Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm trở nặng cần nắm rõ

Ngày 07/02/2025
Kích thước chữ

Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Mặc dù hầu hết các trường hợp cúm đều nhẹ và tự khỏi, nhưng cũng có những trường hợp bệnh trở nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Cúm là một bệnh lý thường gặp, nhưng có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 3 - 5 triệu người trên toàn cầu mắc cúm mùa nặng, trong đó có khoảng 290.000 - 650.000 người tử vong do biến chứng nghiêm trọng của cúm. Vì vậy, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo cúm trở nặng là vô cùng quan trọng để kịp thời đưa người bệnh vào viện điều trị. Dưới đây là một số dấu hiệu cần chú ý:

Khó thở hoặc thở gấp

Một trong những dấu hiệu nghiêm trọng nhất của bệnh cúm trở nặng là tình trạng khó thở, thở nhanh hoặc thở nông. Khi virus cúm tấn công vào đường hô hấp, nó có thể gây ra viêm phổi hoặc suy hô hấp - hai biến chứng có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Người bệnh có thể cảm thấy như không đủ không khí để thở, có cảm giác tức ngực hoặc phải ngồi dậy để dễ thở hơn. Trường hợp nặng hơn, môi và đầu ngón tay có thể trở nên tím tái do thiếu oxy. Ngoài ra, nếu xuất hiện triệu chứng ho ra máu hoặc thở khò khè, người bệnh cần nhập viện ngay lập tức.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm trở nặng cần nắm rõ 2
Khó thở, thở nhanh là dấu hiệu của viêm phổi hoặc suy hô hấp - biến chứng nguy hiểm của cúm

Đau ngực hoặc đau bụng dữ dội

Bệnh cúm không chỉ gây ảnh hưởng đến đường hô hấp mà còn có thể tác động đến tim mạch. Viêm cơ tim do virus cúm có thể gây ra những cơn đau ngực kéo dài, cảm giác nặng nề ở vùng ngực, có thể lan sang cánh tay, cổ hoặc lưng. Trong một số trường hợp, cúm cũng có thể gây viêm màng ngoài tim hoặc làm trầm trọng thêm bệnh lý tim mạch sẵn có.

Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể gặp phải triệu chứng đau bụng dữ dội, kèm theo buồn nôn, tiêu chảy. Điều này có thể do cơ thể bị mất nước hoặc nhiễm virus cúm chủng có khả năng tác động đến hệ tiêu hóa.

Chóng mặt, lú lẫn, không thể tỉnh táo

Các biểu hiện suy giảm ý thức, động kinh và khiếm khuyết thần kinh khu trú có thể là triệu chứng của bệnh não hoặc viêm não liên quan đến cúm. Người bệnh có thể trở nên lú lẫn, mất phương hướng, khó diễn đạt hoặc thậm chí mất liên lạc với môi trường xung quanh. Khi người bệnh không thể duy trì được trạng thái tỉnh táo, có dấu hiệu mất nhận thức đột ngột hoặc không nhớ quá trình bệnh lý, cần đưa đi cấp cứu ngay.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm trở nặng cần nắm rõ 3
Bệnh cúm khi trở nặng có thể gây chóng mặt dai dẳng, lú lẫn và không thể tỉnh táo

Động kinh

Trong một số trường hợp hiếm gặp, virus cúm có thể gây ra viêm màng não hoặc viêm não, dẫn đến các cơn co giật hoặc động kinh. Điều này thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc những người có bệnh lý thần kinh nền.

Nếu người bệnh có dấu hiệu co giật, mắt trợn ngược, tay chân co cứng hoặc run rẩy không kiểm soát, đây là tình trạng nguy hiểm cần được cấp cứu ngay. Đặc biệt, nếu sau cơn co giật, người bệnh không thể tỉnh táo lại bình thường hoặc có dấu hiệu suy giảm nhận thức, cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Không đi tiểu hoặc giảm lượng nước tiểu

Sốt cao, đổ mồ hôi nhiều, nôn mửa hoặc tiêu chảy khi bị cúm có thể khiến cơ thể mất nước nhanh chóng. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của mất nước là giảm lượng nước tiểu hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ.

Người bệnh có thể cảm thấy khát nước liên tục, môi khô nứt nẻ, da mất độ đàn hồi và nước tiểu có màu sậm hơn bình thường. Nếu không được bù nước kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến suy thận cấp tính, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm trở nặng cần nắm rõ 1
Không đi tiểu hoặc giảm lượng nước tiểu - Dấu hiệu của mất nước nghiêm trọng khi bị cứm nặng

Đau cơ nặng

Bệnh cúm thường đi kèm với triệu chứng đau nhức cơ thể, nhưng nếu cơn đau trở nên dữ dội, ảnh hưởng đến khả năng đi lại hoặc vận động, đây có thể là dấu hiệu của viêm cơ do virus cúm.

Đối với trẻ nhỏ, cần theo dõi nếu bé quấy khóc liên tục, khó di chuyển hoặc có biểu hiện đau khi chạm vào cơ bắp. Viêm cơ do cúm có thể gây ra những tổn thương kéo dài nếu không được điều trị kịp thời.

Yếu cơ nghiêm trọng hoặc mất thăng bằng

Người bệnh có thể cảm thấy đau mỏi cơ, yếu, kiệt sức, khó giữ thăng bằng và chóng mặt khi di chuyển. Đây là dấu hiệu của việc cơ thể đang chịu tổn thương lớn và không đủ sức vận động như bình thường. Nếu người bệnh không thể di chuyển mà không có sự hỗ trợ, có triệu chứng cứng cơ hoặc cảm giác buồn nôn liên tục, việc tư vấn bác sĩ và điều trị kịp thời là rất cần thiết.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm trở nặng cần nắm rõ 4
Người bệnh cúm có thể cảm thấy đau mỏi cơ, yếu, kiệt sức, khó giữ thăng bằng

Bệnh mạn tính trở nặng

Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng khi mắc cúm. Nếu người bệnh cảm thấy bệnh lý mạn tính của mình đột nhiên trở nặng, cần đến gặp bác sĩ ngay để được theo dõi và điều chỉnh phương pháp điều trị.

Việc nhận diện và xử lý sớm các dấu hiệu trở nặng của bệnh cúm có thể giúp giảm thiểu biến chứng nghiêm trọng và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bạn và người thân. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm là tiêm vắc xin cúm hàng năm, đặc biệt là trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên nên được tiêm phòng định kỳ. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là hệ thống tiêm chủng hiện đại, cung cấp đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn đến phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm, quy trình tiêm chủng đạt chuẩn và cơ sở vật chất khang trang, Long Châu cam kết mang đến dịch vụ tiêm chủng an toàn, chất lượng và tiện lợi.

Hãy đến ngay Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được tiêm vắc xin cúm, khách hàng sẽ được tư vấn tận tình, theo dõi sức khỏe sau tiêm và có lịch trình tiêm chủng phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin