Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân gây hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em là do đâu?

Ngày 06/08/2023
Kích thước chữ

Bàn chân bẹt ở trẻ em là một vấn đề bất thường và cần được bố mẹ đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Đây là một tình trạng ảnh hưởng đến cấu trúc bàn chân khiến cho chân không cân đối và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe ở trẻ trong tương lai. Do đó, bố mẹ nên lưu ý tới các triệu chứng bệnh để phát hiện kịp thời và có biện pháp khắc phục sớm.

Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em là một dị tật khá phổ biến, nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh lý này sẽ gây ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp và khả năng vận động của bàn chân, cũng như gây ra những cơn đau nhức khó chịu cho trẻ. Vậy cách để nhận biết bàn chân bẹt ở trẻ em là gì và làm thế nào để điều trị hiệu quả? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Bàn chân bẹt ở trẻ em là như thế nào?

Vòm bàn chân được cấu tạo từ các cơ và dây chằng nối xương ở phần giữa, trước và sau nhằm giữ chặt bàn chân. Thời gian đầu, hầu hết trẻ sơ sinh đều có bàn chân bẹt do cấu trúc bàn chân chủ yếu là các mô mềm và chưa phát triển đủ. Tuy nhiên, khi trẻ đến độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi, vòm bàn chân bắt đầu phát triển và hoàn thiện. Ở giai đoạn này, nếu lòng bàn chân vẫn không lõm và không có vòm, trẻ có thể bị mắc chứng bàn chân bẹt.

Bàn chân bẹt ở trẻ em là tình trạng bất thường khi lòng bàn chân của bé bị phẳng, không có vòm lõm như bình thường. Trong giai đoạn tập đi, hệ xương của trẻ phát triển mạnh mẽ, và phần lớn trẻ sẽ phát triển bình thường với lòng bàn chân lõm dần theo thời gian. Tuỳ vào mỗi trẻ sẽ có độ lõm lòng bàn chân nhất định, tuy nhiên, một số trẻ có hệ cơ xương bàn chân không phát triển cân đối, gây ra hội chứng bàn chân bẹt. Khi bé đi trên cát hay chân ướt đi trên nền, dấu chân không có chỗ khuyết như người bình thường.

Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em 1
 Lòng bàn chân của bé bị phẳng, không có vòm lõm như bình thường

Nguyên nhân gây bệnh bàn chân bẹt ở trẻ em

Trẻ em có thể bị bàn chân bẹt do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Dị tật bàn chân bẩm sinh: Có thể do di truyền nếu ba mẹ có tiền sử bị hội chứng bàn chân bẹt.
  • Mô liên kết ở chân bị sưng và kéo giãn: Do hoạt động quá sức, mang giày không phù hợp, chấn thương, béo phì.
  • Dây chằng lỏng lẻo: Dây chằng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình vòm cong bàn chân. Khi dây chằng lỏng lẻo, các xương bàn chân không được cố định tốt sẽ dẫn đến mất vòm cong bàn chân.
  • Hai chân dài không bằng nhau: Nếu một bên bàn chân dài hơn bên còn lại, bàn chân của bên chân dài hơn sẽ có vòm phẳng hơn nhằm tạo sự cân bằng. Đây cũng là nguyên nhân gây nên cong vẹo cột sống.
  • Mất mô liên kết trong cơ thể: Có thể là kết quả của các hội chứng như hội chứng Ehlers-Danlos và hội chứng tăng động khớp.
  • Mắc các bệnh liên quan đến cơ và dây thần kinh: Bại não, nứt đốt sống, loạn dưỡng cơ cũng có thể gây ra bàn chân bẹt.
Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em 2
Những nguyên nhân gây bàn chân bẹt ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu nhận biết bàn chân bẹt ở trẻ em

Để nhận biết hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em, bố mẹ có thể chú ý đến những điểm sau:

  • Lòng bàn chân trẻ phẳng lì: Khi nhìn vào lòng bàn chân của trẻ, nếu thấy phần vòm của bàn chân áp cạnh xuống đất khi trẻ đi đứng, có thể đó là dấu hiệu bàn chân bẹt.
  • Góc cạnh mắt cá chân cong: Khi đặt trẻ đứng quay mặt vào tường, bạn nên quan sát góc cạnh mắt cá chân của con. Nếu góc này cong khá nhiều và khớp gối có xu hướng chụm vào nhau, đó có thể là dấu hiệu bàn chân bẹt.
  • Dấu chân không có hõm cong: Trẻ có bàn chân bẹt khi in hình bàn chân lên cát hoặc giấy trắng (sau khi làm ướt lòng bàn chân trẻ bằng nước màu), dấu in sẽ hiện rõ toàn bộ bàn chân mà không có vòm lõm.
  • Các cơn đau và khó khăn khi chơi thể thao: Trẻ bị bàn chân bẹt có thể thường xuyên phàn nàn về các cơn đau ở bàn chân, mắt cá, đầu gối hoặc có biểu hiện vụng về trong khi chơi thể thao.
  • Dáng đi khác thường: Bàn chân bẹt ở trẻ em có thể khiến chân bước đi theo hình chữ V, không được thẳng như các trẻ khác. Cổ chân cũng có xu hướng xoay vòng trong hoặc xoay đổ ra ngoài.

Những dấu hiệu trên có thể giúp phụ huynh nắm bắt kịp thời và đưa bé đi kiểm tra sức khỏe. Việc phát hiện và chữa trị kịp thời bàn chân bẹt ở trẻ em là rất quan trọng để trẻ có cơ hội phát triển toàn diện và tránh những vấn đề sức khỏe trong tương lai.

Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em 3
Dấu chân đi trên cát của trẻ in dấu toàn bộ bàn chân

Điều trị hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị bàn chân bẹt ở trẻ em, tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây ra tình trạng này. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến cho bàn chân bẹt ở trẻ em:

  • Đế chỉnh hình: Đây là dụng cụ đặc biệt được thiết kế phù hợp với kích cỡ bàn chân bé. Đặt đế chỉnh hình vào giày dép của trẻ sẽ giúp nâng đỡ bàn chân, tái tạo vòm bàn chân và hạn chế các biến chứng do bàn chân bẹt gây ra.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập co giãn cơ, lăn chân với bóng, kéo giãn gót chân có thể giúp cải thiện khả năng vận động và cân đối của cơ xương chân.
  • Phẫu thuật: Trong những trường hợp nghiêm trọng và không thể cải thiện bằng các phương pháp trên, phương pháp phẫu thuật có thể được cân nhắc để chỉnh sửa cấu trúc xương và mô mềm của chân nhằm tránh những biến chứng về sau.
Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em 4
Thực hiện các bài tập giãn cơ để hỗ trợ điều trị bàn chân bẹt

Bàn chân bẹt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ cơ xương khớp của trẻ, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Việc phát hiện và điều trị kịp thời bàn chân bẹt ở trẻ em là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bình thường và tránh các biến chứng trong tương lai. Hi vọng qua bài viết này, bố mẹ sẽ đã có thêm những thông tin cần thiết để chăm sóc bé con nhà mình một cách tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin