Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nên hay không vệ sinh răng miệng bằng nước muối?

Ngày 03/11/2021
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vệ sinh răng miệng bằng nước muối không chỉ giúp diệt trừ vi khuẩn hiệu quả, mà còn ngăn ngừa nhiều bệnh răng miệng khác như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng,...

Sau khi chải răng, nhiều người thường có thói quen vệ sinh răng miệng bằng nước muối. Dung dịch nước muối có tính sát khuẩn, loại trừ vi khuẩn có hại cho răng, khử mùi hôi khó chịu của khoang miệng,... Để biết rõ hơn về tác dụng của việc súc miệng bằng nước muối, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các thông tin hữu ích được đề cập trong bài viết này.

Nước muối súc miệng có hiệu quả không? Tác dụng của nước muối

Để trả lời cho câu hỏi vệ sinh răng miệng bằng nước muối có nên hay không và hiệu quả như thế nào, chúng ta phải nắm rõ được công dụng của dung dịch này. Trong thành phần của nước muối của chứa Natri Clorua. Hoạt chất này có tác dụng tốt trong việc kiềm hãm sự sinh sôi nảy nở của nhiều loại vi khuẩn có trong thức ăn hàng ngày. Bởi lẽ, vi khuẩn có hại muốn phát triển thì cần phải có môi trường hoạt động tốt, đó chính là môi trường ẩm ướt. Thế nhưng, muối lại có tính hấp thu các phân tử nước, khiến môi trường thiếu nước và thiếu độ ẩm, vi khuẩn cũng không thể phát triển nhiều.

Công dụng của nước muối đối với vệ sinh răng miệngVệ sinh răng miệng bằng nước muối giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Chính bởi công dụng này mà nhiều bác sĩ nha khoa khuyên chúng ta nên súc miệng bằng nước muối bên cạnh việc dùng kem đánh răng. Ngoài việc hút nước để khoang miệng không ẩm ướt, nước muối còn làm tăng độ pH trong khoang miệng, ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn có hại. Một số tác dụng khác của việc vệ sinh răng miệng bằng nước muối:

  • Ngăn ngừa mùi hôi khó chịu trong khoang miệng: Như đã nói, nước muối ức chế sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn có hại. Các vi khuẩn này là nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng và viêm nướu, viêm nha chu. Vì thế, thường xuyên súc miệng bằng nước muối sẽ giúp bạn loại bỏ mùi hôi, mảng bám thức ăn dư thừa kẹt trong các khe hở.
  • Làm lành vết thương trong khoang miệng: Nước muối thúc đẩy sự tuần hoàn máu trong khoang miệng, làm mau lành các vết thương, vết lở loét. Đây cũng là lý do vì sao nha sĩ thường khuyên bạn nên súc miệng bằng nước muối khi mới nhổ răng hoặc làm phẫu thuật liên quan đến răng miệng.
  • Phòng ngừa một số bệnh về răng miệng như viêm nha chu, sâu răng, viêm nướu, đau họng,... Dung dịch nước muối tăng cường lớp bảo vệ giúp răng chắc khỏe và cứng cáp hơn.

Cách dùng nước muối để súc miệng đúng cách

Cách vệ sinh răng miệng bằng nước muối vô cùng nhanh chóng và đơn giản. Bạn có thể tự pha dung dịch nước muối pha loãng tại nhà hoặc mua tại các tiệm thuốc tây. Nếu như pha dung dịch nước muối tại nhà, bạn chuẩn bị 250 ml nước ấm tầm khoảng 40 độ C, sau đó cho 1 muỗng cà phê muối vào và khuấy đều cho đến khi tan.

Một điều bạn nên lưu ý là không nên pha nước muối quá mặn sẽ phản tác dụng. Nồng độ muối quá cao sẽ khiến tổn thương khoang miệng, thậm chí gây mất vị giác. Bạn có thể cho thêm nha đam để khử mùi hôi, baking soda để tẩy trắng răng.

Hướng dẫn vệ sinh răng miệng bằng nước muốiVệ sinh răng miệng bằng nước muối không quá khó khăn và dễ thực hiện ngay tại nhà.

Hướng dẫn các bước vệ sinh răng miệng đúng cách bằng nước muối:

  • Bước 1: Ngậm một ít nước muối vừa đủ, không nên ngậm quá nhiều sẽ rất khó khăn khi súc. 
  • Bước 2: Súc miệng ít nhất 30 giây. Khi súc, bạn chú ý để nước muối tiếp xúc toàn bộ khoang miệng để loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám.
  • Bước 3: Nhổ nước muối ra và tiếp tục lặp lại như bước 1. Trong lần súc miệng tiếp theo này, thời gian nên kéo dài hơn ít nhất 60 giây để nước muối làm sạch sâu khoang miệng.
  • Bước 4: Súc miệng lại bằng nước sạch để loại bỏ phần muối dư thừa bên trong khoang miệng.

Có nên súc miệng bằng nước muối thường xuyên?

Tuy rằng vệ sinh răng miệng bằng nước muối là việc tốt, thế nhưng bạn không nên lạm dụng súc miệng bằng nước muối quá nhiều. Tinh thể muối có thể sẽ làm hư hỏng lớp men răng dẫn đến việc mòn men răng gây nên các bệnh lý khác cho răng miệng. Bạn nên súc miệng bằng nước muối khoảng 3 đến 4 lần/tuần là đủ.

Trong trường hợp mới nhổ răng, sau hai ngày bạn mới nên súc miệng bằng nước muối. Vì Natri Clorua có thể làm máu khó đông, vết thương chưa kín miệng khi súc nước muối sẽ bị chảy máu, khó lành hơn.

Có nên vệ sinh răng miệng bằng nước muốiBạn chỉ nên vệ sinh răng miệng bằng nước muối 3 - 4 lần/tuần để tránh mòn men răng.

Một điều bạn nên lưu ý là tuyệt đối không nên nuốt nước muối mà chỉ súc miệng và nhổ ra ngoài sau đó. Nồng độ muối khi vào cơ thể sẽ dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về huyết áp, thận, tim mạch,... Bên cạnh đó, đừng nghĩ rằng việc vệ sinh răng miệng bằng nước muối sẽ thay thế cho việc đánh răng. Cả hai hình thức đều có vai trò khác nhau, và chúng không thể thay thế cho nhau. 

Tóm lại, việc vệ sinh răng miệng bằng nước muối là điều cần thiết. Đây là một phương pháp giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại cho răng, giúp bạn chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt hơn. Súc miệng bằng nước muối còn ngăn ngừa nhiều bệnh có liên quan đến răng miệng như viêm nướu, sâu răng, giúp làm mau lành vết thương, làm dịu vết lở loét do nhiệt, giảm đau họng nhanh chóng. Hy vọng rằng qua các thông tin được cung cấp trong bài, chúng tôi đã giúp bạn hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc súc miệng bằng nước muối. Một hàm răng chắc khỏe sẽ giúp chúng ta luôn tự tin với nụ cười rạng rỡ trên môi.

Bảo Vân

Nguồn: Vinmec

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm