Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nguyên nhân bị amidan và các biện pháp phòng ngừa

Ngày 23/05/2024
Kích thước chữ

Viêm amidan hay được biết đến là viêm họng hạch, một tình trạng phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải. Vậy nguyên nhân bị amidan là gì, chẩn đoán và phòng ngừa ra sao?

Bạn đang gặp phải những triệu chứng như đau họng, khó nuốt, hoặc sốt cao? Có thể đó là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe phổ biến được gọi là viêm amidan. Trong nội dung này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá sâu hơn về nguyên nhân bị amidan và biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Viêm amidan là bệnh gì?

Amidan là khối mô mềm, là tổ chức lympho lớn nhất trong cơ thể người. Mỗi người có một cặp amidan, được bao phủ bởi lớp niêm mạc màu hồng.

Amidan được chia thành 4 loại, kết hợp với nhau tạo thành vòng ở họng, bao gồm:

  • Amidan khẩu cái có kích thước lớn nhất, hình oval, dễ nhìn thấy khi há miệng to. Đây là nơi dễ quan sát biểu hiện viêm amidan nhất.
  • Amidan lưỡi là một khối nằm ở đáy lưỡi, chứa ít tế bào lympho.
  • Amidan vòm (VA) nằm ở phía trên cùng của vòm họng, có hình tam giác.
  • Amidan vòi gồm 2 cái ở hai bên, chứa ít tổ chức lympho và ít bị ảnh hưởng.

Quá trình viêm là phản ứng của cơ thể, hoạt động chống lại các tác nhân gây tổn thương. Viêm amidan xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn tấn công, cơ thể phản ứng lại bằng quá trình viêm. Các triệu chứng điển hình bao gồm sưng, nóng, đỏ, đau tại amidan và đau cả vùng họng. Viêm amidan cấp tính thường gây khó chịu cho người bệnh do phản ứng viêm xảy ra mạnh mẽ.

Nguyên nhân bị amidan và các biện pháp phòng ngừa 1
 Viêm amidan xảy ra khi virus hoặc vi khuẩn tấn công cơ thể

Nguyên nhân gây viêm amidan

Nguyên nhân bị amidan thường gặp nhất là gì? Viêm amidan thường là do vi khuẩn (như liên cầu khuẩn, cầu khuẩn tan huyết nhóm A, các chủng vi khuẩn ái khí và yếm khí, tụ cầu khuẩn,…) và virus (như Influenza, Enterovirus, Parainfluenza, Adenovirus,…) xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ.
  • Tiêu thụ nhiều thực phẩm lạnh như kem, đá.
  • Môi trường sống ô nhiễm.
  • Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, khiến cơ thể khó thích nghi.

Triệu chứng viêm amidan thường gặp ở người bệnh bao gồm:

  • Amidan sưng đỏ, có thể xuất hiện dịch phủ màu trắng hoặc vàng gây hôi miệng.
  • Đau rát họng, xuất hiện vết loét hoặc phồng rộp trong họng.
  • Ho khan, giọng nói có thể bị thay đổi.
  • Sốt, ớn lạnh về chiều.
  • Sưng hạch ở cổ hoặc hàm.
  • Ở trẻ em, có thể xuất hiện đau bụng, nôn trớ, biếng ăn,…

Do amidan nằm ở hai bên thành họng, khi bị viêm, các triệu chứng sẽ xuất hiện chủ yếu ở khu vực này. Một số dấu hiệu phổ biến giúp nhận biết viêm amidan bao gồm:

  • Amidan hai bên sưng đỏ, bề mặt có thể phủ một lớp màng màu trắng hoặc vàng.
  • Đau họng, cảm giác đau tăng khi phát âm hoặc ăn uống.
  • Khó nuốt, đôi lúc cảm giác mắc nghẹn ở cổ họng.
  • Hơi thở có mùi khó chịu.
  • Khàn giọng, có thể có đờm.
  • Ho khan.
  • Nổi các hạch ở vùng đầu cổ có thể sờ hoặc nhìn thấy.
  • Sốt kèm cảm giác mệt mỏi, chán ăn.

Đối với trẻ nhỏ, viêm amidan đôi khi khó phát hiện do trẻ chưa thể mô tả cảm nhận của mình và thiếu hợp tác khi kiểm tra vùng họng. Một số dấu hiệu viêm amidan ở trẻ nhỏ mà người lớn nên chú ý bao gồm:

  • Chảy nước dãi hoặc không chịu ăn do đau khi nuốt.
  • Trẻ quấy khóc liên tục không ngừng kèm theo sốt cao.

Các biến chứng do viêm amidan thường gặp

Biến chứng tại chỗ

Biến chứng thường gặp nhất tại vị trí amidan là viêm tấy hoặc áp - xe amidan. Hiện tượng này thường xảy ra khi viêm amidan cấp tính không được điều trị kịp thời, dẫn đến tình trạng viêm tái phát nhiều lần và viêm nhiễm lan rộng. Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như đau họng khó nuốt, đau tai, họng sưng to, khó nói, hơi thở có mùi hôi, chảy nước bọt, đau đầu, sốt cao,...

Biến chứng chứng kế cận

Viêm amidan có thể làm ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh như tai, mũi, phế quản. Viêm amidan có thể kèm theo các bệnh như viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh - phế quản, viêm sưng tấy hoặc áp - xe hai thành bên họng,… Do đó, khi xuất hiện các biến chứng viêm kèm theo, bạn nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân bị amidan và các biện pháp phòng ngừa 2
Viêm amidan thường kèm theo viêm xoang

Biến chứng toàn thân

Bất kể nguyên nhân bị amidan là gì cũng có thể gây ra các biến chứng như viêm cầu thận, viêm khớp cấp, viêm màng ngoài tim cấp, viêm nội mạc tim, viêm cơ tim và nhiễm khuẩn huyết. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như nhức đầu, sốt cao, nôn mửa, nổi ban, nổi hạch, kèm theo các triệu chứng đặc trưng của bệnh. Ngoài ra, viêm amidan còn có thể gây hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ, amidan quá lớn gây khó nuốt, khó thở và khó phát âm.

Các phương pháp chẩn đoán viêm amidan

Viêm amidan có thể được chẩn đoán bằng các phương pháp sau:

Xét nghiệm vi sinh

Các xét nghiệm nuôi cấy bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện như:

  • Xét nghiệm GABHS: Có thể thực hiện thông qua nuôi cấy cổ họng đơn thuần hoặc kết hợp với xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Khi bác sĩ yêu cầu xét nghiệm kháng nguyên nhanh, bạn nên lưu ý rằng mặc dù xét nghiệm này có độ đặc hiệu cao (trên 88%) nhưng độ nhạy lại không cao (61 - 95%), có thể dẫn đến kết quả không chính xác (âm tính giả).
  • Xét nghiệm cấy dịch họng: Trong môi trường lâm sàng thích hợp, bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm từ hầu họng để xét nghiệm bệnh lậu, Chlamydia và HIV. Trong một số ít trường hợp, bệnh giang mai có thể gây viêm amidan và có thể sử dụng xét nghiệm RPR để xác định chẩn đoán.
Nguyên nhân bị amidan và các biện pháp phòng ngừa 3
Chẩn đoán amidan bằng xét nghiệm cấy dịch họng

Xét nghiệm bệnh tăng bạch cầu

Để chẩn đoán liệu nguyên nhân bị amidan có phải do virus Epstein-Barr hay không, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm bệnh tăng bạch cầu đơn nhân trung tính. Trong các trường hợp nhiễm trùng phức tạp, bao gồm bệnh nhân có sinh hiệu không ổn định, biểu hiện nhiễm độc, không thể nuốt, không thể dung nạp đường miệng hoặc bị cứng hàm, có thể cần tiến hành đánh giá sâu hơn.

Chẩn đoán bằng hình ảnh

Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện như nội soi hoặc chụp CT:

  • Chụp CT vùng cổ có tiêm thuốc cản quang để loại bỏ nguy cơ biến chứng như áp - xe, hội chứng Lemierre và viêm nắp thanh thiệt.
  • Có thể sử dụng nội soi tai mũi họng để chẩn đoán viêm amidan. Nội soi giúp bác sĩ quan sát trực tiếp và chi tiết vùng hầu họng, amidan, cũng như các cấu trúc liên quan khác. Phương pháp này giúp xác định mức độ viêm, phát hiện các biến chứng hoặc các bệnh lý kèm theo và đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.

Các biện pháp phòng ngừa viêm amidan bạn nên biết

Một số biện pháp có thể áp dụng để phòng ngừa viêm amidan như:

  • Tránh bị nhiễm lạnh: Thường xuyên che đầu và cổ bằng khăn, mặc đủ ấm khi thời tiết lạnh. Tránh uống nước đá và ăn kem khi cơ thể yếu hoặc khi thời tiết lạnh vì có thể dễ mắc bệnh.
  • Giữ vệ sinh răng miệng và mũi: Đánh răng và súc miệng thường xuyên, sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi nhằm ngăn ngừa các vi khuẩn và vi rút gây viêm nhiễm.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với đám đông hoặc ở những nơi có ô nhiễm để tránh hít phải khói, bụi và mầm bệnh gây viêm họng và amidan.
  • Kiểm tra và điều trị bệnh lý khác: Thực hiện kiểm tra định kỳ và điều trị các vấn đề về tai - mũi - họng hoặc răng - hàm - mặt để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và vi rút gây viêm amidan.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Rèn luyện thể chất thường xuyên, duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối và tránh tiếp xúc với người bệnh để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Nguyên nhân bị amidan và các biện pháp phòng ngừa 4
Mặc đủ ấm giúp phòng ngừa viêm amidan

Trên đây là những thông tin về nguyên nhân bị amidan, dấu hiệu, biến chứng, cách chẩn đoán và biện pháp phòng ngừa. Hy vọng những kiến thức trên đã giúp bạn có thêm những kinh nghiệm và lời khuyên hữu ích trong nhận biết và phòng ngừa viêm amidan.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin