Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nghiệm pháp dây thắt là gì? Khi thực hiện có nguy hiểm không?

Ngày 23/10/2022
Kích thước chữ

Đánh giá sức bền của mao mạch thông qua các nốt xuất huyết dưới da sau khi thực hiện tăng áp lực của máu bằng cách tạo ra một sự ứ đọng tĩnh mạch. Đây chính là nghiệm pháp dây thắt được dùng để đánh giá giai đoạn cầm máu ban đầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm rất phổ biến ở các nước nhiệt đới như Việt Nam và được chẩn đoán xác định khi thực hiện xét nghiệm kháng nguyên NS1 Ag. Tuy có độ chính xác cao nhưng thời gian chờ kết quả xét nghiệm lại kéo dài có thể khiến việc xử trí các biến chứng trở nên chậm trễ. Vì vậy mà nghiệm pháp dây thắt ra đời nhằm mục đích chẩn đoán sớm sốt xuất huyết để chủ động điều trị kịp thời và hiệu quả.

Nghiệm pháp dây thắt là gì?

Nghiệm pháp dây thắt là một nghiệm pháp dùng để kiểm tra, đánh giá sức bền thành mạch, chủ yếu là thành mao mạch. Nguyên lý của nghiệm pháp dây thắt là cản trở tuần hoàn về tim để áp lực trong lòng tĩnh mạch tăng, qua đó làm tăng áp lực mao mạch, tiếp theo là giảm áp lực một cách đột ngột. Nếu thành mạch kém bền vững thì hồng cầu sẽ bị đẩy ra khỏi thành mạch và dưới da sẽ xuất hiện hình thái những chấm xuất huyết nhỏ.

Nghiệm pháp dây thắt giúp kiểm tra, đánh giá sức bền thành mạch, chủ yếu là thành mao mạch. Nghiệm pháp dây thắt giúp kiểm tra, đánh giá sức bền thành mạch

Nghiệm pháp dây thắt được sử dụng trong sốt xuất huyết để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh xuất huyết. Phương pháp hỗ trợ xác định các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn huyết do não mô, thương hàn, bệnh bạch hầu, bệnh sởi, sốt xuất huyết,… hoặc các bệnh gây xuất huyết khác nhưng không có triệu chứng sốt. Bác sĩ sẽ thực hiện nghiệm pháp này trong tất cả những trường hợp nghi ngờ suy giảm sức bền thành mao mạch.

Nghiệm pháp dây thắt có an toàn không?

Nhiều người thắc mắc rằng liệu nghiệm pháp dây thắt có nguy hiểm gì không? Nghiệm pháp dây thắt tuy đơn giản, dễ tiến hành và không có rủi ro nhưng bệnh nhân không nên tự ý thực hiện và đưa ra kết luận. Ngoài ra, một vài sai sót có thể ảnh hưởng đến kết quả như:

  • Nhầm với các đốm xuất huyết cũ.
  • Tạo áp lực quá cao (gây đau cho bệnh nhân) hoặc quá thấp.
  • Thời gian tạo áp lực chưa đủ dài.

Cách thực hiện nghiệm pháp dây thắt

Để thực hiện nghiệm pháp này, bệnh nhân không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt trừ khi có yêu cầu riêng từ bác sĩ. Trước đây, nghiệm pháp này chỉ đơn giản là dùng bất kỳ loại dây nào thắt trong 5 phút ở cánh tay cho đến khi thấy những chấm đỏ xuất hiện. 

Cách thực hiện nghiệm pháp dây thắt Cách thực hiện nghiệm pháp dây thắt để chẩn đoán sốt xuất huyết

Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố có thể làm giảm độ chính xác của kết quả như loại dây thắt, áp lực và cách nhận định nghiệm pháp là dương tính. Vì vậy, hiện nay cách làm nghiệm pháp dây thắt được thực hiện theo quy trình như sau:

  • Kiểm tra đốm xuất huyết trên tay bệnh nhân. Nếu có cần ghi rõ để phân biệt với các đốm mới xuất hiện sau khi tiến hành thực hiện nghiệm pháp này.
  • Dùng máy đo huyết áp, quấn bao đo trên cánh tay và bơm hơi lên để đo chỉ số huyết áp. 
  • Tiếp tục duy trì bơm vòng bít với áp lực trung bình trong 10 phút sau đó tháo nhanh và bỏ máy đo huyết áp ra. Thời gian duy trì tối thiểu phải từ 5 - 7 phút, nhưng đúng tiêu chuẩn phải là đủ 10 phút.
  • Giơ cao tay của bệnh nhân cho máu lưu thông bình thường trở lại. Đợi khoảng 2 phút và đếm đốm xuất huyết mới xuất hiện ở vị trí mặt trong cánh tay từ khuỷu tay trở xuống trên 1cm².

Khi quan sát mặt trong của cánh tay bệnh nhân, phần phía dưới dây thắt và đếm các đốm xuất huyết, tùy vào số lượng và thời gian xuất hiện cũng như vị trí, ta có các kết quả cụ thể sau:

  • 5 - 9 đốm/cm²: Nghi ngờ/dương tính (+).
  • 10 - 19 đốm/cm²: Dương tính (++).
  • > 19 đốm/cm²: Dương tính (+++).

Các đốm xuất huyết thường có đường kính khoảng một vài milimet, có thể to hơn nhưng không lớn hơn 1cm, màu đỏ, phẳng với mặt da. Khi dùng phiến kính ấn hoặc căng da, các đốm xuất huyết vẫn không biến mất và chỉ biến mất trong 2 - 5 ngày.

Nếu bệnh nhân có sốt, cần xét nghiệm thêm các bệnh nhiễm khuẩn như viêm màng não mô cầu, thương hàn, bệnh bạch hầu, bệnh sởi, sốt xuất huyết…Nếu bệnh nhân không sốt, cần tham khảo những trường hợp sau:

  • Thiếu vitamin C, vitamin PP.
  • Do bệnh miễn dịch, dị ứng.
  • Do một số bệnh như: Lao, xơ gan, đái tháo đường, suy thận,…
  • Do thiếu hụt các yếu tố đông máu của huyết tương.
  • Do bệnh tiểu cầu.
  • Do xuất hiện hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch.

Nghiệm pháp dây thắt trong chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue

Nếu kết quả nghiệm pháp dây thắt là dương tính và bệnh nhân có đồng thời cả hai dấu hiệu giảm tiểu cầu và cô đặc máu thì được chẩn đoán là mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue và được phân loại theo WHO như sau:

  • Độ I: Bệnh nhân bị sốt và không có xuất huyết tự nhiên, có thể gây ra trường hợp tiểu cầu giảm và hematocrit tăng.
  • Độ II: Bệnh nhân bị sốt và xuất huyết tự nhiên, tiểu cầu giảm, hematocrit tăng.
  • Độ III: Tiểu cầu giảm và hematocrit tăng, huyết động không ổn định: Mạch lăn tăn, huyết áp kẹt, tay chân lạnh, tinh thần lơ mơ lẫn lộn.
  • Độ IV: Tiểu cầu và hematocrit tăng, bệnh nhân không có mạch ngoại biên, huyết áp 0mmHg.
nghiệm pháp dây thắt không thể cho kết quả hoàn toàn chính xác đến 100%Nghiệm pháp dây thắt không hoàn toàn chính xác đến 100% 

Tuy nhiên, nghiệm pháp này không thể cho kết quả hoàn toàn chính xác đến 100% để chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Một số yếu tố cũng có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả, chẳng hạn như giai đoạn trước/sau kỳ kinh ở phụ nữ. Bên cạnh đó, những bệnh nhân bị tổn thương da do tác động của ánh sáng mặt trời thường cũng có mao mạch rất dễ bị tổn thương, nếu thực hiện có thể cho ra kết quả dương tính.

Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng thường thấy là sốt kèm theo xuất huyết ở da hoặc niêm mạc và giảm tiểu cầu trong máu. Nghiệm pháp dây thắt có thể dùng để chẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết nhưng đây không phải dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh này, vì vậy nếu nghi ngờ kết quả của nghiệm pháp thì bệnh nhân nên làm thêm các xét nghiệm khác để xác định sốt xuất huyết.

Phương Nhi

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.