Theo nhiều nghiên cứu, nằm sấp là tư thế “lợi ít, hại nhiều” cho cả người bình thường và đặc biệt là phụ nữ mang thai. Trong bài viết này, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm đáp án cho câu hỏi “nằm sấp có bị sảy thai không?” cũng như tìm hiểu tư thế ngủ tốt cho mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ.
Nằm sấp có bị sảy thai không?
Đối với người bình thường, nằm sấp giữ cho đường thở trên rộng mở, nhờ vậy giảm ngáy ngủ. Tuy nhiên, nếu nằm lâu ở tư thế này, có thể có tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa và hô hấp, đồng thời gây đau và tê liệt cơ.
Nằm sấp trong thời gian dài khiến đầu và cột sống bị ngoẹo gây nhức mỏi mỗi khi thức dậy. Bên cạnh đó, nằm sấp khiến phổi bị chèn ép, khiến cơ thể không hít đủ oxy và cản trở quá trình thải carbon dioxide ra ngoài dẫn đến tình trạng khó thở, tức ngực, bị suy hô hấp.
Nếu bạn khó vào giấc ngủ, tư thế nằm ngủ sấp sẽ làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Bạn sẽ khó nằm yên và liên tục trở mình hoặc xoay người để tìm tư thế thoải mái khi nằm ngủ sấp.
Nằm sấp có bị sảy thai không?
Với người bình thường, tư thế nằm sấp vốn dĩ không tốt thì đối với mẹ bầu, tư thế này còn có hại hơn. Nằm sấp cản trở quá trình hô hấp khiến người mẹ và thai nhi không hấp thụ đủ oxy, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy thai.
-
Trong ba tháng đầu: Lúc này, kích thước thai nhi còn nhỏ, tử cung vẫn nằm cố định sau xương mu nên xương mu giúp ngăn chặn áp lực từ bên ngoài. Do đó, trong giai đoạn này, nằm sấp sẽ không gây ra nhiều biến chứng.
- Trong tam cá nguyệt thứ hai: Thời gian này, mẹ bầu sẽ gặp một số triệu chứng đặc trưng khi mang thai, một trong số đó là ợ nóng. Nguyên nhân là do tử cung lớn dần lên và chèn ép các cơ quan tiêu hóa. Tư thế nằm sấp sẽ gia tăng áp lực lên các cơ quan này và khiến triệu chứng ợ nóng trở nên trầm trọng hơn.
-
Trong ba tháng cuối: Lúc này, với tốc độ phát triển nhanh chóng, thai nhi đã lớn hơn rất nhiều. Tư thế nằm sấp sẽ chèn ép tĩnh mạch, cản trở quá trình lưu thông máu và quá trình cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Bên cạnh đó, nằm sấp sẽ tạo áp lực lên cơ thể thai nhi, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của em bé.
Mẹ bầu tuyệt đối không nằm sấp kể cả khi bụng còn nhỏ
Do đó, mẹ bầu tuyệt đối không nên nằm sấp trong suốt thai kỳ, ngay cả trong giai đoạn 3 tháng đầu khi bụng mẹ còn nhỏ.
Các tư thế ngủ phụ nữ mang thai nên tránh
Ngoài nằm sấp, mẹ bầu nên tránh các tư thế ngủ sau để bảo vệ sức khỏe cho thai nhi và bản thân:
Tư thế nằm ngửa
Ở giai đoạn đầu, khi bụng mẹ còn nhỏ thì vẫn có thể nằm ngửa. Nhưng khi sang đến tuần thứ sáu, thai nhi đã phát triển với kích thước lớn thì mẹ nên tránh tư thế này. Ở tư thế nằm ngửa, thai nhi đè lên cột sống, cơ lưng, ruột và các mạch máu của mẹ, do vậy mẹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đau nhức xương khớp, bệnh trĩ và phù nề nghiêm trọng. Nằm ngửa khiến sự lưu thông và trao đổi máu giữa mẹ và thai nhi bị cản trở khiến bé không thể hấp thụ được oxy và chất dinh dưỡng.
Nằm nghiêng bên phải
Mẹ cần tránh nằm ở tư thế này trong những tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn này, thai nhi có xu hướng quay sang bên phải, nếu mẹ nằm nghiêng bên phải sẽ làm cho các mạch máu trong tử cung bị vặn xoắn, đồng thời gây chèn ép mạch máu dẫn đến nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Nằm gục trên bàn
Làm việc quá sức trong thời gian mang thai sẽ làm mẹ bầu mệt mỏi và vô tình nằm ngủ trong tư thế gục trên bàn. Trong tư thế nằm này, bụng mẹ sẽ bị gập lại, tạo áp lực chèn ép thai nhi. Tư thế cong lưng sẽ làm cản trở hoạt động hô hấp của phổi dẫn đến tình trạng thai nhi bị thiếu oxy và gặp nguy hiểm.
Mẹ bầu nằm ngửa có thể làm thai chết lưu
Tư thế ngủ nào tốt cho mẹ bầu?
Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, tư thế ngủ nằm nghiêng về một bên, đặc biệt là bên trái là tư thế ngủ tốt nhất trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ vì nằm nghiêng sẽ giúp mẹ bầu hô hấp tốt hơn và làm giảm áp lực lên tử cung.
Nằm nghiêng qua bên trái là tư thế ngủ đem lại rất nhiều lợi ích
-
Nên nghiêng mình qua bên trái khi ngủ. Nằm ngủ nghiêng trái đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất nằm nghiêng mình sang trái sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển chất dinh dưỡng và máu đến nhau thai. Thứ hai, tư thế này giúp giữ tử cung không đè lên gan và các nội tạng khác. Thứ ba, nằm nghiêng trái sẽ làm giảm áp lực ở chân và lưng, tạo cảm giác thoải mái cho bà bầu. Thứ tư, ngủ trong tư thế này cũng làm giảm tình trạng phù chân ở mẹ bầu trong những tháng cuối do phù chân sinh lý. Cuối cùng, tư thế này cũng tránh được tử cung chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới gây cản trở lưu thông máu.
- Khi nằm ngủ liên tục ở một tư thế trong thời gian dài sẽ làm cơ thể không được thoải mái, vì vậy mẹ bầu cần phải thay đổi nghiêng bên này hoặc sang bên kia, tuy nhiên cần tạo thói quen nghiêng trái nhiều hơn.
-
Gác chân cao và đặt đầu cao giúp mẹ bầu tránh được các bệnh lý. Từ tháng thứ 4 trở đi đối với các mẹ có các tiền sử bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch, chuột rút nên gác chân cao khi ngủ. Ngoài ra, mẹ nên nằm đầu cao để hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày do tử cung phát triển chèn ép dạ dày. Gối cao đầu và lưng bằng gối mềm còn giúp giảm áp lực của thai nhi lên đường hô hấp trên của mẹ, hạn chế tình trạng ngáy của mẹ khi ngủ.
-
Sử dụng gối dành riêng cho bà bầu. Nằm liên tục trong một tư thế sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, do vậy mẹ nên có chiếc gối dài mềm để kê phía trước và phía sau nhằm mục đích làm giảm áp lực do trọng lượng của bụng, giữ cho cột sống được thẳng, giảm sức ép do trọng lượng của chân này lên chân kia, mang đến cho mẹ bầu giấc ngủ bình yên và thoải mái.
Mẹ nên sử dụng gối chuyên dụng dành riêng cho bà bầu
Mang thai là giai đoạn ngắn nhưng vô cùng thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Trong thời gian này, tư thế ngủ của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con. Do đó, mẹ bầu cần trang bị kiến thức về tư thế ngủ tốt nhất cũng như chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và thoải mái cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Hy vọng qua bài viết trên, mẹ bầu đã có thể tự mình trả lời cho câu hỏi: “Nằm sấp có bị sảy thai không?” cũng như nắm được các tư thế ngủ tốt nhất cho thai kỳ. Chúc mẹ bầu có một thai kỳ thật khỏe mạnh và an toàn!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp