Tình trạng đau đầu gối có thể xảy ra ở cả hai khớp gối hoặc khớp bên trái/phải. Bệnh hiện nay không còn quá xa lạ với nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chữa trị sao cho hiệu quả.
Đau khớp gối trái là bệnh gì?
Trước đây, bệnh đau khớp gối nói chung, đau khớp gối trái/phải thường phổ biến ở người lớn tuổi do xuất phát từ quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay bệnh lý này ngày càng trẻ hóa, đặc biệt xuất hiện ở người có lối sống thụ động, lười tập luyện thể dục thể thao.
Đáng nói, trong khi tỷ lệ đau khớp gối ở người trẻ gia tăng đáng kể nhưng nhiều người trẻ lại đang xem nhẹ triệu chứng đau này. Nếu đau khớp gối trái thì đó là dấu hiệu của bệnh gì? Dưới đây là những nguyên nhân:
Đau khớp gối trái là một trong những cơn đau phổ biến ở chân, xảy ra nhiều với người hay vận động, lao động hay khuân vác nhiều.
Do chấn thương
Chấn thương do tai nạn, dù mức độ nhẹ cũng có thể làm dây chằng, khớp gân, sụn, dịch khớp quanh gối bị ảnh hưởng, kéo theo đầu gối cũng sẽ bị đau nhức.
Viêm vùng khớp gối
-
Viêm bao hoạt dịch: Bao hoạt dịch là các sợi xơ mềm, ở bên trong bao khớp, có vai trò tiết dịch làm trơn, nuôi dưỡng sụn khớp. Khi viêm bao hoạt dịch sẽ kéo theo các triệu chứng đau nhức, cứng khớp gối.
-
Viêm gân bánh chè: Gân bánh chè giữ chức năng quan trọng giúp đôi chân hoạt động. Gân bánh chè bị viêm khi có các tổn thương ảnh hưởng đến phần dây chằng nối xương bánh chè đến xương ống quyển. Lúc này, tình trạng viêm gân bánh chè cũng sẽ kéo theo biểu hiện đau nhức khớp gối.
-
Viêm khớp gối: Khi khớp gối bị đau nhức, cùng với đó là triệu chứng sưng, đỏ là dấu hiệu cảnh báo bạn có thể đã bị viêm khớp gối.
Tổn thương tại khớp gối
-
Sụn hoặc xương bị vỡ: Các tổn thương hoặc quá trình thoái hoá khớp gối, xương sụn có thể làm một mảnh xương, sụn bị vỡ ra, tạo thành dị vật khớp, làm kẹt khớp gối, khiến khớp gối đau khi cử động.
-
Trật xương bánh chè: Xương bánh chè một khi bị trật khỏi vị trí ban đầu sẽ khiến khớp gối đau nhức, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
-
Do bệnh gout: Những người bị bệnh gout thường sẽ có biểu hiện đau khớp gối do acid uric lắng đọng ở các khớp xương chèn ép dây thần kinh cảm giác, gây ra đau.
Đau cả hai khớp gối hay chỉ bị ở một bên trái hoặc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây bệnh.
Đau khớp gối trái và một số triệu chứng đi kèm
Đau một bên đầu gối
Đau cả hai khớp gối hay chỉ bị ở một bên trái hoặc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây bệnh như chỉ xảy ra chấn thương ở một bên đầu gối, biến chứng viêm khớp gối chỉ xuất hiện một bên…
Đau đầu gối, không sưng
Là một biểu hiện lâm sàng của bệnh lý, hiện tượng đau nhưng không sưng thường có những triệu chứng đặc thù, xuất hiện ở những thời điểm và thời gian nhất định.
- Buổi sáng sau khi ngủ dậy, mỗi lúc vận động, di chuyển... người bệnh cảm thấy đau nhức vùng khớp gối;
- Lúc đầu, khớp gối chỉ đau âm ỉ, dần dần mức độ đau tăng mạnh và càng dữ dội hơn khi co/duỗi thẳng khớp gối;
- Tình trạng khớp gối đau nhưng không sưng có thể lan xuống khu vực bắp chân, mu bàn chân, thậm chí lan đến gót chân sau;
- Người bệnh có cảm giác nóng ran, ê buốt ở vùng khớp gối, xương đầu gối trước và trong quá trình đau.
Đau mỗi khi đứng lên, ngồi xuống
Hầu hết bệnh nhân đau khớp gối đều cảm thấy bị đau mỗi khi đứng lên hoặc ngồi xuống. Đó là do động tác đứng lên/ngồi xuống gây tác động trực tiếp đến vùng khớp gối khiến các cơn đau càng tăng mạnh.
Cách trị đau khớp gối nhanh nhất
Một số cách trị đau khớp gối tại nhà rất đơn giản nhưng hiệu quả tối đa, tiết kiệm chi phí và thời gian bệnh nhân có thể áp dụng:
Lá đu đủ và muối hột là một trong số cách trị đau khớp gối tại nhà rất đơn giản nhưng hiệu quả tối đa.
Lá đu đủ và muối hột
Nguyên liệu: Chuẩn bị một lá đu đủ tươi và muối hột với lượng vừa đủ.
Cách thực hiện: Rang nóng muối hột rồi cho vào một miếng vải sạch buộc lại. Dùng lá đu đủ tươi lót lên vùng khớp gối bị sưng đau, sau đó đặt miếng vải có bọc muối hột đã rang nóng đắp lên phía trên.
Khi muối hết nóng thì lại rang tiếp. Thực hiện cách này 2-3 lần/ngày để giảm đau khớp gối hiệu quả.
Hạt cải bẹ trắng và giấm
Đau khớp gối đắp gì cho hết đau? Bạn hãy áp dụng cách chữa dân gian bằng hạt cải bẹ trắng và giấm để giảm đau, giảm sưng viêm rất tốt nhé. Hạt cải bẹ trắng được dùng xoa bóp điều trị sưng đau khớp gối do chấn thương và cho thấy rất hiệu quả.
Cách thực hiện: Giã nát hạt cải bẹ trắng, sau đó trộn cùng với giấm và ngâm hỗn hợp này trong khoảng thời gian 1 ngày. Dùng hỗn hợp đã ngâm này xoa bóp trực tiếp vào vị trí khớp gối đang bị đau 3 - 4 lần/ngày sẽ đạt được kết quả như mong muốn.
Lá mướp hương
Lá mướp hương được đánh giá có công dụng rất tốt trong việc giảm sưng, đau khớp gối.
Cách thực hiện: Rửa sạch lá mướp hương, giã nát lá cùng với chút muối trắng hạt to. Sau đó đắp hỗn hợp này lên vùng khớp gối sưng đau, xoa bóp nhẹ nhàng trong 15 - 30 phút. Thực hiện 2 lần/ngày, liên tục trong 1 tuần bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Rượu hạt gấc
Phơi khô 15 - 20 nhân hạt gấc rồi giã nhỏ, dùng ngâm với 1 lít rượu trắng 40 độ. Đậy kỹ nắp rồi để nơi khô ráo, thoáng mát, sau 15 ngày có thể dùng xoa đều lên vùng gối nhức mỏi, vừa xoa vừa nắn bóp khoảng 15 phút. Sau một tuần thực hiện đều đặn, chỗ sưng đau sẽ có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, bệnh nhận có thể tẩm rượu gấc này vào miếng bông rồi đắp lên đầu gối, sau đó dùng băng gạc cố định lại, thực hiện 1 lần/ngày, mỗi lần 30 phút.
Dầu dừa có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, đặc biệt là điều trị đau khớp.
Dầu dừa
Dầu dừa không chỉ dùng để dưỡng da, làm mềm da đâu nhé. Nó còn có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, đặc biệt là điều trị đau khớp. Đun ấm dầu dừa, sau đó massage nhẹ nhàng vùng đầu gối bị đau. Điều này sẽ giúp dầu dừa thấm sâu vào vùng khớp gối, kích thích máu lưu thông và làm giảm đau đầu gối hiệu quả.
Bệnh nhân đau khớp gối cần nhớ là những liệu pháp chữa đau khớp gối phải ở mức độ nhẹ tại nhà này chỉ giảm đau chứ không giúp điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Do đó, khi thấy bệnh tiến triển theo chiều hướng nặng lên thì bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo phác đồ phù hợp.
Dựa trên nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê các loại thuốc sau cho bệnh nhân:
-
Thuốc giảm đau thông thường;
-
Thuốc kháng viêm không Steroid;
-
Thuốc chống thấp khớp DMARD;
-
Thuốc Corticoid;
-
Thuốc làm giảm acid uric;
-
Thuốc Glucosamine và Chondroitin.
Khi tiến hành điều trị bằng thuốc, bệnh nhân phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng để tránh gặp phải tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng các phương pháp điều trị khác thì bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân bị đau khớp gối nặng tiến hành phẫu thuật loại bỏ những gai xương, mảnh sụn vỡ, cấy ghép sụn nhân tạo hoặc thay thế khớp.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp