Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nghiện rượu và hội chứng cai nghiện rượu

Ngày 05/03/2022
Kích thước chữ

Nghiện rượu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bản thân gia đình và các mối quan hệ xã hội. Đối với những người nghiện rượu, việc cai rượu hoặc bỏ rượu cũng gặp những khó khăn do bệnh nhân phải đối mặt với hội chứng cai nghiện rượu với những diễn biến khó lường.

Bài viết này sẽ làm rõ thông tin về hội chứng cai nghiện rượu và cách điều trị.

Thế nào là nghiện rượu?

Dựa vào bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10, nghiện rượu được xếp vào loại rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng những chất tác động tâm thần. Trong rượu chứa etanol - thành phần chủ yếu được hình thành trong quá trình làm lên men rượu.

Khái niệm rối loạn sử dụng rượu dùng để mô tả hành vi uống rượu một cách thái quá và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Thuật ngữ này khá mới mẻ, là sự kết hợp giữa hai khái niệm phụ thuộc rượu và lạm dụng rượu hay như cách gọi thông thường là nghiện rượu.

Nghiện rượu là một bệnh mãn tính rất dễ tái phát bao gồm những triệu chứng sau: 

Bệnh nhân thường xuyên sử dụng rượu như một yếu tố không thể thiếu.

Bệnh nhân có thể không kiểm soát được bản thân liên quan đến việc uống rượu.

Khi không sử dụng rượu, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý nặng nề.

Ở giai đoạn sớm bệnh nhân thường chưa có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Nếu không được điều trị tình trạng uống rượu vẫn tiếp diễn thì sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nếu sử dụng rượu quá mức nguy cơ tử vong có thể xảy ra.

Nghiện rượu và hội chứng cai nghiện rượu 1 Nghiện rượu rất dễ tái phát vì nếu không sử dụng, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý.
Theo một số thống kê ở Hoa Kỳ, nguyên nhân cái chết của 88.000 người mỗi năm đều có liên quan đến rượu. Nguy cơ tử vong còn cao hơn nữa, nếu như vừa nghiện rượu vừa hút thuốc và có lối sống ít vận động, ăn uống kém. Con số tử vong lên đến 31% có liên quan đến sử dụng rượu khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông. 

Mức độ nghiện rượu từ giai đoạn nhẹ, trung bình đến nặng có ảnh hưởng đến gần 16 triệu người Mỹ. Những thông tin về rối loạn sử dụng rượu bạn cũng nên biết để tránh rơi vào tình trạng này. Đây cũng là bước dự phòng và điều trị nghiện rượu.

Làm thế nào để cai nghiện rượu?

Phương pháp điều trị cai nghiện rượu hiệu quả duy nhất là từ bỏ rượu hoặc chất uống có cồn một cách triệt để nhất. Phương pháp điều trị tâm lý đóng vai trò vô cùng quan trọng chỉ khi người nghiện rượu chấp nhận điều trị mới có thể giúp họ thoát khỏi “ma men”. Bệnh nhân cần nói chuyện với chuyên gia, bác sĩ về tình trạng của bệnh nhân để bác sĩ đánh giá, tìm ra biện pháp phù hợp như chương trình cai nghiện dài hạn, tư vấn gia đình, trị liệu nhóm, tổ chức Alcoholics Anonymous, và điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó thuốc hỗ trợ giúp bệnh nhân giảm bớt các triệu chứng của hội chứng cai nghiện rượu.

Khái quát hội chứng cai nghiện rượu

Nghiện rượu gây rất nhiều hệ lụy cho bản thân người gia đình và xã hội. Người nghiện rượu khi ngừng uống rượu hoặc bỏ rượu đột ngột thường gặp những thay đổi lớn trong cơ thể, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng. Đó được gọi là hội chứng cai nghiện rượu Alcohol Withdrawal Syndrome - AWS. Hội chứng này xuất hiện sau khi người bệnh cai nghiện rượu đột ngột.

Nghiện rượu và hội chứng cai nghiện rượu2 Ngừng rượu đột ngột có thể dẫn tới hội chứng cai nghiện rượu.

Hội chứng cai nghiện rượu hay còn gọi là hội chứng ngưng rượu xuất hiện ở những người đã nghiện rượu, nhưng vì lý do nào đó đã ngừng uống đột ngột hoặc giảm đáng kể lượng rượu nạp vào hằng ngày. 

Có thể xảy ra những bệnh sau: các bệnh nội khoa như cao huyết áp, bệnh tá tràng, nhiễm trùng, loét dạ dày, viêm gan, xơ gan, viêm cầu thận mãn,… chiếm đến trên 70% lý do bệnh nhân phải ngừng uống rượu. Bao gồm những chấn thương viêm tụy cấp, đau ruột thừa có khoảng 20% trường hợp cai nghiện rượu. Trường hợp tự nguyện cai rượu chỉ chiếm 5% số trường hợp cai rượu.

Biểu hiện, chẩn đoán hội chứng cai nghiện rượu

Người nghiện rượu hay lạm dụng rượu quá mức khi cai rượu đột ngột trong vòng một ngày sẽ có nhiều biểu hiện như dưới đây:

Họ sẽ cảm thấy thèm rượu mãnh liệt. Cảm giác ngày thì người cai rượu nào cũng trải qua. Cơn thèm rượu đến mức chi phối họ hoàn toàn. Trong mọi suy nghĩ và hành động của họ chỉ tập trung vào việc làm sao để có rượu nạp vào cơ thể. 

Người cai nghiện rượu đột ngột sẽ cảm thấy run tay chân. Biểu hiện này thường xuất hiện chỉ sau 2-3 tiếng ngừng uống rượu. Lúc này bệnh nhân khó giữ được thăng bằng, đi đứng loạng choạng khó khăn. 

Bệnh nhân sẽ cảm thấy lo lắng quá mức. Biểu hiện này có thể xuất hiện vào ngày thứ hai sau khi cai rượu. Lúc này bệnh nhân dễ lo lắng hoang tưởng và thường sợ điều xấu sẽ đến với họ. Lúc này bệnh nhân không còn tỉnh táo, dễ lú lẫn. Vào buổi tối thì tình trạng bệnh nhân lú lẫn sẽ tăng lên. 

Bệnh nhân sẽ có cảm giác chán ăn không muốn ăn gì và sẽ nôn, buồn nôn. Bệnh nhân có thể nôn hết thức ăn hoặc nôn khan. 

Nghiện rượu và hội chứng cai nghiện rượu3 Triệu chứng của chứng cai nghiện rượu có thể kéo dài từ nặng đến nhẹ.

Dấu hiệu nhịp tim nhanh, huyết áp cao, vã mồ hôi cũng xảy ra. Mạch của bệnh nhân nhanh trên 100 lần/phút, huyết áp nhảy vọt có thể lên tới 200mmHg và tăng giảm bất thường. Lúc này bệnh nhân có thân nhiệt tăng cao, có thể lên tới 39 độ C do mất nước, mất điện giải, run cơ. Đây là những triệu chứng thể hiện rõ nhất sau 24-36 giờ ngưng rượu. Tuy nhiên, những biểu hiện này chỉ là tạm thời và có thể biến mất sau 48 giờ. 

Một trong những triệu chứng rất hay gặp trong khi cai rượu là mất ngủ. Ngay từ tối đầu tiên cai rượu, bệnh nhân có thể có giấc ngủ chập chờn, ngủ nông và dễ gặp ác mộng, dễ thức dậy và cảm thấy mệt mỏi uể oải kéo dài. Tình trạng mất ngủ này không giảm đi mà lại kéo dài và càng khó ngủ hơn khi vào ngày thứ 3 và 5 sau cai rượu. Thậm chí bệnh nhân có thể bị mất ngủ hoàn toàn. 

Bệnh nhân cai nghiện rượu cần được theo dõi và xử lý vì các cơn co giật diễn biến bất ngờ và nguy hiểm. Các cơn co giật kiểu động kinh thường xuất hiện trong vòng 6-48 giờ ở bệnh nhân sau khi cai nghiện rượu. 

Tỷ lệ tử vong vì sảng rượu từ 1-2%. Sảng rượu được xem là một trong những cấp cứu về mặt tâm thần, nếu không được can thiệp sớm có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân có thể gặp những biến chứng tim mạch, chuyển hóa hoặc bị nhiễm trùng.

Tỷ lệ bệnh nhân bị hoang tưởng và ảo giác khá cao chiếm 85% bệnh nhân. Bệnh nhân cai rượu sẽ gặp ảo giác, hoang tưởng, ảo thanh và nội dung cũng phong phú như bị hãm hại, nhìn thấy ma quỷ, ghen tuông,…

Bệnh nhân dễ bị kích động tâm thần vận động. Bệnh nhân có thể có những biểu hiện như chửi bới, đập phá đồ đạc, la hét, đánh vợ con,… mục đích để có thể tiếp cận lại rượu. 

Cách điều trị nghiện rượu và hội chứng cai nghiện rượu

Đối với những bệnh nhân nghiện rượu nặng khi điều trị cai nghiện thường được phân vào khoa tâm thần điều trị nội trú. Thời gian này bệnh nhân được yêu cầu ngừng uống rượu đột ngột. Bác sĩ sẽ chỉ định và kê toa thuốc để điều trị và hỗ trợ để quá trình cai nghiện. Bác sĩ sẽ tiên lượng dự phòng để giảm hội chứng cai nghiện rượu.

Để điều trị hội chứng cai nghiện rượu, bác sĩ sẽ lựa chọn Benzodiazepin vì hiệu quả chống co giật, thời gian chuyển hóa kéo dài, an toàn hơn so với Chlormethiazole. Benzodiazepin sẽ tác động lên hệ thống dẫn truyền thần kinh giúp phòng và ngăn ngừa các biến chứng. Một số thuốc khác có thể dùng như Chlordiazepoxide Diazepam và Lorazepam. Tùy theo diễn tiến bác sĩ sẽ có phác đồ liều cao hoặc giảm dần liều sử dụng. Liều cao từ 20mg Diazepam trong 1-2 giờ để bệnh nhân an thần, sau đó dừng thuốc vì hiệu quả của thuốc sẽ giảm từ từ theo chuyển hóa. Với liều giảm dần từ 5-10mg Diazepam cho mỗi 4-6 giờ trong vòng 3 ngày đầu, sau đó tiếp tục giảm liều trong những ngày tiếp theo (khoảng 1 tuần).

Đối với Phenytoin không thấy có hiệu quả nổi bật hơn trong phòng chống các cơn co giật, nhưng lại có tác dụng làm giảm thiểu các cơn co giật liên tục hoặc co giật cục bộ. Phenytoin được áp dụng cho những bệnh nhân chấn thương sọ não hoặc có tiền sử bị động kinh. Trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương gan do rượu thì cần chế độ theo dõi đặc biệt hơn. Cần kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng hôn mê gan (não gan) nên sẽ được chỉ định dùng Oxazepam hoặc Lorazepam không có quá trình oxy hóa tại gan. Đối với những bệnh nhân không thể uống được có thể dùng tiêm bắp loại Lorazepam. 

Thông thường những bệnh nhân cai rượu bị hội chứng cai nghiện rượu có thể dẫn tới rối loạn điện giải, đặc biệt là trong giai đoạn sảng rượu. Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ chỉ số điện giải hằng ngày vì có thể mất 4-5 lít dịch/ngày. Chế độ ăn uống đủ nước và chất dinh dưỡng, bổ sung các yếu tố vi lượng và vitamin cho cơ thể là điều cần thiết đối với bệnh nhân. 

Trên đây chưa phải là toàn bộ những triệu chứng của hội chứng cai nghiện rượu. Hội chứng cai nghiện rượu thường rất đa dạng và có thể có nhiều trạng thái bệnh lý tiềm ẩn khác. Bệnh nhân muốn thoát khỏi tình trạng nghiện rượu thì việc đầu tiên đó là sự cố gắng nỗ lực của chính người bệnh. Chỉ có như vậy thì bác sĩ, gia đình và người thân mới có thể giúp họ vượt qua được tình trạng nghiện rượu.

Tuệ Nhi

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin