Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nấm miệng ở trẻ có lây không?

Ngày 14/06/2022
Kích thước chữ

Nấm miệng ở trẻ là tình trạng xuất hiện những mảng màu trắng bám rất chắc và rất khó làm sạch trên bề mặt niêm mạc lưỡi. Nguyên nhân gây ra nấm miệng là do nấm Candida Albicans, vậy nấm miệng ở trẻ sơ sinh có lây không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Nấm miệng ở trẻ là một bệnh nhiễm trùng được gây ra bởi một loại vi nấm có tên gọi là Candida. Bệnh thường không gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng tuy nhiên nếu tình trạng bệnh kéo dài sẽ làm bé khó chịu, quấy khóc và gặp khó khăn trong việc ăn uống, lâu dần trẻ thiếu chất dẫn đến thấp còi và thiếu hụt chất dinh dưỡng cho sự phát triển thể chất lẫn tinh thần sau này.

Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ đưa ra những thông tin về việc: “Nấm miệng có lây không?” giúp bạn đọc trang bị thêm những kiến thức hữu ích cũng như có những lưu ý dành cho mẹ khi trẻ bị nấm miệng, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và vui khỏe trong những năm tháng đầu đời.

Nấm miệng ở trẻ có lây không?1 Nấm miệng ở trẻ là một bệnh nhiễm trùng, được gây ra bởi nấm Candida

Nấm miệng ở trẻ có lây không?

Câu trả lời là Có. Bệnh nấm miệng được hình thành chủ yếu là do chủng nấm Candida thuộc dạng vi nấm. Loại nấm này có khả năng lây lan rất mạnh và nhanh chóng. Bệnh nấm miệng xảy ra ở trẻ thường do nấm ký sinh quá mức, sinh sôi và phát triển trên bề mặt lưỡi, khoang miệng hoặc thậm chí ở dịch nước bọt của trẻ. Nấm miệng ở trẻ hoàn toàn có thể lây sang bộ phận khác hoặc thậm chí có thể lây từ lan từ người này sang người kia, khi người lành có tiếp xúc với dịch nước bọt của trẻ, cụ thể như sau:

  • Bệnh nấm miệng ở trẻ, có khả năng lây sang cho người mẹ khi cho con bú trực tiếp và ngược lại.
  • Bệnh nấm miệng ở trẻ có thể lan xuống họng, thực quản, các cơ quan hô hấp gồm phế quản, khí quản…
  • Bệnh nấm miệng lây lan khi người lành dùng chung những đồ vật với trẻ bị bệnh cụ thể như bình sữa, núm vú giả, muỗng đũa, thìa, ly, cốc, bàn chải đánh răng, đồ chơi…
  • Nấm có thể lây từ người mẹ sang trẻ sơ sinh (do mẹ nhiễm nấm âm đạo) khi mang thai.

Tuy nhiên, hệ miễn dịch của người luôn luôn hoạt động mạnh mẽ, luôn làm tròn “vai trò” cũng như “trách nhiệm” với mục đích bảo vệ mỗi cá nhân khỏi những tác hại từ bên trong lẫn bên ngoài. Đối với những trẻ đã bị nhiễm nấm miệng, nếu bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời và nhanh chóng, bệnh có thể lây lan cả khoang miệng và thậm chí lây lan sang những cơ quan khác gây ra những biến chứng nguy hiểm mà ba mẹ chớ chủ quan! Do đó, đối với những trẻ đang bị nhiễm nấm miệng, ba mẹ đừng lo sợ và cần hết sức quan tâm và chăm sóc chu đáo nhằm giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh nhé!

Nấm miệng ở trẻ có lây không?2 "Nấm miệng ở trẻ có lây không?" luôn là thắc mắc nhiều phụ huynh

Một số nguyên nhân khác có thể gây nấm miệng

Ngoài việc lây nhiễm từ người bệnh sang cho người lành, bệnh nấm miệng còn có một số nguyên nhân cũng như các yếu tố nguy cơ khác dưới đây có thể khiến cho trẻ tự phát bệnh. Cụ thể như sau:

  • Trẻ có thói quen lười vệ sinh răng miệng có nguy cơ nhiễm nấm miệng cao hơn những trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách. Những cặn sữa cũng như các thức ăn thừa sau khi ăn vẫn còn đọng lại trong miệng, nếu không được vệ sinh răng miệng đúng cách, là yếu tố tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển mạnh mẽ.
  • Những trẻ lười vệ sinh cá nhân cũng có nguy cơ nhiễm nấm miệng cao hơn những trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân tốt.
  • Do hệ thống miễn dịch của những trẻ nhỏ còn khá yếu, chưa hoàn thiện, chưa thể bảo vệ bản thân trẻ khỏi những tác hại từ bên trong lẫn bên ngoài, từ đó hình thành nấm miệng.
  • Đối với một số trẻ có sử dụng thuốc kháng sinh thường xuyên với mục đích điều trị một bệnh lý khác cũng có nguy cơ bị nấm miệng. Khi sử dụng kháng sinh, thuốc sẽ tiêu diệt cả những hại khuẩn và lợi khuẩn, gián tiếp làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ nhiễm nấm miệng ở trẻ.
  • Trẻ có sử dụng thuốc Corticoid trong thời gian dài với mục đích điều trị bệnh hen suyễn, bệnh viêm mũi dị ứng… cũng có nguy cơ bị nấm miệng.
  • Những trẻ có hệ miễn dịch kém, trẻ sinh non, sinh thiếu tháng, trẻ còi xương suy dinh dưỡng… cũng có nguy cơ tự nhiễm bệnh nấm miệng.
  • Trẻ phải thường xuyên tiếp xúc hoặc phải sống cùng người bị nhiễm nấm, cũng có nguy cơ bị nhiễm nấm miệng do sử dụng chung đồ dùng, ly cốc, khăn… ở nhà hoặc tại trường học.
Nấm miệng ở trẻ có lây không?3 Trẻ có thói quen lười vệ sinh răng miệng có nguy cơ nhiễm nấm miệng cao hơn

Những lưu ý khi trẻ bị nấm miệng

Bệnh nấm miệng ở trẻ ngoài có thể lây lan, bệnh nếu không điều trị dứt điểm cũng có nguy cơ tái đi tái lại nhiều lần gây mệt mỏi cho cả bé và mẹ. Vì thế, khi thấy trẻ có dấu hiệu nhiễm nấm, mẹ cần nhanh chóng đưa đi khám bác sĩ để có cách điều trị đúng cách và triệt để. Trường hợp thông thường, có hai loại thuốc điều trị nấm miệng cho trẻ thường được bác sĩ chỉ định là Miconazole và Nystatin. Dưới đây là những lưu ý dành cho các mẹ khi có trẻ bị nấm miệng, cụ thể như sau:

  • Việc rơ lưỡi cho trẻ bằng mật ong là kinh nghiệm dân gian được rất nhiều các mẹ áp dụng để làm sạch miệng, cho bé. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng, trẻ sơ sinh sử dụng mật ong có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Mật ong, chỉ được áp dụng cho những trẻ có độ tuổi từ 12 tháng tuổi trở lên.
  • Mẹ cần kiên trì điều trị cho bệnh hết hẳn, giảm nguy cơ tái phát. Đối với những trẻ bú mẹ, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều trị có cần thiết bôi thuốc lên núm vú và điều trị luôn cả mẹ.
  • Mẹ nên xây dựng thói quen thường xuyên rơ lưỡi cho trẻ, kể cả khi trẻ đã khỏi bệnh với mục đích ngăn chặn việc vi khuẩn lây lan và phát triển.
  • Nên vệ sinh sạch sẽ những dụng cụ của trẻ như núm ti cao su, đồ chơi… tất cả những đồ chơi bé có nguy cơ ngậm vào miệng.
  • Với những trẻ có độ tuổi trên 6 tháng, mẹ có thể cho bé uống nước nhằm tránh khô miệng, tạo điều kiện cho nấm tái phát.

Ngay khi phát hiện trẻ bị nấm miệng, mẹ cần có biện pháp xử lý sớm nhất có thể. Nếu điều trị chậm trễ, nấm mọc dày hơn, mạnh mẽ hơn và có thể lây lan xuống cổ họng, thực quản, từ đó dẫn đến rất nhiều bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như rất khó điều trị dứt điểm.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin