Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Xông hơi là một liệu pháp thư giãn quen thuộc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về thời gian xông hơi hợp lý. Bài viết này của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc nên xông hơi bao lâu và cách xông hơi thế nào tốt cho sức khỏe.
Xông hơi từ lâu trở thành một phương pháp thư giãn và chăm sóc sức khỏe được nhiều người áp dụng. Nhiệt độ cao và độ ẩm trong phòng xông hơi giúp cơ thể đào thải độc tố, gia tăng lưu thông tuần hoàn máu, giảm căng thẳng. Nhưng để đạt hiệu quả tốt nhất, chúng ta nên xông hơi bao lâu và xông hơi thế nào?
Thời gian xông hơi lý tưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng trung bình, mỗi lần xông hơi chỉ nên kéo dài từ 10 - 15 phút. Đây là khoảng thời gian được các chuyên gia khuyến nghị để cơ thể đủ thời gian đào thải độc tố, thúc đẩy tuần hoàn máu và giúp thư giãn mà không gây nguy cơ mất nước hoặc căng thẳng cho tim mạch. Một số yếu tố ảnh hưởng đến thời gian xông hơi cần được cân nhắc kỹ như:
Những người có bệnh nền như huyết áp cao, bệnh tim mạch hoặc người cao tuổi và trẻ em khi xông hơi nên giảm thời gian xuống còn 5 - 10 phút để tránh áp lực quá lớn lên hệ tuần hoàn. Phụ nữ mang thai hoặc người đang mắc bệnh cấp tính không nên xông hơi.
Xông hơi khô thường có nhiệt độ cao hơn (40 - 60°C) nhưng độ ẩm thấp, thời gian phù hợp là 10 - 15 phút. Xông hơi ướt với nhiệt độ khoảng 30 - 50°C và độ ẩm cao, có thể kéo dài đến 20 phút, tùy vào khả năng chịu đựng của cơ thể. Xông hơi thảo dược thường mang tính trị liệu, thời gian được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng, nhưng không nên vượt quá 20 phút.
Nếu mục đích xông hơi để thư giãn và giảm căng thẳng, thời gian 10 - 15 phút là phù hợp. Đối với mục đích hỗ trợ giảm cân, thời gian có thể kéo dài hơn một chút nhưng cần được giám sát để đảm bảo an toàn. Xông hơi thải độc thời gian lý tưởng có thể kéo dài 15 - 20 phút.
Xông hơi mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng nếu xông hơi quá lâu có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng. Một trong những vấn đề phổ biến nhất là tình trạng mất nước. Khi cơ thể đổ mồ hôi quá mức, lượng nước và muối khoáng bị mất đi nhanh chóng, dẫn đến tình trạng chóng mặt, buồn nôn, thậm chí có thể gây kiệt sức nếu không được bổ sung nước kịp thời.
Ngoài ra, xông hơi kéo dài có thể làm tăng huyết áp và khiến tim đập nhanh. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), nhiệt độ cao trong phòng xông hơi làm tăng áp lực lên tim và mạch máu, đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh lý về tim mạch hoặc huyết áp. Việc duy trì thời gian xông hơi vượt mức khuyến nghị có thể dẫn đến rối loạn tuần hoàn, thậm chí gây ngất xỉu. Vì những tác hại trên, chúng ta nhất định nên tìm hiểu kỹ nên xông hơi bao lâu.
Xông hơi quá lâu còn gây hại cho làn da. Mồ hôi và nhiệt độ cao có thể làm mở rộng lỗ chân lông quá mức, khiến da trở nên khô ráp, kích ứng. Nếu nhiệt độ trong phòng xông hơi quá cao hoặc vòi phun hơi nước hướng trực tiếp vào người, bạn có thể bị bỏng do hơi nước.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất và tránh tác dụng phụ của xông hơi, bạn cần thực hiện đúng cách. Trước khi xông hơi, bạn nên uống đủ nước. Đồng thời bạn cũng nên uống nước từng chút một trong khi xông để duy trì lượng nước trong cơ thể, tránh bị thiếu nước.
Tắm trước khi xông hơi giúp loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi và vi khuẩn trên da. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho đào thải độc tố qua lỗ chân lông. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên tắm sau khi xông hơi. Khi lỗ chân lông mở rộng và cơ thể đang nóng, việc tiếp xúc với nước lạnh có thể khiến cơ thể bị sốc nhiệt, giảm sức đề kháng và dễ bị cảm lạnh.
Có “2 không” khi xông hơi bạn cần lưu ý gồm: Không xông hơi khi đói hoặc no mà chỉ nên xông hơi sau khi ăn khoảng 1 - 2 giờ và không xông hơi quá thường xuyên. Ngoài nên xông hơi bao lâu bạn cũng cần biết tần suất lý tưởng để xông hơi là từ 1 - 2 lần/tuần.
Trong khi xông hơi, bạn cần điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp, không nên quá nóng để tránh gây sốc nhiệt cho cơ thể. Bên cạnh đó, bạn hãy thư giãn và hít thở sâu, giúp cơ thể hấp thụ hơi nước tốt hơn và đạt được hiệu quả thư giãn tối đa.
Xông hơi là một phương pháp thư giãn, trị liệu, chăm sóc sức khỏe cổ truyền.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Thermal Biology, việc tiếp xúc với nhiệt độ cao trong phòng xông hơi giúp cơ thể đào thải độc tố thông qua việc tiết nhiều mồ hôi. Đồng thời, quá trình này còn cải thiện tuần hoàn máu, giảm căng thẳng và mệt mỏi, góp phần nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Không chỉ vậy, xông hơi còn là cách detox, làm sạch làn da và kích thích lưu thông máu đến da. Hơi nước nóng sẽ khiến các lỗ chân lông mở rộng và đẩy bụi bẩn, bã nhờn lên bề mặt da. Từ đó nó giúp ngăn ngừa mụn và làm da sáng mịn hơn. Nhiệt độ cao trong phòng xông hơi còn kích thích sản sinh collagen, giúp da săn chắc và trẻ trung hơn.
Đối với những người thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, viêm xoang, xông hơi cũng là một liệu pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả. Hơi nước nóng giúp làm loãng dịch nhầy, thông thoáng đường thở và giảm các triệu chứng khó chịu. Bên cạnh đó, việc xông hơi thường xuyên còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.
Ngoài tìm hiểu nên xông hơi bao lâu, có một số lưu ý quan trọng khác bạn cần biết. Xông hơi mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng một số người không nên áp dụng như: Phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 16 tuổi, người bị tim mạch, huyết áp cao, người bị hen suyễn, người có vấn đề về hô hấp.
Ngoài ra, trước khi quyết định xông hơi, những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh thận nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Khi xông hơi tại nhà, bạn có thể sử dụng các loại nước lá thảo mộc hoặc các loại tinh dầu thiên nhiên. Xông hơi bằng tinh dầu bạc hà giúp giảm đau đầu, thông mũi họng, tinh thần sảng khoái. Xông hơi bằng tinh dầu sả chanh giúp tinh thần thư giãn. Xông hơi bằng tinh dầu oải hương giúp bạn giảm căng thẳng và có giấc ngủ ngon. Tinh dầu tràm lại có công dụng kháng khuẩn, giảm viêm. Ngoài ra bạn cũng có thể xông hơi giải cảm bằng dầu gió.
Nếu trong quá trình xông cảm thấy chóng mặt, tức ngực hoặc khó thở, bạn hãy ra khỏi phòng xông hơi ngay lập tức. Sau đó, bạn hãy lau khô người bằng khăn mềm, thay quần áo mới, cởi bỏ quần áo chật để cơ thể được thông thoáng. Việc bạn cần làm tiếp theo là hít thở sâu và đều để cung cấp đủ oxy cho cơ thể rồi nằm nghỉ ở tư thế thoải mái, nâng cao chân để tăng cường lưu thông máu.
Xông hơi là một phương pháp tuyệt vời để thư giãn và cải thiện sức khỏe, nhưng chúng ta không nên lạm dụng xông hơi. Bạn hãy kết hợp xông hơi đúng cách với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.