu chứng đau. Nhóm thuốc giảm đau gồm nhiều loại, do đó dựa vào tính chất thương tổn mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng loại thuốc phù hợp nhất.

Thuốc giảm đau mang lại hiệu quả tốt đối với những cơn đau, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng. Nên sử dụng thuốc khi gặp phải tình trạng như:

  • Nhức đầu, sốt do cảm lạnh, cảm cúm.
  • Đau lưng, đau cơ, đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm
  • Đau răng, đau sau khi nhổ răng hoặc phẫu thuật, chấn thương.
  • Quá trình sinh đẻ.
Nhóm thuốc giảm đau: Phân loại, tác dụng và những điều cần chú ý 1
Thuốc giảm đau có tác dụng làm dịu những cơn đau do chấn thương hoặc bệnh lý

Phân loại nhóm thuốc giảm đau

Tùy thuộc vào bệnh lý và tính chất cơn đau, bệnh nhân sẽ được sử dụng những loại thuốc giảm đau khác nhau sao cho phù hợp nhất. Hiện nay, dựa theo hiệu quả điều trị và tác dụng dược lý, Tổ chức Y tế Thế giới đã chia thành 3 nhóm thuốc giảm đau là:

Thuốc giảm đau nhóm I (thuốc giảm đau không kê đơn)

Nhóm thuốc này có thể dàng mua ở những nhà thuốc bán lẻ mà không cần bác sĩ kê đơn, bao gồm paracetamol, aspirin và các NSAID. Tác dụng chủ yếu là giảm đau từ nhẹ đến vừa, hạ sốt do mọi nguyên nhân, giảm đau bụng kinh, trị cảm cúm, đau răng… đặc biệt là không gây buồn ngủ và không chứa chất gây nghiện. Cụ thể bao gồm:

Paracetamol (Acetaminophen)

Paracetamol là thuốc giảm đau cơ sở có tác dụng giảm đau từ nhẹ đến vừa, hạ sốt. Chỉ định dùng trong trường hợp: Đau do hành kinh, nhức đầu, thoái hóa khớp, tổn thương mô mềm, kể cả đau nửa đầu; hạ sốt do cảm cúm, nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm phế quản. Acetaminophen được ưu tiên sử dụng cho cả người lớn và trẻ em.

Liều dùng:

  • Người lớn: Sử dụng 3g/ngày, chia làm 4 đến 6 liều, các liều cách nhau ít nhất 4 giờ và không nên dùng liên tục quá 3 ngày. Trong trường hợp đau nặng, liều tối đa có thể tăng lên 4g/ngày.
  • Trẻ em: 60mg/kg/ngày, chia làm 4 đến 6 liều, các liều cách nhau 4 - 6 giờ.

Về tương tác thuốc, paracetamol giảm đau theo cơ chế tác dụng lên trung ương và ngoại vi, ít có nguy cơ tương tác thuốc, có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú với liều dùng ngắn ngày. Thuốc cũng có thể dùng theo đường tiêm tĩnh mạch và có tác dụng giảm đau nhanh hơn so với đường uống.

Nhóm thuốc giảm đau: Phân loại, tác dụng và những điều cần chú ý 2
Paracetamol thuộc nhóm thuốc giảm đau có tác dụng giảm đau, hạ sốt

Aspirin (Acid acetylsalicylic)

Aspirin là thuốc chống viêm không steroid, có tác dụng làm giảm các chứng đau nhẹ đến vừa, hạ nhiệt, chống ngưng kết tiểu cầu và thải trừ acid uric. Chỉ định dùng trong các trường hợp đau nhẹ đến vừa: Thống kinh, nhức đầu, đau và viêm trong bệnh thấp khớp và các bệnh cơ xương khớp khác; hạ sốt, cơn đau nửa đầu cấp; chống kết dính tiểu cầu; hội chứng Kawasaki.

Liều dùng:

  • Người lớn: 1g/lần, cách nhau 4 giờ sau mỗi liều và không quá 3g/ngày. Không dùng để hạ sốt kéo dài quá 3 ngày và quá 5 ngày để giảm đau
  • Trẻ em: 60mg/kg/ngày, chia làm 4 đến 6 liều, các liều cách nhau 4 - 6 giờ.

Chống chỉ định aspirin với người quá mẫn với thành phần của thuốc, bệnh nhân có tiền sử hen do sử dụng salicylat, phụ nữ có thai ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, phụ nữ đang cho con bú, bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng, có bệnh liên quan đến các yếu tố đông máu, suy gan, suy thận… 

Bên cạnh đó, aspirin cũng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như nôn ra máu, đi ngoài ra máu, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, suy giảm thị lực, rối loạn chảy máu và các phản ứng quá mẫn như mày đay, mẩn ngứa, co thắt phế quản, phù Quincke, sốc phản vệ.

Nhóm thuốc giảm đau: Phân loại, tác dụng và những điều cần chú ý 3
Aspirin là thuốc giảm đau không kê đơn, giúp làm giảm các cơn đau

Ngoài paracetamol và aspirin, nhóm thuốc này còn có các NSAID không phải loại salicylat như floctafenin, nefopam cũng có tác dụng tương tự như hai loại thuốc kể trên.

Thuốc giảm đau nhóm II

Thuốc giảm đau nhóm II gồm các thuốc có cơ chế tác dụng tương tự như morphin, tuy nhiên hiệu quả giảm đau yếu hơn. Gồm các opioid yếu và sử dụng phối hợp với paracetamol. Sự kết hợp này đem lại kết quả giảm đau tốt nhưng cũng gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Nhóm thuốc giảm đau này được sử dụng cho bệnh nhân có cơn đau mang tính chất trung bình đến mạnh và thích hợp sử dụng trong các trường hợp như:

  • Thuốc giảm đau nhóm I không có tác dụng giảm đau đối với bệnh nhân.
  • Giảm đau tức thì trong các trường hợp bệnh lý như đau sau chấn thương, sau khi phẫu thuật…
  • Dùng thay thế bằng đường uống sau khi tiêm morphin.

Thuốc giảm đau nhóm II bao gồm:

  • Codein: Là một opioid yếu, trong cơ thể có thể chuyển hóa thành morphin. Codein thường được phối hợp với paracetamol và aspirin để tăng cường tác dụng giảm đau.
  • Tramadol: Dùng trong các cơn đau có tính chất trung bình đến dữ dội. Ở liều điều trị thuốc có tác dụng trên thần kinh trung ương. Hiệu quả giảm đau được tăng cường khi kết hợp với thuốc giảm đau nhóm I.

Cả hai loại trên đều chống chỉ định với người mẫn cảm với thành phần của thuốc, không dùng cho người nghiện ma túy, phụ nữ mang thai và cho con bú…

Thuốc giảm đau nhóm III

Nhóm III gồm các opioid mạnh dễ gây suy hô hấp và gây nghiện. Các thuốc này được hạn chế sử dụng, chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt. Nhóm này được chia thành 3 nhóm:

  • Chất vận chủ toàn phần (morphin): Thuộc nhóm thuốc giảm đau mạnh, dùng cho trường hợp các cơn dữ dội, dai dẳng hoặc khó điều trị như ung thư.
  • Chất chủ vận từng phần (buprenorphin).
  • Chất đối kháng (nalbuphin).

Tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng thuốc giảm đau

Ngoài tác dụng giảm đau tức thời và hiệu quả, các thuốc giảm đau nếu dùng không đúng cách sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn, dẫn đến những tổn thương trên cơ thể người bệnh:

  • Hệ tiêu hóa: Viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Dùng liều cao với aspirin và thuốc nhóm NSAID sẽ gây ra những tổn thương cho niêm mạc dạ dày (xuất huyết dạ dày, loét) hoặc các bộ phận tiêu hóa khác.
  • Dùng paracetamol quá liều gây tổn thương trên gan thận: Suy thận, suy gan, nặng hơn là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Thuốc giảm đau nhóm II và III không phù hợp với phụ nữ mang thai và cho con bú, những người nghiện ma túy nhóm opioid.

Sử dụng thuốc giảm đau là biện pháp giải quyết các cơn đau trên cơ thể con người. Tuy nhiên, việc sử dụng sai liều lượng, không đúng mục đích sẽ gây ra những hệ lụy cho người sử dụng. Do đó, nên thận trọng trước khi dùng thuốc. Đối với thuốc giảm đau nhóm I không dùng quá 3 ngày liên tục, cần chú ý liều lượng giữa trẻ em và người lớn. Nhóm II hoặc nhóm III cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được kê đơn phù hợp. Không tự ý dùng thuốc giảm đau mà không rõ nguyên nhân.

Nhóm thuốc giảm đau: Phân loại, tác dụng và những điều cần chú ý 5
Thuốc giảm đau có thể gây ra tác dụng phụ nếu không được sử dụng đúng cách

Trên đây là những thông tin về các nhóm thuốc giảm đau mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ cho bạn. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết trên trang web để biết thêm những kiến thức bổ ích về sức khỏe nhé.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin