Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh có sao không? Những lưu ý cần biết

Ngày 27/12/2024
Kích thước chữ

Mang thai là một hành trình kỳ diệu nhưng cũng đầy thách thức với mỗi người mẹ. Trong đó, ngày dự sinh được coi là mốc thời gian quan trọng mà bác sĩ dự đoán em bé sẽ chào đời. Tuy nhiên, không ít mẹ bầu mong muốn sinh con sớm hơn ngày dự sinh vì nhiều lý do khác nhau. Vậy muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh có sao không? Làm thế nào để đảm bảo an toàn nếu muốn sinh sớm?

Ngày dự sinh của thai nhi được bác sĩ chuyên khoa sản chẩn đoán và đưa ra thời gian gần chính xác. Tuy nhiên, vì một số lý do mà nhiều gia đình muốn sinh bé sớm hơn ngày dự sinh mà vẫn mong muốn đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai mẹ con. Vậy muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh có sao không?

Muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh có sao không?

Bạn cần nắm được ngày dự sinh là gì trước khi tìm hiểu vấn đề “muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh có sao không?”. Theo đó, ngày dự sinh là ngày mà bác sĩ chuyên khoa sản ước tính thời điểm thai nhi được 40 tuần tuổi, dựa trên ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người mẹ hoặc kết quả siêu âm sớm trong thai kỳ. Tuy nhiên, đây chỉ là con số dự kiến, không phải ngày chính xác mà em bé sẽ chào đời.

Trên thực tế, chỉ có khoảng 5% mẹ bầu sinh con đúng ngày dự sinh. Hầu hết các trường hợp sinh nở xảy ra trong khoảng từ tuần 37 đến tuần 42 của thai kỳ. Vậy việc mong muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh có sao không?

Mặc dù ngày dự sinh không phải là ngày chính xác em bé chào đời. Tuy nhiên, ngày dự sinh có thể hỗ trợ bác sĩ và sản phụ rất nhiều trong quá trình cần can thiệp sớm ở một số vấn đề có thể xảy ra.

Việc mong muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh an toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào tuần tuổi của thai nhi. Theo các chuyên gia, sinh sớm hơn ngày dự sinh có thể an toàn nếu được thực hiện trong thời gian thai nhi đã phát triển đầy đủ (từ tuần 37 trở đi), không nên sinh khi thai nhi chưa đủ 37 tuần tuổi. Nếu sinh trước khi thai đủ 37 tuần, trẻ sơ sinh có thể đối mặt với các vấn đề liên quan đến sinh non như:

  • Phổi chưa phát triển hoàn thiện;
  • Hệ miễn dịch yếu;
  • Nguy cơ mắc bệnh vàng da, khó thở hoặc gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

Chính vì thế, muốn sinh con sớm hơn ngày dự sinh thì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh có sao không? Những lưu ý cần biết 1
Trẻ sinh sớm hơn ngày dự sinh có nguy cơ mắc bệnh vàng da

Nguyên nhân nào khiến mẹ bầu muốn sinh con sớm hơn ngày dự sinh?

Có một số nguyên nhân khiến mẹ bầu muốn sinh con sớm hơn ngày dự sinh. Những nguyên nhân này có thể xuất phát từ yếu tố tâm lý, thể chất hoặc các vấn đề có liên quan đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:

  • Sức khỏe của người mẹ: Một số mẹ bầu gặp phải các vấn đề như huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ hoặc tình trạng khó thở khi mang thai, khiến cho việc kéo dài thai kỳ trở nên khó khăn.
  • Thuận tiện cho việc cá nhân: Một số mẹ bầu muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh để trùng với các dịp đặc biệt như ngày lễ, ngày kỷ niệm hoặc theo phong thủy.
  • Hạn chế rủi ro: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến nghị thai phụ chủ động sinh sớm để đảm bảo an toàn cho thai nhi, đặc biệt khi có các dấu hiệu suy dinh dưỡng hoặc nguy cơ suy thai.
  • Sức khoẻ của bé: Nếu thai nhi phát triển quá lớn, việc chủ động sinh sớm có thể được cân nhắc để giảm nguy cơ biến chứng khi sinh thường.
Muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh có sao không? Những lưu ý cần biết 2
Tiểu đường thai kỳ là một nguyên nhân khiến mẹ bầu muốn sinh con sớm hơn ngày dự sinh

Những phương pháp kích thích sinh sớm đảm bảo an toàn

Quá trình chuyển dạ sinh con là một giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính người mẹ và thai nhi. Do đó, nếu mẹ bầu muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh thì bác sĩ cần phải dựa vào tình trạng sức khoẻ của thai phụ đầu tiên để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Nếu mẹ bầu đáp ứng đủ các tiêu chí về sức khỏe cũng như sự an toàn, bác sĩ có thể chấp nhận việc kích thích chuyển dạ sớm. Dưới đây là một số phương pháp kích thích sinh sớm đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, bao gồm:

Dùng thuốc giục sinh

Hiện nay, có 2 phương pháp giục sinh phổ biến nhất là đặt thuốc cerviprime và truyền oxytocin theo đường tĩnh mạch. Cụ thể như sau:

  • Đặt thuốc cerviprime: Thuốc này sẽ được đặt sâu vào nơi tiếp xúc với cổ tử cung nhằm mục đích giúp cho các cơ cổ tử cung giãn mở ra (mở tử cung).
  • Truyền oxytocin tĩnh mạch: Phương pháp này được thực hiện bằng cách truyền dung dịch glucose 5% có pha 1 ống oxytocin vào tĩnh mạch. Tốc độ truyền dịch cần đảm bảo từ 5 - 8 giọt/phút cho đến khi xuất hiện cơn gò tử cung.
Muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh có sao không? Những lưu ý cần biết 3
Truyền oxytocin tĩnh mạch là một biện pháp kích thích chuyển dạ nhanh chóng

Chọc ối nhân tạo

Chọc ối nhân tạo (bấm ối) là phương pháp cần sự can thiệp của bác sĩ để đảm bảo an toàn khi muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh. Cụ thể, bác sĩ sẽ tiến hành tách màng ối khỏi tử cung nhằm giải phóng hormone và kích thích quá trình chuyển dạ diễn ra.

Bấm ối là một thủ thuật phức tạp và đòi hỏi được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn cao. Hơn nữa, việc chọc ối nhân tạo có thể gây ra đau đớn và tiềm ẩn rủi ro lớn cho sức khỏe của cả hai mẹ con nên không được áp dụng phổ biến.

Vận động nhẹ nhàng

Nếu muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh, thai phụ có thể vận động nhẹ nhàng với tần suất liên tục để kích thích tử cung giãn nở. Một số vận động an toàn và phù hợp với phụ nữ mang thai như đi bộ, tập yoga hoặc thực hiện các bài tập nhẹ nhàng dành cho mẹ bầu… từ đó thai nhi được đẩy xuống vùng chậu và giúp khung chậu được mở rộng.

Biện pháp tự nhiên khác

Mẹ bầu có thể tham khảo một số biện pháp tự nhiên dưới đây để kích thích chuyển dạ sớm, chẳng hạn như:

  • Massage và kích thích núm vú: Việc kích thích núm vú có thể làm tăng hormone oxytocin - yếu tố giúp kích thích các cơn co thắt tử cung.
  • Ăn uống: Một số loại thực phẩm như dứa, lá tía tô hoặc nước ép mâm xôi đỏ được cho là có khả năng hỗ trợ kích thích chuyển dạ.
  • Quan hệ tình dục: Hoạt động tình dục có thể giúp kích thích tử cung và làm tăng khả năng chuyển dạ nhờ hormone prostaglandin trong tinh dịch.

Một số lưu ý cần biết khi muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh

Sinh con là một quá trình khó khăn và có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là khi muốn kích thích sinh sớm. Do đó, thai phụ cần lưu ý đến một số vấn đề sau khi muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh, bao gồm:

  • Thường xuyên khám thai định kỳ và tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc quyết định kích thích sinh sớm.
  • Chuẩn bị tâm lý và tinh thần luôn sẵn sàng với mọi tình huống, bởi không phải thai phụ nào cũng sẽ thực hiện thành công phương pháp kích thích chuyển dạ.
  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ các dưỡng chất cần thiết có lợi cho sức khỏe.
  • Không được tự ý thực hiện bất kỳ một biện pháp hỗ trợ kích thích sinh sớm nào mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Nếu có thể, hãy hạn chế tối đa việc sinh sớm để tránh các biến chứng và rủi ro không mong muốn.
Muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh có sao không? Những lưu ý cần biết 4
Mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh

Tóm lại, việc muốn sinh sớm hơn ngày dự sinh là mong muốn phổ biến của nhiều mẹ bầu, tuy nhiên điều này cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Cho dù là sinh sớm tự nhiên hay có can thiệp y tế, sự an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để đưa ra quyết định sáng suốt nhất cho hành trình làm mẹ của mình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin