Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Thu Thủy
Mặc định
Lớn hơn
Rượu ảnh hưởng trực tiếp đến gan, dạ dày, tụy và túi mật, gây ra các bệnh như xơ gan, viêm tụy, viêm loét dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác động của việc uống quá nhiều rượu đến sức khỏe tiêu hóa, tham khảo ngay nhé!
Tiêu thụ rượu quá mức có thể gây ra nhiều vấn đề đáng lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng, gây ra khoảng 6% tổng số ca tử vong và đóng góp vào 5,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Rượu là yếu tố nguy cơ chính của hơn 200 loại bệnh, bao gồm xơ gan, viêm tụy và ung thư thực quản, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Hơn 50% số ca tử vong liên quan đến rượu bắt nguồn từ các bệnh lý tiêu hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ tác động của rượu đối với hệ tiêu hóa. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về quá trình chuyển hóa ethanol và các bệnh do rượu gây ra, tập trung vào gan, đường tiêu hóa, tuyến tụy và túi mật.
Gan đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển hóa ethanol khi xử lý khoảng 90% lượng rượu được đưa vào cơ thể. Ethanol được chuyển hóa thành acetaldehyde nhờ enzyme alcohol dehydrogenase (ADH), sau đó acetaldehyde tiếp tục chuyển hóa thành acetate và cuối cùng thành nước và carbon dioxide. Acetaldehyde là một hợp chất có độc tính cao. có thể gây tổn thương tế bào gan. Từ đó dẫn đến các bệnh lý như gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
Việc uống rượu kéo dài đẩy nhanh quá trình tổn thương gan. Ngoài ra, các yếu tố như đột biến gen và loại rượu tiêu thụ cũng ảnh hưởng đến mức độ tiến triển bệnh. Đáng chú ý, phụ nữ dễ bị tổn thương gan do rượu hơn nam giới do sự khác biệt trong chuyển hóa rượu và thành phần cơ thể.
Đường tiêu hóa là cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng của việc tiêu thụ rượu quá mức, gây ra nhiều tổn thương có thể hồi phục hoặc không thể hồi phục. Rượu có thể gây viêm niêm mạc miệng (stomatitis), bệnh nha chu và thay đổi hệ vi khuẩn khoang miệng.
Ở thực quản, rượu làm tăng nguy cơ viêm thực quản, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và ung thư thực quản, đặc biệt là khi kết hợp với hút thuốc lá. Trong dạ dày, rượu ảnh hưởng đến nhu động tiêu hóa và làm tổn thương niêm mạc, góp phần gây viêm dạ dày, loét dạ dày và thậm chí ung thư dạ dày.
Việc uống rượu thường xuyên cũng làm suy giảm chức năng hàng rào bảo vệ ruột, dẫn đến tình trạng “ruột rò rỉ” (leaky gut), mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và kém hấp thu chất dinh dưỡng. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ tiêu chảy kéo dài và ung thư đại trực tràng.
Việc lạm dụng rượu là một trong những nguyên nhân chính gây viêm tụy. Viêm tụy có thể xuất hiện dưới hai dạng gồm viêm tụy cấp và viêm tụy mạn. Tình trạng viêm tụy cấp xảy ra khi tiêu thụ quá nhiều rượu gây viêm nhiễm và tổn thương mô tụy. Trong khi đó, viêm tụy mạn đặc trưng bởi tình trạng viêm kéo dài, xơ hóa và suy giảm chức năng tụy.
Cơ chế gây viêm tụy do rượu rất phức tạp, liên quan đến tác động trực tiếp lên tế bào tụy và gián tiếp thông qua kích hoạt các phản ứng viêm và xơ hóa. Ngoài ra, lạm dụng rượu trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy, đặc biệt khi kết hợp với hút thuốc.
Uống rượu có liên quan đến nguy cơ gia tăng sỏi mật và các bệnh lý về túi mật. Rượu có thể làm thay đổi thành phần dịch mật, dẫn đến hình thành sỏi mật. Việc sử dụng rượu trong thời gian dài cũng có thể gây viêm túi mật (cholecystitis), làm trầm trọng thêm các bệnh lý túi mật sẵn có do gia tăng stress oxy hóa và kích thích tiết các cytokine gây viêm.
Rượu là yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhiều loại ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư thực quản, dạ dày và đại trực tràng. Quá trình chuyển hóa ethanol tạo ra acetaldehyde – một chất gây ung thư mạnh có khả năng gây tổn thương DNA, ức chế quá trình sửa chữa DNA và rút ngắn telomere, làm tăng nguy cơ ung thư.
Tiêu thụ rượu, đặc biệt khi kết hợp với hút thuốc lá, làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư biểu mô vảy thực quản và ung thư dạ dày. Rượu cũng có liên quan đến ung thư đại trực tràng thông qua cơ chế methyl hóa DNA do rượu gây ra.
Nhìn chung, việc uống rượu kéo dài gây ra nhiều tổn thương trên khắp hệ tiêu hóa, từ khoang miệng đến trực tràng. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào lượng và tần suất uống rượu, yếu tố di truyền và các yếu tố nguy cơ đi kèm. Ngoài ra, tương tác giữa rượu và các loại thuốc khác, đặc biệt ở phụ nữ, có thể làm trầm trọng thêm tác hại của rượu. Để bảo vệ sức khỏe tiêu hóa, cần phải kiểm soát lượng rượu tiêu thụ và phát hiện sớm các dấu hiệu tổn thương.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.